3:16 SA
Thứ Năm
25
Tháng Tư
2024

NGÀY 8 THÁNG 3 NGUYỄN THỊ THÊM

11 Tháng Ba 201710:51 CH(Xem: 7755)

NGÀY TÁM  THÁNG BA

 

 

Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi.

 

Con bé ra đời, khóc oe oe và nhỏ tí xíu.

 

Má nói " Con gái giống cha giàu ba họ" Bà ôm vào lòng với tất cả yêu thương.

Ba tôi đi làm xa nhà, nhắn mấy tin ông mới về. Ông vén cái màn tối thui phòng của đàn bà đẻ. Bên trong nóng hầm hập bởi lò than dưới giường lúc nào cũng đỏ rực. Mùi dầu tràm và đủ thứ mùi bốc lên khó chịu. Ông nhìn tôi nằm nhỏ xíu trong cái khăn quấn kín mít. Ông nói:"Ngủ đi con gái, Ba về nè" Tôi không nhớ khi đó ông có bồng tôi không? Nhưng tôi biết đó là ba nên tôi nín khóc và ngủ ngon lành.

Ông bước ra ngoài, hỏi thăm má tôi vài câu rồi lại ra đi.

Ờ! Má tôi sinh tôi ra ngay ngày "Quốc Tế Phụ Nữ đó nghen." Không biết ba tôi có biết là ngày này quan trọng thế nào không? Nhưng ông chẳng cần. Đàn bà vẫn là đàn bà. Vẫn "đái không qua đầu ngọn cỏ". Sinh đẻ là chuyện thường tình của đàn bà. Nhà có nhiều con trai, ông cũng cần có một đứa con gái cho căn nhà có tí màu sắc.Vì vậy ông cũng hoan nghinh tôi ra đời hôm nay. Điều đó làm má tôi vui mừng nhiều lắm. Vì đối với má, ba tôi là số một trong cuộc đời bà. 

Nghe nói đâu tôi sinh ra trong nhà thương có cô mụ đở đàng hoàng. Không như anh tôi má sinh ra một mình. Cô mụ vườn chưa kịp tới. Má phải tự cắt rún và tắm rửa cho con. Đó là lý do má đặt tên hai anh em tôi cái tên không đẹp. Cái tên diễn tả suy nghĩ của bà về con cái. Những cái tên nhà quê thật thà gắn liền với vận mệnh anh em tôi. 

Má tôi là dân miệt vườn nam bộ. Những phong tục  tập quán ông cha để lại ảnh hưởng lớn đến nếp sống của bà. Đơn cử là vấn đề sinh đẻ. Tôi sẽ kể cho bạn nghe về thời kỳ ở cử của má tôi.  Một thời kỳ mà bây giờ nếu tôi kể lại với cháu tôi, nó tưởng đâu tôi kể chuyện cổ tích. Chuyện ngày xưa nào đó xa mút tí tè. 

Bắt đầu là cái phòng sản phụ nghen. Cái phòng của má tôi nằm sau khi sinh con, không phải ở trong nhà ấm áp, mà là một cái chái cất tạm bên hông hay sau nhà. Cái chái được che chắn tạm thời để sau thời kỳ ở cử thì dẹp. Nói vậy đủ biết nó tạm bợ như thế nào. Cái giường ...đương nhiên không phải là cái giường nệm êm ái, trắng nuốt của con gái hay con dâu tôi nằm bây giờ đâu. Đó là một cái chỏng tre hay một cái giường thô sơ với mấy thanh gổ đóng song song. Ở trên trải một tấm chiếu cũ. Chiếu cũ vì sau một tháng ở cử chiếu này dơ lắm phải vất đi. Cho nên để tiết kiệm, chiếc chiếu gần đến ngày phế thải để dành cho hai mẹ con tôi. Những sợi lát bị bung ra hay bị gảy thỉnh thoảng đâm vào da thịt sản phụ cũng đau. Má tôi bằng lòng với sự tính toán như vậy và coi đó là một sự tự nhiên.

Gần ngày sinh, má tôi đã mua sẳn mấy bao than chuẩn bị. Vì vậy, trong cái chái nhỏ ấy, lúc nào dưới giường người sản phụ cũng có một mẻ than hồng, Tiếng bình dân gọi là nằm than. Và tôi được quấn kín nằm kế bên má. Chắc là nóng lắm, hừng hực than hồng bất chấp là tháng ba miền Nam. Bởi được rèn luyện hấp than từ ngày mới sinh nên tôi chịu nóng ngon lành hơn chịu lạnh.

Còn nữa, nói ra đôi điều của ngày xưa để thấy sau mấy mươi năm người phụ nữ được ưu đãi rất nhiều. Sinh đẻ là nghĩa vụ lớn nhất của đàn bà để duy trì nòi giống. Đáng lý được quan tâm và ưu đãi, thì người sản phụ lại bị nhiều thiệt thòi do quan niệm lỗi thời và những suy nghĩ về sức khỏe rất phản khoa học.

Má tôi kể lại khi sinh tôi ra. Bà ngoại đã thủ sẳn cho má tôi một hủ bột nghệ.( Nghệ này đã được bà ngoại ngâm nước tiểu cả tháng rồi vớt ra phơi khô, sau đó xay thành bột ). Mỗi bửa cơm má phải uống một nuỗng canh để máu huyết được thanh lọc (Bà ngoại nói như vậy).  Nhiều khi bà ngoại xách cái tô đi tới trường học. Bà lân la hỏi mấy đứa bé trai  xin nước tiểu. Về nhà má tôi phải uống ngay loại nước vàng vàng đó. Uống xong ăn một lát gừng. Bà ngoại tôi nói "Nó bổ hơn một thang thuốc Bắc ".  Chưa xong đâu, ngoại dùng rượu nếp tự mình cất, ngâm với tiêu sọ (không biết tự lúc nào), sau bửa ăn má tôi phải uống một ly nhỏ.

Ăn thì ngoài cơm, ngoại cấm tiệt thức ăn có nước. Chỉ là cá kho quéo, thịt kho khô, nước mắm kho quẹt  ăn kèm với vài đọt rau lang (cho có sữa) hay một dĩa nhỏ hành lá luộc chung với hẹ (cho thơm sữa). Tới bửa, ngoại tôi đặt thức ăn vào một cái trẹt nhỏ bưng vào phòng sanh cho má. Má tôi ngồi ăn ngay trên giường lờ mờ ánh sáng đó. Ăn xong phải nằm sấp xuống để hơ bụng. Nhiều khi còn phải nằm sấp để ăn.  Má thèm đồ ngọt lắm. Năn nỉ ngoại cho ăn một trái chuối hay một múi cam. Ngoại lắc đầu dứt khoát: "Đàn bà sinh đẻ không được ăn đồ ngọt, đồ chua và rau sống." Phải kiêng cử như vậy đến 3 tháng mới có thể ăn uống bình thường.

Khi nằm trong một cái chái nóng như vậy thì má tôi phải khát nước lắm. Có rồi. Một nồi nước lá chát chát, đắng đắng, nóng hổi cứ vừa thổi vừa húp. Húp tới đâu nghe nó chạy tới đó. Mồ hôi mẹ, mồ hôi con lại vãi ra như tắm. Không lo chuyện đó đâu, vì mồ hôi ra tới đâu, than hồng hong khô tới đó.

Mỗi sáng và chiều tối má tôi đều có màn xông hơ. Lúc ấy tôi được bế ra ngoài để giường cho má tôi làm việc. Bà ngoại nấu một nồi nước xông với đủ thứ lá và thuốc Bắc mua tại tiệm ông Ba ở Phước Thiền. Nồi nước lá sôi sùng sục, bà ngoại bưng lên giường, mở nắp, đổ vào nồi một vài giọt dầu tràm. Ngoại trùm má tôi và nồi nước xông bằng cái mềm cũ kín mít. Ở dưới giường là mẻ than, ở trên giường là nồi nước sôi. Má tôi ngồi trong cái mền, thỉnh thoảng dùng đủa khuấy lá lên để hơi nóng có chỗ hở bốc ra. Má hít thật sâu cho mùi dầu chạy vào phổi, cái nóng thấm vào da thịt để mồ hôi tươm ra như tắm.

Khi nồi nước hơi nguội, má tốc mền ra. Bà ngoại nhắc xuống, đun lửa cho sôi lại tiếp tục lần hai. Thời gian chờ cho nước lá sôi lại, má tôi phải nằm sấp trên giường hơ bụng. Xông được hai lần bà ngoại cất nồi nước xông để dành cho tua buổi chiều rồi mới đổ bỏ.

Ngoại để má tôi lau mồ hôi cho khô bớt rồi bà bưng lên một mẻ than nhỏ và một chén nghệ tươi đã được mài sẳn. Má tôi dùng tay trét lớp nghệ đó lên mặt và dùng mẻ than nhỏ đó hơ mặt và hơ mắt. Bà ngoại nói:" Hơ nghệ cho nước da săn lại, không bị chảy xệ. Hơ mắt cho không bị chảy nước mắt sống hay đổ ghèn" Cứ cầm mẻ than hơ đều trên mặt và con mắt liếc tới liếc lui. Má tôi làm việc đó với sự tin tưởng, cần mẫn và cảm kích mẹ mình.

Sau đó là tới phần hơ bộ phận của phụ nữ sau khi sinh. Cái ghế một có bốn chân, ông ngoại cưa cho ngắn bớt. Trên mặt ghế khoét một cái lỗ hơi rộng để sản phụ ngồi lên. Ở dưới bà ngoại đặt một mẻ than.Má tôi ngồi lên ghế, thỉnh thoảng thả vào một vài cọng nhau tiêu (Trái tiêu lặt hết hột còn lại cái cọng. Phơi khô gọi là nhau tiêu) Tiêu khô bốc mùi lên nồng nặc, tỏa khói mù mịt. Má rửa chỗ ấy bằng nước phèn chua và hơ khô bằng cách như vậy. Ngày xưa không hề có vụ may hay kẹp lại âm hộ sau khi sinh. Người sản phụ phải làm sao cho vết thương mau khô, mau lành. Nghĩ mà tội nghiệp cho má của tôi và cho biết bao người mẹ ngày ấy. Sinh con trong điều kiện y học chưa phát triển, ánh sáng văn minh chưa đến tận nơi, chốn thôn quê vấn đề vệ sinh không được biết nhiều nên rất thiệt thòi. Vì vậy, nhiều phụ nữ đã tử vong khi sinh nở. Nếu người phụ nữ phải sớm bôn ba gánh gồng buôn bán thì dễ bị sa tử cung hay bị bệnh phụ khoa

Chưa hết, người sản phụ phải dùng bông gòn nhét kín hai lỗ tai, không để gió lọt vào. Họ tin rằng nếu không, sau này sẽ bị nhức đầu sỗ mũi thường xuyên. Trong tháng đầu nằm sinh, không được gội đầu hay tắm rửa. Xông hơ ngày mấy dạo, mồ hôi tươm ra như tắm thì thân thể hôi là cái chắc. Tóc phụ nữ đa phần để dài và búi . Tóc sẽ quyện mồ hôi khó chịu vô cùng. Đó là chưa kể người đó có chí chắc là ngứa ngáy vô cùng.

Trước một ngày đủ tháng, má tôi mới được tắm rửa. Bà ngoại nấu một nồi nước lá thật to. Bà pha nước cho âm ấm để má tôi tắm và gội đầu. Tắm xong phải hơ thật kỹ. Má nằm đưa đầu ra khỏi thành giường. Bà ngoại tôi chải tóc cho má và hơ khô trên bếp than hồng để ở dưới. Thật thương cho những người mẹ lo cho con gái từng chút một. Từng lọn tóc cho má tôi được ngoại chăm chút hơ khô, đã nói lên tình thương vô cùng của mẹ dành cho con gái.

Ngày đầy tháng của con là ngày người sản phụ được ra tháng. Nghĩa là được rời khỏi cái chái tạm, để lên nhà cúng mụ. Nghi lễ cúng mụ cũng thật rườm rà. Đầy đủ bông hoa, trái cây và rất nhiều chén dĩa chè xôi. Người ta tin rằng có 12 mụ bà và 13 đức thầy theo phù hộ cho đứa bé.

Có nơi, nếu đứa bé sinh ra là con trai sẽ được nấu chè trôi nước để cúng. Có ý nghĩa là con trai cần phải ra ngoài để tạo dựng sự nghiệp (trôi). nếu là con gái thì thường là nấu chè đậu trắng. Có ý ngầm là phụ nữ phải ở nhà lo việc bếp núc, chăm sóc gia đình (đậu).

 Có nơi, niềm tin ngược lại. Khi cúng đầy tháng cho trẻ, họ lại cúng chè đậu cho con trai. Ý nghĩa là con trai lớn lên thi đâu đậu đó, đường công danh sự nghiệp mới hạnh thông.(đậu)  Còn con gái họ cúng chè trôi nước với ngầm ý con gái thì phải mềm mại duyên dáng và ngọt ngào như viên trôi nước

Điều này cho ta thấy niềm tin này không có cơ sở khoa học. Không ai chứng thực là hoàn toàn đúng. Chẳng qua là do con  người nghĩ ra  để diễn đạt sự hoài vọng và chúc lành cho đứa bé.

Viết tới đây tôi lại nghĩ đến con gái và các con dâu tôi. Nhớ lần con gái thứ nhì tôi sinh con đầu lòng.Tôi vào bệnh viện thăm. Cháu vừa chuyển vào phòng nằm độ vài tiếng. Cháu muốn đi tiểu. Tôi lại gần tính dìu con vào phòng vệ sinh. Cô y tá cản lại và nói với tôi " Con bà sinh chứ không phải bị thương. Hãy để cô ấy tự làm một mình". Và cô ta quay sang  nói với con tôi: "Nếu cô muốn tắm hãy tự nhiên,  khi nào cần thì gọi tôi"

À thì ra vậy. Ngày xưa người ta quan niệm khi người phụ nữ sinh con giống như một con cua mới lột. Mọi thứ đều yếu đuối phải kiêng cử, chăm sóc. Còn ngày nay phụ nữ sau khi sinh con sinh hoạt như một người bình thường. Vẫn ăn uống, tắm rửa, đi lại tự nhiên. Người sản phụ được ăn mọi món ưa thích miễn là đầy đủ chất bổ. Nhất là rau xanh và trái cây rất tốt cho sức khỏe lại rất nhuận trường. 

Ngày xưa dùng than, nước nóng để phụ nữ lấy lại vóc dáng của mình. Ngày nay họ tập thể dục để thân thể gọn lại. Người phụ nữ mới sinh con xong vẫn ăn mặc nhẹ nhàng, nằm giường nệm trắng tinh, vẫn trang điểm xinh đẹp, vẫn tự tin bản thân mình. Họ chỉ cần an dưỡng nghỉ ngơi và không làm việc nặng nhọc. Nếu công việc làm tại nhà, trong máy vi tính, họ vẫn có thể làm ra tiền như thường trong những ngày sinh con.

Với thời đại khoa học tiên tiến, thai phụ được khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ lẫn con. Tháng thứ năm đã có thể biết con trai hay con gái.Sau đó dùng siêu âm ba chiều để theo dõi từng bộ phận của thai nhi. Nhìn trong máy em bé nằm cọ quậy trong bụng mẹ là niềm vui vô bờ của cặp vợ chồng. Người ta phát hiện rất sớm mọi sự khác thường trên cơ thể thai nhi để chửa trị. Người mẹ được thử máu và theo dõi sức khỏe thật kỹ để điều trị kịp thời hầu không ảnh hưởng đến đứa bé trong bụng. Thường khi mang thai phụ nữ hay thèm ăn đồ ngọt, lượng đường trong máu người mẹ có thể lên cao. Khi kết quả thử máu cho kết quả không tốt, bác sĩ sẽ khuyến cáo thai phụ và yêu cầu thực đơn hợp lý. Đồng thời lịch khám sức khỏe sẽ dày hơn để Bác Sĩ theo dõi và điều trị cho đến ngày sinh.

Ngày sinh được dự đoán trước để cha mẹ sắp xếp cũng như chọn lựa phương pháp   sinh con. Có người muốn sinh theo cách tự nhiên. Nghĩa là chịu đau để sinh em bé. Có người chọn cách chích thuốc để không có cảm giác đau đớn khi chuyển dạ. Mọi thứ đều được chuẩn bị cặn kẻ và an toàn. Đội ngũ bác sĩ và y tá theo dõi nhịp tim  thai nhi và những cơn chuyển dạ trên máy.  Khi một hài nhi ra đời, người cha có mặt ở phòng sanh để hổ trợ tinh thần cho vợ và vui vẻ đón nhận món quà vô giá ơn trên ban cho mình . Những bức hình, những video quay tỉ mỉ là những hình ảnh để đời cho đứa bé sau này.

Đứa bé sinh ra được chăm sóc kỷ lưỡng, được chích ngừa định kỳ . Một bác sĩ nhi đồng được chọn để theo dõi sức khỏe cháu bé. Đó là sự ưu việt của chế độ chăm sóc cho sản phụ và thai nhi ở Hoa kỳ này.  Chăm sóc cho sản phụ và trẻ con là gián tiếp xây dựng một đất nước khỏe mạnh và hùng cường. Bởi vì phải có sức khỏe  con người mới có thể góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Có nhiều người chỉ vài ngày sau khi sinh là họ đã đem con đi siêu thị, đi shopping. Người mẹ ăn mặc bình thường, đôi khi còn rất ít vải. Đứa bé nhỏ xíu, đỏ hỏn nằm trong xe đẩy thật là dễ thương. Tôi thấy có người Mỹ còn để bé ở trần chỉ quấn sơ sài đẩy bé đi trong siêu thị. Dường như họ muốn tập cho bé thích ứng với khí hậu, thời tiết từ những ngày đầu tiếp xúc với cuộc đời.

Người phụ nữ ngày xưa từ khi mang con vào lòng cho đến ngày sinh không được chăm sóc gì cả. Thai phụ không  được một sự giúp đở hay hướng dẫn gì hợp lý. Đến ngày chuyển dạ, người mẹ mới được đem đến bệnh viện hay rước một cô mụ vườn đến đở đẻ (nếu ở nhà quê).  Bằng những dụng cụ thô sơ và không được khử trùng, bà mụ đã dùng kinh nghiệm bản thân từ nhân gian mà rước sanh em bé. May mắn sinh dễ thì mẹ tròn con vuông. Không may những ca sinh khó thì tính mạng cả mẹ lẫn con như chỉ mành treo chuông. Bởi vậy nhân gian mới ví von người phụ nữ khi sinh con là "Vượt cạn" hay " Đi biển mồ côi một mình".

 Con chào đời cất tiếng khóc oe oe, người mẹ mới biết là con gái hay trai. Mẹ ôm con mân mê từng ngón tay, ngón chân để xem con mình có lành lặn không? Nếu có bệnh gì bên trong thì hoàn toàn không biết. Sinh con tháng đầu tiên nằm cử không hề thấy ánh sáng mặt trời. Khi được ra ngoài thì phải cột khăn che kín hai tai. Phải mặc quần dài, áo dài tay, khoác thêm áo ấm. Đứa bé cần ra khỏi nhà phải quấn mấy lượt khăn. Phải bồng vào bếp xin phép ông táo trước khi đi. Dùng lọ nồi quẹt trên trán một bệt đen. Đó là dấu hiệu để không bị người khuất mày, khuất mặt khuấy nhiễu. Khi bé có triệu chứng không được khỏe thì lại đổ thừa cho có ai đó chọc ghẹo. Lại rước thầy đồng bóng hay trừ tà đến trấn yếm trị bệnh. Một sự tin tưởng hoang đường khiến nhiều cháu bé phải mất mạng oan uổng.

Nhiều người con cái hiếm muộn, sinh được đứa con thì đặt tên con thật xấu hay giả vờ cho một người khác nuôi để qua mặt quỷ thần. Họ không cho ai khen con mình đẹp, sợ rằng quở như vậy đứa bé sẽ yểu mệnh.

Còn nhiều lắm những phong tục, tập quán xưa đã in đậm trong nhân gian. Đó là  mực thước để phụ nữ phải tuân thủ kể từ lúc có mang  đến lúc đứa bé biết đi biết chạy. Những bài học căn bản về sinh đẻ và nuôi con  truyền từ  đời này qua đời khác như là cách bảo vệ sức khỏe thai phụ và ấu nhi. Người đàn bà không làm đúng, bản thân sẽ bị bên chồng, bên mình, hàng xóm  chê bai, dè bỉu rất khó sống. Để bảo vệ lấy mình, người phụ nữ ngoan ngoản thực hành và làm tốt hơn để duy trì nòi giống và bảo vệ huyết thống gia đình. 

Hãy nhắm mắt lại tưởng tượng về một sản phụ ngày xưa. Mặt vàng khè vì thoa nghệ, Ăn mặc nhàu nát vì nằm than xông hơ. Người hôi rình vì mùi dầu khuynh diệp, mùi khói, mùi tanh của máu sau khi sinh. Hai lỗ tai nhét hai cục bông gòn tổ chảng. Khăn bịt kín không thấy mặt mày. Trong cái phòng  tối lù mù  không ánh sáng lọt vô đó, người phụ nữ như một tù nhân phải làm theo sự điều khiển bởi mẹ chồng hay  mẹ ruột. Họ tin tưởng càng thương yêu càng chăm sóc tận tình để giúp cho người phụ nữ khỏe mạnh sau này.

Người đàn ông ngày xưa không bước vào phòng khi vợ sinh và phòng vợ nằm cử. Muốn thăm con thì đứa bé được đưa ra ngoài. Cho nên người chồng không hề thấy sự vất vả của vợ mình trước và sau khi sinh con. Đã vậy chuyện gối chăn phải được kiêng cử ít nhất 3 tháng sau khi sinh. Đó là một trong những lý do để ông chồng tìm đến một người đàn bà khác. Điều đó, oái oăm thay lại được xã hội bấy giờ chấp thuận. Họ coi chuyện  đa thê là việc bình thường.

Ngày 8 tháng ba, là ngày kỷ niệm phong trào "Phụ Nữ Quốc tế" Là ngày mà phụ nữ được cái nhìn cởi mở hơn khi trước. Phụ Nữ được đi học, được đi làm, được bước ra xã hội thực hiện những điều mình mơ ước. Được cầm lá phiếu chọn người mình  tin tưởng đại diện cho mình.

Chuyện tôi kể nghe dường như chuyện không có thật  đối với thế hệ cháu của tôi. Nhưng đối với tôi nó là kỷ niệm, là những gì mà một người con gái bước vào giai đoạn làm mẹ đều phải trải qua. Có gia đình thuộc thành phần ăn học, văn minh sẽ không làm  như thế. Nhưng được bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình may mắn như vậy.

Cái gì không tốt đều bị đào thải . Xã hội bây giờ tiến bộ nhiều mặt. Người phụ nữ đã được sống xứng đáng với vai trò của mình. Nhưng còn biết bao người phụ nữ trên thế giới vẫn chịu thiệt thòi, đau khổ vì những hủ tục trên quê hương, xứ sở của mình. Những hủ tục tảo hôn, ấu dâm, đa thê, cắt âm vật, hiếp dâm, hành hạ và khinh thường phụ nữ xảy ra hàng ngày trên thế giới.

Bao giờ ánh sáng văn mình và quyền bình đẳng  nam nữ chính thức đến tận hang cùng ngõ hẻm trên thế giới. Thì ngày ấy sẽ không có chiến tranh, không có bất công  không có sự đàn áp. Thế giới sẽ thật an vui và tràn ngập hoa hồng.

Hoa hồng mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3.

 

Nguyễn thị Thêm

08/ 3 2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tám 2014(Xem: 15660)
hơn bao giờ hết ban chấp hành hội ái hữu Biên Hòa California cũng mong đón nhận những tấm lòng… để chúng tôi vững lòng tiếp bước “đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm”
06 Tháng Tám 2014(Xem: 10667)
Nguyện cho tất cả các anh thương phế binh được giảm mọi sự đau đớn, bệnh tật và có một cuộc sống an vui, hạnh phúc.
05 Tháng Tám 2014(Xem: 10178)
Ai trên đời này mà không cần có một bà mẹ. Những người không còn mẹ nữa lại càng cần hơn ai hết, phải không?
05 Tháng Tám 2014(Xem: 10687)
Con nhớ mùi thơm của má. Mùi mồ hôi muối mặn nồng và nụ cười móm xọm của má.
02 Tháng Tám 2014(Xem: 18483)
Chúc mừng gia đình quân lực VHCH có một hậu duệ tài ba. Chúc Việt luôn thăng tiến trên con đường binh nghiệp và xin chia vui cùng gia đình.
31 Tháng Bảy 2014(Xem: 12332)
Tiếng hát đã bay cao, người hát đã về cát bụi để lại bao ngậm ngùi tiếc thương cho người ở lại.
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 11890)
Thế mà ta vẫn vượt qua, anh và em và tình yêu của chúng mình.
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 10720)
Bây giờ nhớ đến anh, đến 3 Đạo, đến Tống Ngọc Yến, đến Bùi thị Tròn và cả những người bạn đã nằm xuống, Ốc vẫn nghĩ: Cám ơn đời ...
18 Tháng Bảy 2014(Xem: 10876)
"Phải chi, phải chi nước mình bây giờ có một người lãnh tụ tài ba dám đối mặt với sự bất công phi lý của chế độ Cộng Sản như vậy thì đở biết bao.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 12251)
Thế nhưng, có đi chuyến hội ngộ này tôi mới biết Ngô Quyền là một gia đình thật sự. Không có gì phải e dè.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 10660)
Những bâng khuâng nầy khắc khoải không như những bâng khuâng nhẹ nhàng khi tôi đọc lại "Nửa Chừng Xuân"
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 10285)
Cám ơn Ngô Quyền, tình nghĩa thật đầy. Hẹn lần khác có duyên gặp lại.
21 Tháng Sáu 2014(Xem: 10778)
nhớ nao lòng cái im lặng đến lạ lùng của cánh cổng trường khép lại khi mùa hạ về, mặc cho lũ ve kia vẫn vui chơi rền vang hát gọi...
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 12986)
Ba ngày sau, con gái sinh em bé, con trai cũng báo tin đã có việc làm. Niềm vui của mẹ nhân đôi.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 10897)
Xin gửi đến các bạn là những người lính VNCH. Các bạn cũng là những người tù Cộng Sản đã trở về sau bao nhiêu năm gian khổ nhục nhằn
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 9843)
Với tôi, Nguyễn Xuân Hoàng tượng trưng cho sự hiền hòa, thân thiện và can đảm
17 Tháng Sáu 2014(Xem: 9614)
Thực ra không ai có thể chọn lựa một căn bệnh để được chết theo ý mình
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 9985)
Cho ba bớt hai ngàn, để lát về xe lỡ có hư như lần truớc ba có tiền sửa
15 Tháng Sáu 2014(Xem: 9972)
Tôi nhớ và thương ông nhiều lắm. Ngược lại tôi cũng là đứa con gái ông cưng nhứt nhà.
09 Tháng Sáu 2014(Xem: 9485)
Nghe tôi thú thật, bố khép khít đôi mắt như một người lấy gan nhổ khỏi chân một cái gai; xong bố mở mắt nhìn mọi người, rồi nhìn tôi
09 Tháng Sáu 2014(Xem: 10184)
cứ như những phiến đá muộn phiền nặng oằn trên đôi vai của thầy hiệu trưởng.
07 Tháng Sáu 2014(Xem: 10705)
Hãy ngủ yên đi cháu! Hãy sống vui vẽ, bình an trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và gia đình
03 Tháng Sáu 2014(Xem: 10575)
"Cái con khỉ gió. Cho ăn học để giờ này mày đem má ra viết chọc quê hả?
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 10048)
Vậy mà cha nỡ đành đem bán vợ đợ con để kết bạn với chúng.
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 10700)
Có thật là giữa ông ta và tôi có một mối liên hệ nào đó và ông đang rất muốn gặp tôi
02 Tháng Sáu 2014(Xem: 16404)
Thầy ơi, bởi vì trái đất tròn. Thương sao trái đất vẫn tròn.
31 Tháng Năm 2014(Xem: 10024)
Hình như tháng Sáu đang gỏ cửa . Còn 2 ngày nữa mới tới. Tháng Sáu ơi.
28 Tháng Năm 2014(Xem: 10396)
con như mất cả một gia tài quý giá mà cả đời con không còn hy vọng gì tìm lại .
28 Tháng Năm 2014(Xem: 9292)
Mẹ tôi không có ý kiến. Bà nói chuyện hôn nhân là của tôi, tôi phải tự định đoạt.
24 Tháng Năm 2014(Xem: 9982)
Tui cầm mấy món quà của ba trên tay mà xúc động. Tui muốn ôm ông như ngày còn bé
22 Tháng Năm 2014(Xem: 10594)
Hãy hạ lá cờ đó xuống và cùng chúng tôi chống giặc ngoại xâm bằng trái tim thật sự hướng về tổ quốc.
17 Tháng Năm 2014(Xem: 8716)
Ông thấy mình như trở lại thời trai trẻ trong một giấc ngủ thật dài của kiếp người tha hương
17 Tháng Năm 2014(Xem: 9955)
Thực ra nếu có Uyên ở đây cũng chưa chắc tôi nói được gì. Chẳng lẽ tôi đến thăm cô như một chuyện tình cờ? Chẳng lẽ tôi hỏi bà Phan là tôi muốn gặp Uyên?
11 Tháng Năm 2014(Xem: 9914)
Anh thở dài, vội vàng đứng lên đi lang thang trên đường phố đông người trong khung cảnh nhộn nhịp của thành phố New York mong tìm sự lãng quên trong tâm hồn
11 Tháng Năm 2014(Xem: 10715)
Ai cũng viết về mẹ. Tui cũng viết một chút về má tui. Bả thiệt là nhà quê và có nhiều chiêu rất lạ.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 11503)
Ngày nào còn con người với những buồn vui mất mát, đau khổ lẫn ước mơ, ngày đó tiếng thơ Trần Kiêu Bạc còn mãi ngân vang.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 10666)
Nghĩa trang hôm nay không lạnh lùng phải chăng có được từ tình đồng hương Biên Hòa ấm áp?
05 Tháng Năm 2014(Xem: 8731)
rong khi đó thì tâm hồn bạn cũng “thăng hoa” đem muôn vẻ hạnh phước lại cho thế gian.
03 Tháng Năm 2014(Xem: 11015)
Nợ non sông ơn đồng đội, bằng cả sự trân trọng và cảm thông; xin được nói với nhau một lời “Chúng tôi là người lính”
30 Tháng Tư 2014(Xem: 10679)
Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư lệnh đưa tay nâng sửa cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương
29 Tháng Tư 2014(Xem: 11049)
Bây giờ tôi chỉ là một người lính già lưu vong nơi đất khách quê người, nhưng tinh thần chiến đấu và ước mơ cho một ngày đất nước thật sự thanh bình không cộng sản sẽ không bao giờ già trong tôi.
28 Tháng Tư 2014(Xem: 10913)
không như một số ít người không làm việc thiện mà hay đem tiền dành dụm đi đóng tiền điện tiền nước cho các sòng bài, đôi khi không có tiền đóng tiền nhà đầu tháng cũng vì cờ bạc.
24 Tháng Tư 2014(Xem: 22356)
Nhưng anh vẫn tin, lòng tin ấy không đặt vào bất cứ một giá trị vật chất nào, mà vào tình yêu của trái tim
24 Tháng Tư 2014(Xem: 16706)
Nếu phải làm lại từ đầu, thì tôi cũng vẫn làm như thế. Tôi biết rằng làm như thế là tôi mất tất cả, mất tất cả trừ DANH DỰ.
23 Tháng Tư 2014(Xem: 10305)
Thế mới biết, cách xưng hô thực vô cùng quan trọng. Nó cho thấy rất rõ tình cảm , tư cách , đạo đức, giáo dục… của người nói vậy
22 Tháng Tư 2014(Xem: 9082)
Cho nên, có thể nói rằng các cụ chẳng khác gì những cổ thụ bị bứng lên đem trồng một vùng đất lạ.
22 Tháng Tư 2014(Xem: 10542)
xin cho tôi được sinh ra nơi Cù Lao Phố một lần nữa. Chẳng là gì cả. Chỉ đó là quê hương tôi mang trong tim.
22 Tháng Tư 2014(Xem: 10194)
chú Bảy tôi cưới người con gái ấy, sau nầy sinh được một trai, một gái cho chú, rồi thiếm Bảy ra đi vì đau bệnh nặng
18 Tháng Tư 2014(Xem: 10975)
Và cô nhẹ nhàng hôn lên trán tôi, rồi quày quả bước ra cửa. Tôi nghe tiếng giày khua rất chậm ở dốc cầu thang. Và tiếng động cơ xe nổ giòn, lăn bánh.
09 Tháng Tư 2014(Xem: 10230)
Nếu anh linh của anh còn luyến tìếc về những ưóc mơ chưa thành đạt cho dân cho nước, cho vùng đất Chương Thiện mang tên anh.