bảo tình Một ngày đầu năm Âm Lịch Tân Mão 2011, đang nghỉ ở nhà ăn Tết, mừng Xuân (thêm một Xuân xa quê hương), tình cờ được xem phim Bão Tình từ internet do một người bạn gởi đến. Phim hay quá, hình ảnh quân trường Nha Trang, với các Tân Sĩ Quan Hải Quân oai nghiêm trong bộ quân phục Đại Lễ màu trắng ngày mãn khóa, những chiếc giang đỉnh hành quân trên sông, Y Tế Hạm Hát Giang HQ400… làm tôi nhớ lại cuộc đời quân ngũ của mình cách đây hơn 40 năm. Tôi vốn là một cựu Sĩ Quan Hải Quân VNCH, tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang cho nên sau khi xem phim Bão Tình, có quá nhiều tình tiết hợp với mình quá, đâm ra thích và muốn viết lại vài cảm nghĩ về phim này. Phim Bão Tình, thực hiện trước năm 1975, nói về một chuyện tình chia lìa ngang trái giữa một cô Sinh Viên Luật và một Sĩ Quan Hải Quân trẻ. Thủy (Kiều Chinh) là hoa khôi sinh viên trường Đại Học Luật khoa Sài Gòn, người miền Nam. Quen Toàn (Ôn V. Tài) là Sĩ Quan Hải Quân VNCH. Toàn, người Bắc, di cư một mình vào Nam, tự lập. Toàn thi đỗ Tú Tài II, tình nguyện gia nhập quân chủng Hải Quân. Thủy và Toàn quen nhau, yêu nhau, mối tình Nam Bắc quá đẹp và rất hồn nhiên.Thủy có dịp ra Nha Trang cùng vài người bạn tham dự Lễ Mãn Khóa của Toàn (Thủ Khoa của khóa). Cảnh chàng Tân Sĩ Quan Hải Quân quỳ trước khán đài, dõng dạc giang tay lên nêu to: “Thề luôn luôn nêu cao danh dự Quân Đội Hy sinh vì Dân Tộc Trung thành với Tổ Quốc”. đã ăn sâu vào lòng Thủy. Hai năm sau, HQ Trung Úy Vũ Minh Toàn và cô Sinh Viên trường Luật Lê Bích Thủy chánh thức thành vợ chồng. Cả hai đều không có Bố Mẹ hiện diện nên nhờ Trung tá Chỉ Huy Trưởng đứng ra chủ hôn. Đám cưới hai họ Vũ - Lê được tiến hành theo thủ tục Hải Quân, và tiệc cưới được tổ chức tại Câu Lạc Bộ nổi Bạch Đằng. Được nghỉ phép 10 ngày cho tuần trăng mật, cặp vợ chồng son về quê thăm người dì (em của Mẹ Thủy). Dì của Thủy nói “con gái nhà mình thường hay gặp trái ngang, dang dở. Hy vọng Thủy và Toàn được hạnh phúc, có con năm một để Dì có cháu nâng niu”. Thủy bẻn lẽn “Còn sớm quá Dì ơi! Tụi cháu mới lấy nhau mà…!” Một buổi tối, sau bữa cơm chiều, hai vợ chồng ngồi lại với nhau và cùng đặt tên cho con. Toàn đề nghị nếu con trai thì đặt tên: Vũ Lê Hùng; Nếu con gái thì đặt tên: Vũ Lê Đào. Thủy đồng ý tên con trai, nhưng con gái thì muốn đổi thành: Vũ Lê Hồng. Tuần trăng mật chưa hết thì nghe tin tất cả quân nhân đang nghỉ phép phải gấp rút về trình diện vì tình hình chiến sự đã trở nên nghiêm trọng. Toàn từ biệt Thủy, bỏ ngang tuần trăng mật và vội vàng về trình diện đơn vị của mình. Toàn được lệnh điều động một toán chiến đỉnh tham gia cuộc hành quân. Trong một lần chạm trán với địch quân, Toàn bị thương nặng, phải đưa về bệnh viện Quân Y Hải Quân điều trị. Thủy hay tin, vội vã vào thăm chồng. Bác Sĩ cho biết cần phải giải phẫu một vài lần mới xong. Sau khi xuất viện, Toàn được bổ nhiệm về làm việc tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân, bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Hai vợ chồng thuê một căn phòng nhỏ, đối diện là lò bánh mì mà chủ tiệm là một cặp vợ chồng có rất nhiều con. Cuộc sống bắt đầu thay đổi sau khi Toàn bị thương trở về làm việc trên đơn vị bờ. Toàn đi làm hay về trễ, và có vẻ xa lánh lạnh lùng với Thủy. Thủy ngạc nhiên, mấy cô bạn Thủy còn nói thêm: “Anh Toàn đẹp trai, thiếu gì cô mê.” Thủy vẫn không tin. Toàn rất yêu Thủy, và rất đứng đắn với tất cả mọi người mà. Một đêm, Toàn lại về trễ, Thủy để dành cơm cho Toàn nhưng Toàn không ăn. Thủy hỏi Toàn: “Anh phải nói cho em biết. Có gì thì em cũng chấp nhận. Em không thể chịu đựng như thế này nữa”. Toàn mới thú thật với Thủy: “Trước sau rồi anh cũng phải cho em biết. Sự thật là vết thương trong lần chạm trán với địch quân đã làm cho anh không còn khả năng ân ái vợ chồng nữa, có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ có con. Anh buồn cho em phải chịu cảnh đau thương như thế nầy.” Nghe Toàn tâm sự xong, nét mặt Thủy tươi hẳn lên: “Vậy mà em tưởng anh không còn yêu em nữa. Chuyện ân ái không cần thiết đối với em, miễn có anh bên em là được. Còn chuyện có con hay không là do Trời Phật định đoạt, mình phải chấp nhận thôi”. (Cảnh phụ trong phim là vợ chồng chủ lò bánh mì (Thanh Việt, Kim Giác) đối diện nhà Thủy và Toàn, có con năm một, có lúc phải đưa vợ đi sanh trong giờ giới nghiêm. Và có lần vợ chồng Thủy và Toàn ngỏ ý muốn xin một đứa về làm con nuôi …) Nhưng Toàn vẫn bâng khuâng, lo cho người vợ trẻ đang tuổi thanh xuân mà phải chịu cảnh thiếu vắng chuyện ân ái. Thấy Toàn không được vui, hay lo lắng, Trung tá Trưởng Phòng xin cho Toàn xuất ngoại tu nghiệp 6 tháng. Nghe tin Toàn sắp sửa đi vắng, Thủy rất buồn, vì không muốn xa Toàn. Nhưng cũng phải vui lòng để cho Toàn đi vì sự nghiệp tiến thân của chồng. Toàn lên đường đi xa rồi, thấy Thủy buồn nên Hồng (Kiều Phượng Loan), bạn thân của Thủy rủ Thủy đi về miền Tây đổi không khí. Chuyến đi nầy đã đưa Thủy vào một cơn bão tình mới. Thủy gặp Tín (Hùng Cường), một cựu Sĩ Quan bộ binh, đã giải ngũ, đang làm việc trong Công Ty Điện Lực. Tín, đẹp trai, từng du học bên Pháp, chưa có gia đình. Người yêu của Tín bị tai nạn chết trước ngày cưới và có nét mặt rất giống Thủy. Gặp Thủy lần đầu tiên là Tín yêu Thủy ngay, mặc dù biết Thủy đã có chồng. Và dù Thủy đã cho Tín biết ngay lúc đầu gặp gỡ là mình đã có Toàn. Biết Thủy vẫn còn yêu Toàn, Tín xin đổi đi làm xa để không phải gặp Thủy nữa. Tín mời Thủy đi ăn lần cuối trước khi chia tay. Thủy không muốn Tín buồn và thất vọng, nên nhận lời. Sau buổi ăn tối, Tín đưa Thủy về nhà. Trời mưa tầm tã, Thủy mời Tín vào nhà chờ tạnh mưa rồi hãy về. Vào trong nhà, Tín nhìn Thủy rồt đột nhiên hôn vào má Thủy. Người Thủy lâng lâng, cơn bão tình nhuốm nhè nhẹ trong lòng. Tín xin lỗi Thủy rồi từ biệt ra về. Sau khi Tín rời khỏi nhà, Thủy trở vào phòng ngủ, sửa soạn thay quần áo thì bất ngờ thấy Tấn (Nguyễn Mộng Hùng) từ trong phòng tắm đi ra, tay cầm con dao. (Tấn là con nhà giàu, học chung trường Luật với Thủy. Hắn mê Thủy nhưng không được đáp lại, nên tìm cách chiếm đoạt Thủy). Tấn dùng uy lực cưỡng hiếp Thủy. Một đêm bão bùng mưa gió đã đưa cuộc đời Thủy vào khúc quanh oan nghiệt. Sau khi cưỡng hiếp Thủy xong, trên đường về nhà, Tấn bị bắt vì vi phạm giờ giới nghiêm và đang có lệnh tầm nã. Còn Thủy thì có thai. Đau buồn, Thủy uống thuốc tự vận. Nhờ Hồng và bạn thân đưa vào nhà thương kịp thời nên Thủy được cứu sống. Tuy nhiên, phải hy sinh bào thai mới cứu được người mẹ. Ra khỏi nhà thương, Thủy quá buồn. Toàn tu nghiệp lại sắp về. Không biết tính sao, cuối cùng Thủy quyết định đi xa, tránh gặp Toàn. Toàn, sau khi đi tu nghiệp trở về mới biết được mọi chuyện khi đọc lá thư từ biệt của Thủy. Toàn đau buồn và nhớ Thủy quá. Cuối cùng, Toàn quyết định xin phục vụ trên Y Tế Hạm Hát Giang HQ400, có nhiệm vụ đi khắp các vùng chiến thuật phân phát thuốc và thực hiện các công tác dân vận. Với hy vọng sẽ tìm lại Thủy. Một hôm, chiến hạm được lệnh công tác tại một làng nhỏ ở miền Tây. Toàn đưa toán thủy thủ vào làng, phát thuốc cho dân. Không ngờ, đây cũng là nơi Thủy tạm sống, hàng ngày phụ các cô giáo trong làng dạy trẻ. Khi đến đầu làng, Toàn bắt đầu phân công chỉ định công việc cho từng toán. Thủy đang phụ dạy các trẻ em tập thể dục ngoài sân, nhìn ra đầu làng, Thủy nhận ra Toàn. Nhưng khi Toàn nhìn vào làng thì Thủy quay mặt đi, tránh không muốn Toàn thấy. Buổi tối, ngồi trong căn phòng đơn độc, Thủy phân vân, không biết có nên gặp lại Toàn? Nhìn thấy lại Toàn sau một thời gian dài xa cách, Thủy nhớ Toàn quá và biết rằng mình không thể xa Toàn mãi mãi. Sáng hôm sau, một cô bạn của Thủy ở cùng làng (biết được câu chuyện qua lời kể của Thủy), báo cho Thủy biết tàu sắp đi công tác chổ khác, chị phải đi nhanh mới mong được gặp anh Toàn. Thủy chạy vội ra bờ sông, hy vọng gặp lại Toàn. Lúc đó, Toàn và thủy thủ đoàn bắt đầu lên chiếc giang đỉnh nhỏ để đưa tất cả trở ra Y Tế Hạm HQ400. Thủy vừa đến bờ sông thì chiếc giang đỉnh đã rời bến và từ từ tiến ra chiến hạm ........ (Bản nhạc Bão Tình qua giọng hát Khánh Ly bắt đầu: ..... Lòng thêm thương đau nhìn theo bóng Anh về đâu Chìm trong đơn côi những câu yêu thêm dài lâu Mộng tình ân ái lúc ban đầu tìm đâu thấy Đam mê nào về ray rứt cho tâm tư sầu nhớ hoài ..... ) ...... HẾT ...... Xem đến cảnh cuối, khi chử “HẾT” hiện ra làm tôi thất vọng. Thất vọng vì kết cuộc phũ phàng quá. Tôi (khán giả xem phim) không muốn thấy Thủy và Toàn xa nhau. Cả hai đều không có lỗi. Cả hai đều nhớ đến nhau, đều muốn gặp lại nhau, tại sao Ông đạo diễn nỡ nào lại để Thủy và Toàn phải chịu cảnh “nghìn trùng xa cách”? Hay là để thích hợp với bài nhạc Bão Tình, cũng là tựa phim nên đoạn kết phải như vậy? Cũng không được. Bão Tình đã xảy ra cho Tín và Thủy rồi. Còn Toàn và Thủy phải xum họp, phải “trở về mái nhà xưa” mới đúng. Mới thích hợp với bốn câu nhạc cuối: ..... Tình sau cơn mê tình mộng đắm mơ về đâu Tình qua men say nối duyên xưa thêm dài lâu Tình càng tê tái cuối hương tình càng êm ái Quên ưu sầu và ngang trái cho tơ duyên đẹp kiếp hoài. Thay vào đó, Hoàng Trọng đã sửa lại cho thích hợp với đoạn kết: .... Lòng thêm thương đau nhìn theo bóng Anh về đâu Chìm trong đơn côi những câu yêu thêm dài lâu Mộng tình ân ái lúc ban đầu tìm đâu thấy Đam mê nào về ray rứt cho tâm tư sầu nhớ hoài.... Nếu đoạn cuối như thế nầy thì đẹp và hợp lý hơn: .... Thủy đi nhanh xuống bờ sông, hy vọng gặp lại Toàn. Lúc đó, Toàn và thủy thủ đoàn bắt đầu lên chiếc giang đỉnh nhỏ để đưa tất cả trở ra Y Tế Hạm HQ400. Bước lên giang đỉnh xong, Toàn quay mặt lại nhìn vào bờ lần cuối, bỗng dưng thấy thấp thoáng bóng dáng một người đàn bà đang vẫy tay. Toàn vội lấy ống nhòm, xoay nhìn về hướng người đàn bà đang vẫy tay. “Trời ơi! Thủy đây rồi!” Toàn la lên. Toàn vội vã ra lệnh cho chiếc giang đỉnh quay trở lại. Thủy nghẹn ngào, những giọt lệ tuôn trào khi Toàn bước nhanh lên bờ và ôm choàng lấy Thủy. Hai người ôm nhau, xiết chặt lấy nhau, như sẽ không bao giờ xa nhau nữa. Định mệnh dù cay đắng và khắc nghiệt như thế nào, cũng không thể để cho Toàn và Thủy xa nhau mãi được. ..... Thủy trở về phòng, thu xếp hành trang, từ biệt những người trong làng rồi đón xe đò về Sài Gòn, thuê lại căn nhà mà Toàn và Thủy đã từng chung sống. Toàn tiếp tục công tác trên Y Tế Hạm HQ400. Một tuần sau, chiến hạm về bến. Toàn vội vã trở lại căn nhà cũ và nơi đó có Thủy đang nôn nóng chờ đợi Toàn. Vết thương của Toàn trong lần hành quân cách đây mấy năm đã hoàn toàn bình phục. Năm sau, Thủy sanh một cháu trai kháu khỉnh. Và đặt tên là Vũ Lê Hùng, đúng như ước mơ của chàng Hải Quân Trung Úy Vũ Minh Toàn và cô sinh viên Luật Lê Bích Thủy sau khi lấy nhau muốn đặt tên cho con trai đầu tiên. Ba năm sau, thì có thêm một cháu gái, và đặt tên là Vũ Lê Hồng ........ HẾT Chiến tranh đã gây biết bao tang tóc đau thương cho tất cả những người dân Việt. Riêng miền Nam Việt Nam, miền đất VNCH, chúng tôi là những người trai trẻ thời ly loạn, xếp bút nghiên theo việc đao binh. Biết bao chuyện tình ngang trái đã xãy ra trong thời chiến, nhưng có được bao nhiêu chuyện được đưa lên màn ảnh? Thành ra có được một phim như phim Bão Tình, được trình chiếu trong thời chiến, kết cuộc phải đẹp như để nhắn nhủ với chúng tôi: sẽ có những ngày hạnh phúc bên nhau, để khích lệ tinh thần chúng tôi. Phim Bão Tình, theo thiển ý của chúng tôi, là một phim VN thành công về mọi phương diện (không rõ phương diện tài chánh có thành công hay không?). Từ đạo diễn, tài tử chính, tài tử phụ, nhạc đệm, phân cảnh, chuyển âm, ngoại cảnh, hầu hết đều xuất sắc. Còn cốt chuyện thì quá hay (nếu thay đổi đoạn kết thì hoàn hảo hơn). Nên nhớ đây là phim VN thực hiện vào năm 1973 (sau phim Người Tình Không Chân Dung). Kỹ thuật phim ảnh thời đó chưa được tân tiến như bây giờ. Thêm một vài chi tiết về phim Bão Tình: 1. Chuyện phim: Lưu Bạch Đàn và Lê Trang 2. Đạo diễn, Phân Cảnh, Kỹ thuật đối thoại: Lưu Bạch Đàn 3. Âm nhạc: Hoàng Trọng 4. Chuyển âm: nhóm Thanh Thoại 5. In rửa: Lab Far East Tokyo 6. Tài tử: Kiều Chinh, Ôn Văn Tài, Hùng Cường, Thanh Việt, Nguyễn Mộng Hùng, Kiều Phượng Loan, Duy Mỹ, v..v.... 7. Bản nhạc Bão Tình do Khánh Ly và Mai Hương trình bày. Có một ý kiến trong một blog nói rằng Hoàng Trọng sáng tác hai bài: Bão Tình 1 và 2. Bản nhạc trong phim là Bão Tình 2? Trong YouTube lại có một clip video của Bác Từ về bản nhạc nầy, lại ghi là Nhạc Ngoại Quốc, lời của Hoàng Trọng và Lan Đình, do Khánh Ly trình bày? Bản nhạc Bão Tình cũng được Duy Cường hòa âm và trình bày với giọng ca Kenny Thái, Khánh Ly, Cao Lâm..v..v… Trong DVD63 của Trung Tâm ASIA chủ đề “Cánh Hoa Thời Loạn” thì Việt Dũng giới thiệu clip ngắn trong phim Bão Tình tiếp theo với phần trình diễn bản nhạc Bão Tình của Nữ Ca Sĩ Hồ Hoàng Yến. Chị Kiều Chinh đóng phim Bảo Tình hay quá. Có thể Chị sẽ khiêm nhường trả lời: “Tôi đâu có diễn xuất nhiều trong phim nầy!” Thưa Chị, chị đâu cần diễn xuất. Chỉ cần xem nét mặt của chị là khán giả cũng hình dung được các diễn tiến trong phim. Gương mặt Chị, như John Gittlesohn diễn tả qua bài viết về Chị “The Struggle to Forgive - Kieu's Story” đăng trong website của Hội Từ Thiện “VietNam children’s fund” mà Chị là một trong những Sáng Lập Viên: “Kieu Chinh was once South Vietnam’s most popular actress, and, at age 63, she remains an icon of grace and beauty, with the same pearly skin and charcoal eyes that made her a star”. Đúng vậy, “pearly skin” và “charcoal eyes” đã biến Chị thành một ngôi sao điện ảnh VN và quốc tế. Nhưng vẫn còn thiếu. Còn thiếu một chi tiết rất quan trọng khi tả về gương mặt của Chị. Đó là mái tóc đen huyền của Chị. Mái tóc chẻ thẳng hàng phía trên giữa trán, rồi tỏa xuống qua vai, thành những luộn tóc uốn phủ nhẹ trên đôi vai. Đẹp quá! Cũng chính mái tóc này đã tạo Chị có một thói quen rất ngộ: hay vén tóc ra sau tai. Hầu như phim nào Chị cũng có thói quen này, kể cả trong DVD “Confession of an Actress: Tâm Tình Người Nghệ Sĩ Kiều Chinh”. Chị Kiều Chinh khi được phỏng vấn, cho biết phim “Người Tình Không Chân Dung” là phim chị ưng ý nhất, và đã đoạt được nhiều giải thưởng VN và Quốc Tế. Nhưng chúng tôi vẫn (chủ quan) nghĩ phim Bão Tình là phim hay nhất trong thời chiến trước 1975. Lồng trong phim là bản nhạc Bão Tình của Hoàng Trọng và Lan Đình. Cố nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng là tác giả bản nhạc “Người Tình Không Chân Dung” trong phim cùng tựa. Và Hoàng Trọng cũng là tác giả bản nhạc “Bên Bờ Đại Dương”: ...... Đất nước tôi, màu thắm bên bờ Đại dương Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung ...... ...... Đất nước tôi, nòi giống hùng cường Lạc Long Làm gái toàn là Trưng Vương Làm trai rạng hồn Quang Trung ...... Trong thời chiến trước 1975, hầu hết những người lính như chúng tôi không có thì giờ để đi xem phim ảnh. Âm nhạc, báo chí, truyền thanh và sách truyện về lính, về những trận chiến khốc liệt, về những cái chết hào hùng, về những cuộc tình không trọn vẹn, về những đau thương của những góa phụ, thì chúng tôi dễ dàng cảm nhận, nhưng phim ảnh thì thú thật, có bao nhiêu người trong chúng ta có thì giờ để đi xem phim? Bây giờ, có dịp được xem lại những phim như thế này, đã đưa chúng tôi trở về những kỷ niệm trong quá khứ thật là trân quý. Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh như Người Tình Không Chân Dung, Bão Tình, Chiếc Bóng Bên Đường, Nắng Chiều, Xa Lộ Không Đèn, Mưa Rừng, Chờ Sáng ...... Viết riêng cho Đặc San 2012 - kỷ niệm 42 năm ra khơi Và bà xã Vũ Tuyết Nhung để kỷ niệm 33 năm chuyện tình LêVũ Lê Văn Châu Xem phim Bão Tình trong trang YouTube sau đây: Bão Tình |
Gửi ý kiến của bạn