Sống là sống với bạn bè. Không có bạn bè, đời sống chỉ là cành cây khô. Tôi có rất nhiều bạn: bạn học cùng lớp, bạn văn thơ, bạn đồng nghiệp, bạn trong quân ngũ… Với bài viết này, tôi chỉ muốn nói tới hai người bạn đặc biệt. Đó là các anh Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng. Trừng, Đằng và tôi cùng học chung suốt bảy năm tại trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Thời gian sau, chúng tôi lại hội ngộ ở nhiều giảng đường khác nhau của Đại Học Luật Khoa, Saigon.
Tháng 06/1967 tôi hoàn tất học trình ban Cử Nhân Luật và bắt đầu làm việc trong hệ thống tòa án, chế độ VNCH. Chiến trận Mậu Thân 1968 đã cuốn hút Trừng và Đằng vào hoạt động tại các mật khu của CSVN. Từ đó, Trừng, Đằng và tôi sống ngăn cách bởi giới tuyến chính trị rõ rệt. Do vậy, chúng tôi xa nhau. Đây là lần biệt ly thứ nhất.
Biến cố 30/04/1975 tạo cơ hội để Trừng và Đằng bước lên sân khấu chính trị Việt Nam như những quan chức nhiều triển vọng của chế độ mới, còn được đảng Cộng Sản gọi là “chế độ cách mạng”. Dưới mắt nhìn của tôi, 30/04/75 là một thất trận đau buồn của tự do dân chủ. Tôi chia buồn với người bạn tự do dân chủ của tôi bằng những hoạt động bị cơ quan công an lên án là “âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng”. Khám Chí Hòa là nơi tôi hoàn toàn tĩnh tâm để đối diện với thực tế rằng: thời chiến tranh Việt Nam, Trừng và Đằng sống kín đáo trong mật khu, tôi là thị dân của thành phố Saigon. Hòa bình trở lại, Trừng và Đằng nghiễm nhiên là hai nhân vật của chế độ mới. Tôi là người tù của chế độ này. Đây là lần biệt ly thứ hai giữa ba cựu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng.
Tháng 05/1985, từ Cầu Kè-Trà Vinh tôi vượt biên. Tháng 02/1986 tôi có mặt tại Hoa Kỳ. Bây giờ, Trừng và Đằng đang sống vui vẻ và làm việc bận rộn trên quê hương Việt Nam. Tôi là người ly hương miễn cưỡng. Đây là lần biệt ly thứ ba của ba người thuộc thế hệ 1940.
Biệt ly ba lần hay biệt ly nhiều lần hơn nữa, tôi vẫn không bao giờ quên các bạn Quảng Nam của tôi. Trừng, Đằng và tôi chẳng những có chung những ngày niên thiếu dưới mái trường Phan Châu Trinh thân yêu mả chúng tôi còn có chung cả trời Quảng Nam, có chung cả tâm tình Quảng Nam. Thanh âm Quảng Nam bao giờ cũng là một gợi nhớ xoáy tim óc đến Non Nước, Mỹ Sơn, Phước Tường, Thường Đức, Quế Sơn…Vùng “đất cày lên sỏi đá” này lại được vỗ về bởi các sông Thu Bồn, Vu Gia và Hàn Giang . Nhờ vào cử chỉ vỗ về kia, Quảng Nam-Đà Nẵng thừa sức chịu đựng những nóng cháy da, những lạnh nhức xương. Phải chăng cực đoan nóng và cực đoan lạnh đã sản sinh ra “Quảng Nam tính”? Quảng Nam hay cãi bởi vì Quảng Nam thường xuyên hồ nghi: sau lưng mỗi chân lý đều có mật ngọt. Quảng Nam là quê hương của cách mạng bởi vì Quảng Nam căm thù bất công, căm thù tham ô, nhũng lạm. Quảng Nam thích hài hước bởi vì Quảng Nam muốn dùng âm vang của tiếng cười để khỏa lấp niềm đau của kiếp dân sinh cùng khổ… Quảng Nam không chấp nhận vua chúa hà khắc. Quảng Nam không cúi đầu trước độc tài, độc đảng. Quảng Nam ngạo nghễ với Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Phan Khôi và vô số danh nhân lẩy lừng khác…
Với lòng ngưỡng vọng vô biên hướng về Quảng-Nam-bướng-bỉnh-nhưng-yêu-nước-thiết-tha, dầu bó gối trong ngục tù Chí Hòa hay sống hiu quạnh trên đất khách quê người, bao giờ tôi cũng ấp ủ trong lòng một ước mơ. Ước mơ mai kia mốt nọ, Quảng-Nam-Trừng và Quảng-Nam-Đằng sẽ làm điều gì đó khiến cho khí phách Quảng Nam bừng bừng sống dậy. Giờ đây, mơ ước kia đã thành hiện thực:
Ngày 02/11/2010, tại nghị trường của quốc hội Viêt Nam, Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ Tịch Đoàn Luật Sư Saigon kiêm Đại Biểu Quốc Hội đã dõng dạc lên án các loại công ty quốc doanh, ông xác quyết:
“Cách quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện nay làm cho các tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước coi vốn nhà nước là tài sản của trời cho, của bá tánh, của thiên hạ và chi tiêu sử dụng thoải mái mà không cần tính toán hiệu quả, giống như một bà nội trợ đi chợ bằng tiền của người khác, mua lung tung, kể cả những thứ không xài cũng mua. Tình trạng này đã xảy ra tai Vinashin. Thủ tướng đã chỉ đạo không được mua tàu đã qua sử dụng, tàu cũ, nhưng Vinashin vẫn mua tàu Hoa Sen, tàu cũ. Chính phủ đã dành quá nhiều ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, coi doanh nghiệp nhà nước là con chính thức, con trong giá thú, còn các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân là con ngoài luồng, con nuôi, thậm chí các doanh nghiệp có vốn nhà nước không chỉ coi là con chính thức trong giá thú mà còn coi là quý tử. Con cái mà quá nuông chiều, hư hỏng là chuyện bình thường, dễ hiểu, trách nhiệm đó thuộc về chính phủ, thuộc về thủ tướng không thể thoái thác được”.
Ngày 11/11/2010, trên mạng Bauxite Viêt Nam (boxitvn.net) ông Lê Hiếu Đằng – Luật gia, đương kim Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – đã cho phổ biến bài viết có tựa đề: “ Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội”. Bài này gồm bốn trọng điểm: Trọng điểm một: Nhắc lại sự việc ông Lê Hiếu Đằng cùng nhiều nhân sĩ và trí thức Việt Nam đã hai lần ký tên vào Kiến nghị dừng khai thác bauxite. Thế nhưng kiến nghị này đã bị giới truyền thông trong nước làm như “không nghe, không thấy, không biết”.
Lê Hiếu Đằng nhận định:
“ Một kiến nghị quan trọng như thế phải được công bố rộng rãi để mọi đại biểu Quốc hội và toàn dân biết. Như thế là cung cấp thông tin đa chiều để các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân lựa chọn. Đại biểu và nhân dân phải có điều kiện đối chiếu những luận điểm bênh vực khai thác bauxite của Bộ Công Thương và tập đoàn TKV với những luận điểm phản biện của các trí thức trong kiến nghị để suy nghĩ và rút ra kết luận”.
Lê Hiếu Đằng nói chuyện với truyền thông:
“ Tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vân mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: Thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng.” Trọng điểm hai: Lê Hiếu Đằng viết “Trong việc xây dựng các nhà máy bauxite, ta thấy nhân công Trung Quốc vào rất đông. Thậm chí có hiện tượng hình thành “làng Trung Quốc” ở Tân Rai. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Trong số nhân công đó, có bao nhiêu quân nhân mặc áo dân sự? Họ làm gì ở đấy chúng ta có kiểm soát được không?...... Lịch sử quan hệ Việt-Trung buộc chúng ta phải cảnh giác. Bản chất, mưu toan bá quyền của người hàng xóm không hề thay đổi……. Trong khi đó, hình như tinh thần cảnh giác của các vị lãnh đạo lại khá hời hợt, cho nên mới để lọt những chủ trương nguy hiểm như khai thác bauxite, cho thuê rừng đầu nguồn. Tại sao có thể như thế? Tôi không sao có thể trả lời được câu hỏi này. Có phải các vị chạy theo lợi ích kinh tế mà quên mối lo an nguy lâu dài của đất nước? Có phải các vị bị chi phối bởi các tập đoàn kinh tế? Đây là lúc các vị phải trả lời rõ ràng để giải tỏa những băn khoăn chính đáng của người dân.”
Trọng điểm ba: Lời kêu gọi. Lê Hiếu Đằng kêu gọi các đồng chí của ông trong khu chiến cũ:
“Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Saigon – Gia Định, các chiến trường Đông Nam Bộ, ven Saigon… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng tranh đấu để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên.”
Lê Hiếu Đằng kêu gọi toàn đảng, toàn dân:
“Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc. Chúng ta không có gì phải sợ vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước, thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp.”
Trọng điểm bốn: Đặt vấn đề, nhận định vấn đề, và giải quyết vấn đề là ba hiểu biết cốt lỏi của khoa học lý luận. Muốn ngăn chặn thảm họa Bauxite và cho thuê rừng đầu nguồn và muôn vàn khó khăn khác của đất nước, vấn đề tiên quyết là người dân phải “không sợ”.
Lê Hiếu Đằng tâm sự:
“Bản thân tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: Khi bị tòa án Vùng Ba Chiến Thuật Saigon kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”
Lời tâm sự của Lê Hiếu Đằng là một khẳng định sâu sắc rằng : lòng coi khinh là nền tảng căn bản của tâm lý không sợ. Vì vậy muốn không sợ các “đồng chí” của mình thì hãy coi khinh các “đồng chí” ấy. Từ dũng khí không sợ kia, người Việt Nam cần phải làm gì để cứu nước? Trước tiên chúng ta hãy tìm đường hồi sinh nội lực dân tộc.
Ngày 15/11/2010, vẫn trên mạng Bauxite Việt Nam, dưới bài viết:
“Dân Chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước”, Lê Hiếu Đằng mô tả bức tranh nội lực dân tộc như sau:
“Ngày hôm nay hầu như ai cũng thấy đất nước đang phải đối mặt với những thách thức cực kỳ nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế, môi sinh, quốc phòng, văn hóa xã hội, giáo dục. Nếu tình hình cứ phát triển như thế này thì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” khó lòng thực hiện. Một vấn đề đáng lo hàng đầu đang nổi rõ: sự phân hóa xã hội sâu sắc, những người ăn bám vào tập đoàn kinh tế nhà nước, vào đầu tư công, vào buôn lậu, tham nhũng đang giàu lên rất nhanh trong khi đại đa số nhân dân cực khổ. Thử nhìn thực trạng TPHCM mà coi: Khu đô thị hiện đại sang trọng Phú Mỹ Hưng được coi là đô thị kiểu mẫu cùng với nhiều khu đô thị sang trọng khác, nhưng những ai đang sống ở đó? Trong khi người nông dân gốc gác lâu đời ở những khu vực này bị giải tỏa, hiện đi đâu, sinh sống thế nào, chúng ta có biết không? Và trong khi một bộ phận không nhỏ dân cư thành phố sống thường trực trong cảnh nước ngập, sụp hố trên đường, bất an về đủ thứ tai nạn. Cách làm ăn của chúng ta liệu có khác gì thời kỳ tư bản man rợ: xua đuổi nông dân để chiếm đất, bần cùng hóa một bộ phận dân cư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bàn tay long lá của các tập đoàn lợi ích ngày càng thọc sâu vào các chính sách quốc gia. Thật hết sức đáng lo. Lòng dân đang rất bất an, dân không thể tiếp tục tin yêu chế độ, nếu tình hình cứ tiếp tục thế này.”
Đứng trước bức tranh tiêu điều của nội lực dân tộc, Lê Hiếu Đằng dứt khoát nêu bật giải pháp cho Viêt Nam:
“Những vấn đề trên không thể nào giải quyết, nếu không nhanh chóng thực hiện dân chủ thực sự.” Nhằm hổ trợ cho giải pháp của mình, Lê Hiếu Đằng nhấn mạnh:
“Đảng Cộng Sản phải nhận rõ vấn đề để chủ động chuyển đổi thể chế chính trị phù hợp với tình hình mới. Hãy nhìn sang Trung Quốc, ngay thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã công khai cảnh báo nguy cơ của nước này, nếu không cải cách chính trị để dân chủ hóa xã hội.”
Một mặt kêu gọi đảng CSVN hãy “chủ động chuyển đổi thể chế chính trị”, mặt khác, Lê Hiếu Đằng vẫn nghiêm chỉnh thuyết phục người dân:
“Toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền tự thay đổi. Trong đời hoạt động của mình, tôi luôn được dạy rằng: Không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh. Đấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội. Đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền dân chủ.”
Dân chủ không phải là một ngôi nhà bằng gạch. Dân chủ phải được xây dựng bằng tim và bằng óc. Vì vậy cuộc đấu tranh cho dân chủ cần có sự hợp tác gắn bó giữa người dân và giới trí thức. Nghĩ về giới trí thức, Lê Hiếu Đằng viết:
“ Nhân tố quan trọng nhất trong việc hình thành xã hội dân sự là vai trò đầu tàu của trí thức. Phan Châu Trinh đã nói đến nhiệm vụ “Chấn dân khí” của trí thức. Bao giờ cũng vậy, người trí thức là người đặt lại nhiều cơ bản của xã hội. Người trí thức là người vạch đường cho xã hội tiến lên. Vì thế bây giờ, người trí thức không thể thụ động ngồi chờ, mà phải chủ động tiến lên và hành động cho nền dân chủ.”
Bài viết này đã ghi lại nguyên văn và chi tiết hầu hết những phát biểu của Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng về hiện tình Việt Nam và giải pháp thích nghi dành cho hiện tình vừa kể. Sự trích dẫn như vậy có chủ ý phản ánh trọn vẹn sự thực rằng: Nếu Nguyễn Đăng Trừng phát pháo đòi hỏi dân chủ hóa trong sinh hoạt kinh tế tại Việt Nam thì Lê Hiếu Đằng tiến xa hơn bằng cách kêu gọi mọi người Việt Nam, mọi thành phần Việt Nam hãy dũng cảm đứng lên đấu-tranh-triệt-để-và-toàn-diện cho một Việt Nam dân chủ. Những đòi hỏi và kêu gọi vừa kể bao gồm các nhận định chính xác, không khoan nhượng nhưng chừng mực, kèm theo đó là phần phương pháp luận khả thi. Hơn thế nữa, nhằm tạo khí thế cho phương pháp luận, Lê Hiếu Đằng hiên ngang hạ bút: “Toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền tự thay đổi…. Không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh!” (Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước. Lê Hiếu Đằng)
Tuy nhiên, muốn đấu tranh người dân phải “không sợ”. Lê Hiếu Đằng khẳng định không do dự: “Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ.” (LHĐ)
Câu chuyện ba lần biệt ly của ba cựu học sinh Phan Châu Trinh-Đà Nẵng so chiếu với những nổ lực đấu tranh cho dân chủ của Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng ngày nay đã nêu bật chân lý rằng: dầu trôi dạt vào nhiều môi trường chính trị khác nhau, ba chúng tôi vẫn ấp ủ trong lòng lời dạy “Chấn Dân Khí” của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Dân khí là khí phách làm dân. Khí phách kia không cho phép người dân quì gối cúi đầu trước cảnh đất nước bị tàn phá bởi ngoại xâm Bắc Phương với sự tán trợ của nhà đương quyền. Khí phách kia ngày đêm hối thúc toàn dân hãy đứng dậy… Và Nguyễn Đăng Trừng – Lê Hiếu Đằng đã đứng dậy… Và ba chúng tôi đã gặp lại nhau. Gặp lại ở đây không có nghĩa là Trừng và Đằng theo tôi hay ngược lại. Gặp lại ở đây chỉ có nghĩa là: Trong hiện tình của đất nước, người Việt Nam không có chọn lựa nào khác hơn là hãy cùng nhau đi chung một con đường. Con đường của khí phách làm người Việt Nam. Con đường của tự do dân chủ. Tự do dân chủ là xu thế chung của lịch sử loài người. Đó là công lý vĩnh hằng./. ĐỖ THÁI NHIÊN
Gửi ý kiến của bạn