10:32 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

NGƯỜI ĐẠP XE BA GÁC - John Nhân Nguyễn

11 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 23858)

Người Đạp Xe Ba Gác 

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !

Riêng tặng các bạn cùng cảnh ngộ. 
bagac-large-content
Sau nhiều lần bạn bè thúc đẩy, bảo tôi phải viết lại câu chuyên thật của mình để các anh em được chia sẻ về cuộc sống của những người tù sau nhiều năm trong ngục tù CS được trở về, vì vậy tôi ước mong đây là câu chuyện vui nhưng đầy nước mắt, một câu chuyện cay đắng cuộc đời, một câu chuyện để nhớ về người mẹ đã suốt đời tận tuỵ lo cho đàn con, mà giờ nầy tôi đã không còn được nhìn lại mẹ nữa, một đau buồn nhất của những người con trong mùa Vu Lan. 


********


Tôi cũng như biết bao nhiêu anh em đã trải qua sau nhiều năm tháng trong các trại tù (tập trung cải tạo). Một buổi sáng sắp hàng để chuẩn bị đi lao động, tôi được đọc tên trong danh sách ra về, còn có nổi vui mừng nào hơn sau 7 năm xa cách cha mẹ, vợ con. 

Tôi được ra khỏi hàng và trở về trại để thu dọn tư trang ra về. Khác với những lần trước, vì những lần đó, những anh em được kêu tên, chúng tôi dự đoán các anh em đó được thả về, nhưng cán bộ thì không bao giờ nói là được về mà chỉ cho chúng tôi biết rằng các anh em đó được điều đi một nơi khác mà thôi. 
Trở về trại trong niềm suy nghĩ miên man, đã lâu rồi, chuyện ra về coi như đã quên lãng, vì sự chờ đợi đã mỏi mòn mà không đến, nay thì không chờ đợi nữa, chúng tôi đã chán nản, và không còn tin tưởng ngày về nữa thì chuyện được về lại đến với chúng tôi. 

Cả trại B trại cải tạo Xuyên Mộc hôm đó được kêu tên để về khoảng trên dưới 10 người, tôi được may mắn nằm trong số đó. Sắp xếp đồ đạc để ra về, tôi thấy không cần đem theo gì cả, tôi để lại hết cho các bạn cùng ăn uống chung với tôi trong thời gian qua, nhóm chúng tôi gồm có Huỳnh Bửu Long (Hải Quân), Nguyễn Văn Yến (Pháo Binh), Trương Công Nhựt Đại đội trưởng Địa Phương Quân Tiểu khu Phước Tuy và Tôi Pháo Binh Sư Đoàn 18, bốn anh em chúng tôi đã sống chung với nhau từ ở Phước Long và về đến trại nầy cả mấy năm nay. Tôi sẽ để lại những món đồ dùng nầy cho các bạn, có một điều rất buồn là sống chung với nhau cả bảy năm trường, mà hôm nay ngày về tôi đã không được dù là chỉ một cái bắt tay với các bạn. Tôi chỉ đem về duy nhất một bộ đồ mặc trong mình và một bộ nữa để làm kỷ niệm. Bộ đồ mặc trong người tương đối lành lặn nhất, cũng cả hai ba miếng vá, còn bộ đồ mà tôi mang về để làm kỷ niệm thì ít nhất cũng cả chục miếng vá, những miếng vá nầy là những lớp bao cát, chỉ cũng là chỉ bao cát, vá lớp bao cát nầy chồng chất lên lớp bao cát khác, và cứ như vậy các lớp bao cát chồng chất lên nhau. Tôi đem về nhà và sau khi mẹ tôi nhìn thấy bộ đồ đó mẹ tôi đã khóc. Mẹ tôi nói rằng : “Con của tôi bây giờ khổ sở đến thế nầy sao ? Tội cho con tôi ngày nào đi về xe cộ đón đưa, áo quần ủi hồ thẳng nếp, mà giờ nầy mặc toàn đồ rách, vá bằng bao cát ?”.Tôi chỉ biết ôm mẹ tôi như ngày nào tôi còn bé thơ, và để cho những giọt nước mắt tuôn trào ... 

Từ Xa Ác (địa danh của trại tù chúng tôi) tôi được nhận 12 đồng để làm lộ phí đi về, một số anh em được cán bộ trại trả lại tiền gởi, vì tất cả chúng tôi không được giữ tiền bạc gì cả, mà phải gởi cho cán bộ, khi cần thì xin phép lấy để gởi mua thuốc lào hay đường tán. Riêng tôi từ ngày vào các trại đến giờ, gia đình có quá nhiều khó khăn, tôi chẳng bao giờ có tiền nên không bận tâm đến việc nhận tiền lại. 

Đáng lẽ chúng tôi phải đợi xe molotova chở ra Long Khánh để lên xe, và từ đó mạnh ai tìm đường về nhà nấy, nhưng kinh nghiệm của những lần trước, có anh em đã chờ để được lên xe, và cuối cùng trại đã huỷ bỏ và vẫn còn ở lại cho đến bây giờ, vì vậy khi nhận được giấy ra trại rồi, chúng tôi ba giò bốn cẳng rời khỏi trại ngay bằng đường bộ, tôi không còn nhớ rõ nữa, không nhớ là khoảng cách bao xa, nhưng từ sáng hôm đó, tốp chúng tôi chia ra làm 2, 3 tốp khác nhau và cùng nhau rời trại sau khi đã cẩn thận bọc giấy ra trại trong túi. 

Chúng tôi miệt mài đi không nghỉ, đi vào trong những chỗ rừng rậm mà không dám đi trên con lộ chánh, vì sợ sẽ bị huỷ bỏ lệnh ra trại và xe chở lại như những lần trước. Thế rồi chúng tôi cũng ra được đến Long Khánh Xuân Lộc. Điạ danh nầy lại cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi. Năm 1969 tôi rời khỏi trường Pháo Binh Dục Mỹ, với cái lon quai chảo (Chuẩn Uý), trở về đơn vị pháo binh đầu tiên là tiểu đoàn 183 pháo binh tân lập, khoảng giữa tháng 05/1975 tập trung tại đây, đi hết gần 13 trại tập trung, và cuối cùng hôm nay sau gần 7 năm tôi lại cũng từ đây để đi về nhà, một sự trùng hợp thật đáng nhớ. 


Sau 7 năm trời bây giờ nhìn lại Long Khánh tất cả đều xa lạ đối với tôi, mặc dầu trước đây tôi đã ở Long Khánh từ khi mới thuyên chuyển về cho đến ngày trời sập. Tôi đã cùng các bạn Pháo Binh của Tiểu đoàn 181 Pháo binh thuộc sư đoàn 18 Bộ Binh ăn uống ở các quán Ba Thừa, và các quán nhậu xung quanh chợ Long Khánh. Giờ nầy tôi không còn nhận được các nơi mà một thời tôi đã từng đi qua. Long khánh bây giờ tiêu điều, phố xá loang lỗ vết đạn còn in sâu trên tường như để nhắc lại biết bao nhiêu trận chiến đã xẩy ra ở đây vào những ngày tháng cuối cùng của năm 1975. Tôi và người bạn đi vào quán nước giải khát ngay chợ để mua một ly nước uống cho bù lại những tháng ngày qua trước khi mỗi đứa chia tay nhau ai về nhà nấy. Trong túi tôi chỉ vỏn vẹn có 12 đồng không còn một xu lẻ nào khác ngoài số tiền đó. Tôi không biết có đủ tiền để đi về nhà không nhưng tới đâu thì kệ nó, tôi thèm được uống một ly nước đá lạnh mà 7 năm trời qua tôi không hề được biết cục nước đá là gì ? Tôi hỏi thăm giá cả và biết được tôi sẽ phải trả 2 đồng để uống ly nước đá nầy. Dù sao thì cũng đã lỡ rồi, chẳng lẽ đã vào quán rồi tôi lại bước ra hay sao ? Kêu ly nước đá chanh, tôi ngụm từng ngụm nhỏ, để tận hưởng từng giọt nước đá lạnh chạy dài xuống cổ, ôi sao nó ngon đến như thế, bảy năm trời tôi chưa từng được hưởng cái giây phút sung sướng như thế nầy. Thấy ở ngoài hiên tiệm có người bán thuốc lá, tôi thèm được hít một hơi thuốc thật dài cho bù lại những năm tháng dài rít những bi thuốc lào cái sắn, nghĩ vậy tôi bèn tặng cho mình một điếu thuốc. tôi hỏi cô chủ bán thuốc có bán thuốc lẻ không ? Cô trả lời, anh hút thuốc Samit nhé, một đồng một điếu. Tôi gật đầu và được cô chủ quán đưa cho một điếu thuốc Samit. Đường đường cũng là sĩ quan Quân lực VNCH, chưa bao giờ tôi lại đi mua thuốc lẻ như bây giờ. Sau khi cầm điếu thuốc trong tay, tôi hỏi cô chủ bán thuốc để mượn hộp quẹt, thì cô ta nhìn tôi bằng cặp mắt kinh ngạc, cô nhìn tôi như người mới ở một hành tinh nào đó vừa xuống quả địa cầu nầy vậy. Rồi cô ta chỉ ngay cho tôi cây nhang đang được đốt cắm trên quày bán thuốc, cô ta nói : làm gì có hộp quẹt mà ông mượn, mồi thuốc vào cây nhang đó ! 

Ôi sao người dân bây giờ nghèo đến thế nầy ư ? Mới có 7 năm trời mà cuộc sống của người dân đến mức độ nầy sao ? Tôi không ngờ sau khi chúng tôi tập trung vào trại, thì người dân ở ngoài cuộc sống cũng khốn khổ không kém. Mồi xong điếu thốc tôi trở vào quán và bắt đầu hít những hơi thuốc thật dài cho bù lại những ngày qua tôi ước ao có được một điếu thuốc thẳng (đây là danh từ của những tên cai tù thường nói với chúng tôi). Không hiểu vì thuốc Samit nặng hay vì đã quá lâu tôi không được hút thuốc nữa, sau khi hít một hơi thật dài, tôi thấy mình lâng lâng như đi vào một thế giới nào đó, thì ra tôi đã say, tôi gục đầu xuống bàn, và thiếp đi độ chừng mười phút rồi tỉnh lại, vài người trong quán họ nhìn tôi bằng cặp mắt khác thường, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, nhưng phải biết nói gì để họ hiểu tôi đây. Họ hỏi tôi từ đâu đến, tôi có bị trúng gió hay không ? Và còn biết bao nhiêu câu hỏi khác nữa … Thấy mình khó nói dối và nhất là bộ đồ mặc trong mình cũng chứng minh cho họ được biết mình là một thằng tù mới được thả về, nghĩ vậy tôi không còn giấu giếm gì nữa và tự nhận mình là một tên “tù cải tạo” vừa được tha về. 
Những người có mặt ở đó họ nhìn tôi nửa tin nửa ngờ, họ hỏi tôi sao đến bây giờ anh mới được về ? tôi trả lời vừa cười vừa như mếu máo muốn khóc. Dạ vì tôi học không tiến bộ cho nên mãi đến hôm nay mới được cho về. Tôi từ trại Xa Ác và đã đi bộ hơn nửa ngày mới về được đến đây. Vì mệt và thèm được ngụm một ngụm nước đá cho nên tôi vào quán để mua ly nước uống cho đở mệt trước khi đón xe về Bà Rịa. Mọi người nhìn tôi một cách thương hại ! Một số người có mặt trong quán tỏ ra có cảm tình với tôi ngay, họ mời tôi uống thêm một ly nước nữa và họ sẽ không tính tiền cả hai ly nước nầy nhưng tôi từ chối vì thấy đã đủ và không muốn làm họ chú ý nữa, vì vậy tôi cảm ơn chủ quán và bước ra đường để trở lại bến xe về Bà Rịa. 

Tôi hỏi những người đã ngồi trên xe và được biết chiếc xe nầy sẽ chạy về Bà Rịa. Tôi mừng trong lòng và tự nghĩ chỉ vài giờ sau tôi có mặt ở nhà, nào Cha, nào Mẹ, nào các em tôi, các con tôi sẽ mừng biết chừng nào … bây giờ nghĩ đến việc trả tiền xe mới là điều mà tôi lo sợ, tôi hỏi về Bà Rịa bao nhiêu tiền, người lơ xe trả lời 20 đồng - nghe đến đó tôi như người bị điện giựt, làm sao tôi có đủ 20 đồng để trả cho họ đây, tôi cũng không hiểu sao hình như mọi người họ đang nhìn tôi, có lẽ tôi có cái gì khác thường ? Ồ tôi đã nghĩ ra rồi, thì ra tôi mặc bộ đồ không giống ai cho nên đã gây sự chú ý với họ. Thôi mặc kệ, tôi cứ nói thiệt biết đâu họ cảm thông và bớt cho tôi tiền xe, vì tôi chỉ còn có 12 đồng mà thôi, nghĩ vậy tôi bèn nói với anh lơ xe : 

- ”Anh thông cảm cho tôi, tôi mới ra trại, về đến Bà Rịa, tôi sẽ về nhà xin tiền và sẽ tìm anh để trả tiền cho đủ, vì hiện tại tôi chỉ có 12 đồng mà thôi. Anh lơ xe nói với tôi : 
- “lúc nầy ông nào cũng nói mới ra trại hết, làm sao mà chúng tôi tin cho nổi”, tôi đau nhói cả tim, 7 năm trời tôi ở trong các trại tù, chúng tôi có biết gì ở bên ngoài đâu, làm sao mà có người họ lại giả dạng tù cải tạo như chúng tôi để làm gì ? Tôi chỉ còn biết năn nỉ mà thôi, tôi nói : Nếu anh không tin tôi sẽ đưa giấy ra trại cho anh xem, nói xong tôi liền móc trong túi ra, trước khi móc được nó ra tôi đã phải tháo nắp miệng túi cẩn thận để lôi tờ giấy ra trại trình cho anh lơ xe, tôi cứ nghĩ tôi sẽ trình tờ giấy nầy khi tôi về đến địa phương chứ nào nghờ lại phải trình cho anh lơ xe nầy. Tôi đưa cho anh ta, nhưng anh ta không thèm coi cái tờ giấy mà tôi đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu ngày đêm mới có được tấm giấy nầy, tôi lại xếp lại cẩn thận và bỏ vào túi rồi gài miệng túi lại hẳn hoi trước khi tôi có những đề nghị với anh ta, tôi nói : anh cầm 12 đồng nầy, và một bộ đồ nầy, bộ đồ mà 7 năm qua tôi đã giữ nó như là một bảo vật mà hôm nay tôi đã phải đem nó đi cầm, vì tôi không có một món đố nào đáng giá, ngày mai tôi sẽ ra tìm xe anh và chuộc lại. Anh ta nói bộ đồ của anh không đáng một đồng bạc, bộ đồ rách như vậy tôi cầm để làm gì ? Tôi đau nhói nơi tim, trời ơi, có ai hiểu được bộ đồ nầy tôi đã đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, từng miếng vá là từng kỹ niệm của các trại tù mà tôi đã trải qua, nếu tôi có tiền, thì có lẽ không có một số tiền nào có thể đánh đổi được nó, bộ đồ mà tôi đang cầm trên tay. Bộ đồ nầy không đáng một đồng bạc ! tôi tự lập lại câu nói đó trong lòng và thấy buồn vô hạn, phải, anh nói đúng, nó không đáng một đồng bạc đối với anh, nhưng nó là vô giá đối với tôi, đối với những thằng tù như tôi anh có biết không ? Bây giờ đâu phải là chỗ tôi và anh tranh cải, lý luận. Vì vậy tôi nói : Thôi được, anh cứ cho tôi đi được đến đâu hay đến đó, đến chỗ nào anh thấy hết tiền thì cho tôi xuống ở đó và tôi sẽ đi bộ về nhà vậy. Ý kiến nầy của tôi có vẽ thực tiễn và anh lơ xe đã cho tôi được ngồi trên xe đò (xe chạy bằng than) để về Bà Rịa. 

Cuộc đời của tôi có những chuyện thật bất ngờ, cũng con đường nầy cách đây 7 năm ngày 20/04/1975, tôi đã di chuyển đơn vị rời khỏi Long Khánh cũng bằng con đường nầy, lúc đó tôi di chuyển trong lúc những tiếng pháo nổ chát chúa sau lưng, tôi là người chỉ huy đoàn xe và cho lệnh chạy, nhưng bây giờ tôi lại phải xin xỏ, năn nỉ để được leo lên xe ! ! ! Tôi nhìn lại hai bên đường giờ đã thay đổi rất nhiều, trước đây là đồng ruộng thì bây giờ lại có những túp lều mọc lên, những luống khoai, những gốc mì đã được trồng vào những chỗ trống ở giữa những gốc cây cao su ... tóm lại họ đã tận dụng không để một khoảnh đất trống nào. 

Người lơ xe cho tôi xuống ngay đầu đường góc ngả ba bệnh viện cũ, anh cũng tử tế chỉ nhận 12 đồng và không lấy bộ quần áo cũ của tôi, tôi xuống xe và bắt đầu đi bộ về nhà. Tôi muốn giành cho ba tôi, mẹ tôi, các em tôi, và các con tôi một ngạc nhiên khi tôi bước chân vào nhà. 

Từ ngày tôi đi đến giờ tôi không được biết vợ và các con tôi ở đâu nữa, vì vậy khi tôi bước chân vào nhà, tôi không được nhìn thấy những đứa con tôi, mẹ tôi đang nấu nướng ở dưới bếp, tôi chạy xuống ôm mẹ tôi, mẹ tôi vô cùng sung sướng, bà không ngờ tôi lại về vừa đúng lúc gia đình chuẩn bị đi thăm tôi. Tôi đã ôm mẹ tôi thật lâu để bù lại những tháng ngày tôi đã không được gần gủi mẹ tôi, đây là những giây phút mà tôi cảm thấy sung sướng nhất trong cuộc đời của mình kể từ khi còn chập chửng biết đi cho đến ngày tôi khôn lớn, mẹ ơi ! viết những dòng chữ nầy mà giờ đây con đâu còn được gặp mẹ nữa, cả đời tận tuỵ cho các con, ngày mẹ ra đi con đã không được kề cận mẹ, giờ con hiểu được tình mẫu tử như thế nào thì con đã không còn mẹ nữa. Hãy tha lỗi cho con mẹ nhé, nếu như con có làm gì cho mẹ không vui ? 


Tối hôm đó, mẹ con quây quần, các em tôi kể lại những gì đã xẩy ra từ khi tôi vắng nhà, đặc biệt là tối hôm đó tôi không được gặp Ba tôi, vì người đang còn ở trên rẩy. Hôm sau tôi trở lên Suối Nghệ, nơi nầy Ba tôi một mình ở trong rừng cao su trồng trọt, cuộc sống của Ba tôi thật đáng thương, ông một mình làm rẩy, vừa nấu ăn, nào bắp, đậu, gạo, khoai, Ba tôi đã bỏ chung tất cả vào nồi, dùng các cành cây nhỏ làm củi để đun, Ba tôi đã ăn uống thiếu thốn và đã sống như vậy kể từ ngày tôi vào tù. 

Không có giấy mực nào tả hết nổi thống khổ của gia đình tôi kể từ khi tôi vắng nhà, tối hôm đó tôi ở lại rẩy với Ba tôi, hai cha con nằm trên tấm vạc tre làm giường ngủ, không có tấm vải trải lên phên tre nữa, tối nóng quá Ba tôi đã dùng miếng bìa carton làm quạt cho tôi, ôi tình cha con là như thế đó, biết đến bao giờ tôi có dịp để đền ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha ? 
Hai ngày sau tôi quyết định phải bắt tay đi tìm việc để phụ giúp vào gánh nặng gia đình mà một mình em tôi đã phải gánh vác hơn 7 năm qua. Tôi ỷ vào một số kinh nghiệm trong nhiều năm tháng trải qua ở các trại tù, vì vậy tôi bèn chọn con đường vào rừng chặt tre, vác củi. Theo chân vài người quen cho biết chúng tôi sẽ đi vào rừng Bình Giả để chặt tre đem về bán, sáng hôm sau tôi theo đoàn người chuyên nghiệp chặt tre để cùng đi làm với họ, đạp xe đạp lên tận Bình Giả, rồi từ đó để xe ở nhà người quen và bắt đầu phóng vào rừng, từ đó đi vào rừng cũng cả 3, 4 cây số, chúng tôi lựa những cây lồ ô suông và dài, chặt những cây lồ ô nầy cũng hết sức khó khăn, tôi mãi mê chặt cho đến lúc gọi nhau đi ra, tôi đã bó khoảng 10 cây nhưng nặng quá không vác nổi, lại phải bỏ bớt vài cây, và khi vác được lên vai rồi, tôi không biết làm sao mà tôi có thể ra được chỗ gởi xe đạp nữa, nặng và dài, trong rừng cây cối và dây leo chằng chịt, thật là khó khăn mới đem được bó lồ ô ra đến chỗ gởi xe. Đến đây tưởng đã yên thân, nhưng nào có dễ dàng đâu, từ đây đạp xe với bó lồ ô nầy đem về nhà còn biết bao nhiêu là chông gai nữa, tay nghề chưa quen, không đủ sức khoẻ như những dân làm tre chuyên nghiệp, họ đem xe ra đường và leo lên đạp ngon lành, còn tôi ì à ì ạch mãi mới đem được chiếc xe và bó lồ ô ra đường, chưa hết đâu, ra tới đường rồi tôi cột bó lồ ô dọc theo xe đạp, ghi đông bị cứng không bẻ qua bẻ lại được nữa, bây giờ lại là một đại nạn nữa ... còn nhiều và thật nhiều nữa những khó khăn khác tôi mới đem được bó lồ ô về đến nhà. Người ta thì đạp còn tôi thì phải đẩy như vậy trên suốt đọan đường từ Bình Giả về đến Bà Rịa. Tối hôm đó tôi về đến nhà cũng gần 10 giờ đêm và quyết định bỏ job, ngày mai không đi làm công việc chặt lồ ô nữa. 
Bây giờ còn việc đem bán cũng khó khăn không kém, sáng sớm hôm sau tôi vác bó lồ ô ra chợ Bà Riạ để bán, tôi vác lại vựa chỗ tập trung mua sĩ lồ ô, họ chê nào là lồ ô không đẹp, cây không được thẳng, và còn nhiều chê bai khác nữa, tôi buồn qúa vừa buồn vừa thấy tức giận, biết bao nhiêu công sức tôi mới đem được số lồ ồ nầy về đây, thế mà khi đi bán cũng gặp nhiều phiền phức và bực bội, họ chỉ trả cho tôi có 3 đồng bạc, trong khi nếu tôi mua thì họ bán cho tôi 2 đồng một cây. Tôi không bán và vác đi vòng vòng ở các sạp và rao bán, có mấy chỗ họ đồng ý mua và trả cho tôi 10 đồng, tôi nghĩ 10 đồng cũng không đáng công tôi đi nguyên một ngày từ sáu giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới về đến nhà, nhưng không bán thì để làm gì, cũng còn hơn chỗ vựa chỉ mua có 3 đồng. Tôi cầm 10 đồng bạc trong tay mà nước mắt như đang chạy dài xuống má, tôi nghĩ tới câu : “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói” quả đúng như vậy, ngày mai tôi sẽ lên Phước Hoà, Ông Trịnh để đi đốn củi. Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy thật sớm, đạp xe lên Láng Cát Ông Trịnh để cùng đi với vài người bạn họ thường xuống chợ Bà Rịa mua vải ở cửa hàng của em gái tôi, đến nơi tôi gởi xe đạp ở nhà của người bạn, rồi cũng như đi chặt tre, tôi và vài anh bạn đi vào rừng đốn củi, tôi chặt một khúc củi tương đối tốt và vác ra đường, sau đó tôi đã đem khúc củi nầy về đến nhà người bạn và từ đó tôi sẽ chở xe đạp về nhà, cũng như lần trước, sau khi cột khúc củi vào xe rồi, tôi cũng không thể đạp được và cũng phải thồ xe đạp và khúc củi về nhà mà thôi. Tương đối đở vất vả hơn đi chặt tre, nhưng tôi cũng phải mất hơn ngày trời và về đến nhà cũng 7 giờ tối. Phải cưa ra và chẻ nhỏ và đóng thành thước rồi mới bán được. 

Tính chung cũng chỉ kiếm được không tới 7 đồng một ngày, rồi tôi thấy không ổn, vì vất vả và chẳng được bao nhiêu tiền vì vậy nghề nầy rồi cũng phải bỏ, trong lúc tôi đang chán nản, vì thấy kiếm đồng tiền khó quá, sáng sớm hôm sau, tôi ra gặp Tám Kỳ, anh nầy trước đây bán nước đá trong trường Châu Văn Tiếp của chúng tôi, bây giờ ông ta đã trở thành chủ vựa nước đá tại chợ Bà Rịa. Tôi kể hoàn cảnh của mình cho ông ta nghe, sau đó ông đồng ý mướn tôi làm công việc bốc và khuân nước đá, mỗi ngày trả cho tôi 6 đồng. Tôi làm từ 6 giờ sáng, đến 6 giờ chiều thì về, nhưng giờ giấc không nhứt định như vậy, có nhiều hôm xe Phước Tỉnh lên lấy đá, ông cho cô con gái đạp xe đạp vào gọi tôi, tôi ra và làm nhiều hôm đến 12 giờ khuya mới xong việc và ra về, ba bốn ngày liên tiếp như vậy, ngày nào tôi cũng phải ra đục đá cào trấu ra hết để lòi các cây đá ra, và dùng dao răng cưa để chặt vào các đường nối của các cây đá, sau khi đã tách được cây đá riêng ra rồi, kế tiếp là vác cây đá đó ra xe cho khách hàng, công việc liên tục như vậy cho đến người khách cuối cùng mới được ra về, có hôm đang lo cho chiếc xe nầy thì xe khác lại đến và tôi lại phải lo cho xe đó nữa, vì vậy có hôm mãi đến gần 1 giờ sáng tôi mới xong việc và ra về, chỉ có 6 đồng mà tôi thấy mình bị bóc lột sức lao động quá nhiều, vì vậy làm được không đầy một tuần lễ tôi đã xin nghỉ việc. 


Thời may có Danh trước đây là Trung Sĩ Nhất của Pháo Đội của tôi, Danh đang hành nghề xe ba bánh, Danh nghe tin tôi về nên lại thăm tôi và Danh đề nghị tôi nên đạp xe ba bánh, Danh sẽ kiếm mối cho tôi, Thầy trò gặp nhau trong hoàn cảnh thật đáng thương nên rất thương nhau và thông cảm hoàn cảnh của tôi, sau đó Danh đã hướng dẫn tôi đạp xe ba bánh. Gần sát nhà tôi có chiếc xe ba bánh để không của bà Bảy Hường, tôi bạo dạn qua gặp bà ta và đề nghị mướn chiếc xe của bà, bà đồng ý cho tôi mướn 6 đồng một ngày, tôi phải chịu sửa chửa tất cả những gì nếu bị hư hao, tôi đồng ý. 

Được một số những người quen cho biết, khoảng 1, hay 2 giờ sáng, ra chỗ vựa cá thì không có sức mà chở, vì lúc đó cá lên, người ta mua bán tấp nập, họ sẽ kêu xe ba bánh chở không kịp. Biết được tin nầy tôi rất mừng, vì vậy sáng sớm hôm sau mới hơn 12 giờ khuya, tôi ghé qua nhà thím Bảy Hường và xin phép lấy xe sớm, khi mở cửa cho tôi đưa xe ra thím còn căn dặn thêm như sau : “Cậu phải cẩn thận đừng để mất xe, nếu bị mất cậu không có tiền để đền cho tôi đâu, mỗi ngày cậu phải đem xe trả cho tôi, chừng nào chạy thì qua lấy”. Tất cả những điều kiện nào của chủ xe ba bánh tôi đều đồng ý hết, vì nếu không đồng ý thì tôi sẽ không được mướn xe. 
Lần đầu tiên trong đời tôi đạp xe ba bánh, chiếc xe không mà tôi cảm thấy quá nặng rồi, tôi nghĩ đến nếu có người ngồi trên xe thì có lẽ không cách gì tôi đạp nổi. Dù sao thì cũng phải ráng, mình không còn con đường nào khác hơn để mà chọn lựa nữa. Tôi bắt đầu đạp xe ra ngõ, rồi bắt đầu đạp xuống chợ cá, vì như những người thông thạo cho biết, mối cá chở không kịp, họ đã bắt đầu làm việc từ 1 giờ sáng, vì vậy tôi phải gấp rút đến đó, kẻo không kịp. 
Chiếc xe không, không có một bóng dáng người nào ngồi ở trên đó, vậy mà tôi đã đạp hộc xì dầu, nào là mồ hôi mẹ, mồ hôi con đã bắt đầu rượt đuổi nhau, tôi nghĩ đến công việc kế tiếp phải làm, dầu sao tôi cũng là thằng đạp xe ba bánh. Tôi cảm thấy buồn buồn cho số phận mình, tôi phải làm gì để sống khi hai bàn tay không có lấy một đồng, còn biết bao nhiêu cay đắng và gian nan đang chờ đón tôi, nào là tôi chưa có quyền công dân, còn đang bi quản chế, mỗi tuần lễ phải lại công an khu vực trình diện và khai báo công việc trong tuần … 

Cuối cùng tôi cũng đến được chu chợ cá trong chợ, trời mưa lầy lội, vô đến khu vực nầy là cả một vấn đề, tôi đậu chiếc xe ba bánh của mình ngay hàng xôi ở cuối dãy, các anh em ba bánh đang làm việc tấp nập, họ khiêng những sọt cá nặng nề cho lên xe ba bánh và chạy đi, tôi cũng chẳng biết họ chạy đi đâu nữa, cứ thế xe nầy ra thì xe khác lại vào để chở, có khoảng 4 chiếc xe thay nhau chở cá, riêng tôi đậu xe từ nảy đến giờ chả có ma nào gọi tôi cả, tôi cứ tiếp tục đậu tại chỗ và mong sẽ có người gọi, nhưng chẳng ai thèm gọi tôi cả, vừa đói và vừa buồn, tôi mua một đồng xôi bắp ăn cho đỡ đói, chưa làm được đồng bạc nào mà đã phải mất hết một đồng rồi, tôi ngồi bắt chân chéo quảy trên chiếc xe ba bánh, vừa ăn xôi vừa nghĩ chuyện đời, cũng tại nơi đây, những năm về trước tôi đã từng về đây trên chiếc xe Jeep, có tài xế hẳn hòi, mà giờ nầy tôi lại ngồi trên chiếc xe ba bánh để chở khách kiếm từng đồng ... 

Tôi đang miên man nghĩ ngợi thì bổng có tiếng gọi : ba bánh, ba bánh, tôi mừng quá tưởng là sẽ có được mánh lớn rôì, tôi bèn trả lời : dạ chị gọi tôi, người đàn bà thoạt nhìn tôi thấy có vẽ quen quen nhưng không dám hỏi, tôi đẩy xe ba bánh khỏi khu chợ cá và đẩy xe lên đường để bắt đầu chuyến xe đầu tiên trong đời, anh chị nầy rất rành đi xe ba bánh vì vậy khi bước lên xe tôi thấy người chồng ngồi lên thành xe, còn hai chị thì ngồi ngay lên cây gác ngang, ba người nấy muốn đi vào ngả ba bệnh viện Bà Rịa, họ hỏi tôi bao nhiêu một người, tôi trả lời, mỗi người một đồng. Khi cả ba người ngồi lên xe rồi, tôi vừa đẩy xe vừa phóng lên đạp, nhưng khổ nổi cho tôi, chiếc xe cứ muốn nhổng về phía trước, vì các người nầy ngồi phía trước quá nặng, vì vậy chiếc yên xe ba bánh muốn nhổng về phía trước hoài, tôi phải dùng cánh tay mặt để cố đè cho yên xe xuống, cố gắng lắm tôi mới lên được yên xe và bắt đầu đạp. Đường đá lổm chổm, tôi đạp được chỉ vài thước mà tôi cảm thấy quá vất vả, tôi không biết có đủ sức để đưa ba người nầy đến ngả ba bệnh viện hay không ? Đạp được độ vài chục thước, ra tới đầu đường Bạch Đằng, tôi quẹo trái trên đường nầy, đường tương đối bằng phẳng vì vậy tôi cảm thấy yên tâm và tin rằng mình sẽ đưa các người nầy đến nơi mà họ đã yêu cầu, chạy được một khoảng độ 200 thước tới khúc quẹo về nhà Bảo sanh Hữu Phước, trời quá tối, đèn điện thì chỉ sáng lờ mờ, ngọn đèn đường chỉ sáng được tim đèn, đường thì lồi lỏm tôi đạp thấy có vẻ nặng, thình lình bánh xe trước của chiếc xe ba bánh của tôi xụp ngay vào ổ gà, chiếc xe lật úp về phía trước, quăng tôi và ba người ngồi trên xe xuống vệ đường, chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi bị quăng nằm trong bụi rậm bên vệ đường, còn ba người khách của tôi chẳng biết họ ở đâu nữa, lúc đó tôi chỉ nghe giọng nói của người đàn bà : “Trời ơi ! Tôi có bầu”. Tôi không còn biết trời trăng mây nước gì nữa, lùm cùm bò dậy, đở chiếc xe bị lật úp lên, miệng không ngớt “xin lỗi”. Người đàn bà gọi tôi lúc nẩy văng mất chiếc dép đâu đó, tìm mãi không được, bà ta đứng dậy và trách móc tôi thậm tệ. Tôi biết lỗi của mình và nín lặng, chỉ mong sao cho họ lên xe để tôi chở đến nơi họ yêu cầu và tôi đề nghị không lấy tiền, nhưng rủi cho tôi họ không chịu lên xe đi nữa, và tiếp tục đi bộ, họ bảo tôi, ông kiếm cho tôi chiếc dép chứ không có dép làm sao mà tôi đi Bình Giả được. Trời tối quá tôi tìm hoài mà cũng không thấy, cuối cùng tôi bèn đưa đôi dép của tôi cho chị ấy, và năn nỉ các chị lên xe tôi chở đến ngả ba bệnh viện mà không lấy tiền, chẳng ai chịu lên xe cả, tôi năn nỉ cách mấy họ cũng không chịu đi nữa, tôi cảm thấy vừa xấu hổ và hối hận vì việc vừa xẩy ra, tôi tiếp tục đạp xe lẻo đẻo theo sau và năn nỉ, nhưng tất cả đều vô ích, họ đã quyết định đi bộ, tôi tiếp tục đạp theo đến đầu đường Thành Thái nhưng họ vẫn không chịu lên xe, tôi bèn quay xe lại và trở về chợ Mới Bà Rịa. Cuốc xe đầu tiên sau ngày đi tù về, không được đồng nào mà còn mất cả đôi dép, bây giờ đạp xe mà không có đôi dép tôi mới thấy đau chân kinh khủng, không có tiền để mua dép khác, tôi quay về nhà, lấy đôi dép chiếc đực, chiếc cái xỏ tạm để tiếp tục đi đạp xe ba bánh. 

Từ một giờ đêm đến giờ là 7 giờ sáng mà tôi chưa được đồng nào dính túi. Tôi trở ra chợ Mới, đậu xe theo các anh em đạp ba bánh ngay bên góc chợ. Lúc đó mẹ tôi đi ngang qua, vì mẹ tôi đi chợ về, mẹ tôi nhìn tôi rồi tôi thấy mẹ tôi quẹt nước mắt, mẹ tôi nói với người đàn bà cùng đi chợ với mẹ tôi như sau : “Tội cho con tôi quá, vừa đi cải tạo về, vợ con không còn, ngày nào con tôi đi xe Jeep mà bây giờ phải đạp xe ba bánh”. Tôi nói với mẹ tôi, mẹ lên xe con chở mẹ về, nhưng mẹ tôi sợ tôi mệt nên bà không chịu lên xe và tiếp tục đi bộ về nhà. Tôi nhìn mẹ tôi mà lòng buồn xót xa vô hạn, con không ngờ giờ nầy gia đình mình lại lâm vào cảnh khó khăn như vậy. Con biết làm gì ra tiền để mẹ bớt khổ đây. Nhìn mẹ đi chợ tay xách giỏ mà lòng tôi đau vô hạn, tôi không dám nghĩ đến 7 năm qua trong lúc tôi vắng nhà, gia đình tôi khổ sở đến chừng nào.Tối hôm đó, em gái tôi kể với tôi “con Tý nó kể có ông nào đạp xe ba bánh chở nó và đã cho vợ chồng nó té văng vào buị, có phải anh không” ? Tôi cười và nói, tao chứ còn ai nữa, lúc bấy giờ là năm 1982, mẹ tôi lúc đó đã 72 tuổi nhưng mẹ vẫn mạnh khoẻ và không đau yếu gì, khác với tôi một trời một vực, tôi giờ chỉ hơn 60 nhưng cứ nay đau mai ốm hoài, phương tiện vật chất thật đầy đủ, nhưng không hiểu sao tôi lại thường bị bệnh, nhất là chứng phong thấp làm cho tôi vô cùng đau đớn, có khi nằm cả tuần không đi đứng gì được. Trong lúc tôi lầm lũi đạp ba bánh, các bạn tôi, có người có được chiếc xe Honda kéo rờ mọc (Xe Honda có kéo móc hậu phía sau). Tôi cũng có những mong ước như mọi người, và mong ước của tôi lúc bấy giờ là mong sao mình có được chiếc xe lôi như các bạn tôi, ngoài ra tôi không dám mơ một ước mơ nào to lớn hơn. Một cuốc ba bánh thứ hai cũng làm cho tôi nhớ cho đến bây giờ, sáng hôm đó tôi ra đầu chợ Mới Bà Rịa cũng như những lần trước, đậu xe ngay chỗ những người bán cám, thường thường những cuốc xe nầy chở về Phước Hoà, và những người chủ vựa cám thường gọi xe Lambretta để chở, tôi cũng không hiểu tại sao, hôm đó mấy chủ vựa bán cám gọi tôi và một người bạn xe ba bánh khác để chở cám đi xuống bến ghe Phước Hoà. Họ hỏi tôi có muốn chở không, tôi trả lời không một chút do dự, chở chứ sao không, thế là chủ vựa đồng ý cho hai chúng tôi chở, mỗi xe là hai bao cám, mới nghe thì thật tưởng bình thường, nhưng không bình thường chút nào cả, hai bao cám của họ, mỗi bao là hai bao tạ chỉ xanh nối với nhau thật dài, bao cám dài hơn cả hai thước và họ bỏ cám vào và dùng cây để dọng cho thật chặt, bao cám nặng hơn 200 Kg. Mấy người vựa bán cám và mấy bạn cùng đạp xe ba bánh phụ khiêng các bao cám nầy lên xe cho tôi, họ đồng ý trả cho tôi 35 đồng Việt Nam, tôi nghĩ rằng cuốc nầy hơn cả ngày mà tôi chạy từ trước đến giờ, hăm hở để thực hiện cuốc xe nầy, trong thâm tâm tôi nghĩ, chỉ một cuốc xe mà còn hơn cả ngày làm việc thì còn gì sung sướng hơn. 

Sau gần 2 tháng trong nghề chạy xe ba bánh, bây giờ tôi cũng tạm có chút bản lĩnh, cũng được nhiều khách hàng mến mộ và cũng có khách liên tục, không bù cho những lúc đầu mới vào nghề, chẳng có ma nào kêu đi đâu cả, nghĩ cũng buồn cho những người mới vào nghề, tôi bắt đầu đẩy xe ra đường và trực chỉ về hướng Sàigòn, khi đẩy xe vừa ra khỏi vựa cám độ vài thước, đẩy không nổi tôi phải lên phía trước để kéo thì xe mới di chuyển được, tôi nghĩ có lẽ vì đọạn đường ngắn và có dốc cho nên xe chưa có trớn nên đạp không được, hy vọng ra đường chánh thì có lẽ không trở ngại, nghĩ thế tôi tiếp tục kéo xe về hướng đường đi Sài Gòn, còn người bạn cùng đạp xe ba bánh về Phước Hoà với tôi thì nó đã đi từ hồi nào rồi. Tôi kéo xe ra đến đường vẫn không đạp nổi vì xe quá nặng, tôi tiếp tục kéo như vậy được một đoạn rồi phóng lên xe đạp, nhưng xe vẫn không di chuyển nổi vì 2 bao cám quá nặng, cuối cùng tôi thấy vô phương, không có cách gì đạp nổi cả, vì vậy tôi tiếp tục kéo, 12 giờ hơn mà tôi vẫn chưa tới được Phước Hoà, đoạn đường khoảng 10 cây số mà tôi cứ ngỡ là cả mấy chục cây số lận. Đi hoài vẫn không thấy tới, tôi mệt lả cả người, tôi không ngờ nó chông gai đến như vậy, bây giờ thì mọi chuyện đã lỡ rồi, tôi chỉ còn nước cố gắng kéo cho đến nơi vì mình đã nhận tiền công rồi. Đoạn đường mỗi lúc một dài thêm, từ lúc đưa 2 bao cám lên xe đến giờ tôi không đạp được môt bước nào mà chỉ kéo. Có những đọan đường tôi kéo mà xe hầu như muốn chạy ngược lại vì đoạn đường quá dốc, từ 9 giờ sáng đó là giờ xuất phát của tôi mà bây giờ hơn 12 giờ rồi tôi vẫn chưa tới địa điểm khoảng cách độ 10 cây số. Cuối cùng rồi với sức người “sỏi đá cũng thành cơm”, tôi cũng đã đến được bến ghe Phước Hoà, nhờ những người ở trên ghe phụ xuống, tôi đã hoàn thành công việc mà lúc đầu tôi nghĩ sẽ rất dễ dàng. Thưởng cho mình một ly nước đá lạnh, từng giọt nước mát ngấm dần vào cổ để bù lại nhũng giờ phút vất vả vừa qua. Tôi về đến nhà khoảng hơn 4 giờ chiều và cho mình được nghỉ luôn ngày hôm đó. 

Trên đây là kỹ niệm của tôi trong những ngày đi tù về, gởi đến những người bạn cùng cảnh ngộ để cùng chia sẻ với nhau trong cuộc sống « Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn ». 

Qua được đến Mã Lại, tôi lại tình cờ gặp lại được bà chủ vựa cám cũng đi vượt biên bà đến sau tôi vài tuần, tôi thuộc PB 967 (Pulau Bidong), lúc đó tôi được văn phòng Trại giao cho chức vụ Trưởng Khối Xã hội Đảo Bi Đông vào cuối năm 1983. Bà chủ vựa cám lên gặp tôi để nhận quần áo từ khối xã hội, chị đã nhận ra tôi “thằng đạp xe ba bánh” chở hàng cho chị, chị nhìn tôi bằng cặp mắt kính phục, tôi cũng cảm ơn chị đã giúp tôi trong những ngày tháng vừa qua. 
Viết đến đây tôi nghe trên đài phát thanh thông báo Mùa Vu Lan, bông hồng trắng cho những người không còn mẹ, tôi buồn và nhớ mẹ tôi vô cùng, Mẹ ơi ! Con của Mẹ giờ nầy không còn đạp xe ba bánh như ngày nào, con của Mẹ có một cuộc sống tương đối, không còn phải vất vả như những ngày còn ở quê nhà, mới vừa ra tù cải tạo, nhưng lúc nào con của Mẹ cũng vẫn nhớ về Mẹ, con thầm ước ao được chở Mẹ trên chiếc xe ba bánh nghèo nàn như ngày nào, nhưng làm sao có được, vì bây giờ làm sao tôi có thể tìm lại được những hình ảnh thân thương đó nữa, xin Ba Mẹ hãy phò hộ cho chúng con, ba anh em chúng con đang sống bơ vơ trên đất người, mùa Vu Lan thiếu cả Mẹ lẫn Cha … 

John Nhân Nguyễn, California, C/N 2011/01





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Ba 2024(Xem: 92)
để bước lên xe tang đi về hướng nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đưa ông bà Thiếu Tá Trần Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng!
07 Tháng Ba 2024(Xem: 166)
Căn nhà xưa vẫn đứng đó như một bức tượng bám đầy rêu phong; còn con hẻm không tên kia đến nay tôi không hề nghe ai nhắc tới,
04 Tháng Ba 2024(Xem: 309)
Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu
04 Tháng Ba 2024(Xem: 234)
"Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, quan trọng đối xử sao để vợ trở thành một thiên thần hay thành mụ phù thủy"
16 Tháng Hai 2024(Xem: 361)
Nhưng em không hề biết mấy giọt nước mắt của tôi đã rớt trên mái tóc dài của em ... thương lắm
16 Tháng Hai 2024(Xem: 320)
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa
06 Tháng Hai 2024(Xem: 371)
Hãy động viên con cố gắng hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là được.
06 Tháng Hai 2024(Xem: 403)
nên viết lại kỷ niệm của tôi , để chia xẻ một vài cảm xúc của một thời còn khỏe mạnh, còn hăng say
18 Tháng Giêng 2024(Xem: 394)
Đời người bao nỗi vân vi Yêu thương lắm lắm, nhưng vì chiến tranh
08 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 689)
người Sài Gòn xưa thì đang sống ở Cali và Sài Gòn giờ toàn là bộ đội, cán ngố, và người Hà Nội vào cướp đất, chiếm nhà của người Saigon …
04 Tháng Mười 2023(Xem: 1257)
Nữ danh ca KIM ANH. Cô Kim Anh đã một thời lừng danh trên sân khấu Thanh Minh đóng cặp chung với anh Út Trà Ôn.
18 Tháng Chín 2023(Xem: 1222)
đã không cho phép ngoại trưởng Blinken và tôi cùng chạy đến quán Liên Hương, để thưởng thức món bún chả nổi tiếng mà ông Barack Obama
28 Tháng Tám 2023(Xem: 1436)
Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.
27 Tháng Tám 2023(Xem: 1062)
Trời đêm dần tàn, con đến sân ga để đón mẹ yêu quý trở về. Tàu cũ năm nao chưa mang về trả cho tôi mẹ xưa
18 Tháng Tám 2023(Xem: 1280)
Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào
05 Tháng Tám 2023(Xem: 1263)
Bão tố từ trong em, trong chị, trong con ngựa đá chỉ có do sự tưởng tượng thi vị của dân làng ven sông.
31 Tháng Ba 2023(Xem: 1588)
Với sứ mệnh chăm sóc đời sống tinh thần Quý khán thính giả gần xa. Nội dung xuyên suốt là những câu chuyện, những bài học từ cổ chí kim, Lúa Vàng mong muốn chia sẻ với Quý vị
21 Tháng Ba 2023(Xem: 1877)
Ngày mất nước, Miền Nam có 17 triệu rưỡi người. Tất cả mọi người đều chịu thảm cảnh, thảm hình. Truyện về kiếp của từng ấy người, gom cả lại, chẳng đã thành một truyện dài ư?
12 Tháng Ba 2023(Xem: 2133)
Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường. Nhớ nụ hôn ngọt mềm: "Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng..."
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2767)
Cái kỳ cục của người Sài-Gòn, sao mà nghe nó rất dễ thương cũng như đặc trưng cái giọng điệu quá mộc mạc
07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2440)
Không có ai trong số họ được thần thánh hóa, kể cả lãnh đạo. Nãy giờ tao nói vậy mày đã hiểu ra chưa?
31 Tháng Mười 2022(Xem: 2281)
Nhưng nếu thật tình như lời chú nói: “Uống rượu để lãng quên được chuyện đời!”, thì Tám Hổ ơi! Anh đây cũng xin được làm người nát rượu.
17 Tháng Năm 2022(Xem: 3967)
Vì vậy, khi đã biết sử, ta không thể sống tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công, vì cha ông ta, cách đây mấy trăm năm đã sống có nhân cách, sống tử tế, sống lương thiện.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3917)
câu vọng cổ của đào hoặc kép đã làm nãy sanh ra cái nét riêng của ngôn ngữ cải lương mà người yêu mến phải chấp nhận để thấy cái hay của cải lương.
14 Tháng Năm 2022(Xem: 3773)
Bấy nhiêu đó cũng khẳng định được rằng bài Tình Anh Bán Chiếu xứng đáng là "bài vọng cổ vua" của làng cổ nhạc miền Nam Việt Nam thời ấy và tận đến bây giờ.
12 Tháng Tư 2022(Xem: 4046)
Nếu nó còn mạnh giỏi, tôi xin Ơn Trên xui khiến cho nó đọc được mấy dòng nầy…
08 Tháng Tư 2022(Xem: 3628)
Gà tây nhúng sữa, kẹp phô mai đút lò chắc gì đã bắt mồi hơn cá lóc nướng trui?
02 Tháng Tư 2022(Xem: 3809)
Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
15 Tháng Hai 2022(Xem: 3938)
Không lẽ những con người bình thường như con trai lại không có đất tồn tại hay sao.
11 Tháng Hai 2022(Xem: 4519)
Chuyện ma tại trường trunghọc Gia-Hội hiện nay vẫn còn ăn sâu trong óc tôi, không bao giờ quên được!
06 Tháng Hai 2022(Xem: 3729)
nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại.
20 Tháng Giêng 2022(Xem: 3804)
Chỉ có một câu lục và một câu bát, một câu ca dao có tổng cộng chỉ 14 chữ mà ông bà mình kể lại một thiên anh hùng ca của những người dân Việt bất khuất.
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4955)
Tôi ôm Chi vào lòng, vì quá cảm động, tôi chỉ thốt lên được một tiếng “Em!” Chi cũng vậy, nàng thổn thức trên vai tôi “Anh!”
16 Tháng Giêng 2022(Xem: 4648)
Chỉ biết rằng họ là những Anh Hùng Mũ Xanh QLVNCH cùng những cái chết thầm lặng nhưng vô cùng can đảm và oai hùng. Những ai đã chết vì Sông Núi
22 Tháng Tám 2021(Xem: 5103)
Ký ức của chúng ta rồi có quên đi những ngày tháng này? Lịch sử dịch bệnh có ghi lại nỗi sợ, nỗi lo của chúng ta hay chỉ để lại những con số thống kê?
24 Tháng Bảy 2021(Xem: 5690)
Bên tách cà phê vớ ở cà phê lá me, gã thất tình bộc bạch nguồn cơn, rằng hắn rất cảm kích khi được bạn bè chia sẻ nỗi buồn riêng
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 6185)
cũng vì chủ rạp bán vé quá tải. Ở Mỹ bây giờ mua vé online không phải sắp hàng, tới nơi chỉ đưa smartphone ra là xong.
18 Tháng Bảy 2021(Xem: 4703)
Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 5175)
tưởng nhớ Quân Cán Chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến với lời tri ân “ Các anh hùng đã chết để chúng ta được sống “
09 Tháng Sáu 2021(Xem: 5523)
. Lâu lâu nhớ đến ông, nước mắm thắm duyên nhau mà ông Sáu, tôi vẫn hình dung ra được ông bận đồ ta trắng, tóc búi tó, như một ông tiên mà không cần thi ca đánh bóng.
27 Tháng Tư 2021(Xem: 7289)
Hơn nữa Tướng Trà phạm phải lỗi lầm vì đã không nghe các hướng dẫn trước khi tấn công của Tổng Tham Mưu
27 Tháng Tư 2021(Xem: 6389)
nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Tướng Đảo, tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp đánh bại được những cuộc tấn công của quân CSBV trong những ngày đầu tiên.
22 Tháng Ba 2021(Xem: 6321)
nhưng theo tôi nghĩ, câu chuyện giữa cô bé 16 tuổi tên Trúc và anh chàng học sinh nghèo tên Khải hơi giống chuyện cổ tích của một thời đã qua, nay khó có nữa
23 Tháng Hai 2021(Xem: 5711)
Những mảnh đời méo mó qua những mẩu đối thoại thô tục (thượng dẫn) của những kẻ may mắn sống sót đến được bến bờ, cùng với oan hồn của hàng triệu sinh linh
03 Tháng Hai 2021(Xem: 5396)
Và tôi lại nghĩ: bọn… ’đỉnh cao trí tuệ’ này không tình không nghĩa, hữu thủy vô chung, tiền hậu bất nhứt. . . thì làm gì biết được Tiết Nhơn Quí là ai?“.
16 Tháng Giêng 2021(Xem: 5519)
Sợ không còn đủ tỉnh táo để viết nên điều gì ra hồn, chỉ mong đây là những cảm nghĩ rất thật về một giọng hát mà người đời sẽ tiếc nhớ khôn nguôi
11 Tháng Giêng 2021(Xem: 5280)
thì tôi cũng đã có một nhìn nhận rõ ràng hơn về cái giới mà nhiều người cho là, hoặc tự họ cho là tinh hoa, ở Việt nam.