6:41 SA
Thứ Năm
25
Tháng Tư
2024

Đọc “Có Một Thời Nhân Chứng” của Lê Lạc Giao- Tô Đăng Khoa -

23 Tháng Tám 201810:25 CH(Xem: 9313)

Đọc “Có Một Thời Nhân Chứng” của Lê Lạc Giao

CHIẾN TRANH: NHÂN CHỨNG VÀ NẠN NHÂN

Tô Đăng Khoa.

“Tình yêu cũng giống như chiến tranh ở chỗ: dễ bắt đầu, nhưng rất khó kết thúc”
-H. L. Mencken

nhân chứng

Truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng” là tác phẩm thứ ba của nhà văn Lê Lạc Giao, do Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành năm 2018.  Hai tác phẩm trước của Lê Lạc Giao là: “Một Thời Điêu Linh” (2013), và “Nửa Vầng Trăng Ký Ức” (2016), đều là thể loại truyện ngắn.  Với tôi, tuy hình thức khác nhau, nhưng cả ba tác phẩm của Lê Lạc Giao là một sự tương tục: ba tác phẩm-một chủ đề canh cánh trong lòng.

Qua hai tác phẩm trước, đọc giả có thể nhìn thấy mối quan tâm, trăn trở của nhà văn Lê Lạc Giao chính là các chủ đề rất phổ quát chi phối toàn bộ lịch sử nhân loại từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay, tức là chủ đề: tình yêu và chiến tranh, mà bản chất chính là sư phơi bày hai thái cực thương-ghét trong mỗi con người.  Nhìn từ khía cạnh này thì: Lịch sử của nhân loại chính là lịch sử của những cuôc chiến tranh; trong đó tình yêu thời chinh chiến như là một thứ gì đó cực kỳ diễm lệ nhưng lại rất mong manh, tương phản giữa đống hoang tàn, khốc liệt, và phi lý cùng cực của chiến tranh, giúp ngăn ngừa con người rơi vào hố sâu của tuyệt vọng.

Lần này trở lại cùng quý độc giả trong tác phẩm truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng,” nhà văn Lê Lạc Giao lại một lần nữa thẩm sát chủ đề muôn thuở của nhân loại (tình yêu và chiến tranh) dưới dạng truyện dài, từ một góc nhìn của “Nhân Chứng” trong bối cảnh “buổi hoàng hôn của một chế độ” trong vòng bảy năm (1968-1975).  Qua tác phẩm “Có Một Thời Nhân Chứng” chúng ta nhận ra rằng: những hệ lụy của cuộc chiến không hẳn kết thúc vào năm 1975.  Theo H.L. Mencken, tình yêu và chiến tranh có một điểm chung: dể bắt đầu, nhưng rất khó kết thúc.  Sự kết thúc của chúng thường hay kèm theo một vết thương rát buốt tâm can. Cuộc chiến Việt Nam tuy đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng vết thương, sự hủy hoại, và những hệ lụy của nó vẫn ngấm ngầm như một lò than tiêu hủy các giá trị căn bản trên mọi phương diện từ vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội cho đến đạo đức.

Bốn mươi năm hơn đã trôi qua, nhưng “nửa vầng trăng ký ức” của “một thời điêu linh” vẫn vằng vặc trong tâm thức của những người may mắn sống sót sau cuộc chiến. Khối ký ức của cuộc chiến tàn khốc này như là một gánh nặng đối với người còn lại, một thế hệ mà nhà văn Lê Lạc Giao gọi là “những con người mang vác trên lưng nấm mồ của một thời nhân chứng.”

Bốn mươi ba năm chiêm nghiệm, ba tác phẩm, một chủ đề canh cánh, Chiến Tranh và Tình Yêu, Lê Lạc Giao với đức tánh cẩn trọng và thẩm sát của một nhân chứng cho chiến tranh và tình yêu, cùng với những chiêm nghiệm thậm thâm của Ông, chắc chắn sẽ đưa độc giả nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn rất khác, từ trước tới nay.  Đó là góc nhìn độc lập, không chống đối, không hệ lụy của một Nhân Chứng sống sót sau cuộc chiến tàn khốc.  Khi bị ném vào bối cảnh của chiến tranh, thì sự chọn lựa quyết liệt nhất chính là sự lựa chọn làm nhân chứng hay nạn nhân của lịch sử.  Chính sự lựa chọn một cách dứt khoát này sẽ mang đến cho chúng ta một thái độ sống thích hợp trong chiến tranh. Vì sao? – Vì chỉ có làm nhân chứng của chiến tranh thì mới thấu hiểu được chiến tranh và có cơ hội vượt qua được những hệ lụy lâu dài của chiến tranh mang lại. Về mặt tác dụng và thái độ sống của từng con người, sự lựa chọn đó mang ý nghĩa rất to lớn:  Đó chính là sự lựa chọn giữa Tự Do và Nô Lệ!

Nương theo tư tưởng trong tác phẩm “Có Một Thời Nhân Chứng” của Lê Lạc Giao, tôi cũng suy tư rất lâu về sự lựa chọn giữa “Nạn Nhân” và “Nhân Chứng”.  Theo chỗ tôi hiểu trên bình diện nghĩa đen của ngôn từ, “Nạn Nhân” hay “Nhân Chứng” cả hai đều có chữ “Nhân” trong đó, tức là một sự lựa chọn có liên hệ mật thiết đến con người. 

Tuy nhiên, chữ “Nhân” trong “Nạn Nhân” đứng phía sau chữ “Nạn” mang ý nghĩa thụ động, cam chịu, trong đó “Nạn” như là tính từ hay thuộc tính của “Nhân”.   “Nhân” bị ném vào trong “Nạn”, phải chấp nhận, cam chịu “Nạn”;  “Nạn” theo “Nhân” như bóng với hình cho đến chết. “Nhân” trở thành nô lệ cho “Nạn” vì không còn khả năng tự quyết cho vận mệnh của chính mình.

Trong khi đó, chữ “Nhân” trong “Nhân Chứng” đứng phía trước chữ “Chứng” mang ý nghĩa chủ động, “Chứng” là một động từ, là hoạt động căn bản của “Nhân”.   Chính nhờ hoạt động “Chứng” (Witness) với một tâm thức quân bình, không bị cảm xúc chi phối, không thiên vị (biased) và độc lập, “Nhân” đạt tới sự hiểu biết rốt ráo (complete understanding) về thực tại.  Vì “Nhân” thấu thị thực tại của chính mình cho nên có khả năng lựa chọn khôn ngoan để tự mình “thoát ra” khỏi thực tại, tức là tình trạng “bị ném vào một bối cảnh Lịch Sử.”   Chính “Sự hiểu biết” về thực tại thông qua hoạt động căn bản hiểu biết của “chứng” sẽ làm cho “Nhân” thoát khỏi “Nạn” (trạng thái nô lệ)  và đạt đến Tự Do.

Chính vì thế, bản chất của sự lựa chọn quyết liệt này: “Nạn nhân hay nhân chứng” trong bối cảnh của chiến tranh tức là sự lựa chọn rất quyết liệt giữa: “Nô lệ và Tự Do”; hay nói cách khác một cách quyết liệt hơn, tức là sự lựa chọn giữa: “Tự Do hay là Chết”.

Truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng” lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam làn nền, những câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp và thơ mộng của một nhóm bạn trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn làm mạng lưới liên kết các sự kiện cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và mạch lạc, nhưng giá trị chính của tác phẩm chính là: “Tạo ra một vùng sương bóng cho ngôn ngữ, cho kẻ chiêm niệm chịu chơi” (*) để tư duy về quá khứ, chấp nhận thực tại đang là, từ đó có sự lựa chọn khôn ngoan, dứt khoát, rõ ràng cho tương lai, cho chính mình và cho vận mệnh của dân tộc. 

Với lối hành văn lôi cuốn, những câu thoại bỏ lửng ngang chừng… chuyên chở tư tưởng triết học thật sâu sắc, nhà văn Lê Lạc Giao đã rất thành công trong việc tư duy cùng với độc giả, cùng vạch ra hướng đi thích hợp cho vận mệnh chính chúng ta, và có thể được chăng? --cho cả vận mệnh dân tộc.
 

Đọc xong tác phẩm của Lê Lạc Giao, tôi có cảm nghĩ: “Niềm hy vọng này hoàn toàn khả dĩ, nếu tất cả chúng ta đều bắt đầu từ sự lựa chọn căn bản nhất: Nạn nhân hay nhân chứng.  Hãy đứng lên nắm lấy vận mệnh của chính mình, hãy là nhân chứng lịch sử. Hãy dứt khoát từ bỏ tâm thức nô lệ của nạn nhân.” Vì sao? Vì suy cho cùng, tất cả nhửng gì, dẫu hạnh phúc hay đau khổ, xảy ra cho chúng ta, do dân tôc ta, đều do chính chúng ta quyết định. Tâm thức nạn nhân, không có khả năng nhận ra sự thật rất đơn giản này, vì cái tâm thức đó luôn luôn đổ lổi cho những bất hạnh đang trút xuống đầu của chúng ta cho những tác nhân đến từ bên ngoài. Tiềm ần trong tâm thức nạn nhân là một sự tự lừa dối chính mình, một tâm thức chưa trưởng thành trên lãnh vực tư duy.

Câu hỏi quan trọng là: Thế nào là một “nhân chứng lịch sử”?  Về vấn đề này, nhà văn Lê Lạc Giao đã hết sức khéo léo, đưa ra nhận định ngay trong Chương Một, Biển và Di Chúc của Giấc Mơ, trong đó nhân vật chính là Phác, đã có môt cuộc đối thoại hết sức kỳ thú và huyền bí với hồn ma của Petrus Trương Vĩnh Ký, lúc Phác ngủ quên sau khi quét dọn rác rưởi và ô uế trong nhà mồ của ông:

 

(trích)

Buổi trưa, tôi ngủ quên trong nhà mồ của Petrus Trương Vĩnh Ký. Trong giấc ngủ Petrus Ký bảo tôi rằng, “Hãy làm nhân chứng, và thực sự trung thành vai trò nhân chứng của mình!” Tôi hỏi lại ông, “Thực sự làm nhân chứng có bình an, hạnh phúc hay không?” Ông trả lời, “Ta làm nhân chứng hơn thế kỷ rồi, ngươi hãy nhìn xem ta có hạnh phúc hay không?” “Ta là nhân chứng không phải của thành phố này mà là của lịch sử. Ta bằng lòng việc này. Không có gì quí hơn làm một nhân chứng lịch sử trung thực. Ta nói điều này có làm ngươi khó hiểu hay không?”

“Tôi hiểu mơ hồ, có phải tôi đang là nhân chứng của chính thời đại mình đang sống? Và nếu như thế không phải ai cũng là nhân chứng cho chính thời đại của họ hay sao?”

“Không phải, ngươi có thể là nhân chứng bằng chính trí tuệ và thái độ nhận thức của ngươi, trong khi những người khác chỉ là nạn nhân. Ta biết chắc rằng nhân chứng rất ít, rất hiếm hoi nhưng nạn nhân lại đầy rẫy khắp nơi. Ta nói không ngoa, không chỉ trên đất nước này mà cả thế giới đang là nạn nhân và họ chịu đựng vai trò nạn nhân của mình. Ngươi có thấy như thế hay không?”

“Nghe ông nói, tôi khám phá ra bấy lâu nay tôi chỉ là nạn nhân chứ nào phải là nhân chứng? Tôi chỉ thấy buồn bã, phiền muộn từng ngày. Một nhân chứng không thể có những hệ lụy như thế!”

 “..nạn nhân là sự chịu đựng thực tại mà không vượt thoát được thực tại. Trong khi nhân chứng là khả năng tố cáo thực tại để vượt qua nó.”   

(ngưng trích)

Theo Lê Lạc Giao thì hệ quả của tâm thức nạn nhân chính là “sự chịu đựng” và sự “không vượt thoát được thực tại”, không vượt thoát hiểu theo ý nghĩa bị mất tự do, đó là một tâm thức nô lệ có nguồn gốc từ “thói quen truyền thống” mà hậu quả của nó, có thể là cái chết của chính nạn nhân.  Chúng ta thử theo dõi lối suy nghĩ sau đây của Loan, một nạn nhân điển hình trong truyện:

Nhưng cô biết đè nén nỗi lòng mình, không biết có phải thói quen hay không, thỉnh thoảng đọc báo cô thấy phụ nữ chịu đựng quá nhiều bi thương mà sự thiệt thòi ấy cô cho là thói quen. Cô không suy nghĩ sâu xa nhưng bản tính phụ nữ gặp chuyện tiêu cực vẫn hay im lặng, chịu đựng như ông bà, cha mẹ cô đã từng chịu đựng. Từ đấy Loan suy luận nỗi đau của phụ nữ đã thành nếp gấp trong tiềm thức. Càng đau đớn thì những nếp gấp ấy càng hằn sâu như vết thương và vết thương này ngày càng sâu thêm cho đến lúc không chịu đựng được nữa thì nạn nhân chịu chết.”


Từ những thói quen chịu đựng, lâu ngày trở thành những “nếp gấp trong tiềm thức” trong từng cá nhân, rồi dần dà phát triển thành một thứ “truyền thống dân tộc”, một tâm thức “nô lệ” của dân tộc Việt, và cuối cùng chấp nhận nó như là một định mệnh dân tộc:

“Phác nghĩ, chỉ có anh, bạn bè anh và những người dân Việt đang là nạn nhân kia biết được mình đang đứng chỗ nào, thấy cái gì, chịu nỗi khổ đau ra sao… để có thể rút mình ra khỏi vũng lầy cam chịu lúc này đã trở thành truyền thống dân tộc. Thứ truyền thống dân tộc xuất phát từ bóng tối của quá khứ hai nghìn năm điêu linh vì chiến tranh!...

Trong mỗi cuộc chiến tranh, lý do hoặc nguyên nhân có thể khác nhau nhưng hậu quả luôn giống nhau. Nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra cho Việt Nam chúng ta đã thành truyền thống dân tộc.

… và hình như một khi được gọi là truyền thống thì cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác vinh danh nó, biến nỗi nhục nhằn, khổ ải thành niềm kiêu hãnh muôn đời!

 Đấy chính là định mệnh dân tộc mà với tất cả những người bạn của Phác hôm nay muốn thoát khỏi lò lửa chiến tranh chỉ là trốn chạy chứ không hề có ý nghĩa vượt thoát. Nếu cần sự vượt thoát thì chính đất nước, lịch sử phải vượt thoát.”

Với tôi, giá trị tư tưởng lớn nhất của Tác Phẩm “Có Một Thời Nhân Chứng” của nhà văn Lê Lạc Giao chính là cách Ông đặt lại vấn đề: “Nạn Nhân hay Nhân Chứng” như là một tiền đề căn bản đầu tiên làm nền tảng một cuộc chuyển hóa toàn diện cho một vấn đề rất nan giải: “Làm sao thoát ra được định mệnh truyền thống của dân tộc?”  Một thứ tự hào về truyền thống hết sức vô nghĩa: “cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác vinh danh nó, biến nỗi nhục nhằn, khổ ải thành niềm kiêu hãnh muôn đời!”

Trên bình diện cá nhân, sự quyết đoán trở thành nhân chứng chớ không phải nạn nhân của chính cuộc đời mình là dấu hiệu báo trước sự trưởng thành trên lãnh vực tư duy.  Con người không thể nào đạt tới sự thấu hiểu về thế giới nếu còn giữ mãi tâm thức nạn nhân. Thông qua hoạt động của nhân chứng, mối liên hệ nhân-quả giữa truyền thống và định mệnh được tiết lộ. Lê Lạc Giao mô tả mối quan hệ này một cách rất tài tình trong truyện ngắn "Nửa Vầng Trăng Ký Ức" như sau:

Nhiều khi Ngãi tự hỏi, liệu có sự liên hệ nhân quả nào giữa truyền thống và định mệnh? Sau đó, anh lại nhận ra định mệnh chỉ là hóa thân của truyền thống. Cũng như nạn nhân chỉ là thứ âm bản truyền thống. Trên sân khấu đời, người ta có thể vừa tung hô truyền thống nhưng lại nguyền rủa số mệnh. Người ta mơ hồ hoặc không hề biết chính truyền thống đã tạo ra số mệnh. Số mệnh là chiếc khung giam hãm cuộc đời từng người sau khi người ta cho rằng đã làm hết bổn phận và bổn phận chỉ là sự lập đi lập lại mãi một khuôn thước mà ai cũng bảo là chân lý. Nhập vào quá trình vận động ấy, con người trở thành nô lệ và đánh mất chính mình."


Đoạn văn ngắn gọn như trên là sự cô động của cả kinh nghiệm đời người của một thời nhân chứng! Ở cấp độ cá nhân chúng ta đã “trở thành nô lệ và đánh mất chính mình” trong quá trình vận động rập khuôn đó của truyền thống đã đành, thì mặt khác, ở cấp độ xã hội, truyền thống chiến tranh đã trở thành di sản lịch sữ của dân tộc khiến cho oan khiên cứ trút xuống đầu người dân quan suốt bề dày 4000 năm lịch sữ:

có lẽ phần lớn do truyền thống: thứ khuôn đúc có hai mặt,mặt tốt đẹp luôn bị đè bẹp bởi mặt xấu xa, tiêu cực. Điều đáng phê phán là dân tộc chúng ta chỉ biết bằng lòng hiện tại, luôn cổ xúy quá khứ và cho rằng đấy là những khuôn vàng thước ngọc không thể thay đổi được. Trong khi thời đại thay đổi, tiến bước mà suy nghĩ con người không thay đổi, chỉ quanh quẩn với bao khuôn mẫu không còn hợp thời. Cứ như thế đám con cháu cắm cúi đi theo thứ định mệnh lịch sử ấy. Chiến tranh là một trong những di sản lịch sử dân tộc khô cứng, nhục nhằn, bi đát nhất vì nó gặt hái bằng máu xương đồng bào nhưng được hành xử khiến một dân tộc vốn hiếu hòa lại dường như hiếu chiến, khôn ngoan lại tỏ ra ngu xuẩn vì chính cái truyền thống kể trên…”

 

Truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng” là tác phẩm kinh điển không có lệ thuộc thời gian. Nó giúp độc giả hậu bối như tôi có thể “ôn cố tri tân” nó giúp tôi hiểu và thương hơn nữa một thế hệ cha ông sinh ra trong lò lửa của chiến tranh. Tuy oan nghiệt không ngớt trút xuống đầu vẫn cam đảm không chấp nhận tâm thức nạn nhân để vươn tới Tự Do và Chân Thiện Mỹ.

Truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng”  với tôi là một di sản tư tưởng rất quan trọng, có khả năng giúp tôi trưởng thành trong đường lối tư duy.  Trong bối cảnh lịch sử đương đại, sự lựa chọn giữa nạn nhân và nhân chứng càng trở nên bức thiết và quyết liệt hơn nữa khi mà quá trình “trở thành nô lệ và đánh mất chính mình” càng ngày càng gia tốc thật kinh hoàng. Trên sân khấu đời người ta vẫn còn đang “vừa tung hô truyền thống nhưng lại nguyền rủa số mệnh”.   Chính vì lý do này mà tác phẩm “Có Một Thời Nhân Chứng” của nhà văn Lê Lạc Giao do nhà xuất bản Văn Học phát hành năm nay, không chỉ là một hồi ký lịch sử, mà còn mang tính thời sự vô cùng nóng bỏng. Và trong tương lai, ngày nào còn có người “đánh mất chính mình” để tình nguyện cam chịu trở thành “nạn nhân của bối cảnh lịch sử”, thì ngày đó tác phẩm “Có Một Thời Nhân Chứng” của nhà văn Lê Lạc Giao cũng cần phải được đọc lại và suy ngẫm một cách cẩn trọng.

Xin cám ơn nhà văn Lê Lạc Giao và trân trọng giới thiệu tác phẩm văn học, tư tưởng, chính trị, thời sự -“Có Một Thời Nhân Chứng” đến quý bạn độc giả gần xa.

Trân trọng,

Tô Đăng Khoa

08.08.2018.

(*) Ghi Chú:  Mượn ý của Bùi Giáng trong bài  “Một Đường Lối Dịch Thơ”:  Cái bí quyết của thiên tài sáng tạo, cũng như thi tài dịch thuật, là: tạo nên một vùng sương bóng cho ngôn ngữ. Sương bóng đó có thể bắt gặp bóng sương Hy Lạp, hay Đường Thi, hay Tây Trúc – không hề gì. Không hề gì. Miễn là nó mở ra một chân trời cho chiêm niệm chịu chơi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6715)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5886)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6949)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7358)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6379)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6079)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6647)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5433)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5295)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5606)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5529)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5580)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6044)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6825)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6843)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6192)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6119)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6280)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6465)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6919)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6582)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6965)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7036)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6826)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6437)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47158)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 67001)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24966)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 6003)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5985)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6301)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7031)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5536)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5779)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6392)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5661)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5476)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5940)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6425)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5486)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 6022)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6207)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6222)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8196)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7117)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6365)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8765)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7804)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7442)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7377)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu