2:49 SA
Thứ Sáu
29
Tháng Ba
2024

Tuổi thơ - Trần Ngươn Phiêu

14 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 12000)
Tuổi thơ
blank
Triệu mồ côi mẹ rất sớm, khi chưa tròn năm tuổi. Mẹ Triệu vốn thuộc một gia đình công chức khá giả, lớn lên ở Sài Gòn nhưng sau khi có chồng thì về làm dâu ở Mỹ Long, một làng nhỏ thuộc quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, ven biên Đồng Tháp Mười. Nơi đây là một nơi thực sự quê mùa, xa thành phố Sa Đéc cách hai nhánh sông lớn Tiền Giang. Từ Sài Gòn xuống, không có đường xe đi ngang qua làng. Thuở đó con đường từ An Hữu, trước khi đến bến Bắc Mỹ Thuận, đi đến quận Hồng Ngự chưa được xây cất như trong thời Đệ nhất Cộng Hòa. Dân trong làng nếu không có dịp ra tỉnh thì chưa biết được hình dáng một chiếc xe hơi ra làm sao!
Ông nội Triệu là một nhà nho, quê ở Hà Tĩnh vào Nam để theo ông Bác của Triệu bị Pháp xử lưu đày ở Nha Mân (Sa Đéc) vì tham gia hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông nội Triệu là nghĩa quân trong phong trào Phan Đình Phùng, khi trở về làng thấy làng đã bị quân Pháp đốt sạch nên đã lấy quyết định bỏ làng, xuôi về Nam theo người anh cả. Nhiều nhà cách mạng khác cũng bị Pháp chỉ định cư trú ở Nam, như cụ Vũ Hoành ở Sa Đéc, cụ Dương Bá Trạc ở An Giang, cụ Phan Tây Hồ ở Định Tường ... Từ Hà Tĩnh, ông nội Triệu đã đi bộ vào Nam tìm người anh. Cuộc hành trình này là một giai thoại được con cháu thường nhắc nhở trong gia đình và được ghi vào gia phả. Ông nội Triệu đã được chọn lãnh trách nhiệm dạy học ở trường làng và đã lập nghiệp ở đây, vừa làm vườn vừa làm ruộng. Cả làng đều gọi ông là Ông Giáo.
Cha Triệu là một tư chức làm việc với Pháp, có được cơ hội giúp việc khi Pháp thành lập các khách sạn lớn như Continental, Majectic ở Sài Gòn, Langbiang Palace, Hôtel du Parc ở Đà Lạt. Lúc Triệu ra đời thì cha Triệu đã trở thành chuyên viên nên được chỉ định phụ trách các khách sạn ở Siemréap, Đế Thiên Đế Thích và nhà hàng Bokor ở Campuchia. Mẹ Triệu vì có hai con còn nhỏ nên chưa theo chồng được, phải về quê làm dâu. Từ một nơi phồn hoa là Sài Gòn về chốn quê mùa, mẹ Triệu vẫn thích nghi được với cuộc sống mới. Từ một cuộc sống tương đối theo lối Âu tây trong một gia đình công chức, mẹ Triệu vẫn sinh hoạt bình thường trong một gia đình Nho giáo theo lề lối sống khắc khe.
Vì mất mẹ khi còn quá nhỏ, Triệu chỉ còn nhớ mang máng được hình ảnh mẹ như khi mẹ xắt chuối nuôi heo hay xay lúa, giã gạo, sàng gạo với các cô... Chỉ có một lần được mẹ tắm ở giữa sân, khi gội đầu bằng xà bông, Triệu đã nhắm chặt mắt chờ khi mẹ xối nước xong mới dám vuốt mặt, mở mắt ra. Nắng chiều chiếu qua các giọt nước còn đọng trên mi, mặt mẹ Triệu cúi gần mặt Triệu, nên khi mở mắt Triệu thấy hình ảnh mẹ lung linh tuyệt đẹp. Tám chục năm về sau, mỗi lần hồi tưởng nhớ mẹ, Triệu vẫn còn giữ mãi nét mặt của mẹ qua ánh nước lóng lánh của buổi chiều ngày đó.
Nhưng rồi, một hôm, mẹ Triệu trở bịnh nặng, hôn mê nhiều ngày. Triệu và em được cho ngủ riêng với các cô. Một buổi chiều, mẹ Triệu hồi tỉnh lại, các cô đưa anh em Triệu khép nép vào thăm mẹ. Nhưng đó có lẽ là những phút hồi dương ngắn vì sáng hôm sau, các cô khóc sướt mướt đánh thức anh em Triệu dậy và cho hay Mẹ đã mất rồi! Vào tuổi đó Triệu thấy người lớn khóc nên cũng khóc theo, nào có hiểu mất mẹ là gì! Cả nhà rộn rịp, rối rắm lo việc tẩm liệm. Trưa hôm đó, không ai còn thì giờ lo cho anh em của Triệu. Hai anh em đều thấy bụng đói cồn cào nhưng không dám nói cho ai biết đành rủ nhau nằm vắt vẻo ở cầu thang vì nhà ông nội Triệu được cất theo loại nhà sàn cao, theo lối nhà người Miên. Sau cùng có người nhận thấy, nhớ là quên cho anh em Triệu ăn mới lo cho hai đứa nhỏ vừa mất mẹ. Đó là lần đầu tiên Triệu biết được thân phận mồ côi của mình!
Mẹ Triệu được chôn ở thửa ruộng trước nhà không xa. Chiều chiều Triệu vẫn ngồi trước nhà nhìn ra mả mẹ. Bên mộ thấy có trồng một cây chuối, vì hình như mẹ Triệu chết trong lúc đang mang thai. Nghe người lớn bàn: khi chuối trổ buồng, lúc đó là em Triệu sẽ được sanh ở cõi âm? Trước mộ, Triệu còn thấy con chó tên Nết mà mẹ Triệu thường chăm sóc cho ăn mỗi ngày đang nằm ủ rũ. Con chó trung thành đó vẫn ra nằm nhiều ngày bên mộ mẹ Triệu!
Khi mẹ Triệu trở bịnh nặng, ông ngoại Triệu được thông báo nên hấp tấp về thăm, nhưng khi đến nơi đã thấy áo quan đang được chuẩn bị sơn đỏ khiến ông đã ngất xỉu, bộ Âu phục đang mặc bê bết màu sơn. Sau buổi chiều mẹ Triệu đã được chôn cất, ông đã ở lại đêm để chờ đến sáng đáp chuyến đò trở qua Sa Đéc. Đêm đó ông đã thao thức không ngủ được, đưa mắt nhìn ánh đèn dầu trên bàn thờ vừa mới dựng lúc ban chiều cho mẹ Triệu. Chiếc đèn đó là một loại đèn dầu rất tốt, hiệu Hirondelles mà ông ngoại Triệu đã mua của hãng Armes et Cycles de Saint Étienne ở Pháp để tặng mẹ Triệu vì biết con gái mình phải về sống ở nơi quê mùa, không có ánh đèn điện. Ánh đèn tốt như thế lại bỗng nhiên bị tắt. Ông ngoại Triệu đang thức nên đã đốt lại đèn hơn hai lần trong đêm, nghĩ rằng có lẽ bướm đêm đã lọt vào bóng đèn làm đèn tắt, nhưng rồi ông lại nhớ khi chưa về nhà chồng, mẹ Triệu ngày trước cũng thường hay tắt đèn như thế để ông được ngủ an giấc. Cả nhà vì thế thường tin tưởng là mẹ Triệu đã chết khi còn quá trẻ, chưa đến 24 tuổi, mà lại đang mang thai nên rất linh hiển!
Năm mẹ Triệu chết là lúc thế giới đang ở vào thời kỳ khủng khoảng kinh tế trầm trọng. Thương mãi, mùa màng ruộng vườn... đều không đem lại đủ lợi tức cho dân chúng. Cha Triệu đang có được chỗ làm ăn tốt phải trở lên Cam Bốt tiếp tục hành nghề. Ông, Bà ngoại Triệu đã thuyết phục bên nội Triệu để đem hai anh em Triệu về nuôi nấng.
Thế là Triệu có được cơ hội từ biệt nơi thôn dã để đến sinh sống trong một môi trường mới, nhộn nhịp tiếng người và xe cộ. Ông ngoại Triệu lúc ấy được thuyên chuyển về tỉnh Vĩnh Long, không xa Sa Đéc bao nhiêu nhưng đối với tuổi thơ của hai anh em Triệu, đó là cả một cuộc thay đổi to lớn.
Thành phố Vĩnh Long là một thành phố nhỏ, xe hơi không có được bao nhiêu chiếc, phần nhiều là xe của các cơ quan chánh phủ hoặc các xe lô, xe đò... Hai anh em Triệu rất thích ra trước nhà ngắm các loại xe tự động, nhất là vào những ngày mưa để nhìn các quạt nước nhịp nhàng đều đặn lau các kính xe. Đặc biệt vào thuở ấy, phương tiện di chuyển, ngoài loại xe kéo, tư nhân còn có thể mướn một loại xe ngựa, được gọi là xe song mã. Loại xe có hai ngựa kéo này trông rất thanh nhã, nay còn được thấy ở Pháp hay Mỹ, nơi các thắng cảnh có nhiều du khách muốn được ngồi xe rong chơi theo lối nhàn hạ thời xưa. Loại xe này được trang bị loại chuông báo hiệu do người lái xe đạp bằng chân, tiếng chuông ngân lớn nhưng rất êm tai.
Triệu không quên được buổi cơm chiều đầu tiên khi được đưa về sống bên ngoại. Ông Tám, người bếp già của ông ngoại Triệu, rất vui mừng khi thấy trong nhà có thêm hai đứa trẻ thay vì chỉ toàn là người lớn như từ trước đến nay. Triệu được cho ăn món súp đầu tiên, trong súp có bỏ thêm nhiều miếng bánh mì nhỏ chiên; nhưng cả hai anh em Triệu đều ngồi ngẩn ngơ, chỉ vớt ăn các miếng bánh mì nào còn giòn, chưa thấm nước súp nhiều. Ông bếp Tám thất vọng khi thấy hai thực khách tí hon không biết thưởng thức món súp đặc biệt của ông. Triệu thú thật là ăn không được vì vị quá lạ, nuốt không vô. Lúc ấy cả nhà mới vỡ lẽ là hai đứa nhỏ nhà quê ở làng nên chưa bao giờ miệng lưỡi lại được nếm mùi thịt bò và mỡ bò! Từ đó, cả nhà thỉnh thoảng vẫn hay đùa gọi anh em Triệu là các cháu nhà quê. Mà quả thật anh em Triệu quá quê vì đã sống trong một làng nhỏ, ít khi được đưa đi chợ, mặc dầu là chợ làng. Lần đầu tiên được bà ngoại dẫn đi ăn mì, Triệu thấy món ăn này sao mà mùi vị ngon đến thế. Cả đến hôm được dẫn đi mua sách
vở và cặp để chuẩn bị nhập học, ông chủ tiệm bán cặp da tặng cho một viên kẹo caramel sữa-càphê. Khi ngậm viên kẹo mới nhận thức được hương vị thần tiên của viên kẹo ngoại quốc đầu đời!
Ba năm theo học các lớp tiểu học ở Vĩnh Long là ba năm được tiếp xúc với các bạn bè nhiều giới. Triệu lại có tánh hay thích kết bạn, gặp nhau ở lớp chưa đủ, ngày nghỉ thế nào cũng tìm cách đến nhà để tiếp tục bày trò. Triệu rất thích một anh bạn có cha làm nghề sửa xe hơi vì nhà anh có bao nhiêu là viên đạn sắt đủ cỡ, bao nhiêu cơ phận máy móc hư phế thải...Triệu còn một anh bạn khác tên Long, cũng mồ côi mẹ, cha là một y sĩ phải đi hành nghề xa quê. Long cũng như Triệu, được gởi ở với bà ngoại. Vì cùng cảnh ngộ nên Long và Triệu thường gặp nhau trong các ngày nghỉ. Thật ra, việc tình cảnh gia đình Long là do bà ngoại Triệu tìm ra. Như đã nói ở trên, Triệu có tánh thích kết bạn nên cuối tuần là tìm đến nhà các bạn. Vì tánh mê chơi nên quá buổi trưa thường hay quên trở về nhà. Có lẽ vì Vĩnh Long là một thành phố nhỏ, mà bà ngoại Triệu lại có nhiều người quen nên những lần Triệu đi quá giờ như vậy, tuy không cho nhà hay trước nhưng rồi bà ngoại Triệu cũng tìm ra được nhà các bạn Triệu. Mỗi lần đi tìm cháu, bà ngoại Triệu thường hay ở lại chuyện trò nên thường biết thêm gia cảnh của các bạn Triệu. Việc người lớn quen nhau qua con cháu nhiều khi cũng giúp Triệu được vài thuận lợi. Như có một lần, Triệu đã tìm cách lân la với một bạn học chỉ vì biết anh bạn này có nuôi nhiều gà tre, loại gà rừng nhỏ con mà giới trẻ rất thích. Có một lúc vào ngày lễ, thầy giáo lại cho một lô bài toán cho học sinh phải làm trong các ngày nghỉ. Anh bạn này vốn yếu về toán nên rũ Triệu đến nhà để cùng làm bài. Anh cũng có hứa sẽ tặng cho Triệu một con gà để đem về nuôi. Đến mãi xế trưa, sau khi đã giúp làm xong các bài toán, anh bạn này mới lựa cho Triệu một con gà bé tí teo, mà lại là một con gà mái! Triệu thất vọng quá nhưng không dám nói ra. Nhằm lúc ấy bà ngoại Triệu lại đi tìm cháu và được hướng dẫn đến đúng nhà bạn Triệu. Như thường lệ, bà ngoại Triệu bắt chuyện với gia đình bạn Triệu. Trong câu chuyện ngoại Triệu có cho gia đình bạn biết là sáng trước khi đi, Triệu có cho bà biết là hôm đó Triệu có một bạn hứa đến nhà anh ấy “lấy gà”. Ngoại Triệu đã dạy Triệu là phải nói “đến nhà bắt gà, chớ không ai lại nói: đến để lấy gà”. Mọi người đều cười ồ về việc dùng sai danh từ của Triệu và kết cuộc câu chuyện là gia đình bạn Triệu bắt anh phải tặng thêm cho Triệu một anh gà trống đàng hoàng cho “đủ cặp!”
Ông ngoại Triệu là một trong những người được huấn luyện đầu tiên về nghành họa đồ nên thường được đổi đi rất nhiều tỉnh để đo đạt đất đai ở miền Nam. Vì vậy nên Triệu tuy còn nhỏ tuổi nhưng trong các câu chuyện nghe được trong gia đình, nhiều địa danh các làng mạc, sông ngòi, kinh lạch...đã in vào tiềm thức Triệu. Sau này khi phải di chuyển đó đây trong thuở Kháng chiến Nam bộ hay trong thời gia nhập Hải Quân, những nơi như Cầu Kè, Cầu Ngang ở Trà Vinh, Hàm Luông, Mõ Cày, Giồng Trôm ở Bến Tre, Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Sông Ông Đốc, Ngã ba Hóc Năng ở Cà Mau..., các nơi đó đối với Triệu tưởng chừng như là những nơi đã từng biết trước!
Khi đáo tuổi hồi hưu, Ông ngoại Triệu trở về quê quán ở Biên Hòa. Từ nơi đô thị tỉnh nhỏ là Vĩnh Long, Triệu bắt đầu làm quen với lối sống nửa tỉnh, nửa quê ở Phước Lư, một ấp nhỏ bên dòng sông Rạch Cát, cách tỉnh lỵ Biên Hòa khoảng hai cây số. Ông ngoại Triệu quê quán nhiều đời ở Cù Lao Phố, bên kia bờ Rạch Cát và được thừa kế nhiều ruộng vườn ở đó. Tuy nhiên vì là một công chức thường phải luân lưu sống xa quê nên ruộng vườn ông ngoại Triệu đã nhường cho các cháu canh tác. Khi về hưu, ông tậu một mảnh vườn ở Phước Lư , bên kia bờ của Cù Lao Phố, một nơi gần tỉnh lỵ Biên Hòa hơn.
Khi di chuyển từ Vĩnh Long về Biên Hòa, ông ngoại Triệu được một người bạn có xe hơi riêng giúp cho mượn để về lại quê. Lần đầu tiên được đi xe Citroen, Traction 15, hai anh em Triệu sung sướng được ngồi xe có nệm êm, không như lúc di chuyển từ Sa Đéc qua Vĩnh Long bằng xe đò, phải ngồi chật như nêm mà lại bị xốc nhảy dựng khi xe qua các cầu nhỏ!
Triệu học hết chương trình Sơ học ở trường tỉnh Biên Hòa. Vào thuở đó, chỉ có ở tỉnh lỵ mới có đèn điện. Phước Lư chỉ cách tỉnh có độ hai, ba cây số nhưng ban đêm phải thắp đèn dầu để học. Triệu được ông ngoại theo dõi việc học hành và sáng sớm nào ông cũng bắt phải vặn đồng hồ báo thức vào 5 giờ rưởi để ôn lại bài trước khi ăn sáng và lội bộ đến trường. Trong khi đó thì ngoại đi hâm cơm, một phần để ăn sáng, một phần gói ép vào một tấm mo cau để đem theo ăn trưa. Mỗi khuya thức dậy, quẹt diêm thắp đèn học bài, diêm sanh cháy trong không khí trong lành buổi sáng tỏa ra một mùi hương thật đặc biệt. Biên Hòa là xứ núi đá nên buổi sáng nhiều khi rất lạnh. Ép mo cơm nóng vào ngực khi đi đường vào sáng sớm, nghe hơi ấm chuyền vào mình là một thú vị khó quên của Triệu.
Về được Biên Hòa, khác với lúc ở Vĩnh Long, Triệu có được cơ hội cùng với các bạn, đi xa hơn vào các thôn xóm, sông rạch. Vớt cá thia thia thì được các bạn hướng dẫn đến vớt ở con suối chảy quanh chùa Xóm Hóc Măng Tre vì cá ở suối đá hay hơn cá vớt ở ruộng. Trái cây rừng như gùi, bứa, sim, dâu...có thể kiếm ê chề nếu biết tháp tùng các thợ đi đốn củi ở rừng Vĩnh Cửu. Nước sông Đồng Nai đặc biệt rất trong xanh, so với nước đục nhiều phù sa của sông Cửu Long. Nhìn nước là đã muốn lội tắm rồi. Nhà ở ven sông, đặc biệt khúc sông Đồng Nai bao quanh Cù Lao Phố rất hiền hòa nên Triệu đã mau chóng bơi lội khá giỏi. Sau này vào Hải Quân, được huấn luyện thành thạo hơn nên Triệu đã giúp trường Quân y Hải Quân Pháp đoạt nhiều giải. Khi ở Biên Hòa Triệu đã nhiều lần lén nhà lội ra Cù Lao Rùa tìm các “lưỡi tầm sét” đem về nhường lại cho các gia đình có con mắc bịnh kinh phong! Dân chúng thường vẫn hay tin tưởng là đặt lưỡi tầm sét trên đầu giường hay mài lấy nước uống sẽ giúp các trẻ tránh được bịnh này? Cù lao Rùa trên sông Đồng Nai là nơi trú ẩn an toàn cho những người tiền sử sử dụng đồ đá làm khí giới nên ở nơi đây, lưỡi tầm sét rất dễ tìm.
Cũng vì mê đi chơi như vậy, nhất là đi bắn chim bằng ná thung nên có một lần Triệu đã bị một trận đòn nhớ cả đời. Vào thời ấy Triệu có một bạn là Lương Khánh Chí, có biệt tài bắn ná. Đi bắn chim với anh đó thì không bao giờ trở về tay không vì nếu Triệu bắn trật thì anh sẵn lòng tặng chim lúc trở về nhà. Vào một thời nghỉ lễ Tết, hết việc đi đánh bầu cua cá cọp Triệu lại chỉ lo vò đạn đi bắn với anh Chí, quên lo việc làm bài thầy giáo đã ra đề trước để làm trong các ngày nghỉ lễ.
Hôm hết lễ đi học trở lại, bài không làm kịp nên sáng đó Triệu than bị đau bụng để khỏi đi học. Bà ngoại cưng cháu nên đồng ý nhưng ông ngoại đang làm việc ngoài vườn, thấy Triệu còn nằm nhà nên hỏi lý do. Ông bảo đưa tập vở ra xem, khi thấy Triệu chưa làm xong các bài, ông bắt Triệu phải đi học ngay. Ông căn dặn khi đến trường phải ghi sổ xin đi khám bịnh viện nếu thật sự còn đau. May thay hôm đó thầy giáo không xét bài của Triệu nên Triệu cũng khỏi xin đi “khám bịnh”. Chiều hôm đó về nhà, Triệu tưởng là thoát nạn, đâu có ngờ ông ngoại vẫn hạch hỏi xem thuốc nhà thương cho cất đâu? Triệu phải ăn một trận đòn về hai tội: tội nói láo để trốn học vì không làm bài và tội thứ hai là ham bắn chim, mê cờ bạc, đỏ đen ngày Tết.
Nhờ được uốn nắn như vậy nên sau này Triệu mới học đến nơi đến chốn. Để giữ lời hứa với ngoại, không bao giờ Triệu tham dự vào các cuộc bài bạc, mặc dầu có thể bị bạn bè chê là keo kiệt, nhát gan.
Sự lo lắng theo dõi việc học hành của ngoại đã giúp Triệu thi đậu trong kỳ thi tuyển vào Trung học Petrus Ký. Vì đổ được hạng cao nên Triệu có được học bổng ở nội trú. Biên Hòa chỉ cách Sài Gòn độ ba mươi cây số, nhưng đây là lần đầu tiên, Triệu phải xa em gái để tiếp tục việc học. Hai anh em đã luôn luôn sống cạnh nhau từ lúc còn bé, nên đây là lần đầu Triệu phải đương đầu với một nỗi buồn tha thiết của tuổi trẻ.
Trần Ngươn Phiêu
Gió Mùa Đông Bắc Chương Hai
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5752)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6813)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7233)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6281)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 5993)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6523)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5343)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5215)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5520)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5445)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5484)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 5956)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6739)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6742)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6085)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6033)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6180)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6376)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6824)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6497)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6895)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 6918)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6718)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6331)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47077)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66895)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24872)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5906)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5906)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6206)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 6953)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5471)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5694)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6321)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5569)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5375)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5844)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6321)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5423)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5905)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6127)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6130)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8064)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7018)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6257)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8642)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7726)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7333)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7311)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu
10 Tháng Tám 2019(Xem: 6523)
Tuy mỗi người đi mỗi đường nhưng sau gần năm mươi năm xa cách chúng tôi lại tìm đến nhau, mọi nghi ngờ đều được làm sáng tỏ