5:40 CH
Thứ Ba
23
Tháng Tư
2024

từ cái chết của Trâm - tôn thất tuệ

31 Tháng Mười 201410:33 CH(Xem: 9509)
nui

từ cái chết của trâm
tôn tht tuệ
Tôi đã bị xâm chiếm quá nhiều trên đất Mỹ bằng những loại thư quảng cáo mời mua cái thìa cho đến chiếc xe, cái nhà cũng như rủ xổ số. Từ tình trạng ấy tôi thấy xa lạ với các tờ tin tức của các hội đoàn. Nhưng có một điều làm tôi thấy gần với tờ tin tức nầy cũng như gần lại ngôi trường mà tôi vẫn xem không phải là trường tôi: cái chết của Trâm. Và tôi xin cảm ơn tờ tin tức đã đăng tin Trâm chết. Thật ra tôi đã biết tin nầy ngay sau khi tai nạn xẩy ra và có lẽ lúc ấy xác người bạc mệnh còn nằm ở nhà quàn và nắp quan tài chưa khép kín.
Nhưng sao khi nằm dài đọc mấy hàng tin, tôi vô cùng đau đớn. Tôi ngưng đọc và đặt tờ báo lên ngực chẳng khác những giờ nằm dài trong ký túc xá với cuốn sách trên ngực như để dằn cái sôi động trong ý tưởng về cuộc đời riêng, ý tưởng về cuộc đời mà tôi nghĩ là chung của một khối người hay sâu xa hơn cả những gì gọi là người trong đó có Trâm.
***
Lần thứ hai tôi đến Saigon cách lần trước hai năm. Tôi gặp trời mưa. Thật là ngu si, tôi cứ nghĩ Saigon nóng và không có mưa. Con đường từ sân ga đen thẩm mà sắc thu lại bao phủ tất cả. Tôi thấy mình gần gũi với Saigon vì nơi ấy cũng có bầu trời hơi xám tuy rằng trong tâm thức tôi vẫn nghĩ Saigon nằm trong vùng đất mà tôi yêu thương, vùng đất của Việt Nam. Tôi oán trách tôi ngu dốt hay thầy địa dư không nói rõ để mà nghĩ mặt trời quanh năm ở miền Nam.
Ý thu ấy càng rõ hơn khi ngày hôm sau tôi đến trường quốc gia hành chánh ở đường Alexandre de Rhodes ngồi trong lớp mà mắt cứ để ra hàng cây ngoài công viên màu xanh chai. Tôi thấy thú vị vì cái duyên dáng của thời tiết nếu không thì đã khổ sở lắm vì phải ra đi khỏi một thành phố trầm buồn và dĩ nhiên còn để lại một cô bạn kém tuổi hơn tôi rất nhiều.
Nếu không lầm, tôi có học rằng không khí có hơi nước thì âm thanh vọng lại xa hơn và thanh hơn. Đúng vậy, bầu không khí quanh đại lộ Thống Nhất đã đưa mạnh vào tai tôi mỗi chiều tiếng quân hành của đại đội danh dự đi vào Dinh Độc Lập làm lễ hạ cờ. Tôi cũng còn nghe rõ tiếng giày nhịp đều trên mặt đường ăn nhịp với tiếng kèn đồng và trống.
Tôi gượng ép bảo đó là mùa thu ở Saigon căn cứ vào độ sáng của ngày, thật ra đó là mùa mưa, không biết đầu mùa hay cuối mùa và tác dụng của nó là đưa tiếng quân hành lên cao trong khi chiều đang đi xuống. Và như trên đã nói, nhờ ảnh hưởng của thời tiết tôi yêu mến Saigon hơn.
Nhưng Hòn Ngọc Viễn Đông còn để lại cho tôi một thắc mắc: Saigon cũng có những hàng cây giống như đường Lê Lợi ở Huế chạy qua trường Đồng Khánh của tôi. Khám phá thứ hai của tôi là từ trường đến nhà trọ đường Duy Tân quả có nhiều bóng mát và có nhiều lá rụng trên vĩa hè.
Và tiếp theo đây là điều không phải của Saigon, không phải của ý thu hay của hàng cây nơi thủ đô nầy, mà chính là của tôi. Đó là những lần trốn học. Tôi xin nói lại cái đó không phải của Saigon mà chính thật của tôi. Quả vô lý, trời đẹp thế nầy mà ngồi làm gì trong lớp; ngồi học để làn quan à? Lần đầu tiên trong đời tôi thấy điều gọi là mã số hóa con người. Nơi trường tôi, sinh viên phải ngồi nơi ghế riêng của mình. Thấy trống chỗ nào thì giám thị cứ ghi con số, con số ấy chính là tôi; thế thôi.
Nhưng mặc kệ, tôi vẫn đủng đỉnh đi ngang trường, qua bưu điện bỏ vào thùng thơ một bưu ảnh cho cô bạn ngoài kia, rồi đến hàng cây me đường Nguyễn Du ngồi uống café. Thỉnh thoảng những con sâu róm màu vàng rơi xuống đất; màu vàng nhưng pha thêm màu xanh lá non, màu của lá me non mà chúng ăn vào.
Lần trốn học nầy và những lần khác với lý do khác làm cho tôi không nhận trường kia là của tôi. Hơn hai mươi năm sau tôi nhìn lại những ngày ấy và phải thốt ra mấy câu:
        Và quen nếp nhiều lần ta trốn học
        vì ông thầy đích thực của đời ta
        là ngọn núi chiều màu tím thẩm
        rơi xuống sông và nhuộm thẩm dòng sông.
mà rất tiếc, Saigon không có dòng sông ấy, dòng sông xanh lắm ngoài kia, dòng sông chứng kiến bao lần bỏ học, sông Hương. Nhưng nay đã có ngọn núi trời đất rơi thẩm vào lòng tôi cho dù ngọn núi ấy chỉ có những con sâu róm màu vàng và lá me non.
Đó là những ngày của năm đầu tôi học ở Alexandre de Rhodes.
Qua một vụ nghỉ hè ngắn (vì phải học mất hai tháng quân sự) ở Huế nói chưa hết những lời thương mến, tôi vào lại trường nhưng không còn ở vùng có nhiều cây cao, có tiếng quân hành mỗi chiều mà trường mới xây ở đường Trần Quốc Toản bên cạnh những trại lính vĩ đại. Đường trong khuôn viên chưa làm xong, đất đỏ, sình lầy như những bãi sình với những căn nhà cao cẳng quanh đó.
Những cây điệp thấp lè tè mới đặt xuống đất không đủ lá để rụng như ở Duy Tân. Và bụi nhiều lắm. Trần Quốc Toản là huyết lộ của đảng người bay, tên vui dành cho những chiếc cyclo máy chạy vùn vụt nhả khói đen ngòm và tiếng máy la hét rùm vang. Cả một tháng trời trong ký túc xá tôi mới nhận chân một sự thật; không có mưa vào sáng sớm mà chỉ có tiếng ào ào của đảng người bay đánh thức tôi dậy trong cái nóng bừng bừng của miền Nam, trong cơn mơ chập chờn.
***
Trong khung cảnh ấy, và trong thời điểm ấy, Sylvie Vartan xuất hiện ở trường tôi. Sylvie Vartan là ca sĩ trẻ trung của Pháp thập niên 1960, tươi trẻ hơn Dalida; cô nàng có mái tóc vừa ngắn đủ chỉ để hôn nhẹ lên vai như gió thơm để lại chút tình nồng trên cỏ. Sylvie Vartan không đến với chúng tôi qua đĩa nhạc loại 45 vòng; người con gái Paris ấy đã đến với trường tôi: đã đến qua Trâm.
Trên khu đất rộng rãi xuất hiện ba khối nhà lớn theo hình hộp với một nét kiến trúc chung; tòa nhà chính là lớp học và văn phòng; một tòa nhà cho thư viện và bên trên là một thính đường; và tòa nhà kia là ký túc xá ba tầng. Họa đồ còn một tòa nhà trệt nhỏ hơn nhưng cũng rộng bằng một biệt thự. Nhà đó chúng tôi gọi là nhà của Trâm tuy là câu lạc bộ nơi sinh viên ăn uống.
Trâm không học ở đây, Trâm còn ở trung học, có lẽ ở Gia Long. Mẹ Trâm trúng thầu quản lý chuyện ăn uống cho sinh viên. Ngày nào cô nàng cũng đến giúp mẹ nhưng ít khi chúng tôi thấy Trâm xuất hiện. Thỉnh thoảng Trâm ra quày hàng bán thuốc lá lẻ cho sinh viên. Dạo ấy thịnh hành nhất là Captan rồi đến Ruby. Tôi cứ nghĩ cô nàng sợ đám sinh viên nội trú vì đi vào câu lạc bộ là phải đi qua ký túc xá. Bọn chúng tôi rất đoàn kết, mỗi khi Trâm xuất hiện từ ngoài cỗng; đoàn kết là qui tụ mắt vào một điểm, cùng la lên những tiếng thật to nhất là hai chữ Sylvie Vartan.
Trước sự tấn công đáng yêu ấy, Trâm thường đến những lúc sinh viên còn ngồi trong lớp, nhất là khi mặc chiếc áo đẹp và mặc theo tây phương, nói rõ là áo đầm. Tôi biết sự xuất hiện âm thầm ấy vì trên căn bản tôi là một kẻ trốn học nhà nghề, trốn học đến độ giám thị coi như một sự công nhiên.
Khu trường mới không có cây xanh mà ngoài đường chỉ có rác và bụi, cyclo máy chạy như bay. Chỉ có hai nơi có thể trốn tránh đó là thư viện và câu lạc bộ. Thư viện cũng khó lòng vì vào giờ học sao ngồi được. Tôi đem thư viện vào câu lạc bộ với vài cuốn sách không dính líu đến các môn học. Từ đó tôi có dịp nói chuyện với mẹ Trâm.
Bố Trâm đã chết ở Hà Nội trong một tai nạn trước 1954. Vì biến chuyển của thời cuộc, người quá phụ đem hai con vào Nam. Trâm có người anh lớn hơn một tuổi. Mẹ Trâm nói tiếng Pháp rất rành và khi nói chuyện với tôi thường dùng các danh từ Pháp văn chen vào câu nói. Người ta tìm thấy ở bà một mẫu chung của thời ấy: có nhan sắc và học vấn nhưng không cho cái nhan sắc ấy bành trướng vì cái tang chồng nhưng không dấu hết cái kiêu sa trong lối ăn mặc giản dị màu trắng hay đen. Điều đó cũng ảnh hưởng y phục của Trâm.
Với giờ giấc bất thường của tôi, mẹ Trâm dành cho tôi một đặc ân; nhiều lúc tôi được dọn ăn một mình trước hoặc sau các bạn. Điều đó thật bách tách, nhất là cách xếp đặt thực khách bốn người một phần, gọi là carré (hình vuông). Nhờ vậy tôi có dịp làm ra vẻ trưởng giả: có một tờ báo trên bàn.
Dạo ấy tôi cố đọc tiếng Pháp để tự học nên mượn được tờ Le Monde của thư viện trước khi báo xếp vào kho. Một hôm, không nhớ lý do gì bà chủ gọi tôi vào phía trong, hình như để giúp bà đem một vật gì nặng ở trên cao vì người làm đi đâu cả. À đúng thế, tôi còn nhớ mẹ Trâm đùa:
- Ông giúp tôi một tay, tôi sẽ thưởng cho một tách nước trà và một phần tư cái bánh cốm Song Hỷ. Trà tàu chính cống. Ông có thưởng thức được chứ? Dân Huế mà.
Tôi đáp:
- Quê lắm bà ơi, tôi chỉ biết uống chè xanh, bỏ vào chút gừng, ăn kẹo đường đen, uống trong cái tô múc canh.
Sau khi giúp mẹ Trâm đem một thùng chén bát từ trên kệ cao xuống, tôi được mời một chén trà. Bộ tách nhỏ xíu đứng quanh cái bình đất màu nâu thường gọi là bình gan gà. Thay vì một phần tư, tôi được cả cái bánh cốm còn nguyên trong giấy thiếc. Lần đầu tiên tôi biết nó gọi là cốm, tuy đã nhiều lần ăn, rất quen thuộc với một thứ nếp non xanh lá, nhụy đậu xanh thơm mùi bông bưởi. Với tôi, cốm là một thứ bắp hay gạo ran tẩm với đường đen, vò thành viên tròn bằng nắm tay hay đúc thành khối lập phương. Nó không kiểu cách như thế.
Trâm đứng gần đó, tay cầm một tờ Le Monde có dấu thư viện. Tôi đoan chắc tờ báo tôi để quên nhưng không bộp chộp nhìn của. Trâm như nửa đọc tờ báo nửa đang suy nghĩ điều gì. Bỗng nhiên cô nàng đưa tờ báo cho tôi và hỏi một chữ trong đó. Tôi trố mắt nhìn Trâm. Sao Sylvie Vartan lại đọc một bài về chính trị, vả lại Le Monde rất khô khan và bài vở như muốn viết cho khó ra. Trâm cho biết trong đó có một bài nói về những ngày cuối cùng trước khi Hà Nội bị tiếp thu, có vài điều liên hệ đến vùng gia đình Trâm ở. Mẹ Trâm đọc và Trâm tò mò đọc theo. Tôi buột miệng nói:
- Cô có óc chính trị như thế thì vào cái trường nầy mà học còn tôi có lẽ sẽ bị đuổi nay mai.
- Em dốt lắm, chưa chắc đậu bằng tú tài huống hồ cả ngàn rưởi người thi mà chỉ lấy một trăm. Con gái mà, học gì cho cao. Học làm bếp mà chưa xong. À hôm kia ông bỏ quên tờ báo me bảo cất cho ông, không thì thư viện họ đền cho chết. Me bảo ông chưa già mà quên trước quên sau.
Tôi ngồi mãi bên bình trà, thấy mình già đi cả hai chục tuổi. Hơn nữa đó là chỗ ông bà ngoại Trâm thường ngồi mỗi khi đến thăm chỗ làm ăn của cô con gái góa bụa. Hôm ấy sáng chủ nhật nên quang cảnh yên lặng; sinh viên đi ciné hoặc ở rạp xập xệ Đại Đồng cách trường chừng ba trăm mét hoặc đi xe buýt về Saigon vào Rex ngồi rồi qua café Chùa (La Pagode).
Bên ngoài là ba khối nhà hộp diêm riêng rẻ không ăn nhập vào nhau ngoại trừ sự liên lạc rất nhỏ nhoi là các sợi dây điện từ góc nầy qua góc kia. Khoảng trống ấy dành cho một thứ nắng yếu ớt nhưng không đủ để nêm vào các khe hở của ngoại cảnh. Đó cũng là kẻ hở giữa tôi và trường, không thể lấp kín bằng những bài học khô khan của môn khoa học quản trị kèm với các bài đầy tính cách tuyên truyền hơn là phân tích ở cấp đại học.
Tôi thèm khát cái vĩa hè sách cũ. Tiếng vọng ấy làm tôi bị ray rứt khi đang ngồi trong câu lạc bộ với bóng dáng Trâm qua lại, gần cũng không gần, xa cũng không xa. Tôi nghĩ phải có quyết định là ngồi tiếp ở đây hay ra đường. Tôi sờ trong túi và biết mình có hai đồng.
Với hai đồng đó tôi sẽ huy hoàng vô cùng. Trong đầu tôi, nhanh như chớp, tôi phân tích ngân sách như người ta dạy tôi phân phối ngân sách quốc gia, ngân sách từng cơ quan. Một đồng rưởi sách cũ, năm mươi xu bốn điếu Bastos xanh rồi nằn nì xin thêm trái cốc xanh nhỏ xíu.
Con đường Cao Thắng nghi ngút hương khói như lăng Ông Bà Chiểu. Đó là những cây nhang to bằng ngón tay út để mồi thuốc lá, chỉ có khói mà không dấu vết trầm hương. Những miếng thịt luộc, những sợi lòng heo hay lá gan móc ở xe hàng cháo rung động nhè nhẹ mỗi khi xe chạy qua. Cái xô bồ ấy nó cũng êm ả, nó cũng ăn nhịp với mớ sách vĩa hè. Nó cũng ngọt ngào với chén chè hay chuối xào dừa v.v...
Và chắc chắn nó cũng êm dịu ngọt ngào như cái câu lạc bộ với chén trà ở cạnh Trâm tuy về vật thể và tiếng động khác nhau. Đó là một quyết định khó làm vào một buổi sáng không đặc biệt trong chuổi ngày sinh viên.
***
Những điều tôi viết trên đây nhằm nói rằng ngay lúc ấy cộng đồng nho nhỏ gồm có thầy trò và ngôi trường có thêm những yếu tố ngoại vi nhưng sau nầy cái ngoại vi ấy đã thành nội vi của những ai đưa mắt về ngôi trường cũ với cảm quan và kỷ niệm riêng. Như sẽ nói sau, Trâm đã vào tập thể ấy không qua thẻ sinh viên mà qua một tờ hôn thú với một người bạn cùng trường của tôi.
Giữa định mốc là chén trà nói trên và đám cưới ấy, cuộc đời sinh viên của tôi hoàn toàn khác biệt với lối sống chung của anh em trên mọi khía cạnh. Tôi ít ở lại trường và từ đó ít khi đến câu lạc bộ và dường như chẳng để ý đến con người tên Trâm. Duy chỉ một lần hết sức tình cờ tôi đến nhà Trâm vào dịp Giáng Sinh 1964. Nhà Trâm ở vùng Trương Minh Giảng gần nhà thờ Ba Chuông, trong xóm đạo của người Bắc di cư 1954.
Tôi không phải đạo Chúa nên được cho ăn sớm vì cả nhà phải chờ đến lễ canh thức mới tận hưởng các món ăn vào dịp nầy. Cả gia đình tiếp đón tôi và cho tôi cái không khí thân mật thiết yếu. Với trí óc lãng tử và mơ mộng, tôi nghĩ mình như dừng chân một đêm Giao Thừa mà Thế Lữ đã tả trong bài thơ làm phụ bản cho cuốn Đôi Bạn của Nhất Linh. Cái bềnh bồng ấy khiến tôi không ở lại đây lâu mà đi lang thang khắp ngõ để nhìn đèn màu trong các máng cỏ. Lúc ấy lòng tôi cũng đầy cảm thức nguyện cầu chung với sự nguyện cầu của người Ky tô giáo.
Bẳng đi một năm tôi trở lại trường hay đúng hơn là trở lại ký túc xá và có thể nói là bỏ học chứ không phải trốn học nữa. Tôi ở lại lớp vì một lý do đặc biệt. Và theo qui chế nhà trường, năm ấy tôi không có học bỗng. Mẹ Trâm biết điều đó nên bảo tôi cứ ăn cơm ở câu lạc bộ chừng nào ra làm quan rồi trả sau. Để tránh cho tôi mặc cảm thiếu nợ và vì thiện tâm, bà dọn cho tôi những bữa ăn tươm tất hơn thường lệ và hỏi thăm tôi hằng ngày nhiều hơn. Tôi thấy yên ổn về mặt nầy và cố theo đuổi tờ báo của sinh viên.
Năm ấy tôi thấy mình xa đời nhất nếu không muốn nói là cố làm ông già non. Vì lý do thời cuộc, tôi rất chán nản. Tôi cũng không để ý đến Trâm. Tôi nhớ chỉ có một lần tặng Trâm tấm ảnh mua ở xứ khác tháng tám 1964.
Ra trường cả sáu tháng tôi mới trở lại gặp mẹ Trâm để thanh toán các món nợ; vì trục trặc giấy tờ, lương bỗng lèn èn như vậy. Đó là lần cuối tôi gặp gia đình Trâm. Và sau đó ít lâu tôi được tin Trâm về làm dâu trường nầy, nói khác đã thành bà Thọ phu nhân của một đấng ra trường sau tôi một năm.
***
Mãi cho đến khi đi tù tập trung về, cũng rất tình cờ như dạo trước, tôi đi bộ qua khu Trương Minh Giảng. Nhà Trâm năm xưa nay treo cờ hồng thập tự. Ôi thôi nhà đã bị tịch thu; nghĩa là gia đình đã di tản 75 hay vượt biên về sau. Nhưng tôi vẫn mom mem đến hỏi. May quá, phần sau của tòa nhà vẫn còn và do anh của Trâm ở.
Nhờ đó tôi biết mẹ Trâm đã chết; ông bà ngoại còn sống và hiện ở Vũng Tàu vui với một vườn ổi trong sự đau buồn vì đã mất người con gái góa bụa và cậu con trai vẫn còn trong tù lúc ấy đã sáu năm. Có lẽ nhờ vị trí gần biển họ đã đưa một trong hai vợ chồng Thọ Trâm vượt biên và lúc tôi đến thăm, một người còn ở Vũng Tàu chờ đi. Tôi không nhớ ai đi trước, vợ hay chồng. Đến Mỹ, tôi nghe nói gia đình nầy ở Houston, Texas.
Hai năm sau tôi gặp một mình Thọ ở Cali trong một buổi họp mặt cựu học sinh Quốc Học Đồng Khánh. Thọ cho tôi số điện thoại viết trên khăn giấy. Tôi chưa bao giờ gọi. Hai tháng sau tôi nghe tin Trâm chết trong một tai nạn lưu thông cũng ở Cali. Và tôi đọc tin Trâm chết trên tờ tin tức của trường.
***
Tôi xếp tờ tin tức để lên ngực, nằm dài như một người đang chết tay mỏi nhừ vì một cuốn sách đang đọc với những dòng thơ trường hải, như của Dante, của Nguyễn Du... những ngày nằm dài trong ký túc xá với những ước vọng vỡ tan.
Câu chuyện về Trâm như trên chỉ có thế thôi, không có gì đáng nói, không có gì phải ghi. Mỗi tích tắc trên quả đất có bao người chết vì muôn ngàn lý do: nào đói khổ ở Phi Châu, nào ngã gục trong tù Việt Nam, bom đạn khắp nơi ... Cũng trong tích tắc ấy bao đứa trẻ mới sinh có đủ màu da đen trắng vàng từ những cặp vợ chồng có đầu óc nhuộm đỏ, từ những bà mẹ ngây thơ, từ những thiếu phụ bị hảm hiếp ... Trong dòng sinh thành và hủy diệt ấy có cái chết của Trâm. Có thế thôi. Nhưng sao tin ấy nó làm tôi đau đớn sâu xa, sâu xa vô cùng. Có lẽ tôi đã nhấn chìm nó trong tiềm thức từ khi nghe tin Trâm chết hơn tháng nay. Niềm đau ấy đã được nuôi dưỡng ở đáy sâu vực thẳm, bây giờ như cọp sổ chuồng nhảy ra cấu xé mãnh lòng tôi.
Lúc ấy trong tôi mọi sự đều không đi theo đường thẳng, chỉ có đường cong, đường vòng. Những đồ vật trong kho lẫm trí tưởng đều liên hệ với nhau cho dù không ở trong một cấu trúc thống nhất như các ngôi nhà trường tôi và câu lạc bộ đứng riêng rẻ nối nhau bằng những sợi dây điện.
Một đoạn trong truyện ngắn Les Etoiles (Những Vì Sao) của Alphonse Daudet sống lại như sau: Ở vùng Alpe mùa khô phải đem cừu đi ăn trên núi cao. Chàng chăn cừu chỉ có liên lạc với thế giới bên ngoài bằng hai lần tiếp tế mỗi tháng. Hôm ấy sao người con gái chủ trại làm công việc nầy. Nàng về rồi trở lại vì mưa lũ ngập lối đi, phải ở lại qua đêm nơi hoang dã ấy cùng núi rừng, sương, sao và đàn cừu. Một ngôi sao băng vẹt sáng bầu trời. Chàng chăn cừu nói với người con gái: "một linh hồn vừa chợp tắt, em hãy cầu nguyện cho linh hồn ấy".
Tôi vẫn nhắm mắt. Một vệt sáng chạy qua đầu rồi tắt hẳn. Như người con gái ấy, tôi cầu nguyện cho linh hồn kia, linh hồn của Trâm.
Không biết chuyện gì xẩy ra bên đó, bên đó là bên kia cuộc sống của chúng ta; và không biết cái bên đó có hay không. Nhưng Trâm chết; cái tin ấy cho tôi thấy thêm cái mong manh của cuộc đời. Cái mong manh đó con người đã thấy tự ngàn xưa; chúng ta đã được dạy những điều đó trong thơ văn vào lúc tuổi trẻ đang lên nắm chắc sự sống trong tay. Tri thức ấy đem lại cho thời niên thiếu ý niệm mong manh của tình yêu, tan hợp ngày hè, chuyển trường, lên lớp... Càng lớn tuổi, con người nhận chân và cảm nghiệm sự mong manh ấy chính là cuộc đời mà cao điểm là cái chết.
Chắc chắn tôi không thể đem điều nầy làm một lối dụ dỗ người ta mua bảo hiểm nhân thọ, tuy rằng đây không phải là nghề của tôi.
Chuyện của Trâm chỉ có thế. Nhưng sao nó làm cho tôi dật dờ như sờ được cái chết trong tay. Tôi không thể viết tiếp. Lục lọi mấy bản thảo như một khí giới chống lại các đường thương của ma quái, tôi gặp một đoạn viết chồng trên một truyện ngắn khi gởi tặng một người quen, con giữ phóng ảnh. Xin trích để gỡ thế bí nầy:
Cho đến nay tôi chưa bao giờ chứng kiến giây phút cuối cùng của một đời người từ sống qua chết; tôi chưa thấy ai chết trận; tôi chưa bao giờ đi xem xử bắn. Tôi chỉ thấy các xác chết đã lạnh, những quan tài phủ cờ trên vùng đất nghèo gió cát Do Linh Quảng Trị, chết vô thừa nhận, chết vì thanh toán trên lề đường ... Nhưng cái chết cứ ám ảnh tôi, tuy không ai khỏi chết dù là Không Tử, dù là Albert Einstein, dù là Beethoven.
Cái gì cho cái chết một ý nghĩa nó cũng cho cái sống một ý nghĩa. Cái chết tự tử vì tình cho thấy đời nạn nhân là một cuộc tình. Cái chết của Nguyễn Tri Phương cho thấy tấm lòng đầy đủ với quê hương. Trương Chi mang xuống tuyền đài khối tình trong suốt thủy tinh. Cái chết thành đá của thiếu phụ trên núi là ý nghĩa của chờ mong. Và muôn ngàn cái chết khác trong tăm tối trong quang vinh.
Khi đọc lại phần viết trên, tôi thấy bối rối vô cùng. Thay vì gỡ bí cho cây viết, nó đặt cái chết của Trâm vào một khung cảnh đa dạng mà con người có thể tưởng tượng để thấy quang cảnh bên kia sự sống. Tôi không muốn cho ý tưởng chạy mãi, lạc mãi vào thế giới không hình tượng ấy. Tôi muốn đem tôi về với cái tin Trâm chết.
Nhìn lại cuộc đời lưu lạc của chính mình, tôi thấy cái chết của Trâm như xa hơn trong thời gian, không gian và tâm cảm. Chữ lưu lạc trên đây vừa nằm trong ý nghĩa vật thể tức là sống trên xứ người ta, vừa có nghĩa là đi mãi trong vùng những khát vọng vĩnh cửu không vời đến được.
Trong trạng huống ấy, tôi thèm muốn ngồi yên một thoáng ban mai bên mẹ Trâm, có Trâm qua lại xa xa gần gần, nhìn ánh nắng quện quanh những hạt sương đọng trên cỏ non mà quên đi cái hình thù cục mịch đầy góc cạnh của những khối nhà ở trường cũ.
Từ cái chết của Trâm, tôi nghe rõ tiếng mưa rào rào không có nước đổ, cái mưa đánh vào cửa kính từ họng xe cyclo máy. Tôi sờ được cành cây khô đem cắm trong cái bình vỡ mà đón giao thừa trong ký túc xá. Tôi sờ được những cuốn sách không người đọc nằm miết trong thư viện.
Từ những thứ đó, tôi không còn thấy cái chết của Trâm. Cái nắng ban mai ấy, cái mưa rào không nước ấy, cành cây khô ấy ...là những thứ bảo hiểm nhân thọ cho Trâm trong nghĩa bảo vệ cho chính sự sống trường cửu, không dính líu gì cái bảo hiểm mua bán hằng ngày.
Tôi đã tìm gặp một thứ bảo hiểm nhân thọ đời đời cho Trâm. Tôi không thấy Trâm chết, Trâm ơi!----
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Chín 2012(Xem: 19634)
Thành và Huệ Nhi nở nụ cười trọn vẹn khi đôi bàn tay yêu thương đã tìm đến nhau…trút cạn hơi thở cuối cùng trong...Chuyện Tình Buồn
13 Tháng Chín 2012(Xem: 28801)
Tôi đọc trang Hội ái hữu Biên Hòa không phải ở Việt Nam, mà là ở một đất nước xa xôi cách VN nửa vòng trái đất. Tôi đã tìm thấy lại cái tình người ấm áp mà chỉ thật sự cảm nhận có ở quê hương.
10 Tháng Chín 2012(Xem: 19918)
Tôi, cái thằng con trai ngã ngựa vô tích sự trên đời chẳng làm điều gì để mẹ vui, mẹ hạnh phúc. Tôi là thằng con bất hiếu, một thằng con có vô số lỗi lầm nhưng chưa một lần xin lỗi mẹ.
09 Tháng Chín 2012(Xem: 23613)
Cho đến lúc tàn hơi, má vẫn nghĩ tới tương lai hạnh phúc của con. Vậy mà con nông nỗi, nỡ xua tan hạnh phúc riêng tư cuối đời của má. Trong cơn đau xé lòng, Mén nghe vẳng đâu đây lời ru buồn mênh mang của má:
09 Tháng Chín 2012(Xem: 18426)
Như lây từ nỗi nhớ của Trâm, Trang và Uyên cũng khóc. Lạ một điều, em không nhớ mẹ mà lại nhớ cô. Đã có hai đóa hoàng lan thơm ngọt ngào trong túi áo như một lời vỗ về nên em không khóc
06 Tháng Chín 2012(Xem: 39098)
Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi. Bà nội nhìn ông mà nhớ cháu. Hạnh phúc của ông bây giờ là sống vô tư như trẻ con. Hạnh phúc của bà bây giờ là không còn giận hờn mà con tim đầy ắp những yêu thương và bổn phận.
03 Tháng Chín 2012(Xem: 22493)
thầy Phan Thanh Hoài ngồi bên cạnh tôi luôn tỏ sự lo lắng vì sự vắng mặt của thầy Hoàng Phùng Võ, cũng như những tin tức không tốt về sức khỏe của thầy Phan Thông Hảo ở Philiadelphia và thầy Trần Minh Đức ở Virginia, cửa xe đóng kín hình như có một chút bụi cay vương khóe mắt...
02 Tháng Chín 2012(Xem: 21813)
Tôi thấy lại mình, với mái tóc ngang bum bê ngơ ngác, buổi trưa nắng oi người cùng với nhỏ bạn, hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp, lăn từng vòng bánh xe buồn đi thăm mộ má của bạn vừa mới mất. Hai đứa chở nhau đi, nhưng chẳng huyên thuyên ríu rít như mọi lần…
01 Tháng Chín 2012(Xem: 24009)
con được mẹ gọi 2 tiếng thân thương “ BÉ TƯ” ngày nào. Con muốn có đòn roi mẹ, mỗi khi con phá phách. Con muốn có Mẹ, để được mẹ trả tiền con ăn thiếu, ăn chịu mẹ ơi...
01 Tháng Chín 2012(Xem: 22464)
Con đã nhận ra:Lời dạy của ba,lời nào sao cũng đúng! Ba mãi mãi là thần tượng của con mà! Càng thương nhớ ba con càng thương nhớ mẹ vô cùng!
28 Tháng Tám 2012(Xem: 19942)
Hai em qua phà Cổ Chiên, gió từ sông thổi lên làm ấm những tâm hồn già cổi trong trái tim còn rung động nhịp yêu thương.
26 Tháng Tám 2012(Xem: 19903)
tôi không dám chào Thu, đúng hơn là tôi không đủ can đảm để nhìn thật sâu vào ánh mắt người chồng đã bị vợ hơn một lần phản bội
23 Tháng Tám 2012(Xem: 22029)
tôi đồng ý với Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn ngay tại chỗ tên cộng sản nằm vùng Bảy Lốp tại Chợ Lớn trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân, tình huynh đệ chi binh thể hiện một cách rõ rệt và mãnh liệt giữa bạn và thù trong phút chóc.
22 Tháng Tám 2012(Xem: 21768)
Nguyện ánh sáng Từ Bi của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đem lại nguồn an lạc cho cô Huỳnh Thị Ba được mọi phước lành. Nguyện cầu tất cả các bà mẹ hiền tiền cũng như quá vãng được sống trong niềm hạnh phúc an lạc của tỉnh thức và bình an.
20 Tháng Tám 2012(Xem: 21739)
Và như vậy xin tạ tội với tổ tiên vì tôi gắn bó với Santa Clara, nơi tôi sống lâu hơn quê nhà; xin tạ tội với ông bà, tôi chưa một lần về thắp một nén hương tưởng nhớ trước bia mộ tiền nhân. Giống như loài chim thiên di, tôi luôn nhớ cội nguồn và có một quê hương thân yêu trong tâm tưởng.
17 Tháng Tám 2012(Xem: 27246)
cuộc sống luôn có những bất trắc với nỗi đau và hạnh phúc, nhưng niềm vui có được là biết mang đến cho nhau những nụ cười và cùng cầu nguyện may mắn, an lành cho nhau.
17 Tháng Tám 2012(Xem: 20736)
Ngày nay, nơi xứ người, gã cựu tù vẫn mơ màng. Một mai khi nghiệp "Ác Cộng" đã được giải trừ, gã sẽ về thăm lại chốn tù đày thuở nọ. Để có dịp ngắm nhìn Bến Ngọc dưới trăng thanh, lấp lánh khoe ánh ngọc. Để buổi chiều tà trên đỉnh Dốc Phục Linh
16 Tháng Tám 2012(Xem: 24452)
Xa quê lang bạt lâu ngày óc tim vật vờ, vụn vỡ. Những tưởng tâm tư lãng mạng của một thuở học trò thơ dại, đã chìm sâu trong vực tối cuộc đời, nhưng tấm hình dưới đây đã giúp cho tui thấy lại vạt nắng trên sông Đồng.
16 Tháng Tám 2012(Xem: 22117)
Là các đơn vị an ninh lãnh thổ hay diện địa, Nghĩa quân, Địa phương quân tuy không lập được chiến công hiển hách nhưng công lao bảo vệ cho làng xóm, dân tình được an cư, lạc nghiệp, tuy âm thầm nhưng đáng quý trọng và xứng đáng là thành phần của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Cũng từng phen máu đào nhuộm thấm đất quê hương!
12 Tháng Tám 2012(Xem: 24235)
Chính tấm chân tình của gã kiếm khách vốn vô tình này đã khiến “ Ánh mắt của nàng lạnh như giá tuyết băng… gặp một sức nóng đã tan ra từng giọt, từng giọt chớp ngời.”
11 Tháng Tám 2012(Xem: 21556)
Tôi nhìn qua gương chiếu hậu, tôi vẫn còn có thể quay lại trường của con gái, tôi sẽ trao cho con tôi quyển sách mà ông nội nó đã gởi trọn cả niềm tin yêu và hy vọng. Tôi cũng sẽ nói: “Cuốn sách nầy sẽ rất bổ ích, nếu con để NÓ giúp con”.
10 Tháng Tám 2012(Xem: 23439)
Từ đâu em có được tấm lòng cao thượng biết san sẻ cho kẻ khốn cùng. Phải chi kẻ chiến thắng họ được như vậy, đất nước Việt Nam sẽ không giống như ngày hôm nay.
17 Tháng Bảy 2012(Xem: 31069)
Chúng tôi chia tay nhau khi mặt trời mon men nóc chợ, mỗi đứa một phương tiếp tục quảng đời riêng nhưng bao giờ cũng chung một ngã trong cùng tận đáy lòng
16 Tháng Bảy 2012(Xem: 22280)
em sẽ dành cả đời này cho con như tình yêu của em đã dành trọn vẹn cho anh. Chút Kỷ Niệm Buồn,mình mãi mãi mất nhau hay là có nhau hỡi anh
15 Tháng Bảy 2012(Xem: 28372)
Vậy là chết tui rồi! Cái"anh Hạnh" này chơi tui tới bến. Mấy cô em đó ngồi chung trên xe cã ngày mà bây giờ mới báo động làm sao tui trốn kịp đây?
15 Tháng Bảy 2012(Xem: 28968)
Từ một chàng trai tuổi đôi mươi tràn đầy nhựa sống , khao khát ước mơ và hy vọng – Thoắt cái người ta thấy mình trở thành một phế nhân , chôn vùi tất cả ước mơ sau những cơn đau triền miên , vật vã…
13 Tháng Bảy 2012(Xem: 23036)
Xa quá rồi phải không bạn, những ngày tháng cũ . Ngày hội ngộ năm nay lại thiếu những khuôn mặt của 1A2 năm xưa. Tôi nhớ các bạn vô ngần , Thông, Sang , Liên , Kim Hoàng , Nho, Kim Ngân , Phố , Mẫn, Nuôi , Nhỏ , Lan Phương .
06 Tháng Bảy 2012(Xem: 23268)
Cuộc đời đáng yêu lắm, Em không thể bỏ ngay lúc này dù căn bệnh cứ đeo theo dai dẳng, làm ngán ngẩm lòng người, lòng mình, nhưng biết làm sao đây?
05 Tháng Bảy 2012(Xem: 28483)
Dù chỉ còn là dư âm nhưng truyền thống NGÔ QUYỀN vẫn được sống lại hàng năm qua những cuộc Hội Ngộ của Cựu Học Sinh Ngô Quyền còn vương lại trên Đất Biên Hòa hoặc trên nửa vòng trái đất xa xôi và sẽ sống... sống mãi với thời gian…
03 Tháng Bảy 2012(Xem: 22703)
Quãng đời của mỗi người đều trải qua những thăng trầm và cơ hội gặp gỡ nhau là để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống vốn dĩ vô cùng bận rộn và đầy những nỗi lo toan…
29 Tháng Sáu 2012(Xem: 29098)
Cái chú Chín này ngày thường khi đánh trống thì gọn gàng hùng dũng mà sao hôm nay cái tay cứ run run, cây kềm lành lạnh cứ đụng ra đụng vô làm tui càng đau càng dẩy dụa la khóc rùm lên
29 Tháng Sáu 2012(Xem: 20927)
“Vé số đây…” tiếng rao của chú Dế , cũng âm thanh quen thuộc đó, cũng con người đó qua bao năm mò mẩm với tấm thân mù lòa, cũng ra Chợ Đồn qua Hóa An, đến Tân Hạnh. “Vé số đây…
26 Tháng Sáu 2012(Xem: 28608)
Cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ, các em sẽ lớn lên sẽ choàng khăn với những huy hiệu. Các em sẽ học được gì ở nhà trường XHCN để được nhìn thực tế của cuộc sống
25 Tháng Sáu 2012(Xem: 22008)
Nắm một cục đất tôi quăng xuống suối, muốn nghe lại tiếng “tõm” ngày xưa. Nhưng không, chỉ một tiếng “Bịch” khô khan như một cái đấm vô tình đập vào lồng ngực. Tôi nghe nhói nơi đó. Ôi! Mãnh vườn và thời thơ dại của tôi đã bị sói mòn như con suối nhỏ.
21 Tháng Sáu 2012(Xem: 22381)
Tình yêu là xuất phát từ trái tim, từ cảm xúc trong tâm hồn. Thuyền hoa đã chẳng tấp được vào bến yêu nào, khi những nụ hoa còn thiếu bàn tay vun bón nên nó cứ trôi, trôi mãi, và rồi Quỳnh thiếp đi trong cảm giác trôi mơ bên tiếng sáo…
20 Tháng Sáu 2012(Xem: 30220)
Bạn Trần văn Vỏ, 1949, CHS K.08 NQ, lớp thất 4 Anh Văn, đã mãn phần trưa ngày 13/6/2012 tại Vũng Tàu, sau một thời gian lâm bệnh. Sau đó gia đình đưa bạn về tổ chức tang lễ ở Biên Hòa, ngã ba Thành
17 Tháng Sáu 2012(Xem: 27831)
Tôi nghĩ rằng, bài viết nầy là món quà quý giá gửi đến thầy cô, bè bạn nhân ngày hội tương phùng sắp đến. Đây cũng là tình cảm của học trò, đồng môn từ nửa vòng trái đất xa xôi chia sẽ ước mơ. Xin hãy sống vì kỷ niệm và bè bạn, khi nào ta hãy còn hiện hữu trên cỏi đời
16 Tháng Sáu 2012(Xem: 22844)
Một phim hoạt hình hay nhất tôi từng xem. Mạch phim nhẹ nhàng như hơi thở. Như làn gió thoảng qua. Một người con luôn nhớ về cha. Một người cha đã mất, một người con đã già Đây là cái phim câm hay nhứt và cảm động nhứt trong đời tui. Biết bao cô gái VN đã như nhân vật trong phim. Coi đừng có khóc nha !
16 Tháng Sáu 2012(Xem: 21777)
Đêm xuống dần bất chợt Phụng đến bên nàng lúc nào không hay.Phụng đã ôm vai nàng, đặt lên môi nàng một cái hôn nồng nàn. Hai người cùng vào phòng, họ ngủ một giấc ngủ an lành trong vòng tay yêu thương nhau.
14 Tháng Sáu 2012(Xem: 24056)
Đêm qua là đêm Hạnh Phúc nhất của tôi từ ngày tôi xa Phúc-Cũng là lần đầu tiên tôi mơ thấy anh về…Giấc mơ tuy chưa trọn vẹn vì tôi chưa được nghe những lời yêu thương từ anh, tôi chưa được ôm anh để nghe những lời an ủi.
10 Tháng Sáu 2012(Xem: 20896)
Người con gái Việt Nam bất hạnh với thế cuộc, bất hạnh với những nỗi oan khiên trên biển cả, bất hạnh với những lời miệt khi của những người không hiểu cho nỗi đau riêng của họ...
09 Tháng Sáu 2012(Xem: 32113)
Nhìn các con cháu vui vầy quanh quẩn, tôi đã không kìm được hai hàng nước mắt... Mượn tên một bài hát của nhạc sĩ Đức Huy để nói lên tâm trạng của mình, của một con tim vốn bị nhiều thương tổn.
07 Tháng Sáu 2012(Xem: 31175)
dù cách nhau nửa vòng trái đất hay cùng sống chung ở quê nhà, những người thân quen cũng như những bạn bè năm xưa “tình cờ” gặp lại nhau và có được những giây phút tương phùng, gắn liền quá khứ với hiện tại mà tưởng chừng như chỉ xảy ra trong giấc mơ...
04 Tháng Sáu 2012(Xem: 22704)
Cha kính yêu của con, chỉ còn hơn bốn tháng nữa, chị em chúng con sẽ tổ chức lễ cúng một năm ngày mất của cha. Có lẽ cha mẹ cũng vui cười nơi chín suối khi chị em chúng con hòa thuận, có cuộc sống sung túc, ấm êm nơi cái làng Chợ Đồn giờ đã lên phố thị.
03 Tháng Sáu 2012(Xem: 22484)
Có tiếng xe ngoài cổng và tiếng cười ríu rít. Bầy cháu tôi đã tới nhà. Tôi lại phải chạy ra mở cửa và như đàn chim chúng sẽ tíu tít chào. Chúng sẽ ôm hôn tôi với mùi thơm thật tuyệt diệu. Mùi thơm của trẻ con, của vô tư và thánh thiện.
28 Tháng Năm 2012(Xem: 22830)
“Mưa Trên Sông Đồng Nai” cũng diễn tả rất thực tình trạng xã hội miền Nam mà tác giả đã sống từ lúc sinh ra cho đến khi bỏ nước ra đi, gần 50 năm trời. Ba lãnh vực mà Kha đã “may mắn” hay “rủi ro” sinh hoạt là giới báo chí miền Nam, Quân Lực VNCH và tù đày sau năm 1975,
28 Tháng Năm 2012(Xem: 22282)
Xin gửi đến mọi người bài thơ “Ta đã thấy, đã nghe và đã nói” của NICK MỚI - XCAFE VN trên điện báo Dân Làm Báo. Những lời thơ vang vang như TIẾNG RÉO GỌI CỦA QUÊ HƯƠNG!
28 Tháng Năm 2012(Xem: 23622)
Từ đó về sau mỗi khi đến ngày này tôi thường hay suy nghĩ vẩn vơ. Chúng mình mang hoa tưởng nhớ người đã khuất đã bao lần trong đời nhưng có bao giờ nghĩ đến việc thay mặt người lính năm xưa tặng cho người ở lại một cành hoa nhỏ, thật nhỏ đủ để vắt lên vành tai đang ửng đỏ nỗi sầu chia ly muôn thuở.
27 Tháng Năm 2012(Xem: 33688)
Bình Nguyên Lộc viết: “Tôi đau cho cái nghĩa đời con người liền sau khi chết. Phút trước đây, mạng anh quý biết là bao nhiêu, mà phút sau này, xác anh là đồ bỏ. Ra cái quý chính là sự sống chứ không phải là thân thể nữa. Có đau hay không cho thân thể của con người?”
24 Tháng Năm 2012(Xem: 22397)
Nói chung, chuyện của xóm Bắc dốc Tòa không sao kể hết, chỉ kể lại phần đời của tôi lồng trong xóm này khi tuổi đã xế chiều. Mong con cháu ở xóm biết qua phần nào cái hồn của xóm ngày xưa