3:56 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

GÓC ĐƯỜNG XA - TÔN THẤT TUỆ

13 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 13699)

Tôi vẫn nghĩ cuộc đời như con đường, như dòng suối chảy mãi. Con đường biểu tượng cho sự xây dựng của con người, tự nó không có khi trời đất lập nên. Mượn hình ảnh ấy, nhà văn Trung Hoa Lỗ Tấn nói rằng hy vọng do con người tạo ra như con người tạo dựng những con đường buổi ban sơ. Những nhánh sông, những ngã ba đường bao giờ cũng cho ta ý niệm xa xăm ở góc đằng kia có cái gì. Ai ở đằng kia?

@

 Hồi tôi còn bé, có phong trào các nhật báo Saigon tặng bản đồ để câu khách. Tôi mua treo đầy tường khắp nhà, đứng ngắm nghía lấy que tre chỉ chọt chỗ nầy chỗ nọ. Một ông hàng xóm đến nói trong nhà rằng thằng bé sau nầy sẽ trở thành một nhà chính trị hay chiến lược. Lúc ấy tôi chưa thấy sự liên hệ giữa địa dư và chính trị. Đến khi tôi biết điều nầy, tôi cũng biết rằng người kia không biết việc tôi làm. Tôi đã không nghiên cứu các thế chiến lược, những eo bể, nách sông, những pháo đài trên mặt trận toàn cầu.

 Tôi cầm bút chì chỉ chỗ nầy là Groeland, chỗ kia là góc sông Amazone, chỗ nọ là Sibérie... Các nơi ấy giờ nầy, giờ tôi đang đứng trước bản đồ, một ai đó, một kẻ nào đang làm gì? Họ ngủ chăng? Họ ăn chăng? mà ngủ thì ngủ đâu, trong giường ấm hay nơi đất lạnh? Mà ăn thì ăn sao? sung túc hay ăn trái ổi chua lừa cơn đói? Và cứ thế giờ nầy qua giờ nọ, từ Phi Châu đến Á Châu, qua Mỹ Châu... vẫn những câu hỏi vớ vẩn ấy, hỏi lấy một mình trước những tấm bản đồ màu mè xanh đỏ tím vàng.

 Việc làm ngớ ngẩn ấy được thực hiện trên bình diện lớn với bản đồ. Nó chỉ tiếp tục công việc vu vơ của tôi từ thuở bé. Đi học về với đôi chân không xủi tung bụi trên đường đất mịn, tôi cứ thầm hỏi giờ nầy ở nhà chị đang làm gì; ở làng kia cậu đang câu cá chăng? Ở tỉnh nọ, ông giáo về hưu còn sống hay chết rồi?

 Những con đường vẽ vội trên bàn đồ hay trong trí tưởng đã đưa tôi đến những con người ở một nơi xa xôi không bao giờ đặt chân đến. Tôi vẫn giữ tâm cảm cho một ai rất xa, một hình bóng nhân thể. Tôi vẫn mường tượng một em bé đi trên đường mòn nhỏ như sợi chỉ, một chú bé trên lưng bò như những hình ảnh sáng chói của nhân loại. Chính vì vậy khi đọc một bài trên Asiaweek mà tôi làm quen trên đất Thái, tôi đã ủng hộ việc làm của tuần báo nầy là đưa báo chí đến những nơi lãng quên. Bất cứ nơi nào có dấu chân người đều nằm trong sứ mệnh của người cầm bút.

@

 Vào một đêm văn nghệ cuối năm học, tôi được mời đóng vai Cát Nhiếp trong một vỡ kịch về Kinh Kha, chỉ xuất hiện chừng hai phút. Kiếm sĩ già đã nói với tráng sĩ trên đường hành thích Tần Thủy Hoàng vỏn vẹn có một câu:

 - Ngày mai trên các nẽo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?

Xong câu ấy, tôi tiễn Kinh Kha lên đường và tôi tiễn tôi ra khỏi sân khấu để chấm dứt công việc.

 Câu ấy cứ gieo mãi trong đầu tôi ý niệm cuộc đời như con đường, như nhánh sông, như một khả thể. Cảm quan ấy làm tôi nghe bản "Kỷ Vật Cho Em" của Phạm Duy với tất cả bâng khuâng, với cái mong manh của cuộc đời. Có thể, anh trở về với hàng cây nghiêng ngả, với vinh quang. Có thể, anh trở về hòm gỗ đầy hoa. Có thể anh trở về bên em tật nguyền chai đá trong ánh mắt không quen của người yêu, đó là em. Có thể, có thể, có thể... nhiều có thể hơn câu ca dao: "một xanh cỏ hay đỏ ngực".

@

 Tôi gặp một huynh trưởng Hướng đạo cầm cây gậy 1,2m, một đầu bọc sắt nhọn, một đầu là một nạng hai hình chữ V, dấu hiệu tráng sinh lên đường. Anh ấy giải thích tráng sinh phải phân biệt hai con đường tốt và xấu. Sau lửa trại, chúng tôi rời đồi Từ Hiếu (Huế) đến một ngả ba đường dự lễ lên đường của một tráng sinh khác.

 Nằm ngay trục lộ là một cây đèn bão. Tráng sinh lên đường đọc ba lời hứa (trung thành với tổ quốc, tôn trọng danh dự và luật Hướng đạo). Tiếp đến anh bảo trợ trao cây gậy có nạng hai và cây đèn bão, làm nguồn sáng duy nhất cho buổi lễ đơn giản nầy. Hành sĩ chào tất cả, tay cầm cây đèn, vai đeo ba lô, tay kia cầm cây gậy. Chúng tôi tiễn người đi bằng những tiếng chiêng ngân trong đêm tối. Âm thanh chập chờn như ánh đèn chập chờn từ từ xa dần. Lên đường như đi vào cuộc đời. Mọi người trở về khu cắm trại trong yên lặng như người kia yên lặng bước đi với cây đèn trong tay.

 Tôi ngả người nằm trên đất cạnh lều vải trong cái lành lạnh nhè nhẹ của hơi sương, trong cái âm ấm nhè nhẹ của đất triền đồi. Ngẩn mặt lên, trời đầy sao. Sao vẫn đi, sao vẫn có một quĩ đạo. Tôi tưởng tượng chốc nữa hành sĩ kia sẽ ngả người ra nghỉ, mắt cũng nhìn sao, sao đi. Nhưng giờ nầy đang cầm cây gậy nạng hai.

 Cái nạng như hai con đường mà tráng sinh kia quan niệm. Dĩ nhiên ai cũng có quyền gán cho sự vật một ý nghĩa, một nội dung. Nhưng tôi không đồng ý quan niệm cứng nhắc cho rằng cuộc đời chỉ có hai con đường. Cuộc đời có nhiều khả thể, không duy chỉ có hai; tuy rằng mỗi chúng ta chỉ có thể chọn một con đường vì chỉ có một đôi chân. Một giây phút chỉ có thể có một tâm cảm dành cho một sự việc, cho một người. Một con đường tuy rằng đời như ngánh sông. Các nẻo đường ấy hẳn làm chúng ta bâng khuâng như Cát Nhiếp đã hỏi Kinh Kha: Ngày mai trên các nẻo đường thiên hạ, ngươi sẽ về đâu?

@

 Nếu con đường gợi ý niệm đời như một sinh thành, cũng không nên quên ảnh hưởng của nó trong lịch sử. Vua Lê Đại Hành đã đích thân đến khánh thành con đường phóng từ Thanh Hóa xuống Nam. Đó là ngày khai tử của dân tộc Chàm. Đó cũng là ngày khai sinh của miền Nam gồm đất Chiêm Thành và một phần lớn của Thủy Chân Lạp (xem "Lịch Sử Xứ Đàng Trong" của Phan Khoang). Con đường Trường Sơn là đòn trí mạng đánh vào số phận miền Nam. Đó là đường xương sống Việt Mên Lào vì ai chiếm cao nguyên Boloven sẽ chiếm Đông Dương, lời một nhà chiến lược Pháp và cũng là kinh nhật tụng của bất cứ ai muốn chiếm bán đảo nầy. (Qui tient Boloven tiendra l'Indochine).

 Con đường xuyên Á đang được nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến đại lục trầm lặng nầy. Những hành lang từ Âu Châu đến Bá Linh là huyết mạch cho hòn đảo tự do trong vùng đất đen; quyết định phong tỏa của Kroutchev đã tạo nên cơn sốt hãi hùng cho thế giới. Nói đến đường, phải kể đường dầu đi, khí đốt đi. Đường tải dầu từ Alaska xuống Mỹ, đường hơi đốt từ Nga xuống Âu Châu hay qua Nhật sẽ ảnh hưởng định mệnh của thế giới. Đó chưa kể đến đường bay đường thủy, những quĩ đạo vệ tinh, sự xuất hiện phi thuyền con thoi Columbia sẽ đưa nhân loại đến một khung cảnh sống mới.

@

 Nhưng thật ra tôi chỉ quan tâm đến những con đường, những mạch sống không nằm trong đầu óc của máy điện toán, trong những con người tính toán thiệt hơn. Tôi vẫn thấy con đường trong nét bút, con đường trong những dòng nước mưa chảy trên sân. Tôi vẫn thấy những con đường chảy theo những giọt nước trên cửa kính như những giọt nước mắt từ đôi mắt ướt đẫm chảy xuống má vì một phút nhớ nhung hay vì một ray rức của tâm hồn.

 Tôi vẫn thấy con đường trong các lối sáng tạo nghệ thuật, những con đường khai thông bế tắt của tư tưởng. Tôi vẫn thấy tình yêu là con đường đưa đến thế giới vô biên của cõi lòng như một vườn hoa rất đẹp đưa ta đến kinh nghiệm tâm linh rất đặc biệt, những biên giới mới cần khám phá.

 Một xe Lambro ba bánh dừng lại ở một làng quê: một gánh hát dạo nghèo, tất cả gói ghém trong chiếc xe kiểu đặc biệt của người Ý trên bước đường lưu diễn. Một bà mẹ đem bé gái hơn mười tuổi bán cho đoàn văn nghệ. Bé sống đây làm các công việc vặt vãnh. Có cảm tưởng ông bầu mua bé trong một phút bốc đồng, động lòng trắc ẩn muốn cho bà có số tiền lúc túng quẩn phải đem con đi bán.

 Sự hiện diện của bé chỉ làm cồng kềnh thêm cho gánh hát, thêm một miệng ăn, cho thêm sức nặng đè lên xe ba bánh xe; một cục thịt thừa, một khúc ruột dư cho cơ thể vốn cần sự gọn gàn di chuyển, di chuyển mãi trong sự nghiệp cầm ca.

 Bị la rầy đánh đập là chuyện thường. Bé vụng lắm; sống với quê với mẹ nào có biết gì, mà bé lại gầy, những tháng qua đâu có đủ ăn. Dần dà người ta tập cho bé thổi kèn đồng, khi những con khỉ nhảy múa trong áo quần dơ dáy, quây quanh là các khán giả đầu đường. Cuộc sống cơ cực nay đây mai đó với sự ruồng bỏ, sống xa mẹ. Tất cả chỉ làm cho bé xanh xao võ vàng thêm. Hôm ấy đoàn người ghé lại một vùng thấp có những vũng nước lầy. Sau khi mọi việc đã xếp lại chờ đi vào sáng mai, bé ra giữa đám sậy, tay cầm cây kèn đồng như một thiên thần bay lạc. Bé thổi một khúc nhạc rất buồn.

 Rồi đêm ấy bé chết, trên bước đường lưu diễn của bố già, của bố già khó tính, trong đám người không chút để ý đến bé. Rồi người ta chôn bé tình cờ vào nơi chiều qua lúc mặt trời gần khuất bé tấu khúc nhạc cuối cùng của tuổi thơ. Đoàn xe tiếp tục công việc như mọi ngày.

 Bất giác bố già thấy mất một cái gì, thấy đau đớn trong lòng. Bố đã mất một bé thơ mà bố đánh đập, mà bố xem như gánh nặng cho chính mình và cho các vỏ xe. Không, bố không có mặc cảm tội lỗi. Xe bồng bềnh nhồi đời trẻ thơ, nào đâu có muốn, bố muốn đường êm xe lướt nhẹ. Gánh hát bố nghèo, nào đâu có muốn; bố muốn giàu làm một ông bầu có cơ sở ổn định, nào bố có muốn lang thang đầu đường cuối xóm miền Nam Ý cằn cỗi này. Nào bố có biết mẹ bé là ai. Mẹ bé nghèo mà bán bé cho gánh hát, vì thương mà bố mua.

 Nhưng bố mất một cái gì mà tâm hồn bố lúc bé còn sống bố đã thua, đã nhường bước cho công việc. Cái chết của bé làm sống dậy một hiện diện còn giữ lại như ra đi còn kẹt một chân. Bố phải đi một đoạn đường mới rõ sự việc. Bố định quay đầu xe trở về nơi chôn bé nhưng lại thôi. Vì con đường gập ghềnh xưa nay không đưa bố đến gặp bé tuy bé vẫn ngồi kề trên xe. Con đường hôm nay, con đường trong lòng bố mới thật đưa bố về với bé. Cho nên tìm về nơi chôn bé có lấy lại được bé đâu. Bé đã bay đi như tiếng kèn thổi vào một chiều định mệnh. Bố tiếp tục con đường gập ghềnh lưu diễn nay đây mai đó.

 Từ đây con đường vật thể đá nhấp nhô đã thành con đường tâm cảm giúp bố tìm về nét héo mòn của trẻ thơ, của bờ sậy còn nghe tiếng kèn một chiều rất lắng bên ao nước trên đoạn đường đời của bố.(1)

 Tôi vẫn thấy con đường như một hy vọng dù mong manh. Nhiều lần đi máy bay từ Saigon một mình và hai phi công ngoại quốc nhất là về đêm, tôi thấy gắn bó đời mình vào tiếng nói xa xăm, tiếng nói vô hình với tôi mà đi qua tay người lái. Những hành lang không khí chẳng khác gì những con đường phóng ngang một khu rừng hay ruộng lúa. Tôi vẫn hỏi giờ đây tôi nằm đâu trong không trung và ở góc nhà kia có một ai đó đang làm gì, một ai đó đang ngồi nghe tín hiệu nơi đài không lưu. Cũng giống như giờ nầy tôi đang viết, vợ con tôi làm gì ở VN và gần hơn nữa bạn hữu đang làm gì trong trại Sikiw nầy. Những tâm cảm cứ chồng chất lên nhau.

@

Và đây một con đường của hy vọng mà là con đường vô vọng nhất. Vì lẽ không có đường mà lại quá nhiều đường. Ví như con tàu trên biển.

Con tàu như một điểm trên mặt phẳng từ đó có thể vẽ vô số đường thẳng. Biết bao con đường mà biết đi con đường nào đây, khi không có hải đồ, không hải bàn, khi không có xăng nhớt, khi không có thức ăn. Mà biển đâu có bằng như mặt phẳng của hình học, bao gió táp, bao đá ngầm và bao con người không có nụ cười đang nhấp nhô trong vô tận chờ đón những ai lấy biển khơi làm con đường lớn nhất cho hy vọng lớn nhất.

 Nói không có con đường trên biển; trước nhất vì các hải đạo nầy đâu có dành cho những con đò, các chiếc mãn, chiếc bách mà thuyền nhân níu kéo như giải pháp cuối cùng đối chọi với biển khơi. Đó là chiếc lá mỏng manh hơn chiếc thuyền trẻ con xếp bằng giấy thả vào lúc trời mưa ngập nước ngõ sân. Thứ đến nào đâu có thấy con đường, nó chỉ lộ ra đằng sau với lằn rẻ nước kế cận cái chân vịt thô sơ của máy đuôi tôm, rất ngắn trong tầm gợn, không đủ để phản chiếu ánh trăng. Không có con đường vì trước mắt đường còn quá xa, miệng đã khô, da mặt nhăn vì muối đóng khằn, trí óc không bình tĩnh vì đã nhét đầy những ảo giác của biển khơi.

 Mà có khi không phải là con đường của ta mà của một xác chết đang trôi. Xác ấy cũng như thuyền ta hư máy, mất chân vịt, cả hai đang giành nhau con đường của gió mà chơi. Nó còn hơn thuyền của ta nữa: nó nhấp nhô với sóng một cách êm ả, không có tiếng la của trẻ con, không có tiếng ói mữa của thiếu phụ. Cái xác ấy, nó có con đường, con đường hủy diệt, trong lúc con thuyền của ta chưa tìm ra được con đường sinh thành.

@

 Và ai cũng có một con đường như cuộc đời trôi chảy không ngừng nghỉ, trôi chảy không thôi để không ai tắm hai lần trong một dòng suối như Hiraclide nói. Đó là con đường đi vào ý thức của cuộc sống, làm quan niệm sống, tự soi lấy cho mình một con đường. Tôi thích danh từ "hành giả" dành cho người đi vào hiền triết Đông phương. Chỉ có chính mình đạt được vùng ý thức. Trong cái đảo điên của sự vật, trong sự quyến quận của nguyên nhân và kết quả, hành giả phải thấy cho mình cái chân cái hư bằng kinh nghiệm tâm linh mượn của người khác và của chính mình. Miễn làm sao đi đến một mẫu số chung, cái còn lại cuối cùng để có thề nằm chung với mọi người trên vạn nẽo đường thiên hạ.

@

 Từ đó tôi vẫn xem những con đường - con đường vật thể như lối đi, con đường của sáng tạo, con đường của tư duy - như dây mướp, dây dưa hấu trổ ra những trái ngọt, giống như đường thiên lý cưu mang những đời người, những làng mạc, những thành phố.

 Và trên con đường ta đi, ta sẽ gặp những bạn đồng hành để chia sẻ khó khăn của tâm hồn hay khó khăn của ngoại cảnh. Để cùng nhau thấy cái sinh thành của cuộc đời. Để có lúc chia tay ở ngả ba đường. Để có lúc còn gặp lại ở một nơi nào đó.

Dây mướp vẫn bò thêm, vẫn nở hoa.

Con đường riêng rẻ của đời tôi bao giờ cũng làm cho tôi hỏi chính tôi: ai chăng đó đang làm gì ở góc đường xa?

 

Tôn Thất Tuệ, 08-1982 Thái Lan

 

(1) đoạn nầy viết theo ký ức về phim La Strada của Ý sản xuất 1954. Lâu quá không nhớ hết nên cốt chuyện có chút sai biệt nhưng ý nghĩa đầy đủ. Xin tham khảo tại đây

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5748)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6804)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7226)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6276)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 5990)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6516)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5342)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5213)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5518)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5442)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5479)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 5953)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6734)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6740)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6082)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6029)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6179)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6374)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6819)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6493)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6893)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 6914)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6706)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6326)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47075)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66892)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24869)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5898)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5903)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6204)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 6952)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5469)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5691)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6316)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5563)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5371)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5843)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6317)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5416)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 5900)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6122)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6128)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8063)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7013)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6253)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8640)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7724)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7329)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7310)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu
10 Tháng Tám 2019(Xem: 6522)
Tuy mỗi người đi mỗi đường nhưng sau gần năm mươi năm xa cách chúng tôi lại tìm đến nhau, mọi nghi ngờ đều được làm sáng tỏ