12:06 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

THÁNG 4 NGÀY ĐÓ - Nguyễn Thị Thêm

24 Tháng Tư 20156:29 CH(Xem: 9451)

THÁNG TƯ NGÀY ĐÓ.

Tháng ba Đà Nẵng trong cơn sốt. Ngôi trường tôi dạy tạm thời cho học sinh nghỉ học.

Đoàn người tị nạn từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị chạy vào lũ lượt. Trường mở cửa để làm trại tiếp cư.

Căn nhà tôi ở đối diện với trường học, rất gần nhà nên đó là lý do tôi nhất định xin về dạy tại đây. Dù bên Ty Giáo Dục Đà Nẵng đã bố trí tôi dạy tại trung tâm thành phố. Con nhỏ tên Khanh dạy chung trường với tôi đã khuyên tôi từ tháng trước:

-Em nói với riêng chị, Đà Nẵng sẽ mất về phía bên kia. Chị nên rút hết tiền nhà băng ra và tìm cách cho anh ở nhà đừng về đơn vị. Quân Giải phóng sắp về.

Tôi nhìn Khanh bằng đôi mắt nghi ngờ. Đã từng ở vùng xôi đậu, tôi hiểu hai bộ mặt của một con người. Tôi nói:

-Em làm việc cho phía bên kia hả?

Nó cười:

-Em mà làm gì. Em nghe người ta nói.

Thế là Khanh rút tiền ngân hàng, dẫn nhóm tôi đi Chợ Cồn ăn uống một bửa thịnh soạn, mua tặng cho mỗi đứa một bộ áo dài đồng màu hoa và lơi dần không đi dạy. Khi đoàn người tị nạn về trường. Khanh chỉ có mặt tại trường vài lần để xem tình hình và nhắc tôi lần nữa:

-Chị đã làm như lời em dặn chưa? Hãy tin em. Em coi chị như chị ruột nên mới nói. Xem em nè.

Nói xong Khanh  xòe hai bàn tay đã cắt móng sạch sẽ không sơn màu mè đỏ rực như lúc trước. Nó ôm tôi thật chặt. ChỈ địa chỉ nhà dặn khi nào cần tìm nó. Xong nó biến mất không tới trường.

Tôi lúc đó chạy qua chạy về phụ sắp xếp và giúp đở cho bà con trong nỗi lo sợ. Thế nhưng tôi nói ra thì mẹ chồng không tin, còn chồng thì ở mãi đơn vị với bao nhiêu tin xấu từ hậu cứ đưa về.

Đêm đêm pháo dội về ầm ĩ vì nhà tôi gần phi trường Phước Tường. Đêm nào cũng ôm con chạy xuống hầm trú ẩn. Tôi cũng như mọi người dân ở đây sống trong hồi hộp vô cùng.

Tin từ radio loan về quân ta đã tháo chạy nhiều nơi và Đà Nẵng trong cơn dầu sôi lửa bỏng. Thiên hạ đua nhau tháo chạy về bến tàu, nhà cửa bỏ trống, mọi người không còn màng làm ăn. Chợ thưa dần và dường những tên nằm vùng đã chính thức lộ mặt. Chồng tôi vẫn còn ở bộ chỉ huy trung đoàn. Mọi tin tức về anh chập chờn. Ai chạy mặc ai, chúng tôi chỉ ngồi nhà chờ tin anh.

Đà Nẵng hổn loạn, bọn hôi của nhào vào những nhà chạy loạn lấy đồ, những chiếc xe đạp, xe hon da, xe ba gác xuôi ngược với đủ thứ đồ dùng gia đình trên đó . Và Đà Nẵng đã xuất hiện những người mang trên tay những băng đỏ và tin xấu đưa về. Chồng tôi vẫn bặt tăm

Nhà tôi cũng là một trại tạm cư, ba gia đình bên chồng từ Quảng Trị vào lánh nạn. Gia đình Mụ Xếp với cô con gái thật đẹp. Gia đình anh Bi với hai vợ chồng và 5 đứa con nhỏ. Gia đình chú Đen 2 vợ chồng với đứa con. Mẹ chồng tôi đã mua gạo và thức ăn khô dự trữ để phòng khi hữu sự. Gia đình mụ Xếp bán vải nên đồ đạc mụ đem gửi không phải ít. Vợ chồng anh Bi sáng sớm là bỏ đi ra ngoài, bầy cháu tôi phải lo chăm sóc.

Trong cơn hổn loạn đó, chồng tôi về với một đoàn lính tráng mặc mày xơ xác đầy mõi mệt và kinh sợ. Họ súng ống  còn đầy đủ vì từ căn cứ về. Chồng tôi ở Trung tâm hành quân không liên lạc được với Đại đội cũ của mình, anh đích thân lên đồn để kéo họ về vì tình tình đã không bảo vệ được. Lịnh trên tuyên bố bỏ Đà Nẵng.

Tôi  lo làm cơm nước thức ăn cho một đại gia đình tối tăm mặt mũi. Ăn cơm xong, chồng tôi quyết định cùng anh em ra bến tàu về Sài gòn.

Tin về là ở  bến tàu rất hổn loạn, quân nhân và dân tràn về không còn chỗ chen chân. Mọi người tranh nhau tìm một chỗ để thoát khỏi Đà Nẵng.  Nghe nói có nổ súng và có người chết.

Má chồng tôi lưỡng lự không muốn đi vì còn phần mộ tổ tiên ở quê. Mấy gia đình tạm cư nhà tôi họ ở lại chờ tình hình. Gia đình tôi nói lời từ biệt và gửi nhà lại cho họ. Mấy người lính đi thành một vòng  cung bảo vệ đưa gia đình ông thầy ra bến tàu. Đi được một quảng đường , hòa mình vào dòng người di tản má chồng tôi không đi tiếp. Dừng ngay giữa đường, bà nói:

-Thôi! Vợ chồng mi đi đi. Mạ không đi nữa, mạ về có chết ở cươi mạ cũng chịu. Còn sống thì mạ về quê lo phần mộ tổ tiên ông bà.

Là con một, mẹ anh ấy đã ở vậy nuôi con từ lúc chồng mất thật sớm, chồng tôi không thể làm đứa con bất hiếu. Anh quyết định ở lại, từ giả đồng đội, vợ chồng tôi rẻ đoàn người chạy đi, để  ngược lại về nhà. Đó là ngày 28/3/1975

Về nhà được một chút, mừng vì nhà không bị người ngoài vào hôi của. Chưa biết phải làm gì trong tình thế hổn loạn, thì xe chở người bên kia, cờ xí rợp trời, reo la inh ỏi chạy ngang đường. Đà Nẵng đã thật sự thất thủ. Tới tối, những người lính lục đục trở về nhà tôi trong sự sợ hãi, mọi việc đã kết thúc. Tôi lôi đồ thường dân của chồng phân phát cho họ. Mấy anh em quăng  quân trang, súng, đạn xuống  cái hố kế ao rau muống sau nhà. Cuộc đời binh nghiệp chấm dứt hôm nay.

Chồng tôi cố thủ trong nhà để chăm mấy đứa cháu và con. Tôi đi chợ nấu ăn tất bật cả ngày.Những người lính cũng chỉ biết ngồi nhà nghe radio, thỉnh thoảng ra ngoài nghe ngóng. Không khí trong nhà trầm lại, nặng nề. Dường như có một bàn tay vô hình siết chặc cổ. Đau đớn, ngộp thở không thể vẫy vùng. Những người cùng quê ra khỏi nhà mỗi ngày, chôm đồ cũng có, tìm bà con cũng có và họ dọ dẫm tìm đường về lại Quảng Trị

Cuối tháng ba, đầu tháng tư  những người bà con bên chồng tôi từng đi tập kết đã có mặt ở Đà Nẵng. Họ tìm cách liên lạc và nhắn tin khuyên má chồng tôi về lại quê . Những người tạm cư nhà tôi lần lượt về nhà họ ở Quảng Trị. Khi đi họ ít đồ. Khi về nhiều hơn. Chỉ có nhà tôi gạo cũng lưng, thức ăn cũng hết và tiền bạc cũng không còn là bao. Bây giờ đã đến lúc mạnh ai nấy bơi.

Có vài người lính gia đình ở miền Trung đã rời nhà tôi tìm cách về lại gia đình. Những người sống trong Nam vẫn ở lại nhà tôi chờ đợi. Họ là những người bạn, người em chân thành dễ mến. Họ cũng như tôi đang hướng về Sài Gòn với tất cả thương yêu và lo lắng.

Má chồng tôi quyết định về lại quê nhà để ổn định đời sống. Tôi tìm Khanh, nhỏ bạn dạy chung. Đến nhà mới phát hiện nhà  Khanh  là ổ nằm vùng. Ba em ấy là thành ủy và  gia đình thuộc thành phần  cốt cán của chính quyền mới.

Khanh  khuyên tôi đừng về quê, hãy ở lại Đà Nẵng vì ở thành phố chính sách cho "lính ngụy" sẽ khác hơn. Tôi không thể cưỡng lại quyết định của mẹ chồng và chồng nên đành phải ra đi. Khanh dẫn tôi đến Ty Giáo Dục Đà Nẵng. Giữa cơn hỗn loạn, giấy tờ văn thư tung tóe mà em vẫn xin cho tôi được giấy thuyên chuyển từ ty giáo dục Đà Nẵng về Quảng Trị. Đưa giấy tờ cho tôi. Khanh dặn:

- Em khó khăn lắm mới có được giấy này. Chị phải giữ kỹ, không thể xin cái thứ hai.  Vì khi ổn định, thành phần cán bộ cốt cán sẽ thay đổi . Chị nhớ chỉ trao cho Ty Giáo Dục Quảng Trị, không đưa cho bất cứ ai ở cấp Xã, huyện. Chị phải đi dạy vì chị là một nhà giáo giỏi.

Khanh ôm tôi lưu luyến và từ biệt.  Còn tôi trong vòng tay ấm áp đó tôi chợt rùng mình. Thì ra bên cạnh mình là người của phía bên kia. Thật đáng sợ. Kể từ hôm đó. tôi không hề biết tông tích hay liên lạc với Khanh cho đến bây giờ.

 Đúng như Khanh đã nói, tiền gửi ngân hàng của gia đình tôi không lấy được một đồng. Nhưng với tính cả tin, mẹ chồng tôi vẫn nuôi hy vọng chính phủ mới sẽ trả lại cho mình, vì mình gửi ngân hàng nhà nước. Mình là dân, nhà nước nào, chính phủ nào cũng đối xử với dân như nhau mà thôi.

Căn nhà của tôi đã được tháo gỡ, Đồ đạc chất một đống trước sân. Che vài tấm tôn làm chỗ ngủ ban đêm và trưa nắng. Tôi như người mộng du làm việc liền tay mà đầu óc không tỉnh táo. Tôi sẽ về đâu, gia đình tôi ra sao. Có còn tiếp tục đi dạy không? Dạy cái gì khi mình không còn chỗ đứng.

Mẹ chồng tui mừng vui ra mặt. Bà chỉ có một thằng con trai. Bây giờ im tiếng súng không còn chiến tranh. Hòa bình về rồi, quê hương là vòng tay ấm áp ôm những người xa xứ về lại bên mồ mã tổ tiên, ông bà.  Sum họp với bà con, làng nước. Sửa sang lại nhà từ đường và vun quén lại mãnh đất bà từng sinh ra và lớn lên. Những ý nghĩ đó làm mẹ chồng tôi rộn rã mừng vui.

Những người bên kia tìm cách liên lạc về:

-Mụ trở về làng mền đi. Không răng mô. Chi chứ việc của hắn có bầy choa lo, vợ hắn đi dạy tại làng. Mụ chừ yên tâm khỏi lo chi súng đạn. Đảng sáng suốt lắm. Mụ sợ chi.

Chú chồng tôi từ quê cũng nhắn vào:

- Mụ về làng đi. Tui cho một sào lúa sắp chín ngoài đồng. Mụ về  gặt mà ăn, chờ mùa sau.

Ôi! những tin thật tốt, những tấm lòng mở ra như như hoa như gấm xóa đi bao nhiêu lời khuyên chân tình của tôi. Tôi khuyên gia đình chồng tôi khoan về quê, cứ ở lại đây chờ tình hình. Người ta sao mình vậy. Xem sao đã rồi hãy tính. Nhưng tiếng nói của tôi rơi vào vô vọng. Khi mẹ chồng tôi buông một câu như đinh đóng cột với sự đồng tình của chồng tôi:

- Mi muốn ở lại thì ở. Tao và hắn sẽ đem con bé về quê. Mi mần răng thì cứ làm.

Tôi ở lại ư? Nhà đâu mà ở, tứ cố vô thân biết sống với ai. Còn con tôi, núm ruột yêu thương tôi không thể xa cách. Tôi ngậm ngùi buông xuôi số phận.

Mẹ chồng tôi cả tin nên không mua gạo đem về quê. Gạo nhà dự trữ đã  gần hết, Má chồng tôi chỉ cần gạo đổ vào các thùng đạn để chén, dĩa kiểu cho khỏi bể mà thôi. Khi tôi nói bà mua vài bao gạo đem về quê, bà lắc đầu cười rạng rỡ:

- Về làng mình ăn gạo mới con hè! Chi chớ lúa mới gặt về ,chà ra, nấu cơm ăn với ruốc và rau luộc thì ngon chi lạ. Ai lại chở củi về rừng.

 Một người lính miền Nam là đệ tử ruột của chồng tôi, theo chuyến xe tải má chồng tôi mướn, cùng chuyển đồ đạc gia đình tôi về quê. Em ở lại phụ dựng nhà xong mới từ giả tìm đường về với gia đình. Chúng tôi sau này ở trong Nam cũng cố gắng đi tìm nhưng không gặp lại. Chúng tôi đã biệt tin em tới bây giờ. 

Chúng tôi trình diện chính quyền địa phương. Ông Bí thư, ông Chủ Tịch đều là người làng. Cả hai nhìn chúng tôi như những con vật bị ghẻ lở. Họ soi mói nhìn tôi, một người phụ nữ ngụy quyền miền Nam có một đứa con lai Mỹ. Dù đứa con gái ấy tôi không sinh ra nhưng tiếp tay nuôi dưỡng tàn dư Đế quốc thì tội còn nặng hơn lỡ bước có con với Mỹ. Ông Chủ tịch xã giơ hàm răng vàng khè cáu thuốc lào cười vào mặt tôi:

-O có tội. Tội nặng lắm. Phải đi học tập, phải học tập thông suốt mới được.

Chồng tôi bị đòi phải đưa ra tất cả huy chương anh đã được. Phải bằng vàng, bằng đồng thực sự. Họ không tin những huy chương đó chỉ là tượng trưng. Giấy tờ chứng minh chúng bảo không hợp lệ. Lại một phen cãi vã sôi nỗi của chồng tôi và nhóm cán bộ ngu ngốc mới từ miền Bắc vô. Chồng tôi bị ghi sổ bìa đen vì dám cãi tay đôi với cán bộ.

Các Chú và cậu chồng tôi phán những câu thật mới mẻ:

-Mi là đại úy, có tội với Đảng với đồng bào. Mi đi học tập cải tạo tư tưởng tốt sẽ được chính phủ khoan hồng về sum họp gia đình. Gia đình mi ở nhà có bầy choa lo.

Thế là chồng tôi khăn gói đi tù tận miền Bắc thâm sơn nước độc suốt hơn 8 năm trời.

Má chồng tôi bán nữ trang để mua gạo ăn ngay tuần đầu tiên dọn về. Bà bị rơi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bà không còn cười sảng khoái như trước. Bà khóc tức tưởi và bệnh thật nặng. Trong bà niềm hối hận  thương con, thương dâu xen lẫn với sự cực khổ lo nuôi gia đình làm bà đau yếu triền miên.

Tôi bị trấn lột hết giấy tờ tùy thân kể cả giấy thuyên chuyễn đi dạy.  Họ cho tôi đi học tập chính trị tại Đông Hà 3 tuần. Ở nhờ nhà dân, mọi sự tự túc.  Con bé ở nhà khát sữa không có mẹ. Không có sửa Similac để bú, sửa hộp mua cũng dè sẻn. Bà nội cho uống nước cháu pha đường đở đói. Ở đây tôi lên cơn sốt vì sữa căng cứng không biết sao giải quyết. Cuối cùng phải cho con người dân bú thép dùm. Những buổi học chính trị nhàm chán, những bài giảng huấn vô lý và ngang ngược. Nuốt vào lòng bao bất mãn tôi chịu đựng để còn về với con. Một người trong khóa học hỏi một câu ngô nghê:

- Xin hỏi cán bộ. Mặt trận giải phóng miền Nam đặt thủ đô ở nơi nào?

Thế là hôm sau anh ta khuất bóng. Nghe nói đã được lịnh thuyên chuyển đi học tập nơi khác rồi. 

Sau hơn 3 tuần đi học chính trị tại Đông Hà tôi chính thức gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Ông chủ tịch nói với tôi :

- Giấy tờ đi dạy của O tui giữ. O phải tập lao động chân tay. O lao động tốt thì chồng O sớm về. O ngoan cố, chồng O không được khoan hồng.

Cái mắc xích giữa người ở nhà và đi tù ràng rịt như vậy nên tôi đành chịu nhịn sang sông. Tôi đã biết thế nào là lao động vinh quang. Biết thế nào là chăn trâu, cắt cỏ, đạp nước ruộng sâu, cấy lúa sâu bao nhiêu cho mỗi vụ mùa. Nhất là biết thế nào là đỉa đeo hay cầm vằng cắt lúa.

Tôi tham gia hợp tác xã, làm xã viên ăn cơm nhà đi lao động, lúa chỉ được chia khi vụ mùa kết thúc. Sau khi đóng thuế cho Xã, trả nợ phân, lúa giống, thuốc trừ sâu... còn lại mới chia cho xã viên. Lúa được chia theo công điểm lao động cộng lại suốt vụ mùa. Điểm  lao động được bình bầu sau mỗi ngày làm việc. Mà bình điểm lao động mới nhiêu khê. Sau một ngày làm việc, cả nhóm ngồi lại và mỗi người tự nhận xét mình làm hôm nay đáng bao nhiêu điểm. Mỗi xã viên nhận xét số điểm ấy có xứng đáng hay không. Đồng ý thông qua hết, thư ký mới ghi vào sổ. Bình tới bình lui, tranh nhau từng điểm một. Hôm nào về nhà cũng tối om. Tôi đi bờ ruộng không quen cứ bị sụp chân lọt xuống ruộng hoài.  Hai chân mốc cời, gót chân nứt nẻ. Ôi còn đâu cái thời điệu đàng mang guốc cao đứng trên bục giảng.

Tôi là dân chưa hề biết ruộng đồng nên công điểm có là bao.  Nhất là cái khoản bình điểm tôi thấy như tập cho người ta tranh chấp nhỏ mọn với nhau . Tôi không bao giờ tự cho điểm mình. Tôi nói tôi tới học làm, ai cho bao nhiêu cũng được. Do đó cuối mùa lúa tôi chỉ được 100 ký thóc và vài gánh rơm đem về chụm lửa.

Mẹ chồng tôi phải bán lần nữ trang để mua gạo và thức ăn. Bà bắt đầu buôn bán lại để có đồng ra đồng vô nuôi cả gia đình. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự bươn chải của bà mẹ già tội nghiệp. Tôi không biết buôn bán, tôi không quen ai ở đây,lại phải đi lao động hợp tác xã nên thật tội nghiệp mẹ chồng tôi cực khổ nuôi con, nuôi dâu và nuôi cháu.

Một lần cả ba bà cháu đều bệnh. Mẹ chồng tôi đau buồn, sức yếu không ngồi dậy được, toàn thân đau nhức. Tôi đun rơm nấu ba nồi nước. Một nồi nước lá thuốc, một nồi nước chè xanh, một nồi nước trà tươi để bà cần thứ gì thì có. Sáng sớm lo cho mẹ chồng xong, tôi để con bé nằm bên nội, cõng con bé lớn đi trạm xá. Đoạn đường làng thật xa. Hai chân con như muốn quẹt dưới đất. Những cơn ho làm con bé như muốn ngất đi. Làn da trắng tái lại tội tình. Đến nơi khai bệnh để lấy vài viên xuyên tam liên đem về. Buổi chiều bồng con bé em đi trạm lần nữa cũng để lấy vài viên xuyên tam liên tán ra cho uống. Biết rằng thuốc cũng chẳng trị được gì, nhưng có sự chứng nhận của trạm, tôi mới được phép ở nhà chăm con. Nhìn căn nhà trống vắng, nhìn ba người nằm rũ riệt vì đau.Tôi muốn chết cho xong. Tôi ra giữa trời khấn tứ phương, tôi xin cho tôi một lối thoát, tôi xin cho mẹ chồng và hai đứa con tôi bình an. Tôi như muốn điên lên vì bao nghịch cảnh. Tôi như một người máy ra vườn hái đủ loại cây cỏ kể cả dây tơ hồng. Tôi chặt ra, phơi khô rồi rang thủy thổ. Tôi nấu nước cho cả ba người cùng uống. "Liều mạng". Tôi nhủ thầm. Thế mà mẹ chồng tôi ngồi dậy được, con bé lớn giảm ho, con bé em bớt sốt, những ban đỏ nổi lên rồi từ từ lặn. Một sự trả lời diệu kỳ từ ơn trên. Tôi cảm thấy mình vững tin hơn về sự sắp đặt an bài từ cõi vô hình. Tôi mạnh dạn đối diện thực tế. Tôi cứng cỏi hẳn lên. Tôi phải gánh vác cùng mẹ chồng thăm nuôi chồng nơi rừng sâu nước độc và lo nuôi con khôn lớn.

Tôi được tin Sài Gòn thất thủ vào một buổi chiều trên đường từ ruộng về nhà. Xa xa đã nghe loa của Xã vang vang báo tin toàn thắng.  Tôi khựng lại để nghe một lần nữa rồi lặng người đi. Vậy là toàn cỏi VN đã là của Cộng Sản. Đành chấp nhận như một định mệnh đã an bài. Trong tôi nhen nhúm một niềm vui đoàn tụ song thân. Bên bờ sông Ô Lâu nhìn dòng nước êm đềm trôi tôi lại nghĩ đến Sài gòn trong cơn hổn loạn như Đà Nẵng trước đây. Nhưng tôi thật sự không thể tưởng tượng được sự hỗn loạn đó kinh khủng đến thế nào.

Chồng tôi vẫn biền biệt. Hình như anh đã được chuyển ra Bắc nhưng nơi nào chưa có tin về. Tôi ôm con vào trong lòng. Con bé ốm yếu xanh xao tội nghiệp. Mọi thứ đã chấm dứt hôm nay. Tôi biết tôi sẽ không bao giờ được trở lại nghề dạy học. Tôi biết con đường phía trước sẽ đầy dẫy chông gai và tủi nhục. Tôi hoàn toàn không biết tin tức chính xác về Sài gòn. Chỉ biết tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và toàn cõi VN đã rơi vào tay Cộng Sản.

Con bé lớn tôi đi học. Tờ giấy khai sinh kèm theo hồ sơ đóng một cái mộc đỏ" Con ngụy quân, ngụy quyền" của nhà trường làm tôi chới với. Làm sao thoát khỏi mấy chữ đỏ này trong suốt cuộc đời. Con bé em lớn dần và bập bẹ nói. Mỗi khi đi ngang cỗng chào của xóm có hình ông Hồ và bảng "Độc lập, tự do, hạnh phúc" Cháu lại bập bẹ " Muôn năm, muôn năm". Trời ơi! những câu hô hào khẩu hiệu hàng ngày trên cái loa trước trụ sở Ủy Ban đã dạy con tôi hai chữ này. Mọi thứ nhồi nhét vào đầu óc trẻ thơ cho tôi thấy sự khác biệt của nền giáo dục tôi từng học và dạy nó khác bây giờ như thế nào.

Học tập  và giáo dục chính trị dường như thường xuyên cho mọi người dân. Buổi tối đi làm về chưa kịp ăn cơm đã nghe kẻng đội vang lên báo tin lên Ủy Ban học tập.  Có khi không kịp tắm rửa thay đồ, mọi người tay cầm con cúi (là rơm bện thật chặc dùng để đốt lên làm đuốc đi đêm) để đi họp. Trên chiếc bàn con, đèn dầu leo lét, cán bộ miền Bắc quần chẻn áo ngắn nói như vẹt. Vừa dai, vừa dài vừa vô lý kéo dài trong cái ngáp mệt mõi và ngủ gật của bà con xã viên. Tan buổi họp, từng đoàn người như những bóng ma với đóm lửa lập lòe đi vào từng xóm. Những hàng tre trúc thấp thoáng ánh lửa như âm hồn phảng phất trở về.

Tháng tư năm 1975 người con gái Biên Hòa hoàn toàn đổi đời để sống cho chồng và cho con. Tôi quên hết quá khứ và dần dần giọng tôi cứng lại. Tôi nói bằng âm hưởng của người Quảng Trị, gương mặt sạm đen, chân mốc cời  nứt nẻ. Tôi đã biết chăn trâu, ra lịnh cho trâu đi hay đứng lại. Tôi đã quen với đỉa và những câu nói tục tỉu của những người nông dân nói trây khi xuống đồng hay gặt lúa. Tôi đã biết cười mỉm khi nghe những bài lên lớp thần thoại Liên Sô vĩ đại hay sự trù dập của những người cầm quyền. Nhất là tôi đã biết thế nào là bão lụt và cái lạnh cắt da miền Trung để rèn luyện bản thân mình.

Bây giờ đã là 40 lần 30/4 lại về. Biết bao oan khiên đã xảy ra cho dân tộc VN. Bao nhiêu xác người bỏ thây trên biển đông vì hai chữ tự do, bao nhiêu mạng tù nhân CS chết ức oan trên núi rừng Việt Bắc, bao nhiêu người con gái đã bị làm nhục vì hải tặc Thái Lan. Những vết hằn chiến tranh thành sẹo, thành hậu chấn theo mỗi mùa tháng tư lại về. Những khúc phim cũ được quay lại ngay chính từ mỗi con người để khắc khoải không nguôi.

Tôi đang ở đây, một nước Mỹ xa lạ trở thành quê hương. Những người láng giềng nhiều chủng tộc khác nhau. Con tôi bây giờ đang là những người quân nhân trong quân đội Hoa Kỳ. Màu cờ con tôi phục vụ không phải là màu cờ của Tổ Quốc VN.

Các cháu tôi đã được sinh ra và lớn lên với quốc tịch Mỹ, nói tiếng Mỹ và sống theo người Mỹ. 40 năm cho hơn nửa đời người, con bé 5 tháng tuổi trong ngày 30/4/75 bây giờ là một phụ nữ trung niên. Chồng tôi bây giờ là một người lính già bệnh hoạn .Thân xác và tâm thần sa sút nặng nề. Những ám ảnh những ngày tù tội đè nặng quá khứ vô phương vùng vẫy. Tôi sống trong sự tuyệt vọng về bệnh tình của chồng dù đây là một nước văn minh có điều kiện về y tế tiên tiến nhất trên thế giới

40 năm qua thời gian cũng làm phôi phai nhiều thứ. Tuổi đời chồng chất và tôi cũng hiểu được nghĩa của hai chữ vô thường.Cuộc sống mỗi người đều do nghiệp và duyên của mình tạo thành. Tôi chấp nhận những gì đã xảy ra cho mình, cho gia đình và cố gắng làm tốt bổn phận mình.

Tôi cám ơn đất nước đã cưu mang gia đình tôi để chúng tôi có cuộc sống tự do. Các con và cháu tôi đến trường mà không bị cái lý lịch ngụy cản bước tương lai. Tôi đã có quá nhiều thứ trong cuộc sống nhờ bàn tay giúp đở của những người không hề quen biết. Ông Trời đã xếp đặt cho những kẻ thua cuộc lại có thể đứng thẳng lên hảnh diện vì lý tưởng của mình. Những chiếc áo lính, những cái nón, những bản nhạc... Tất cả những gì của Mỹ Ngụy bây giờ lại là những món đồ giá trị được yêu thích và đáng trân trọng. Những người con Ngụy thế hệ thứ hai đã làm rạng danh cha ông tham gia vào dòng chính của quốc gia tạm dung. Đã là những con người tài năng, giỏi giang đóng góp tài sức và trí tuệ cho đất nước cưu mang mình. Con tôi hảnh diện vì lý tưởng Quốc Gia của cha mình và dù lá cờ vàng không được tung bay tại quê hương VN nhưng nó lồng lộng rực rỡ mọi nơi trên thế giới.

Xin cám ơn những người đã tranh đấu cho người lính được đến Mỹ theo diện HO. Cám ơn những người đã dũng cảm đứng lên cất cao tiếng nói tự do của người Việt Nam. Cám ơn  anh, cám ơn chị, cám ơn mọi người đã cho chúng tôi đến đây để sống một cách lương thiện và đầy tình người.

Cám ơn với tất cả ngậm ngùi vì VN sau 40 năm vẫn còn là một quốc gia nghèo đói không có bình đẳng và tự do.

 

Nguyễn thị Thêm.

09/4/15

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5748)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6804)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7225)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6273)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 5988)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6515)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5340)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5212)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5518)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5441)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5477)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 5952)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6731)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6738)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6082)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6029)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6179)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6370)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6819)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6493)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6890)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 6912)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6706)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6326)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47075)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66891)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24869)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5898)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5900)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6204)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 6952)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5468)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5691)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6314)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5563)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5371)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5841)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6316)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5414)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5900)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6121)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6128)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8061)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7011)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6252)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8640)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7724)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7328)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7309)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu
10 Tháng Tám 2019(Xem: 6521)
Tuy mỗi người đi mỗi đường nhưng sau gần năm mươi năm xa cách chúng tôi lại tìm đến nhau, mọi nghi ngờ đều được làm sáng tỏ