Tướng
Đỗ cao Trí, nói về tài chỉ huy quân sự của ông thì khó ai có thể phủ nhận, xin được có đôi chút về ông mà người viết bài có lần được chứng kiến trong một trận đánh, thật ra không đáng kể gì về một trận đánh trong suốt chiều dài cuộc đời binh nghiệp của một vị Tướng lừng danh. Tiểu sử của ông cho biết ông mang lon Đại Tá khi mới 26 tuổi, cái đáng nói không phải vì tuổi còn trẻ mà mang lon to mà là ông mang lon này dưới thời Tổng Thống Ngô đình Diệm, một Tổng Thống rất khe khắt, người ta nói là hồi đó ai được lên cấp Tá phải trình diện TT Diệm để ông xem tướng xem có xứng đáng mang lon cấp Tá không và Tỉnh Trưởng lúc đó chỉ là Đại Úy.
Khi Lonol đảo chánh lật đổ Sihanook, phía Chính Phủ VNCH có chút nhẹ nhõm vì dười thời trị vì của ông Hoàng này, Sihanook đã cho VC sử dụng biên giới Việt Miên như một nơi trú quân, hậu cần chứa mọi thứ nhu cầu chiến tranh của VC, tuy không công bố chính thức nhưng Sihanook đã cho Cộng Sản Việt Nam dùng đường biên giới để mở các cuộc xâm nhập và tấn công vào phần đất VNCH. (Ta không ưa Sihanook vì sự thân Cộng này nhưng công tâm mà nhận xét thì ông ta hơn hẳn Hồ chí Minh trong việc giành lại
độc lập từ tay người Pháp, Căm Bốt không đổ một giọt máu, ông ta đu dây
khéo léo giữa Nga, Trung Cộng và cả Mỹ nữa, Sihanook đã đưa nước ông trở thành phồn thịnh, thái bình trong khi Việt Nam triền miên trong khói
lửa)
Trước khoảng thời gian Sihanook bị lật đổ ít tháng, ta cũng đã có những
cuộc vượt biên âm thầm qua Kampuchia để tiêu diệt hậu cần của chúng như
các cuộc hành quân của SĐ 25, nhưng đây chỉ là những cuộc hành quân lẻ tẻ, kín đáo. Để tránh rắc rối về ngoại giao, trong các cuộc hành quân âm
thầm này, tất cả Binh Sĩ cũng như Sĩ Quan phải cắt bỏ phù hiệu đơn vị Sư Đoàn cũng như không được mang theo một thứ giấy tờ, hình ảnh nào cả. Qua các cuộc đột kích chớp nhoáng đó, ta khám phá ra rằng cách biên giới
không xa lắm, VC đã xây dựng những kho tàng to lớn cho nhu cầu chiến tranh.
Đảo chánh Sihanook xong, Lonol có khuynh hướng thân Mỹ mà thật ra Mỹ bật đèn xanh cho Lonol làm chuyện này và từ đó, kế hoạch hành quân vượt biên để tiêu diệt quân CS trên đất Kampuchia được Bộ TTM phác thảo.
Cuộc hành quân hình như vào tháng ba năm 1970 (lâu rồi tôi sợ nhớ không
chính xác), lúc đó tôi là Đại đội Trưởng( ĐĐT) của một Tiểu Đoàn(TĐ) Bộ
Binh của Trung Đoàn 46 thuộc SĐ 25. Hôm đó, vị Tiểu đoàn Trưởng của tôi
cho gọi các ĐĐT cầm bản đồ lên họp hành quân, nhìn các mục tiêu trên bản đồ nơi tay vị TĐT, chúng tôi mới biết mình sẽ vượt biên qua đất Miên.
Lệnh xuất phát ngày N và giờ G là 5 giờ sáng, tất cả mọi liên lạc bằng vô tuyến phải rất hạn chế, trưa thì TĐ tới điểm xuất phát, lệnh cho dừng
lại bố trí phòng thủ, tất cả vẫn tuyệt đối giữ im lặng và không nấu nướng, nơi ém quân là một cánh rừng chồi, cây không lớn lắm, gạo sấy đã được đổ nước từ chỗ chuyển quân giờ lấy ra ăn, nằm tại chỗ thêm một ngày
nữa, ăn gạo sấy xót cả ruột, người lính cần vụ đem theo được nửa cái bắp cải, tôi gọi 3 Trung đội Trưởng lên chia mỗi người mấy lá, xé ra ăn không cần rửa vì nước chỉ có một bi đông, uống rất hạn chế, tối đó trước
khi thiu thiu ngủ, người lính mang máy đưa cho tôi chiếc radio transistor, mở thật nhỏ áp vào tai nghe, tiếng hát Duy Khánh với bài hát
bình thường tôi chẳng mấy thích nhưng nó lại rất hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ: "Đêm qua biên giới, súng thù tràn lưng đồi..." tôi không biết tên bài hát là gì nhưng thật đúng trong lúc này, đang nằm nơi đây biên giới, tuy chưa có súng thù nhưng tôi biết chỉ mai hay mốt thôi sẽ tha hồ
mà nghe súng thù nổ, không hiểu sao hai ngày nay chưa thấy động tĩnh, lệnh lạc gì cả.
Bốn giờ sáng, người lính mang máy TĐ lay lay tôi đưa cái combinet, TĐT cho biết một giờ nữa xuất phát tiến chiếm các mục tiêu đã chỉ định, không còn hạn chế vô tuyến nữa, tôi gọi máy phân công các Trung đội theo
đội hình tiến quân, tiếng Thiết vận xa ì ì đến gần, ĐĐ tôi được chỉ định tùng thiết một chi đoàn M113 của Thiết Đoàn 10, Chi đoàn Trưởng là Đ/U Hồ Đàn, người mập mạp, râu cá chốt dài thoòng, ngồi chung xe chỉ huy, tôi mới thấy được cách thức điều động của Thiết Giáp, ĐU Hồ Đàn gầm
thét luôn miệng, tay cầm cái que, mà tôi thấy tất cả Chi đội Trưởng hay
Chi đoàn Trưởng đều có cái que trong tay, muốn xe quẹo trái hay quẹo phải, ông ta lấy cái que gõ vào bên trái hay bên phải người tài xế, còn lái không đúng ý, ông ta người miền Trung, luôn miệng đù mạ, gõ cái que lộp bộp vào cái nón người tài xế, sự căng thẳng của chiến trường đôi khi
khiến người chỉ huy có trách nhiệm trở nên nóng nảy, cọc cằn.
Sau tôi mới hiểu tại sao phải nằm ém quân ở biên giới 2 ngày, tất cả là
chờ lệnh của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội, ngay lúc các đơn vị quân lực VNCH tiến vào đất Miên thì TT Thiệu lên đài phát thanh nói chuyện với toàn dân: "... ngay lúc này đây khi tôi đang nói chuyện cùng đồng bào thì Quân Đội ta đã vượt biên qua đất Kampuchia để tiêu diệt quân VC đang ẩn núp tại đây..." xuất phát buổi sáng, trưa thì chạm địch, súng thù giờ đã tràn lưng đồi, không phải chỉ riêng TĐ tôi mà tất cả các cánh quân đều chạm địch, chúng ở đây đông quá, khi ở ngoài chỗ trống, tôi thấy khói lửa mù mịt khắp nơi, máy bay ném bom dài dọc theo đường biên giới, chúng ở đây rất đông và ỷ y là nơi
an toàn hoặc các kho tàng không thể di chuyển kịp. Cuộc hành quân tiến như chẻ tre, các mục tiêu được thanh toán nhanh lẹ.
Quân Đoàn 3 dưới sự chỉ huy của Trung Tướng Đỗ cao Trí đã sử dụng hai SĐ 25 và 5 cùng các đơn vị BĐQ, Nhẩy Dù, TQLC tham dự cuộc hành quân vượt qua Kampuchia, đồng thời vùng 4 với Thiếu Tướng Nguyễn viết Thanh cũng ồ ạt tấn công vào vùng VC trú đóng.
Ngày thứ hai của cuộc hành quân, các đơn vị vẫn liên tục chạm địch, đơn
vị bạn là Trung Đoàn 49 của SĐ25 bên cánh trái của tôi chạm nặng và nghe tin Nguyễn văn Bình, người bạn cùng khóa 21 Võ Bị Đà Lạt, một ĐĐT thuộc Trung Đ. 49 bị tử thương, Bình cùng Đại Đội E với tôi hồi trong trường, anh ta là Thiếu sinh quân, chưa hề nghe Bình chửi thề một câu, có bị bạn bè trêu chọc vì cái đầu cá trê thì chỉ nói được câu:" mẹ " rồi
thôi. Buổi trưa nắng bụi chói chan, mồ hôi trán chảy xuống cay sè cả mắt, không kịp cho nỗi buồn khi nhận tin người bạn mới hy sinh, đạn nổ tứ tung, các cây 12 ly 7 trên các M113 đang nã đạn vào hầm hố trú ẩn của
VC và pháo dồn dập trên các ổ kháng cự của chúng.
Phóng đồ hành quân lúc đầu dự trù các mục tiêu tới ngày N+4 nhưng tất cả được thay đổi, không còn N cộng mấy nữa mà theo sát tình hình biến chuyển của từng ngày, Tướng Trí, với sự tính toán và thao lược của một Tướng tài, ông tách Trung Đoàn 46, thành lập chiến đoàn 333 gồm TR/Đ46 và Thiết Đoàn 15 thẳng tiến về tỉnh Svay Rieng (Xoài Riêng), trước tiên chiếm quận Chipu rồi bao vây chiếm Svay Rieng, xong bọc trở lại Chipu tiến xuống phía Nam, xâm nhập vùng lưỡi câu và Chiến Đoàn đụng nặng tại đây, hàng ngày bay trên CNC, Tướng Trí như đọc được ở dưới đất chỗ nào VC đang trú ẩn và tại trận đánh này, tôi hân hạnh được gặp Tướng Trí.
Mục tiêu là một cái làng rộng lớn có lũy tre dầy đặc bao quanh, nằm sát
cánh rừng, từ sáng tới 3 giờ chiều, ta tấn công 2 lần đều bị dội ra, cháy 2 chiếc M41 và chết + bị thương một số của cả Thiết giáp và BB.
Tướng Đỗ Cao Trí thăm binh sĩ tại mặt trận.
Có lẽ thấy mục tiêu khá nặng mà ta xung phong tới hai lần mà chưa chiếm
được, khoảng 3 giờ hơn có chiếc trực thăng lượn vòng vòng rồi đáp xuống, bước ra khỏi máy bay tôi thấy Tướng Trí và một phụ nữ người Âu, cả hai mặc đồ hoa dù( tôi đoán người phụ nữ này là một ký giả?). Tướng Trí dáng tầm thước với chiếc mũ lưỡi trai mầu đen thoăn thoắt bước lên một chiếc M41 ở tuyến đầu, trong khi VC vẫn thỉnh thoảng bắn ra, dĩ nhiên ông ta ra tới đó thì Trung Đoàn Trưởng,Thiết Đoàn Trưởng phải theo
ngay sau, may mắn tôi đứng gần đó vì đang dàn quân chuẩn bị cho đợt xung phong cuối cùng trước khi trời tối.
Tôi chứng kiến ông cầm cái can, gõ gõ vào nón sắt của Trung Tá Đồng, Thiết đoản Trưởng:
- Đù mẻ, lên ngay nghe Đồng, cháy bao nhiêu xe tao cho bấy nhiêu, phải chiếm cho được mục tiêu trước tối nay nghe chưa!
Trung Tá Đồng đứng nghiêm chào ông Tướng 3 sao nhận lệnh và tôi thấy Tr/T Đồng chào bằng tay trái, sau tôi mới biết ông bị thương tay phải không cử động được mấy và trước đây đã từng chiến đấu trong hàng ngũ VC rồi mới trở về Quốc Gia.
Sau đó thì đủ loại phi cơ của ta và của Mỹ nhào xuống ném bom, rồi tới pháo, mục tiêu rất bất lợi cho quân tấn công vì đó là một ngôi làng với hàng tre dầy đặc, ba mặt là đồng trống, VC đào hầm hố phòng thủ rất kiên
cố với lực lượng khá đông, hình như chúng cố chết ra sức cầm chân mình để cho một thành phần quan trọng nào đó cuả chúng có thì giờ tẩu thoát, ngay lúc đó tôi nghe tin Thiếu Tướng Nguyễn viết Thanh, Tư lệnh vùng 4 vừa mới tử trận vì chiếc CNC của ông đụng phải chiếc Cobra của không quân Mỹ, như vậy QĐ3 đánh ở Lưỡi Câu, QĐ4 đánh ở Mỏ Vẹt.
Lúc dàn quân để chuẩn bị tiến chiếm mục tiêu cùng Thiết giáp, những chiếc M41 gầm rú sẵn sàng xốc tới, tôi thấy Trung sĩ nhất Thiều thuộc Trung đội 2, cũng đã có tuổi, đứng dậy từ sau gốc cây, tay làm dấu thánh
giá, tôi lại gần anh ta hỏi:
- Anh sợ lắm hả anh Thiều?
- Thưa không Đại Úy.
- Tôi thấy anh làm dấu mà.
- Thưa Đại Úy, hậu cứ cho biết giấy giải ngũ của tôi đã về tới hậu cứ.
- Vậy hả, vậy anh ở đây lo gom các ba lô của anh em lại cho tôi.
Bộ Binh và Thiết giáp ào lên chiếm mục tiêu, địch còn chống cự nhưng yếu đi nhiều, gần tối mục tiêu được thanh toán, phải liều chết mà xung phong vì ông Tướng đứng ngay sau lưng, không thể nào à la de được. Ta chịu thêm một số tổn thất, trong đó, lại một người bạn cùng khóa 21 Đà Lạt với tôi, Đ/ U Lê xuân Sơn, Đại Đội Trưởng cùng Tiểu Đoàn bị thương nặng, Sơn hiện ở San Diego. Đại Đội tôi có một Sĩ quan Trung đội Trưởng hy sinh, Thiết Giáp cháy thêm một xe (khi 1 xe TG cháy, có nghĩa là cũng
có vài mạng TG hoặc chết, hoặc bị thương). Địch bỏ lại nhiều xác chết cùng vũ khí.
Tướng Trí mỗi sáng bay từ Biên Hòa lên Tây Ninh, nơi đặt Bộ chỉ Huy tiền phương của Quân Đoàn trong cuộc hành quân vượt biên, tại đây, ông nghe thuyết trình về tình hình trong đêm cũng như kế hoạch hành quân của
các đơn vị thuộc QĐ3 trong ngày, (thật ra các kế hoạch hành quân này tự
tay ông vẽ), nếu các đơn vị chưa chạm địch, ông bay sang Nam Vang, tôi được một người bạn đi tù chung ở Sơn La ngoài Bắc, anh ta là Th/Tá phi công trực thăng kể rằng có lần lái chở Tướng Trí qua Kampuchia, lúc đáp xuống, Tướng Fernandez là Bộ Trưởng Quốc phòng của Quân đội Kampuchia đã
chờ sẵn ở đấy, ông ta đứng nghiêm chào Tướng Trí, so về chức vụ thì Bộ Trưởng Quốc Phòng lớn hơn chức Tư lệnh vùng nhưng oai danh của Tướng Trí
quá lớn, hơn nữa quân đội Kampuchia thì nhỏ bé và non trẻ so với ta, hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
(Xin được nói thêm về quân đội của Lonol lúc đó còn quá yếu, mới thành lập, trong một lần, tôi được lệnh cho một Đại Đội lính Kampuchia đi theo
để học hỏi, khi tiếp nhận ĐĐ này tôi mới tá hỏa lên vì không phải một ĐĐ mà là tới 3,4 ĐĐ, lính Kampuchia đi hành quân mang theo cả vợ con, gồng gánh nồi niêu soong chảo, dắt theo cả chó, gà, tối đóng quân, lính mình nằm vòng ngoài đào hầm hố phòng thủ, họ nằm giữa lại còn nổi lửa nấu nướng linh tinh, tôi ra lệnh dập tắt hết lửa nhưng thật ra cũng là thừa vì nửa đêm trẻ con khóc, chó sủa, rồi gà gáy..., ĐĐT của ĐĐ Miên mang cấp bậc Trung Úy, đeo lon hai vạch vàng theo kiểu Quân Đội Pháp, anh ta là người Miên lai Tầu, chẳng học ở trường quân sự nào cả, có tiền
và có chút học là được làm Sĩ Quan, không biết đọc bản đồ và sử dụng địa bàn, nói chuyện với tôi thì không biết tiếng Anh, chỉ bập bẹ, may nhờ hồi còn đi học, tôi chọn sinh ngữ 1 là Pháp nên cũng qua loa hiểu nhau, họ nói tiếng Pháp rất thông thạo. Sáng sau tôi xin TĐT cho tôi thôi nhiệm vụ này, sợ quá, may vùng TĐ tôi phụ trách là tỉnh Preyveng, lúc đó nơi này cũng tạm yên chứ tối đó mà VC tấn công, không biết tôi sẽ
phải làm sao).
Cuộc vượt biên thành công ở vùng 3 làm nức lòng Bộ TTM, theo gương, Hành quân Lam Sơn 719 được mở ra tại vùng 1 nhưng cuộc hành quân này không được như ý, có thể Tướng Hoàng xuân Lãm chưa đủ tầm cỡ của Tướng Đỗ cao Trí, cũng có người nói đây là món quà của Mỹ tặng cho Trung Cộng để TC hiểu thiện ý của họ để rồi rồi sau đó là cuộc đi đêm của Kissinger
qua đất Tầu. Hầu như tất cả các bãi đổ quân (LZ) của đơn vị Nhẩy Dù trên đất Lào như đã được báo trước cho VC, các bãi đáp đều được tiếp đón
bằng những tràng pháo chính xác của quân CS Bắc Việt.
Để cứu vãn tình hình, TT Thiệu điều động Tướng Trí ra vùng 1 thay Tướng
Lãm, tin này được các đơn vị Nhẩy Dù lúc đó đang bị vây khốn tại Hạ Lào
đón nhận vui mừng, có người còn cho là như vậy mình sẽ thoát chết.
Một buổi sáng tháng Hai của năm 71, như thường lệ, Tướng Trí từ Biên Hòa bay lên Tây Ninh, nghe thuyết trình xong, ông bay sang Kampuchia để gặp Tướng Fernandez, trực thăng mới bốc lên được một quãng thì nổ tung, tất cả mọi người trên máy bay không một ai sống sót gồm 4 nhân viên phi hành, Tướng Trí, một ký giả người Pháp tên Francois Sully và vài Sĩ quan
trong ban Tham Mưu của ông.
Ở vùng 3, Tướng Trí đã quây và gần tóm được cục R, bàn tay lông lá đã giết ông để ta không thể có cuộc chiến thắng toàn diện tại vùng 3 cũng như không muốn chuyện tương tự sẽ xẩy ra ở vùng 1, điều này được củng cố
thêm cho ngày 30 tháng Tư, 1975 (không phải chỉ riêng miền Nam ta chịu sự đau thương vì sự khốn nạn của người bạn "đồng minh"(sic), mà đất nước
được nói đến trong bài viết này cũng chịu sự đau thương không kém, Kampuchia sau đó hơn một triệu người bị giết bởi chế độ Pon Pot). Ta tiếc khi mất đi một vị Tướng tài nhưng không hiểu giả như ông vẫn còn sống thì liệu ông xoay sở được gì khi họ cúp hết mọi viện trợ như vậy, biết đâu, với một người tài giỏi, có tầm nhìn chiến lược rộng lớn như ông, ông có thể thay đổi được cuộc diện lắm, anh hùng tạo thời thế mà. Napoléon chỉ với 100 quân cũng gây dựng lại được cơ đồ trong cái không thể.
Từ 1970 tới 1971, quân đoàn 3 dưới quyền Tướng Trí vượt biên không hề thua 1 trận nào, đây là sự thực chứ không phải nói quá, cho đến khi ông chết và Tướng Nguyễn văn Minh lên thay, tình hình khác đi liền, đầu tiên
là cuộc lui quân của TĐ11 Nhẩy Dù tại Damber của người hùng Trung tá Nguyễn đình Bảo, Đ/U Nguyễn văn Dũng, khóa 22A Võ Bị Đà Lạt chết trong trận này, sau đó, ta cứ lui dần, lui dần về, thậm chí 1972, Thiện Ngôn sát biên giới cũng bị bỏ ngỏ, rồi cuộc lui quân ở Krek, Snoul... ta co cụm lại để chịu cái mùa Hè đỏ lửa ở Bình Long, còn Tướng Trí, chưa chắc đã có trận Bình Long, cái thời ta đem chiến tranh ra ngoài biên giới đã xong rồi. Năm 1970 khi cuộc vượt biên được tung ra, các đơn vị chủ lực không phải lo toan trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ, các tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Long, Bình Dương... được giao cho Địa phương Quân, chúng không đủ sức để mở các cuộc tấn công dù biết nhiều tinh lỵ không còn quân chủ lực đóng giữ, chúng đang lo chống đỡ các cuộc tấn công thần tốc
của ta.
Bài này viết chỉ là một cái nhìn hạn hẹp của một Sĩ quan Đại Đội trưởng
lúc bấy giờ. Mới đây, tôi được đọc một bài của Chuẩn Tướng Trần quang Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn 3 Kỵ Binh viết về Tướng Trí. Bài ông viết chắc chắn chính xác và nhiều chi tiết hơn tôi vì trong cuộc vượt biên Kampuchia năm 70, Thiết Giáp rất gần gủi với Tướng Trí (ông đã cầm cái can gõ vào nón sắt của một Thiết Đoàn Trưởng, nửa như một lệnh lạc, nửa như một người anh dạy dỗ người em), Kỵ Binh của Tướng Khôi đã được ông sử dụng tài tình và thành công.
Trần Như Xuyên
( Sinh Tồn chuyển )
Tôi rất cảm phục tài năng và lòng dũng cảm của tướng Đỗ Cao Trí. Cái tên của ông đã thể hiện đúng con người của ông là hết lòng vì đất nước.