6:35 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

SỰ HÌNH THÀNH NAM KỲ LỤC TỈNH / ĐỒ̀NG NAI CỮU LONG - Nguyễn Thanh Liêm

18 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 19978)

LTS: Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm là chủ tịch hội Lăng Ông - Lê Văn Duyệt Foundation. Ông trình bày bài thuyết trình sau đây nhân ngày khai mạc Tuần Lễ Văn Hóa Miền Nam tại Hội Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation vào trưa thứ Bảy, ngày 3 tháng Giêng 2009.
 
Tuần Lễ Văn Hóa Miền Nam mở cửa trong tuần từ 11 giờ trưa đến 7 giờ chiều, cuối tuần từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, cho đến ngày 10 tháng Giêng. Chương trình gồm có triển lãm văn hóa, các bài nói chuyện của các diễn giả, và văn nghệ. Trụ sở mới của Hội tọa lạc tại 15361 Brookhurst St #207, Westminster, CA 92683Điện thoại (714) 721-0878.
Để quý độc giả tiện tham khảo, Nhật báo Viễn Đông đăng tải nguyên văn bài thuyết trình của Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm.

MienTay_06_ThuyenTrenSong.jpgĐồng Nai Cửu Long là tên hai hệ thống sông lớn ở Miền Nam nước Việt. Khi nói vùng Đồng Nai Cửu Long là người ta muốn nói đến tất cả các tỉnh nằm trong vùng đất bao quanh hai hệ thống sông lớn này. Đó là các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam phần, từ Bình Thuận vào đến Cà Mau. Dưới thời vua Gia Long và phần đầu của thời vua Minh Mạng (1802-1832), cả vùng này được gọi là Trấn Gia Định mà Tả Quân Lê Văn Duyệt là người hai lần được bổ nhiệm làm Tổng Trấn ở đây. Năm 1932, sau khi Lê Văn Duyệt mất, Gia Định Trấn mới bị bãi bỏ, Miền Nam được chia thành 6 tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Địa danh Nam Kỳ Lục Tỉnh có từ đó.
 
Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp gọi vùng này là Cochinchine hay Nam Kỳ. Đây là vùng thuộc địa của Pháp, và lục tỉnh được chia làm 21 tỉnh (với các chữ đầu là Gia Châu Hà Rạch Trà, Sa Bến Long Tân Sóc, Thủ Tây Biên Mỹ Bà, Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc Cắp). Thời Việt Nam Cộng Hòa, vùng này là Miền Nam Việt Nam và bao gồm các tỉnh Miền Đông (Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, Phước Tuy, Gia Định), và các tỉnh Miền Tây Nam Phần (Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Hậu Nghĩa, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Long An, Chương Thiện, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Gò Công, An Xuyên, Bạc Liêu, Ba Xuyên). Chính phủ hiện thời dùng chữ Nam Bộ thay vì Nam Phần và cũng phân biệt Miền Đông (hay vùng Đồng Nai với các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An) và Miền Tây (hay đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Cửu Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải).
 
Khi Nguyễn Hoàng được cử vào cai quản Thuận Hóa (1558) thì đất đai của nước Việt về phía Nam chỉ có đến Phú Yên. Từ đó đến Bình Thuận còn là lãnh thổ của Chiêm Thành hay Champa. Nhưng từ lúc xứ Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) của Chúa Nguyễn bắt đầu thành hình thì cũng là lúc Chiêm Thành khởi sự suy yếu dần. Xứ Đàng Trong càng lớn mạnh lên bao nhiêu thì xứ Chiêm Thành càng yếu đi và càng nhỏ lại bấy nhiêu. Cho đến cuối thế kỷ thứ XVII thì nước Chiêm Thành kể như không còn nữa và dân tộc Chăm trở thành người dân thiểu số trong cộng đồng người Việt. Biên giới phía Nam của nước Việt bấy giờ là vùng Bình Thuận, và nước láng giềng về phía này của Việt Nam là nước Chân Lạp (tức Kampuchea hay Cao Miên) của người Khờ Me (tức người Miên như người trong Nam thường gọi). Vùng Đồng Nai Cửu Long lúc này thuộc về Chân Lạp.
 
Thật ra đất Đồng Nai Cửu Long chỉ có thuộc về Chân Lạp trên danh nghĩa thôi, trong thực tế người dân Khờ Me không có mặt nhiều trên phần đất này. Người dân Khờ Me chỉ sinh sống ở một vài nơi thưa thớt, rải rác trên vùng đất cao, hoang vu mênh mông ở vùng Hậu Giang của đồng bằng sông Cửu Long. Ở vùng Đồng Nai thì có các bộ lạc người Mạ và người Xtiêng sinh sống, cũng rải rác, cũng thưa thớt trong vùng đất mênh mông hoang vu vậy. Triều đình Chân Lạp chưa có thiết lập các cơ quan hành chánh cai trị hay những đồn binh quân sự trấn đống để bảo vệ đất đai và dân chúng của họ trên vùng đất này. Đối với người dân Việt, những đất đai mênh mông hoang vu ở đây là đất vô chủ, không ai để ý tới, không ai dòm ngó, kiểm soát. Vả lại, ranh giới giữa hai nước (Việt - Chân Lạp) không có gì rõ ràng, ranh giới giữa các sắc tộc sinh sống rải rác trên vùng đất này (xem như vùng trái độn) lại càng mơ hồ, co giãn, biến thiên hơn. Trong tình huống đó, và với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, người Việt không ngần ngại gì mà không vào vùng đất hoang vu mới mẻ này để phá rừng, dọn đất, trồng trọt, mưu sinh, lập nghiệp. Mô Xoài là nơi mà người Việt đã đến khai phá, định cư sớm nhất. Mô Xoài tức là Bà Rịa bây giờ. Các sách Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn cho rằng xứ Mô Xoài là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang Miền Nam nước Việt.
 
Đây chỉ là những bước đầu lẻ tẻ, chập chững của những người đi tiên phong trong công cuộc mạo hiểm vào vùng đất mới lạ. Phải đợi một cơ hội thuận tiện nào đó để việc mở rộng về phương Nam trở thành phong trào mạnh mẽ, có tính cách quy mô hơn. Cơ hội đó là sự cầu thân của vua Chân Lạp Chey Chetta II với Chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1620. Sử Khờ Me ghi là sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công chúa xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát (tức công chúa Ngọc Vạn) có đem nhiều đồng hương sang Chân Lạp. Có người làm quan trong triều, có người làm thủ công, có người buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Theo hồi ký của giáo sĩ Chistofo Borri, một người Ý đã sống gần Qui Nhơn từ 1618 đến 1622, thì chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại quân Xiêm. Borri cũng tả rõ phái đoàn quan quân Việt Nam đưa công chúa Ngọc Vạn về Oudong như sau: ”Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khờ Me, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.”
 
Về phương diện xã hội, việc công chúa Ngọc Vạn theo chồng về Miên có thể được xem như là một sự mở đầu cho những bành trướng lãnh thổ quy mô về phương Nam của dân tộc Việt. Theo chân Ngọc Vạn công chúa lưu dân người Việt càng ngày càng vào Nam lập nghiệp nhiều hơn. Với chính sách khuyến khích khéo léo của chính quyền, làn sóng vào Nam càng lúc càng bành trướng mạnh mẽ. Về phương diện chính trị ngoại giao, cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chey Chetta II là bước mở đầu cho mối liên hệ ngoại giao giữa hai dân tộc Việt-Khờ Me, một mở đầu hết sức quan trọng đối với triều Nguyễn và người dân Đàng Trong. Từ đây triều Nguyễn luôn luôn sẵn sàng để hoặc giúp đỡ/viện trợ, hoặc can thiệp vào nội tình Chân Lạp. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn tiến lên xứ Miên làm một công ơn gì đó đối với Chân Lạp là mỗi lần triều đình Chúa Nguyễn được đền đáp bằng một số đất đai để hợp thức hóa những nơi lưu dân người Việt đã từng vào khai phá. Những sự kiện lịch sử sau đây đánh dấu những bước tiến trong quá trình hoàn thành vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh theo lối “dân đi trước chính quyền đến sau”.
 
Những giai đoạn Nam tiến kể từ năm 939
 
- Hai năm sau khi Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Chân Lạp, năm 1623, chúa Nguyễn sai phái bộ tới Oudong yêu cầu vua Chey Chetta II cho chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Chân Lạp. Từ khi có các đồn thu thuế của chúa Nguyễn, vùng này đã trở nên vùng thị tứ trên bến dưới thuyền rất là sầm uất.
 
- Năm 1658 triều đình Chân Lạp có nội biến, thái hậu Ngọc Vạn đã khẩn cầu Chúa Nguyễn là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần giúp quân đánh dẹp Nặc Ông Chân dành lại ngôi báu cho dòng họ Prea Outey. Chúa Hiền, cháu kêu thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, cho quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3,000 quân qua giúp bắt được Nặc Ông Chân giải về Quảng Bình. “Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì.” (Gia Định Thông Chí, trung, tr.7). Đất ấy đây là vùng Mô Xoài, chính thức thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đó.
 
- Sang năm 1674 Nặc Ông Đài lại liên kết với Xiêm La chống Đại Việt. Chúa Nguyễn là Hiền Vương cử cai cơ Nguyễn Dương Lâm đem quân đánh chiếm Sài Gòn và tiến lên Nam Vang. Chúa Nguyễn làm chủ tình thế cả vùng Đồng Nai.
 
- Năm 1679 trấn thủ Quảng Đông là Dương Ngạn Địch cùng với phó tổng binh Hoàng Tiến, và tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên cùng phó tổng binh Trần An Bình đem 3000 quân Trung Hoa (nhà Minh) với 50 chiến thuyền trốn quân Thanh chạy sang Việt Nam xin làm thần dân của Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần dung nạp họ và cho người hướng dẫn họ đến vùng đất mới trong Nam để định cư sinh sống. Nơi đây đã có một số người lưu dân Việt khai phá. Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa khai khẩn đất đai, thiết lập phố xá bán buôn., phát triển nông nghiệp và thương nghiệp cùng với người lưu dân Việt ở hai nơi này. Cùng lúc đó ở Cà Mau, một cựu thần khác của nhà Minh là Mạc Cửu cũng trốn quân Thanh sang đây khai khẩn lập nghiệp.
 
- Năm 1698 Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh làm kinh lược đất Chân Lạp. Năm 1699, Nguyễn Hữu Cảnh đem binh lên tận Nam Vang để can thiệp và trở về vào khoảng tháng Tư năm sau. Trên đường về ông cho quân sĩ theo dòng Tiền Giang, trú đóng tại Cái Sao (vùng chợ Thủ của Long Xuyên). Một số quân sĩ bị phát bịnh dịch và chính ông cũng bị nhiễm bịnh và mất hai ngày sau khi quân ông rút khỏi vùng này. Một số binh sĩ hoặc bị bịnh hoặc tình nguyện ở lại vùng Cái Sao khai khẩn đất đai sinh sống trước khi vùng này được vua Cao Miên nhường cho Chúa Nguyễn. Họ được gọi là người dân Hai Huyện, trực thuộc phủ Gia Định từ xưa. (Xem Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam của Sơn Nam, tr. 23).
 
- Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân hành quân sang Cao Miên đánh quân Xiêm, trên đường về trú quân ở Vũng Gù (nay là Tân An), khai khẩn đất hoang, cho lập đồn binh và cho đào kinh cho rạch Vũng Gù ăn thông sang rạch Mỹ Tho, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua Tiền Giang.
 
- Năm 1708 Mạc Cửu dâng cả vùng mới khai khẩn ở Cà Mau xin hàng phục Chúa Nguyễn. Vùng này gồm các ấp vừa lập từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá đến Cà Mau. Hà Tiên trở thành một thương cảng quan trọng trong vùng. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu làm tổng binh, giữ đất Hà Tiên.
 
- Năm 1732 lưu dân người Việt bị quân Miên tấn công. Chúa Nguyễn là Ninh Vương cử Trương Phúc Vĩnh đem quân vào dẹp yên. Vua Chân Lạp là Nặc Tha nhường Me Sa (Mỹ Tho) và Long Hồ cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lấy đất Long Hồ lập thành châu Định Viễn (Vĩnh Long) và đặt dinh Long Hồ.
 
- Năm 1753 Nguyễn Cư Trinh đem quân sang đánh Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận bèn dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (Gò Công và Tân An) để cầu hòa. Bốn năm sau Nặc Nguyên mất, Chân Lạp có nội biến. Chúa Nguyễn cử Mạc Thiên Tứ đưa em họ của Nặc Nguyên là Nặc Tôn lên ngôi. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (gồm An Giang và một phần Vĩnh Long) để tạ ơn Chúa Nguyễn và năm phủ ở vùng Hà Tiên cho Mạc Thiên Tứ. Năm phủ này được sát nhập vào trấn Hà Tiên.
 
NhaDan6_SFW.jpgĐến đây kể như vùng Đồng Nai Cửu Long đã trọn vẹn thuộc về Việt Nam, và thuộc về Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII người Việt Nam mất 150 năm để tiến vào và mở mang vùng đất hoang vu mới mẻ này.
 
Trước khi người Việt đến vùng Đồng Nai khai khẩn thì nơi đây còn là cả một vùng “toàn rừng rậm mấy nghìn dặm” theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn. Vùng rừng rậm hoang vu này là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi chung là người “Man” theo tiếng Hán Việt hay nôm na là người “Mọi.” Đó là các dân tộc thiểu số người Mạ, người Xtiêng, người Mnông, Người Cơho, người Churu, v.v.. Trong các nhóm này quan trọng hơn hết là người Mạ ở vùng Mô Xoài Bà Rịa, người Xtiêng ở vùng Biên Hòa, Bình Dương và người Khờ Me ở Tây Ninh. Dân tộc Mạ hay Châu Mạ (Châu theo tiếng Mạ có nghĩa là người) nói tiếng nói thuộc nhóm Môn – Khờ Me. Địa bàn sinh sống của Châu Mạ ngày xưa là cả vùng Đồng Nai xuống đến Mỹ Tho (theo Bình Nguyên Lộc). Dân tộc Mạ mà người Việt thường gọi là Mọi Bà Rịa, thạo nghề dệt vải có hoa văn đẹp, ở nhà sàn dài, có tục cà răng và xâu lỗ tai lớn. Họ rất hiền hòa, thường bị người Xtiêng và người Miên bắt đem bán làm nô lệ ở các nơi. Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn ghi: “Từ các cửa biển như Cần Giờ, Xoài Rạp . . . đi vào toàn là những đám rừng hoang vu đầy cỏ rậm, mỗi đám rừng có thể rộng hơn nghìn dặm. . . Nhà Nguyễn cho dân được tự nhiên chiếm đất. . . Lại cho họ thâu nhận những người Mọi từ trên đầu nguồn xuống để mua làm đầy tớ, đứa ở, sai khiến, hầu hạ. . .”
 
Dân tộc Mạ hiện có khoảng 20,000 người cư ngụ ở vùng cực Nam Tây Nguyên, phía Nam tỉnh Lâm Đồng, và một số ở Đắc Lắc.
Người Xtiêng cư trú trong vùng các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa. Tiếng nói của họ có nhiều nét gần gũi với tiếng Mnông, Cơho, Mạ, nằm trong nhóm Môn - Khờ Me. Họ để tóc dài, búi đằng sau gáy, đeo bông tai bằng cây hay bằng ngà, xăm mặt, xăm mình, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Địa chí Thủ Dầu Một ấn hành năm 1910 gọi dân tộc Xtiêng là Mọi hoang, Mọi Cà Răng, Mọi Việt hay Mọi Đồng Nai. Dân tộc Xtiêng hiện nay có khoảng 40,000 người quần tụ vùng biên giới Tây Nam, ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
 
Ở Hậu Giang, vùng Trà Vinh – Sóc Trăng có nhiều người Miên hơn ở Miền Đông Nam Phần. Những sóc người Miên này sống cách biệt với triều đình Kampuchea. Khi người Việt vào khai khẩn vùng Hậu Giang thì người Việt và người Miên cùng cộng cư, và sau này khi toàn cõi Nam Việt thuộc về Chúa Nguyễn thì những người Miên này trở thành người dân thiểu số trong cộng đồng người Việt.
 
Vùng Đồng Nai, vùng cư trú của hai sắc dân Xtiêng và Mạ là vùng đệm giữa hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Vào đầu thế kỷ XVII, đất đai vùng này quá rộng mà người thì quá ít cho nên dân cư quá thưa thớt, và phần lớn đất đai là rừng rú hoang vu đầy muôn thú. Khi người Việt bắt đầu vào khai khẩn đất hoang vùng này thì người Mạ, người Xtiêng và một ít người Khờ Me (ở phí Tây Tây Ninh) từ từ rút lui dần về vùng đất cao ở phí Bắc và phía Tây, nhường đất thấp ở phía Nam cho người lưu dân mới đến khai phá. Người Việt thành thạo hơn trong việc khai khẩn đất đai, trồng lúa nước ở đất thấp (gọi là thảo điền), trong khi người sắc tộc thiểu số thì thành thạo trong việc săn bắn và làm rẫy trên các ruộng cao hay giồng (sơn điền). Đất rộng mênh mông hoang vu, và lại là đất thấp không mấy thích hợp với thổ dân, là hai điều kiện vô cùng thuận lợi cho người lưu dân Việt vào vùng Đồng Nai khai hoang sinh sống mà không gặp một sự chống đối nào.
 
Số ít người Việt đầu tiên vào đây khai phá không biết là ai, không biết họ bắt đầu vào làm công việc đó từ lúc nào, không có một ghi chép nào để lại tên họ gốc gác của những người đó. Theo các sách sử sau này thì chắc chắn họ đã vào vùng Đồng Nai khai khẩn sinh sống rất sớm, ngay từ lúc Nguyễn Hoàng vừa vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Hoài Đức cho là từ đời các “tiên hoàng đế” tức là từ thời các chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phước Nguyên.
 
Những người đầu tiên vào đây là những người tự nguyện chứ không phải là những người được chính quyền đưa đến hay bị lưu đày. Lúc này chính quyền chưa chính thức áp dụng biện pháp di dân vào Nam được. Lưu dân lúc này có thể là những người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức, những người chạy trốn chiến tranh loạn lạc, những người không sống được trong xã hội đương thời, phải mạo hiểm tìm đường sinh sống ở vùng đất mới. Họ có thể đến từ Miền Bắc hay Miền Trung. Nhưng phần đông chắc là người Miền Trung, người Đàng Trong nhiều hơn, nhất là những người vùng Thuận Quảng. Sau đợt tình nguyện đầu tiên, nhất là sau sự kiện Ngọc Vạn công chúa, chúa Nguyễn bắt đầu áp dụng chính sách đưa dân quân vào Nam mỗi ngày một triệt để hơn. Theo Philippe Papin thì:
Cuộc tranh chấp giữa hai phủ chúa thù nghịch đóng kín ranh giới, cho nên cuộc “Nam tiến” trở thành một hiện tượng của riêng lãnh địa nhà Nguyễn ; nước Việt Nam “mới” còn đi xa hơn nữa, nhưng từ nay là người miền Trung sẽ tiến vào miền Nam bao la của nước Việt, bắt đầu được khai thác đúng vào lúc nước Việt đứt đoạn... Mong muốn kiểm soát một không gian ngày càng rộng lớn, các chúa Nguyễn bèn áp dụng một chính sách cư dân triệt để: các viên chức được lệnh tập hợp tất cả những người vô gia cư, tất cả những ai không có tên trong sổ bộ làng xã, đưa vào các tỉnh miền Nam mới chiếm được của Kampuchea. . .
 
Giáo sư Nguyễn Đăng Thục ghi lại lời của Jules Sion trong “L'Asie des Moussons” về cuộc bành trướng của dân Việt về phương Nam như sau:
Cuộc bành trướng của dân Việt là một sự đồng hóa thật sự. Tính chất đó giải thích vì sao người Việt bành trướng chậm nhưng rất chắc chắn. Cao Miên và Lào quốc đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù binh đem về làm nô lệ, lại có một giai cấp quí tộc thống trị cho nên có cướp được đất cũng để mất ngay.
Mục đích của người Việt lại khác. Họ không cần bắt nô lệ, họ làm lấy. Đối với họ thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cày.
Nhiều khi chiến tranh chỉ là để xác nhận một tình thế đã rồi. Dân Việt bành trướng một cách ôn hòa, sinh cơ lập nghiệp rồi sau binh lính mới tới. Trước khi Việt Nam sáp nhập đất Nam kỳ về mình, người Việt đã lập ở đây những tổ chức, những đám di dân đã xây dựng làng xóm hay là tới ở chung với người Mên, rồi lần lần nắm quyền chính.
Cuộc bành trướng thực hành bằng cách đưa đến những đám người liên tiếp, đủ các hạng: dân cày không có ruộng, tù tội, kẻ chống đối chế độ hay là quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chính phủ thu thập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm lãnh, hay là lập đồn điền nơi biên thùy để phòng bị lân bang tới đánh. Những người ấy có quan lại cai trị và họ lập thành làng mạc. (Dòng Việt, số 17, tr.68-69).
 
Ngoài những người dân Việt từ vùng Thuận Quảng đến còn có người Trung Hoa vùng Quảng Đông – Quảng Tây, trốn chạy nhà Thanh, sang đây định cư lập nghiệp. Thành phần cư dân này rất quan trọng vì họ giúp phát triển mạnh về thương mại và công nghiệp, nhất là thương mại.
 
Trong số quân binh nhà Nguyễn đi chinh chiến ở Miền Nam hay trên Cao Miên cũng có nhiều người tình nguyện hay được chính quyền cho ở lại định cư, làm ăn với dân chúng.
 
Nói chung thì phần đông người lưu dân là người Miền Trung thuộc đủ các thành phần xã hội cùng một số đáng kể người Trung Hoa. Họ là những người có công lớn lao trong việc bành trướng lãnh thổ, mở mang bờ cõi Việt Nam về phương Nam, biến vùng rừng rú hoang vu đầy muôn thú thành vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ nuôi sống và làm giàu cho cả nước.
 
Môi trường sinh sống mới và sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác là những điều kiện cần yếu đưa đến những biến đổi. Trước hết là môi trường thiên nhiên vật lý: đất đai, khí hậu, ruộng nương, vườn tược ở đây cùng một loại với đất đai, khí hậu, ruộng nương vườn tược ở Kampuchia, Thái Lan, Mả Lai, thành ra các loại cây trái giống nhau, kỹ thuật làm ruộng, làm vườn, trồng cây trái cũng giống nhau. Cuộc sống vật chất ở nhà quê do đó cũng rất giống nhau. Người lưu dân Việt vào môi trường sinh sống này không thể không linh động thay đổi để thích ứng với môi trường sinh sống mới. Mặt khác ở trong hoàn cảnh sinh sống mới này họ lại gần gũi với những dân tộc khác với nền văn hóa khác mà lâu dần, quen dần, họ không thể không vay mượn một số nét đặc thù nào đó mà họ thấy cần yếu hay thích hợp với họ trong hoàn cảnh sinh sống mới. Thành ra từ khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và các chúa Nguyễn nối tiếp, xây dựng nên Đàng Trong thì bắt đầu có một nhánh văn hóa Việt biến dạng dần dần trở thành một chi nhánh văn hóa (subculture) có phần khác biệt với văn hóa cổ truyền ở miền Bắc. Sự cắt đứt liên hệ chính trị giữa Đàng Trong (Chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (Chúa Trịnh), sự phân tranh Nam Bắc và chia đôi lãnh thổ đã là cơ hội để tạo nên một chi nhánh văn hóa mới xa dần văn hóa cổ truyền. Đến thế kỷ XVII khi Họ Nguyễn chiếm hết cả miền Trung và rồi một số người miền Trung vào khai phá miền Nam khẩn hoang lập ấp xây dựng nên miền Nam thì một chi nhánh văn hóa khác nữa lại thành hình. Chi nhánh văn hóa mới này lại càng cách biệt với văn hóa gốc ở miền Bắc để đến gần văn hóa Đông Nam Á hơn (tức cũng có nghĩa xa dần văn hóa Trung Hoa và đến gần văn hóa Ấn Độ hơn).
 
Miền Nam là cả một vùng đất hoang mênh mông chằng chịt sông rạch với không biết là bao nhiêu cá tôm rau cỏ cây trái. Đất đai lại rất phì nhiêu do phù sa mang lại. Khẩn hoang lập nghiệp tuy có cực nhọc nặng nề nhưng kết quả thu lượm dễ dàng và khả quan, đời sống tự nhiên ung dung thoải mái. Điều kiện vật lý đó cũng dễ un đúc nên tính tình rộng rãi, phóng khoáng, hiếu khách, đối đãi tử tế với người từ xa mới đến của người miền Nam mà nhiều người công nhận.
 
ChieuTrenSong_3666sfw.jpgVùng mới lập này tuy có ít nhiều liên hệ với Chúa Nguyễn nhưng triều đình ở xa, tổ chức cai trị không chặt chẽ tùy thuộc ở triều đình Huế (chế độ tổng trấn), thêm vào đó còn có những biến cố chính trị làm thay ngôi đổi chủ nhiều lần cho nên tương đối có nhiều tự do địa phương và tự do cho cá nhân nữa. Chỗ này ở không được, hoặc bị áp bức thì nhổ sào, chèo ghe đi chỗ khác làm ăn, không có gì ràng buộc họ được. Hoàn cảnh đặc biệt ở đây giúp người ta nuôi dưỡng tinh khí tự do phóng khoáng, không cần phải ép mình, chế ngự cái tôi để phụng sự cho một lý tưởng sách vở gì cả. Vả lại nỗ lực chính của những thế hệ đầu tiên vào đây là khai khẩn đất đai, thiết lập đời sống mới nhiều hơn là trau dồi kinh sử để lãnh lấy mão áo chức tước của triều đình. Đời sống dễ dãi, tương đối thừa thãi về vật chất và tự do về tinh thần, đã không bắt buộc người dân Việt ở đây phải duy trì hay theo đúng những phong tục tập quán đã được mang vào Đàng Trong từ mấy thế kỷ trước. Sự lỏng lẻo của khuông phép từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tạo nên một nếp sống mới, một tính tình và nhân cách mới, rộng rãi và phóng khoáng, với tâm hồn chân thật, chất phác, mở rộng để đón nhận những cái mới lạ hơn là khép kín để duy trì những cái đã có.
 
Ngoài hoàn cảnh địa lý nói trên, trong quá trình mở rộng đất đai về phương Nam chi nhánh văn hóa Đàng Trong đã phải tiếp xúc va chạm với những nền văn hóa khác tạo nên điều kiện rất cần cho sự biến đổi về văn hóa. Có tiếp xúc với văn hóa khác là có cơ hội để nhìn thấy lối sống, cách hoạt động, sự tín ngưỡng, lề lối suy tư của một giống người khác. Từ đó có thể có những thích nghi với nhau hay vay mượn lẫn nhau ít nhiều từ tập quán, kỹ thuật, đến tín ngưỡng và nghệ thuật.
 
Từ thế kỷ XVII người Đàng Trong đã có cơ hội gần gũi với văn hóa Chiêm Thành, đã nhìn thấy và hiểu biết lối sống của người dân Chăm. Sau đó sang thế kỷ XVIII người Việt khi bành trướng lãnh thổ về miền Nam lại có dịp sống bên cạnh người Miên và người Trung Hoa (Minh Hương, Triều Châu). Và gần đây hơn từ thế kỷ XIX người Việt ở đây lại có nhiều dịp để biết đến đạo Thiên Chúa cùng văn minh Tây Phương do người Pháp mang đến. Thí dụ như ở Cà Mau (tỉnh lỵ An Xuyên), vào khoảng thập niên 1960, thống kê cho biết dân số là 270,643 người trong đó có 3,048 người Việt gốc Hoa, và 2,959 người Việt gốc Miên, với 22,000 Tịnh độ cư sĩ, 15,000 Công giáo, 3,700 Thiền Lâm, 3,200 Cao Đài, và 400 Tin Lành. Người Việt gốc Miên ở Trà Vinh, Sóc Trăng rất nhiều và người Triều Châu rất đông ở Bạc Liêu đến đổi người dân Nam phải nói “Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Có thể nói miền Nam cũng na ná như xứ Mỹ, nó là một xã hội mới thành hình với nhiều chủng tộc sống lẫn lộn trong đó và với một nền văn hóa ít nhiều pha trộn đủ thứ. Nó như cái “melting pot” hay cái “salad bowl” của Việt Nam. Nó mang rất ít tính chất cổ truyền của nền văn hóa gốc.
 
Thật ra thì sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nền văn hóa mới chỉ là điều kiện cần mà thôi chớ chưa phải là điều kiện đủ để cho sự vay mượn, học hỏi xảy ra. Điều kiện đủ để đưa đến vay mượn và thích nghi văn hóa là sự có mặt của những yếu tố sau đây: (1) tinh thần khai phóng của người vay mượn, (2) sự tự do chấp nhận cái mới lạ của người vay mượn, và (3) sự lợi ích của những gì được vay mượn học hỏi. Văn hóa không thay đổi nếu các thành phần trong nền văn hóa đó không có tinh thần cởi mở, không chấp nhận những cái mới lạ của nền văn hóa khác. Mặt khác dù các thành phần chấp nhận những cái mới lạ của văn hóa khác đi nữa nhưng không có tự do để học hỏi, thực hiện thì văn hóa cũng không có cơ hội thay đổi. Chẳng hạn như nếu luật lệ của quốc gia quá cứng rắn không cho phép người dân chấp nhận hay du nhập những cái mới lạ, hoặc giả nếu như phong tục tập quán trong xã hội quá khắt khe khiến người ta không thể đi ra ngoài những thói quen đã có thì sự thay đổi về văn hóa tất nhiên sẽ khó xảy ra. Phải có đủ tự do để học hỏi và thực hiện điều gì mới lạ trong cuộc sống thì sự biến đổi về văn hóa mới diễn tiến được. Sau hết người ta chỉ học hỏi vay mượn khi nào điều người ta muốn học hỏi vay mượn đó đáp ứng được nhu cầu sinh sống của con người.
 
Những điều kiện trên đây cần phải có đủ thì văn hóa mới có thể thay đổi được. Người Việt Nam trong quá trình bành trướng lãnh thổ và định cư vào Phương Nam đã có đủ những điều kiện ghi trên. Họ có tinh thần rộng rãi khai phóng, không mù quáng tôn sùng cổ nhân, không khép kín chật hẹp hay bế quan tỏa cảng. Họ có ít nhiều tự do chớ không bị chặt chẽ ràng buộc bởi luật lệ cứng rắn của triều đình hay tập quán khắt khe của xã hội. Khi đã có đủ những điều kiện cần và đủ thì tất nhiên văn hóa phải thay đổi theo lối sống thay đổi của con người ở vùng đất mới mẻ này. Những khác biệt này là những biến đổi tự nhiên của văn hóa Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ và qua quá trình bành trướng lãnh thổ, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác. Biến đổi để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh mới, đó là điều kiện cần yếu để một nền văn hóa sinh tồn và tiến bộ. Khi văn hóa biến đổi nó cũng làm cho con người ít nhiều biến đổi theo. Có sự tương quan khá mật thiết giữa văn hóa và nhân cách của con người. Người ta hay nói đến tính bộc trực, ăn ngay nói thật, tính rộng rãi chiều khách, tính anh hùng ngang tàng của người dân miền Nam, kể cả tính bất cần và không thèm kiên nhẫn của người dân vùng này.
 
Người dân Miền Nam, hay người Nam Kỳ, tuy nói gốc gác phần nhiều là dân Thuận Quảng, nhưng nói chung đều là người từ Miền Bắc vào Miền Trung (Đàng Trong) rồi từ Miền Trung vào Miền Nam (nếu là dân Thuận Quảng), còn không thì có thể từ Bắc, Trung vào Nam. Có người vào Nam trước, có người vào Nam sau. Nhưng trước hay sau, lâu hay mau gì thì cũng được “Nam Kỳ hóa” ít hay nhiều. Bởi cái đặc tính của xứ Nam Kỳ là rất cởi mở, rộng rãi, dễ thương, nên dễ dung nạp, dễ cảm hóa người mới đến để họ hội nhập vào đại gia đình Đồng Nai Cửu Long mà nhà văn hóa học có thể xem như một cái tô xà lách (”salad bowl”) của mọi người.
 
Ảnh minh họa: Vi Lang/Viễn Đông 
Vien Dong Daily News
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Giêng 2014(Xem: 10093)
Em gái Hoàng Sa Em đẹp như bài ca Thân em dài thon thả Nằm giữa biễn trời xanh
09 Tháng Giêng 2014(Xem: 9834)
liệu có ai nhớ đến bạn ngoài những thân nhân và bạn bè cùng khóả Thì thôi, tôi viết mấy dòng này như là một nén hương tưởng nhớ đến người bạn đã hy sinh trên biển cả để bảo vệ quê hương
08 Tháng Giêng 2014(Xem: 11583)
Ngày hôm nay 29 năm về trước 8/1/1985, cộng sản đã xử bắn anh hùng TRẦN VĂN BÁ. Hôm nay, xin gửi đến anh lời tri ân và biết ơn sâu sắc
06 Tháng Giêng 2014(Xem: 12691)
Một tấm thẻ bài vô tri; mang cả thâm tình của một người mẹ mất con trong cuộc chiến bại, sao đau thương quá!
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 9528)
Mong cho tâm mình ngày nào cũng được thanh thản bình yên như cuộc dạo chơi giữa hồng trần nơi bên ngoài viện dưỡng lão hôm nay.
27 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 11518)
Ông Tý cười bẻn lẻn thú nhận: “Tôi làm đại biểu nhân dân ở quốc hội. Cứ gật đầu và dong tay nhất trí hoài nên thành tật, nay không thế nào chữa khỏi được.”
25 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10915)
Tôi thấy thực xấu hổ cho những kẻ lành lặn mà chỉ bước quanh quẩn trong vòng danh lợi phù du, trong khi có những người tàn tật không ngớt xả thân phục vụ lý tưởng tự do
23 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 11659)
Tôi tự hỏi một chính thể với đầy đủ sức mạnh trong tay mà sao lại sợ họ thế? Sao nỡ cầm tù kể cả khi họ đã chết?
18 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 12705)
các đóa hoa sen vẫn đong đưa bên chân Phật Thích Ca và những đài hoa vàng vẫn tỏa ngát hương dịu dàng khắp mười phương Tịnh Thổ. Có lẽ lúc đó vào buổi ban trưa…
08 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 10311)
Người đi, người ở, người về? Thôi thì, cứ hãy bắt đầu một giấc mơ đẹp của người đi tìm lại hình bóng quê hương
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 9552)
Chẳng hiểu sao định mệnh cứ đưa đẩy đất nước vào những nghịch lý triền miên như vậy, và điều ấy khiến con người càng ngày càng xa cách nhau hơn.
27 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11528)
Bỗng lòng tôi chợt thoáng lên một chút băn khoăn. Những cánh chim di xứ ấy sẽ bay trở về đâu, khi Nha Trang ngày xưa của họ đã thực sự không còn.
25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11153)
Cái tình là cái chi chi, Vào nơi cửa Phật còn ghi trong lòng? Huống ta ở chốn bụi hồng , Dấu xưa cát đá mênh mông đất trời...
23 Tháng Mười Một 2013(Xem: 13978)
Chị thao thức đến nửa khuya, lắng nghe tiếng đại bác vọng ì ầm về thành phố từ phía mặt trận có anh ở đó
23 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11100)
Hãy cầu nguyện cho linh hồn của ba em và sống đẹp cuộc đời em đang sống. Có lẽ ở cõi nào đó ông sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tạ ơn dù có muộn màng.
23 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11341)
“Nếu một ngày nào đó trên đất nước Hoa-Kỳ này, giữa nơi ở của những người Việt tị nạn có phất phới lá cờ đỏ sao vàng thì xin cho tôi được chết trước!”
23 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12531)
Hôm nay tôi viết bài nầy để thay thế nén hương lòng thấp lên cho những Anh Hùng tuổi trẻ của QLVNCH sống Hào Hùng, chết Vẽ Vang cho Tổ Quốc VN dù trong trại ngục tù cộng sản hay ngoài chiến trường..
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 12938)
tôi có còn gì đâu, một mai khi anh không còn nữa. Người ta nói sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng cơn mưa đời tôi không biết khi nào mới tạnh đây?
17 Tháng Mười Một 2013(Xem: 11341)
Không còn răng để nhai cơm, thầy chịu ăn cháo suốt phần đời còn lại. Nhớ cha, thương cha, Kiệt cầm ba cái răng vàng trong tay mà khóc hết nước mắt ...
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 10828)
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Chiến trường đi đâu tiếc ngày xanh
23 Tháng Mười 2013(Xem: 11154)
Có lẽ từ câu chuyện trên mà về sau, các nhà chép sử thường ca ngợi nước Lỗ là một nước có “Lễ“ sáng sủa nhất thiên hạ thời bấy giờ chăng?
20 Tháng Mười 2013(Xem: 12952)
Chẳng cần phải là một thế lực cao siêu nào, chúng ta đều có thể là thiên thần của một ai đó...
20 Tháng Mười 2013(Xem: 50578)
Xin mời quý độc giả đọc và suy gẫm, thế hệ chúng tôi phải làm gì để quên quá khứ bi thảm nhất trong cuộc đời của mình…?
19 Tháng Mười 2013(Xem: 13704)
Nhưng cho đến nay lọ hài cốt của bà vẫn còn trong phòng mộ tập thể của nghĩa trang Zoshigaya, nơi có những cây tùng xanh biếc
17 Tháng Mười 2013(Xem: 17512)
Trên đây là các chuyện văn chương chữ nghĩa mà các nhà quân tử chúng tôi bàn ở quán cà phê vào sáng Thứ Bảy. Vì câu chuyện hấp dẫn nên các nhà quân tử đã miên man bàn luận kéo dài đến quá trưa
14 Tháng Mười 2013(Xem: 12591)
Xin vĩnh biệt và cảm tạ. Cảm tạ các anh đã đem cái qúi giá nhất của cuộc đời là mạng sống mình để đổi lấy cho quê hương dù đã rách nát tả tơi
14 Tháng Mười 2013(Xem: 12183)
Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành./.
13 Tháng Mười 2013(Xem: 11076)
Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.... Nếu không được giải phẫu... thỉ cô gái này sẽ ra sao
12 Tháng Mười 2013(Xem: 11096)
Nếu cứ tiếp tục thích hàng Tàu và để Tàu lấn chiếm đất biên giới phía Bắc dần dà như tằm ăn dâu, hàng ngày đe dọa cưỡng chiếm bỉển đảo ở phía Đông
02 Tháng Mười 2013(Xem: 11837)
Đó là những người mà họ làm cho tôi hiểu được tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời là giá trị đạo đức của họ.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 10683)
chiếc cầu bắt qua những chặng thăng trầm và chúng ta phải luôn tri ân họ như cành hoa biết cám ơn những giọt sương mai nhỏ xuống cuộc đời mình.
27 Tháng Chín 2013(Xem: 12755)
Từ đó nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của mình và chính bà đã sống bằng hình ảnh những người vợ lính khóc bên xác chồng.
25 Tháng Chín 2013(Xem: 11742)
Ngôi chùa Thới Hòa đã được trùng tu trở lại và bắt đầu có đông đảo các Phật tử đến thăm viếng như xưa sau năm năm thầy trở về nhưng đó cũng chính là lúc mà thầy viên tịch, rời bỏ chốn hồng trần
24 Tháng Chín 2013(Xem: 11394)
Hình ảnh đó làm ông xúc động. Ông không biết phải nói gì. Sự bần cùng của người dân trong chế độ được gọi là ưu việt này, đã vượt quá xa tầm tưởng tượng của con người..
17 Tháng Chín 2013(Xem: 11737)
đoàn người chúng tôi ra về với niềm tin tất thắng ở tương lai đối với công cuộc giải trừ Cộng Sản bạo tàn. Tôi ngẩng cao đầu, nhìn bầu trời xanh màu hy vọng thầm khấn hứa “Mẹ VN ơi ! Chúng con vẫn còn đây".
17 Tháng Chín 2013(Xem: 11324)
Có thể, đối với thầy chỉ là nhỏ nhoi, nhưng với tôi là rất đáng trân quý. Và cũng để mừng thầy trong ngày thượng thọ 80, khi tôi không có mặt chúc thọ thầy, để được nói với thầy một lời cám ơn, dù rất muộn màng.
17 Tháng Chín 2013(Xem: 10764)
dù nó chưa hề được công nhận chính thức. Các nghề “ít vốn dễ làm” này, nếu kể lại cho lớp trẻ sau này, có thể nhiều bạn sẽ nghi ngờ nhưng tất cả đều là chuyện có thật đến… 99%.
25 Tháng Tám 2013(Xem: 11208)
Trong hồi ức của tôi, sự đổi thay không đến từ thiên nhiên; tất cả đều do con người, là những lớp sóng phế hưng của thời đại tác động qua năm tháng . Trong giòng đổi thay đó cũng thấy mình trong ấy
21 Tháng Tám 2013(Xem: 14525)
Chuyện đó đã xảy ra 38 năm xưa. Đây là lần đầu tiên có người hỏi và bà kể rõ lại cái chết của cha. Chúng tôi có hình của ông bà trung tá Long thời còn trẻ nên không giống hình thời 75.
20 Tháng Tám 2013(Xem: 13057)
Trong bản năng tiềm thức con người, có ai mà không biết ‘’thờ cha kính mẹ mới là đạo con’’. Nhưng nói là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác không dễ chi vuông tròn !
20 Tháng Tám 2013(Xem: 10952)
Bút ký vốn là một thể loại mang tính báo chí, và với tư cách báo chí, nó gắn liền với thời sự; mà bản chất của thời sự là sự kiện, là biến cố.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 11434)
ngôi mộ của vua Hàm Nghi vừa được chỉnh trang đổi mới. Ước mong tinh thần cần vương giữ nước rồi cũng sẽ bừng dậy trở lại, như tháng Bẩy năm 1885 cách đây đúng 128 năm.
12 Tháng Tám 2013(Xem: 11177)
Tôi tự hỏi có người phụ nữ Việt Nam nào nhạy cảm, là nạn nhân của xã hội chiến tranh đó, mà không mang trong lòng những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm?
08 Tháng Tám 2013(Xem: 11361)
Thời gian trôi qua rất nhanh, hãy trân trọng những giây phút bạn còn đang có bố mẹ ở bên để bày tỏ sự yêu thương của mình với các bậc sinh thành nhé!
05 Tháng Tám 2013(Xem: 14792)
Bà là người không may. Bà bị cả hai bên Quốc Cộng mạ lỵ tàn ác. Không chỉ bọn Bắc Cộng bịa chuyện xấu về đời tư của bà, nhiều người Quốc Gia cũng vu khống bà
02 Tháng Tám 2013(Xem: 13133)
Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn… Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.
26 Tháng Bảy 2013(Xem: 17739)
Thôi thế lòng anh mãn nguyện rồi Vì tình là mộng đó mà thôi Lòng em một phút yêu anh đó Cũng thể yêu anh suốt một đời.
17 Tháng Bảy 2013(Xem: 11070)
Tình yêu trong Xóm Cầu Mới nói hết thì thật vô cùng, cũng như Nhất Linh đã định viết cuốn truyện này cả mười ngàn trang và cho mỗi nhân vật riêng một pho tiểu thuyết.
16 Tháng Bảy 2013(Xem: 13830)
Sao mà chua chát thế cho ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau.
09 Tháng Bảy 2013(Xem: 18723)
Điều quan trọng nhất là con cái của bạn học biết ơn , biết trân trọng những nỗ lực và có thể trải nghiệm những khó khăn và học được kỹ năng hợp tác với người khác để hoàn thành công việc.