Sau các cuộc tấn công của CSBV tại Định Quán vào hôm 18 tháng Ba, Tướng Đảo nay đánh hơi được rằng sắp sửa đến lượt của Xuân Lộc. Mối hoài nghi của ông thoạt đầu được gợi lên hồi tháng Hai khi một đơn vị Địa Phương Quân đóng chốt trên Núi Chứa Chan bất ngờ hạ được một toán tiền sát viên pháo binh của Quân Đoàn 4 CSBV. Linh tính của ông càng tăng sau những cuộc giao tranh trên QL 20 vào cuối tháng Ba khi quân của ông bắt sống được nhiều tù binh. Qua thẩm vấn, Tướng Đảo mới hết sức ngạc nhiên khi nhận thấy các tù binh còn rất trẻ. Rõ ràng là quân CS đang vét cạn nguồn nhân lực ở Miền Bắc. Nhiều cán binh bị bắt tuổi chỉ vừa mới mười sáu nhưng họ mang vũ khí và trang bị kiểu mới của khối Soviet. Sau khi nghe họ khai thuộc Sư Đoàn 341, Tướng Đảo mới đoan chắc rằng ba đơn vị chủ lực của CSBV đang có mặt trong khu vực.
Qua đầu tháng Tư, Tướng Đảo bắt đầu tổ chức việc phòng thủ của mình. Trước hết ông khảo sát kỹ địa thế quanh thị xã. Xuân Lộc nằm giữa nhiều đồn điền chuối và cao su, ở cuối dãy Trường Sơn vốn từ Trung Quốc chạy dọc theo Biển Đông, tạo thành cột sống của Bán đảo Đông Dương. Địa hình đồi núi phía tây thị xã bao phủ bởi rừng rậm và chảy ngang dọc với nhiều sông suối nhỏ. Về hướng đông, đất mở rộng hơn nhưng khống chế bởi Núi Chứa Chan.
Trong khi Tướng Đảo có được hơn một tuần để chuẩn bị cho việc chống trả cuộc tấn công, lực lượng của ông phải dàn mỏng ra. Hai trong ba trung đoàn nằm bên ngoài thị xã, gồm Trung Đoàn 52 canh chừng khu vực QL 20, trong khi Trung Đoàn 48 đóng tuốt trên Tây Ninh, cách xa đến gần trăm cây số. Vào đầu tháng Tư, ông chỉ còn Trung Đoàn 43, nhân viên hậu cần, đơn vị thiết giáp cơ hữu và đại đội trinh sát sư đoàn trấn giữ Xuân Lộc. Bốn tiểu đoàn Địa Phương Quân giúp giữ an ninh mặt bắc thị xã và khu vực chung quanh bộ chỉ huy tỉnh, đúng ngay địa điểm mà Sư Đoàn 7 CSBV dự tính tấn công.
Tướng Đảo biết ông cần có một sư đoàn đủ mới có thể ngăn được cuộc tấn công, và cơ may đến với ông vào hôm 3 tháng Tư khi Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Đoàn III, ghé viếng ông. Nhân cơ hội trong khi tường trình về kế hoạch phòng thủ, Tướng Đảo xin Tướng Toàn nhận lại con cái mình là Trung Đoàn 48 (đang đóng ở Tây Ninh như đã đề cập ở trên). Tuy Tướng Toàn tỏ ra miễn cưỡng nhưng Tướng Đảo vẫn cố thuyết phục, ông lý luận rằng nếu Quân Đoàn III kỳ vọng ông giữ vững Xuân Lộc thì ông cần có được một mặt hậu an toàn. Để thuyết phục được thượng cấp, ông phải phịa một chút đỉnh, rằng ông dự tính sử dụng Trung Đoàn 48 để khai thông QL 1 ở phía đông, từ Tân Phong, kể cả tái chiếm Núi Chứa Chan. Cuối cùng Tướng Toàn chấp thuận trả về Trung Đoàn 48 nhưng ra lệnh cho Tướng Đảo phải phái một tiểu đoàn xuống thành phố duyên hải Hàm Tân để tăng cường an ninh cho đám dân tị nạn từ Quân Đoàn II mới đổ xuống.
Trung Đoàn 48 trở về với Sư Đoàn 18 hôm 5 tháng Tư. Sang đến ngày 7, Tướng Đảo cho đơn vị này đi khai thông QL 1 nhưng không thẳng đến Núi Chứa Chan. Ông cho để lại Tiểu Đoàn 3 trong khu vực, và kéo Tiểu Đoàn 1 cùng hai toán quân thuộc đơn vị Thiết Kỵ cơ hữu của ông, về giữ giao điểm Tân Phong ở phía nam thị xã, làm lực lượng trừ bị. Đồng thời không quên bài học thảm họa Quân Đoàn I và II, khi toàn thể những đơn vị này tan rã vì binh sĩ bỏ ngũ để lo cứu lấy vợ con. Ông cho di chuyển càng nhiều càng tốt gia đình binh sĩ và thường dân ở địa phương về Long Bình, một căn cứ tiếp liệu khổng lồ nằm gần Biên Hòa. Thường dân còn lại đều được cho xuống hầm kiên cố xây gần bộ chỉ huy tỉnh.
Quan trọng hơn nữa, tin chắc rằng quân CS sẽ tập trung hỏa lực pháo binh vào trung tâm thị xã, Tướng Đảo cho chuyển quân ra hết ngoài vùng ven. Đại đội trinh sát đóng tại trường trung học ở mép tây bắc thị xã được trang bị súng đại liên 50. Tướng Đảo cũng lập ba trạm chỉ huy khác nhau. Cái thứ nhất chính là căn nhà của ông nằm trong thị xã; cái thứ nhì ở tại Tân Phong; và cái thứ ba nằm trong một vườn cây gần bên. Trong khi các binh sĩ của mình lo đào hầm hố, ông chợt lóe ra ý nghĩ rằng địch quân ắt sẽ sử dụng cùng lộ trình tấn công mà họ đã dùng khi tấn công vào Xuân Lộc hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Hóa ra đây là một lượng định chính xác.
Do vậy, Tướng Đảo xếp đặt cạm bẩy chờ địch quân lọt vào. Với pháo binh, ông thiết lập cái gọi là “máy xay thịt.” Cấp chỉ huy pháo binh của ông dàn sẵn tất cả nòng pháo gồm ba mươi sáu khẩu (hai mươi bốn 105 ly và mười hai 155 ly) nhắm vào lộ trình dự trù sẽ là đường tiến của địch. Ông ra lệnh cho xe ủi đất tạo những bờ chắn che chở các khẩu đại bác, và đào những hầm kiên cố để kéo pháo vào mỗi khi tác xạ xong. Tướng Đảo cũng triển khai hệ thống hầm hố và giao thông hào hiện hữu cho quân trú phòng bảo vệ thị xã. Ông muốn làm thế nào để cho hỏa lực phản pháo của địch sẽ trở nên vô hiệu. Nỗ lực của ông tỏ ra hết sức thành công. Về sau ông đưa ra nhận định : “Pháo binh của họ sẽ không bao giờ phát hiện được các khẩu pháo của chúng tôi.”
Hơn nữa, do kho dự trữ nhiên liệu và đạn dược, đặc biệt là đạn đại bác, đã gần cạn, bắt đầu từ tháng Hai, ông thực hiện hai chương trình. Thứ nhất, bắt đầu âm thầm tích trữ đạn bằng cách giảm bớt 20% mức tác xạ hằng ngày của pháo binh. Thứ hai, cứ mỗi tiểu đoàn ông cho lập một trung đội trinh sát xa để giúp lùng kiếm vị trí địch. Ông cũng sử dụng nhiều trung đội vào việc càn quét những khu vực chung quanh Xuân Lộc. Vào ngày 6 tháng Tư, một trung đội phục kích và diệt trọn một toán trinh sát địch trên Núi Ma, cao điểm quan trọng nằm về phía tây bắc Xuân Lộc. Kế đến quân của Tướng Đảo chiếm thêm những ngọn đồi khác để tránh địch sử dụng để làm trạm quan sát.
Lúc giữa trưa ngày 6 tháng Tư, Tướng Đảo được thông báo rằng Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân vừa gian nan lắm mới thoát được ra khỏi khu vực do quân CS kiểm soát. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn ra lệnh cho trực thăng đưa họ về ngay Xuân Lộc, tại đây họ được Tướng Đảo cung cấp thực phẩm và đạn dược, rồi giao phó việc giữ an ninh phi đạo và đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Đoàn 43. Tuy nhiên Tướng Toàn lại bảo với Tướng Đảo rằng tiểu đoàn BĐQ ngày hôm sau sẽ được chở về SG để chờ bổ sung. Tiểu đoàn BĐQ này đâu có hay rằng họ vừa thoát ra khỏi chảo lửa thì lại rơi vào lò lửa đấu khẩu này.
Đến tối ngày 8 tháng Tư, lực lượng của Tướng Đảo được bố trí như sau : Trung Đoàn 52 và một chi đội thiết giáp thuộc Trung Đoàn 5 Thiết kỵ giữ nhiệm vụ bảo vệ QL 20 và ngã ba Dầu Giây trọng yếu. Một tiểu đoàn đóng tại ấp Phan Bội Châu ở phía nam Dầu Giây. Trên phía cực bắc thị xã có một đại đội nằm trên đỉnh Móng Ngựa, một đồi nhỏ nằm bên mé đông QL 20, gần Núi Thị. Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 43, trấn giữ Núi Thị, một cao điểm ở mặt tây của Xuân Lộc. Tuy vậy cách bố trí như vậy vẫn còn chừa lại một khoảng trống đáng quan ngại của tuyến phòng thủ, giữa vị trí của Trung Đoàn 52 với thị xã mà Tướng Đảo dự trù chỉ được che chở bằng pháo binh mà thôi. Đại đội trinh sát sư đoàn giữ trường trung học bên tây bắc thị xã cùng với hai tiểu đoàn Địa Phương Quân đóng bên mé phải. Hai đơn vị ĐPQ khác trấn giữ nhiều vị trí bên trong thành phố. Hai tiểu đoàn 1 và 3 thuộc Trung Đoàn 43 nằm ngay lối vào phía đông của thị xã. Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 48, cùng hai chi đội thiết giáp của Trung Đoàn 5 Thiết kỵ được giữ để làm lực lượng trừ bị, trong khi Tiểu Đoàn 2 được phái xuống Hàm Tân bảo vệ trại tị nạn. Tiểu Đoàn 3 đóng chắn ngang QL 1 đoạn dẫn vào phía đông thị xã. Tiểu Đoàn 82 BĐQ giữ an ninh phi đạo Xuân Lộc.
TRIỆU PHONG
(Xem tiếp kỳ 3)
Triệu Phong là cựu Sinh Viên Sĩ Quan khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức. Quý đồng hương và thân hữu có thể xem thêm những bài của anh tại https://thantrinhomhue.com/
Chân thành cám ơn anh Triệu Phong đã cho phép chúng tôi tải dăng trên aihuubienhoa.com