4:47 SA
Thứ Năm
25
Tháng Tư
2024

TƯ THÂU - TRẦM MẶC HOA HUYỀN

24 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 19147)

TƯ THÂU 

  Mãn tù "cải tạo", tôi trở về quê cũ xã Phước Kiểng, một làng quê nghèo hẻo lánh thuộc huyện Long Thành. Ở đó, có người mẹ hiền vắt từng dòng sữa, chắt chiu nuôi tôi từ thuở nằm nôi. Có người cha lưng trần da mốc, đổ mồ hôi sôi nước mắt, đổi về cho tôi một mớ hành trang trí tuệ nhỏ nhoi, để khi bước chân vào đời biết phân biệt đâu là chính tà, nhân ngãi. Có chị, có em. Có những bạn bè thân quen cố cựu. Qua những năm tháng lưu lạc viễn chinh giờ cũng tụ về. Sao tôi vẫn thấy ngậm ngùi. Ngậm ngùi không phải nhìn lại cảnh cũ người xưa mà vì xót xa cho tang thương vận nước!

 Cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ, so với cuộc đời con người đâu phải là ngắn ngủi. Xếp chinh y, hai bàn tay trắng. Chiến tranh như con nước rút đi để lại chúng tôi là những lòng sông, lạch cạn. Không nghề ngỗng gì, chỉ biết làm "dân biểu" ai thuê mướn việc gì thì đi làm việc đó, phụ vợ chạy gạo từng bữa nuôi con. Người nào mạnh khỏe thì ra chợ Thị trấn Long Thành cách đó khoảng năm bảy cây số đẩy xe ba gác hay làm phu khuân vác còn ai yếu đuối thì ở nhà làm cỏ vét mương lam lũ sống qua ngày...

 Đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, tôi thường ra ngồi toòng teng trên chiếc võng mắc ngoài hiên nhà. Hút thuốc. Đọc sách vặt. Những ngày cuối đông dài như bất tận. Buồn bã. Mây thấp và ẩm mang đầy hơi sương lạnh lẽo. Ngoài kia cánh đồng còn trơ gốc rạ sau vụ Đông xuân. Nhạt mờ khói quyện. Tôi nghe như có sợi khói nào đang len thật nhẹ vào trong mắt. Tròng mắt rưng cay! Những bước chân oai hùng chinh chiến ngày nào giẫm mềm sỏi đá, ngang dọc đó đây. Giờ chỉ còn là niềm thương, nỗi nhớ. Nhớ những thằng bạn đã liệt oanh nằm xuống giữa chiến trường hôm nào tôi vuốt mặt. Những bạn bè bỏ nước ra đi sống tha phương nơi đất khách quê người. Đời họ giờ ra sao? Nhớ những thằng bạn tù gian khổ hạt muối sẻ chia! Thương những anh em Thương phế binh QL/VNCH đang lê lếch tấm thân tàn, sống kiếp ăn xin nơi đầu đường xó chợ...

 Ngoài kia lơ thơ một vài cánh én báo hiệu Xuân về!

 Lâu lắm rồi, tôi không ra uống càphê ngoài phố chợ. Phần vì bận công việc mùa màng, phần vì tù "cải tạo" mới về nên không dám la cà nơi quán xá, lỡ "chín người mười miệng", nói phạm chính trị sẽ bị họa lây. Thậm chí, những anh em tù cũ gặp nhau, chỉ chào hỏi qua loa rồi đường ai nấy đi, không dám chuyện trò lâu, sợ có bọn chó săn làm "ăng teng" dòm ngó theo dõi...

 Thời gian này rảnh rỗi. Vợ chồng tôi chở nhau trên chiếc xe "đạp thồ" (loại xe đạp được cải tiến các bộ phận mới chắc chắn hơn) ra chợ Long Thành mua sắm ít đồ dùng chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

 Mưa lất phất. Gió nhẹ. Trời se lạnh. Dường như cái lạnh của mùa Giáng Sinh năm nào còn lảng vảng đâu đây. Tôi vào quán chú Bảy Cử, nằm ở dãy phố phía bên trái của chợ, uống càphê cho đỡ lạnh. Người ta thường gọi là quán chú Bảy "Okê". Quán có từ trước năm 75, khá khang trang, bán các món nhậu đặc sản về thịt rừng, đặc biệt nổi tiếng món gỏi bao tử nhím. Hồi còn ở trong Quân đội những lần nghỉ phép, tôi cùng bạn bè thường đến nhậu ở đây. Bây giờ chú cũng "cách mạng" lại chỉ còn một quán nhỏ, eo xèo, bán càphê, cơm, cháo bình dân. Chú Bảy "Okê" không biết tiếng Mỹ, nhưng mỗi khi ai gọi bất cứ món ăn gì, chú cũng nói "okê" trước, rồi mới làm sau. Vì vậy, người ta gọi chú là chú Bảy "Okê" gọi miết rồi thành quen cho tới bây giờ. Vợ chồng chú Bảy vẫn còn nhớ tôi. Không gặp mới có mấy năm mà họ đã già và tiều tụy đi nhiều. Nếp buồn trên mặt mọc thêm nhiều rễ và hằn sâu như nỗi buồn dân tộc. Hai vợ chồng chú thấy tôi bước vào quán thì nhận ra ngay. Mừng rỡ. Chú tươi cười giòn giã, vỗ mạnh vào vai tôi:

 - Dữ hôn! Từ ngày "giải phóng" tới giờ Trung Úy mới bước ra chợ!

 Tôi vừa nghe chú gọi đến cấp bậc cũ của mình thì hết hồn, hết vía, mặc dù biết chú ấy vô tình chỉ gọi theo thói quen của thuở nào! Tôi nhìn dáo dác chung quanh, rồi gượng cười đáp lại và nói khẽ vừa đủ cho chú ấy nghe:

 - Úy, Tá gì nữa chú ơi! Làm phó thường dân còn chưa xong!

 Thím Bảy như hiểu ý, quát chồng:

 - Ông này! Đừng nói đùa như vậy, lỡ gặp mấy tên cán bộ quản lí chợ đi ngang nghe được thì không tốt cho chú Ba.

 Thật vậy, hơn sáu năm tù và gần hai năm "quản chế", bây giờ tôi mới ra chợ, thấy cái gì cũng lạ, cũng đổi thay. Tôi như người Thượng già vừa xuống chợ Kinh, ngơ ngác, lạc lõng!...

 Bên trong lòng chợ, dường như có sự xáo trộn, cãi vã ì xèo, đá thùng, đổ gánh... Phía đầu chợ, dăm ba bà lão lưng còng, áo rách nón tơi, quảy gánh cau trầu, rau quả vừa chạy xiểng niểng vừa ngó láo liên xung quanh, vẻ mặt sợ hãi như bị ma đuổi. Phía cuối chợ, một số người khác cũng đẩy xe, bưng mẹt, gồng gánh chạy tán loạn, lăng xăng, xuôi ngược như kẻ trộm tìm nơi lẩn trốn... Tiếng chửi thề, văng tục, tiếng chắc lưỡi than vắn thở dài... và những cái lắc đầu chán nản...

 Chú Bảy thấy tôi có vẻ chăm chú, suy nghĩ về những chuyện xảy ra ở chợ, nên giải thích:

 - Dạo này "mấy ổng" áp dụng chính sách "kinh tế xã hội chủ nghĩa"chủ nghiếc gì đó, ép buộc những bạn hàng buôn bán cá thể vào “hợp tác xã”, nên làm ăn buôn bán khó khăn lắm chú ơi!

 Mấy anh em cùng xóm còn khỏe mạnh, lên mùa, cũng mò ra chợ kiếm sống bằng nghề "thợ đụng", đụng đâu làm đó, đụng ai mướn gì thì làm nấy. Có lần, một ông lão tuổi gần mừng "đáo tế", chở bà vợ có bầu còn trẻ măng đáng tuổi con lão đi chợ (có lẽ là thứ thiếp hay tam thiếp gì đó cũng nên). Thình lình bả chuyển bụng đẻ, ngay giữa chợ. Ông lão sợ quá, quýnh đuốc gọi tìm người cứu giúp. Cũng may nhờ có thằng Ba Tiền ở cạnh nhà tôi đang đứng xớ rớ, chờ người mướn việc. Thấy vậy nên ra tay tương trợ, phụ bế bà lên xe chở đến bệnh viện. Nửa đường bả "khai hoa nở nhụy" mẹ tròn con vuông, ông chồng mừng hết lớn, hậu tạ rất khá. Khi về, nó kể lại, ai nấy cũng tức cười nôn ruột, và gọi nó là "Ba đỡ đẻ" sau đó chết danh luôn. Tội nghiệp cho thân phận người lính VNCH oai hùng ngày nào, giờ phải ra chợ lăn lóc làm bất cứ công việc gì miễn chiều trở về nhà xách trên tay vài bó rau, một túm gạo, cùng vợ con hủ hỉ sống qua ngày là hạnh phúc lắm rồi! Anh Năm Lẹo, thằng Ba Tiền, thằng Tư Giàu, anh Bảy Xiệng...nhìn thấy tôi lâu ngày ra chợ uống càphê cũng rủ nhau chạy vào quán. Ai nấy mình mẩy cũng ướt đẵm mồ hôi, mặc dù bên ngoài trời mưa và gió lạnh! Thằng Tư Giàu nhanh miệng hỏi lia:

 - Anh Ba ăn uống gì chưa? Kêu đi em đãi!

 Nãy giờ tôi cứ mải lo nhìn quanh, ưu tư chuyện nắng mưa thiên hạ, mà quên mất mình vô quán để làm gì! Tôi như con thuyền mắc cạn lâu ngày, giờ trở về voi, vịnh nhỏ cũng cảm thấy ngỡ ngàng! Chú Bảy vui vẽ mời tôi:

 - Chú Ba uống càphê sữa nghe và hút một vài điếu "Sàigòn giải phóng". Phê lắm

 - Sang quá, người ta tưởng lầm mình là Cán bộ. Ớn lắm chú ơi! Thôi cho con càphê đen được rồi. Tôi trả lời. Anh Bảy Xiệng xúi vô:

 - Lâu ngày mà anh Ba! Phê một bữa có nhằm nhòi gì đâu mà sợ!

 - "Ôkê". Chú Bảy xăng xái trả lời. Rồi u vào trong pha càphê.

 Bàn bên kia, có một người bị thương tật. Hình như anh ta đang hát dạo kiếm sống. Uống xong càphê, anh mang cây đàn lục huyền cầm (loại đàn cổ nhạc có sáu dây) lên vai, tay cầm cái ca nhựa đựng tiền bố thí, khó nhọc đứng lên, thân hình ốm yếu như đang treo lơ lửng trên đôi nạng gỗ. Khập khễnh lê bước đến quày tính tiền, ngoái mặt nhìn về hướng chúng tôi. Trong lúc chúng tôi đang phì phà khói thuốc, mãi mê tán gẫu về chuyện đồng, chuyện chợ, chuyện Tết Nhứt sắp tới... Anh ta vừa gọi chú Bảy tính tiền vừa đưa tay chỉ về phía bàn chúng tôi:

 - Chú Bảy, tính luôn tiền bàn anh Ba Hòa dùm con!

 Chú Bảy lấy làm lạ, nên dùng lời từ chối khéo:

 - Tư Thâu mày đừng lo, bàn chú Ba Hòa có người trả tiền rồi

 - Chú Bảy làm ơn cho con trả chút đỉnh tiền để đền ơn anh Ba ngày trước mà chú Bảy! Tư Thâu năn nỉ.

 Cả bọn chúng tôi đều ngạc nhiên. Khi nghe người hát dạo tên Tư Thâu đòi trả tiền càphê để đền ơn tôi. Cùng nhau trố mắt nhìn anh dò hỏi. Một thoáng suy nghĩ, tôi cố nhớ ra sự quan hệ giữa tôi và Tư Thâu. Không tài nào nhớ nổi, tôi đành mời anh ta đến ngồi chung bàn với ý định tìm hiểu cho ra lẽ về sự quen biết giữa tôi và Tư Thâu. Tôi gợi chuyện:

 - Xin lỗi anh Tư Thâu. À, thôi để tôi xin phép gọi bằng chú em đi hén, cho nó thân mật. Tôi đoán không lầm chắc chú nhỏ tuổi hơn tôi. Xin được hỏi chú, không biết vì sao chú lại đòi trả tiền càphê để đền ơn tôi. Thiệt tình tôi không nhớ là đã quen chú ở đâu, bao giờ và giúp chú điều gì mà chú mang ơn tôi?!

 Tư Thâu chậm rãi ngồi xuống, đối diện với tôi. Thận trọng để cặp nạng gỗ qua một bên, rồi lấy cây đàn để xuống một bên, cây đàn trượt ngã. Tôi vội huơ tay đỡ lấy. Thốt nhiên, tôi có cảm nhận như mình đã gặp cây đàn ấy ở đâu. Dường như trong tiềm thức xa xưa... Lưng cần đàn lõm sâu thành một hình vòng cung vì động tác vuốt lên, vuốt xuống nhiều lần của lòng bàn tay. Thùng đàn có nhiều mảnh gỗ thông bị bung sứt và mất hẳn đi cũng như nửa phần thân thể của Tư Thâu đã bị chiến tranh cướp mất. Tạo hóa đã sanh ra vạn vật muôn loài. Trong đó có loài người và đã ban cho họ đầy đủ về thể xác lẫn tinh thần cũng như những đặc quyền thiêng liêng là tự bảo vệ cùng với những phương tiện để bảo vệ, gìn giữ những gì mình đã có. Nhưng than ôi! Cũng bởi vì lòng tham vọng của loài người mà chính họ đã tự hủy diệt họ bằng những loại vũ khí giết người khủng khiếp nhằm phục vụ cho sự tranh giành chiếm đoạt, gây ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, đẫm máu và phi lý. Thật oan nghiệt và đáng nguyền rủa!

 Tôi nhìn Tư Thâu thật kỹ để cố hồi tưởng lại, may ra còn nhớ phần nào. Tư Thâu nhỏ hơn tôi khoảng bốn, năm tuổi nhưng tóc đã điểm sương như tôi. Mặt vuông, mày rậm, mắt bên phải nhỏ lại và xếch xuống, hình như bị thương chớ không phải dị tật. Mép miệng phải cũng bị khâu vá, nên khi cười chỉ nhếch nửa bên trái, có lẽ nhờ vậy mà nụ cười thêm duyên dáng cũng nên! Tay trái còn nguyên vẹn và khỏe hẳn ra. Tay phải teo lại chỉ còn cử động được ngón trỏ và ngón cái. Chân phải bị cụt lên quá gối. Chân trái cũng teo nhỏ lại chừng bằng cổ tay người lớn, ngay đơ như cán cuốc, không co vào và duỗi ra được. Tư Thâu mặc quân phục, trên vai áo còn mang huy hiệu của Sư Đoàn 23 BB QL/VNCH, nhưng chiếc quần thì cắt lửng quá gối, để đi đứng cho dễ dàng hơn. Đầu đội mũ lưỡi trai nhà binh, che khuất nửa vầng trán rộng đầy những nếp phong trần! Tư Thâu khiêm tốn chào tôi:

 - Chào anh Ba! Anh quên em rồi sao?

 - Tôi không nhớ. Nhưng dường như tôi đã gặp chú ở đâu đó thì phải!

 Tôi khép mắt lại, suy nghĩ mơ hồ về dĩ vãng mà mọi thứ hầu như đã đi vào lãng quên. Có nhiều chuyện người ta muốn quên đi nhưng cứ lãng đãng trở về, còn có những chuyện cố nhớ thì lại trôi xa biền biệt... Chuyện đời đúng là một nghịch lý phũ phàng!

 Chú Bảy thấy bầu không khí không được vui, nên đem ra một lít rượu đế và một dĩa lòng bò xào cải chua. Xăng xái mời:

 - Đây là món mồi ruột của tui, dùng để nhấm rượu cữ. Sẵn đây tôi xin đãi chú Ba và mấy anh em nhậu chơi cho ấm bụng.

 Anh Năm Lẹo thuộc loại "sâu rượu" thấy rượu ngon mà mồi lại hấp dẫn nên mê tít thò lò. Tỏm tẻm khen lấy lòng chú Bảy:

 - Chà! Hôm nay có Ba Hòa ra chợ chú Bảy chơi điệu nghệ quá ta!

 Rồi không cần ai mời, tự tay anh rót rượu, nốc một hơi cạn nhách ly "xây chừng", gắp miếng lòng bò đưa cay, lấy tay quẹt miệng, khà một tiếng, trông thiệt ngon lành quá chừng. Đúng là dân nhậu sành điệu! Chú Bảy cùng mấy anh em còn lại cũng "tham gia" mỗi người nửa ly "xây chừng". Tôi và Tư Thâu cũng "cưa đôi" mỗi người phân nửa. Nhìn Tư Thâu tôi hỏi tiếp:

 - Vậy chớ hồi trước chú đi lính thuộc đơn vị nào. Bị thương ở đâu. Và anh em mình quen nhau trong trường hợp nào. Thiệt tình, lâu quá tôi không còn nhớ nổi. Chú nói nghe coi?

 Mặc dù tôi biết Tư Thâu là Thương phế binh QL/VNCH. Nhưng thời buổi bây giờ làm ăn khó khăn. Những người thi ơn bố đức, họ cũng đắn đo khi bỏ tiền bố thí cho những kẻ ăn xin. Sau một thời gian sống với chế độ cộng sản, dân chúng đã thấm thía được cảnh dân tình thống khổ điêu linh. Vì thế, họ đã nghĩ lại mà thương xót cho thân phận của những anh em Thương phế binh QL/VNCH nên hết lòng thương yêu giúp đỡ. Thấy vậy, mấy tên phế binh "giải phóng quân VC" đi ăn xin cũng bắt chước mặc quân phục và mang huy hiệu của các đơn vị lính Quốc gia hầu kiếm tiền từ những người bố thí. Vàng, thau lẫn lộn khó mà phân biệt được!

 Tư Thâu cười buồn nhìn tôi trầm giọng:

 - Anh Ba quên em thật rồi sao? Để em nhắc lại chắc anh nhớ. Vào cuối năm 71, tiết trời cuối Đông lành lạnh. Anh Ba là Thiếu úy BB về phép, đang ngồi nhậu chung với mấy người bạn trong quán chú Tư Sún, em là phế binh, chỉ đàn ca cổ nhạc mong được sự bố thí của những người thiện tâm hầu kiếm đồng tiền bát gạo về nuôi mẹ già đang bệnh hoạn ốm đau. Lúc đó anh Ba đang ngà ngà say, gọi em lại và bảo em ca cho anh nghe sáu câu vọng cổ "Tần Huỳnh Khóc Bạn". Em ca vừa dứt, anh vỗ tay khen giọng hát em quá mùi làm anh muốn khóc. Nhưng em nhìn thấy mắt anh đã rướm lệ từ lâu. Anh móc túi lấy ra một xấp giấy bạc còn mới toanh (dường như vừa mới lãnh lương) giúi hết vào tay em và nói: "Anh thưởng cho chú mày đó, từ nay tới Tết ở nhà lo chăm sóc và vui Xuân với mẹ, khỏi đi đờn ca kiếm ăn nữa!". Thấy tiền nhiều quá em không dám nhận. Anh quát to: "Nhà binh! Không được cãi lệnh!". Em cúi đầu cám ơn mà lòng phập phồng lo sợ, dự định cáo từ. Bỗng anh kêu lại hỏi thêm: "Chú mày hồi trước ở đơn vị nào, sao bị thương nhiều dữ như vậy, nói cho anh nghe thử coi? Rồi anh kéo ghế mời: "Lại ngồi gần đây, nhậu lai rai vài ly cho ấm lòng chiến sĩ "Huynh đệ chi binh" mà chú mày". Em còn nhớ lúc đó ngoài trời cũng lất phất mưa như hôm nay.

 Tư Thâu ngừng kể. Đưa mắt nhìn ra ngoài. Từng đợt mưa bay qua nóc chợ, bụi mưa như một lớp sương phủ mờ góc phố. Trời buồn. Mưa buồn. Lòng người cũng buồn như mưa. Giờ đây, vận nước đã đổi thay, nên cái gì cũng thay đổi. Làng quê thay đổi, phố xá thay đổi, nhà cửa, xe cộ kể cả con người cũng thay đổi...Nhưng chỉ có tấm lòng của những người lính cùng chung giới tuyến, cùng chung lý tưởng năm nào và những cơn mưa thì không bao giờ đổi thay! Phải chăng mưa là những giọt lệ đau thương muôn đời từ trời‎ cao đổ xuống tưới mềm nhân thế! Tôi thấy vài hạt mưa lạc loài rơi trong tròng mắt của Tư Thâu. Với nét mặt u buồnTư Thâu kể tiếp:

 - Em tên Nguyễn Ngọc Thâu, em thứ Tư nên anh em thường gọi là Tư Thâu, Trung sĩ I thuộc Sư Đoàn 23BB, đóng quân ở một Buôn nhỏ thuộc quận Cheo Reo tỉnh Phú Bổn. Chiều cuối năm 70, cao nguyên đầy sương mù và gió lạnh. Em thấy có một chiếc trực thăng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ bị bắn rơi gần nơi Tiểu đội em đi tiền đồn. Em liền điều động Tiểu đội đến tiếp cứu, cũng may còn sống sót được một Phi công Mỹ. Lúc đó địch cũng đang tấn công rát lắm. Một quả B40 nhắm ngay viên Phi công bắn tới. Phản ứng tự nhiên của người lính tác chiến quyết tử để cứu nguy đồng đội dù là Quân lực VNCH hay Đồng minh, em liền ra lệnh Tiểu đội xung phong chống trả mãnh liệt và em đã lãnh đủ viên đạn B40 thay cho viên Phi công. Em bất tỉnh ngay sau đó. Trong lúc mơ màng, em nghe dường ông nói gì đó và lấy đi miếng thẻ bài trên cổ em đồng thời nhét vào túi em một mảnh giấy. Tư Thâu uống cạn nửa ly "xây chừng" còn lại. Khẽ lắc đầu tiếp:

 - Sau này, khi nằm ở Quân Y viện, em mới biết người em cứu sống là một Đại úy Phi công Mỹ tên Scotte. Ông ấy chỉ bị thương nhẹ và được đưa đi điều trị ở nước ngoài. Còn thương tích nặng nề thì em đã gánh cho ổng hết rồi. Từ đó em thành một Thương phế binh cấp độ tàn phế 100% như anh thấy!

 Cả quán im lặng lắng nghe Tư Thâu kể chuyện đời mình. Mồi hết. Rượu cạn. Mưa vẫn rơi. Khói thuốc tỏa lờ mờ trên gương mặt u buồn của Tư Thâu như sương khói miền cao nguyên đất đỏ ngày nào, nơi mà máu và nửa phần thân thể của Tư Thâu cũng như của biết bao chiến sĩ QL/VNCH đã vùi sâu vào lòng đất mẹ thân thương! Chú Bảy thở dài:

 - Thằng Tư Thâu gan dạ quá. Nghe nó kể giống như trong chuyện "cinê"!

 Anh Bảy Xiệng vội vàng kéo tay áo nhà binh bạc màu lên, để thò ló ra cánh tay trái cùi cụt gầy nhom còn bàn tay thì đã gởi ngoài chiến địa. Đưa qua, đưa lại nhìn mọi người sảng khoái nói:

 - Tôi cũng vậy, hồi đó tôi đi lính Sư đoàn 18BB, vì tiếp cứu một chiếc thiết vận xa của Quân đội Úc Đại Lợi bị mấy cha nội trong rừng bắn cháy tại mật khu Hắc Dịch nên mới bị thương như vầy nè!

 Còn nữa... Còn rất nhiều những mẩu chuyện về người Thương Phế binh QL/VNCH đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ từng tất đất quê hương. Chú Bảy đem tiếp mồi và rượu ra. Thím Bảy vui vẽ mời:

 - Lần trước Chú Bảy đãi, lần này Thím đãi. Lâu nay mới nghe được chuyện đời lính của thằng Tư. Thím mời mấy đứa nhậu cho đỡ buồn!

 Tư Thâu chậm rãi uống nửa ly đế, khà một tiếng rồi kể tiếp:

 - Tết năm đó, mẹ em bị bệnh nặng lắm. May nhờ có tiền của anh Ba cho, em đem về mua cho mẹ chiếc chiếu mới, mền mới và ít lá dừa chằm, lợp lại mái chòi đã dột nát từ độ thu sang. Em ở nhà lo thang thuốc và chăm sóc cho mẹ. Đó cũng là cái Tết hạnh phúc nhất của mẹ con em. Mẹ thấy em có tiền nhiều như vậy, sanh nghi nên gạn hỏi đủ điều, bà nói: "Nghèo cho sạch, rách cho thơm đừng làm chuyện gì bậy bạ nghe con. Mẹ mà biết con làm điều gì không phải để có tiền về nuôi mẹ, mẹ thà chết chứ không xài tiền nhơ nhớp đó đâu". Em nói với mẹ là của một ông Sĩ quan tốt bụng cho khi ổng ngà ngà say. Em thề thốt nhiều lần mẹ mới tạm tin và đòi gặp cho được anh để bà cám ơn nhưng biết anh ở đâu mà tìm!

 Tôi mỉm cười:

 - Chuyện xảy ra đã hơn mười năm rồi mà chú vẫn còn nhớ. Tôi phục chú em mày thiệt. Còn tôi thì vô tình quên bẵng nó đi. Bây giờ chú định trả tiền càphê để đền ơn tôi hả?

 Tư Thâu khoát tay lắc đầu lia lịa:

 - Không phải đâu, anh Ba đừng nghĩ vậy mà tội nghiệp cho em. Em biết anh Ba "thi ơn bất cầu báo" nhưng "một miếng khi đói bằng một gói khi no", so với tiền anh cho ngày trước thì ly càphê của em có nhằm nhòi gì đâu!

 Đồng tiền ngày trước tôi đổi bằng xương máu mới có. Đồng bạc Tư Thâu ngày nay phải đổi bằng những giọt mồ hôi mà nên. Tất cả tiền chúng tôi kiếm được đều là những đồng tiền nhân nghĩa! Không như những đồng tiền bất lương của bọn tham quan ô lại đè đầu cỡi cổ bóc lột xương máu dân lành rồi đem rửa tiền bằng những cuộc truy hoan xa hoa phù phiếm thật đáng khinh tởm! Nghĩ về những bà mẹ hiền Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nghèo khổ đến đâu, cũng đều dạy con phải biết nghĩa nhân và lòng trong sạch ở đời. Tôi hỏi tiếp:

 - Sau đó, vị Sĩ quan Mỹ kia có giúp đỡ gì em không, và em có gặp lại ổng không?

 Với nét mặt dửng dưng, không hề có một chút gì trách cứ hay oán hận, Tư Thâu đáp:

 - Mấy năm đầu em có ý đợi chờ. Nhưng đó chỉ là hy vọng mong manh. Nếu ổng còn nghĩ nhớ tới mình đã đem mạng sống để cứu nguy cho ổng thì việc ổng tìm em đâu có khó (thẻ bài của em ổng vẫn còn giữ). Còn em tìm ổng chẳng khác nào mò kim đáy biển. Đã mười mấy năm rồi, chuyện ổng còn nhớ hay đã quên không quan trọng đối với em nữa. Mình thi hành nhiệm vụ của một người lính tác chiến mà. Phải hôn anh Ba?!

 Tư Thâu im lặng. Nhếch miệng cười. Nụ cười chua chát, đắng cay! Trái tim Tư Thâu bây giờ như một phiến đá chai lì phủ đầy rong rêu hoang phế, vì niềm tin đã bị đánh mất từ lâu! Nghe giọng nói tôi đoán biết Tư Thâu không phải người gốc gác ở Biên Hòa này, nên tò mò hỏi thêm:

 - Nghe giọng nói chắc chú không phải người miền này?

 Tư Thâu gật đầu: "Em ở miền Tây, làng Phước Hậu huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long"

 - Hèn chi, hồi đó giọng ca của chú cũng mùi mẫn giống như giọng danh ca Út Trà Ôn quá chừng! Ủa mà vì sao chú phải trôi giạt lên đây đàn ca kiếm sống?

 Đôi mắt Tư Thâu bỗng đăm chiêu như đang nhớ lại một quá khứ đau buồn nào đó đã trôi qua trong đời và dường như rơm rớm lệ:

 - Chuyện buồn lắm anh Ba ơi! Ngừng một chập, dường như để cố nén đi nỗi đau đang chực vỡ òa. Tư Thâu tiếp: "Hồi còn học Trung học ở dưới quê, em có yêu một cô gái tên Bé Lài. Chúng em ở cùng xóm, học chung trường. Khi em vào quân đội thì tình yêu ấy vẫn còn nồng thắm lắm. Nhiều người tấm tắc ngợi khen mối tình của chúng em rất chung thủy và là một đôi uyên ương trời ban, nếu nên vợ thành chồng chắc là hạnh phúc lắm. Nhưng sau khi em bị thương, thân hình tàn phế, người ngợm không giống ai, còn Lài thì nhan sắc càng ngày càng mặn mà, lắm người lành lặn sang giàu dòm ngó. Cuối cùng thì con sáo kia cũng bỏ em, bay qua bên kia bờ sông Tiền vui vầy duyên mới. Em quá đỗi đau buồn, một phần vì mình là thân phận Thương phế binh tật nguyền, một phần vì bị người yêu phụ bạc nên đành dắt mẹ lìa quê lên tận miệt này đàn ca kiếm sống qua ngày mong lãng quên đi nỗi đau đang dằng dặc trong lòng!".

 Thằng Ba Tiền nghe vậy, tức dùm cho cảnh ngộ của Tư Thâu nên mai mỉa:

 - Thôi bỏ đi Tư Thâu ơi! Đồ thứ lòng dạ đàn bà mà hơi nào buồn chi cho nó mệt!

 Thím Bảy ngồi bên trong lóng tai nghe thằng Ba Tiền nói vậy vội ra miệng thanh minh:

 - Đàn bà cũng có người vầy người khác, đừng ở đó mà quơ đủa cả nắm nghen Ba Tiền.

 Nãy giờ chị Sáu Lên bán cá kế bên thấy chúng tôi xúm xít nghe Tư Thâu kể chuyện cũng đến ngồi dựa lưng vào tường lắng nghe. Chú Bảy chỉ tay qua chị Sáu trêu chọc:

 - Như con Sáu Lên nè, hồi đó nó thầm yêu chú Ba Hòa và chờ đợi chú ấy mãi cho tới bây giờ mà vẫn chưa có chồng thấy chưa mấy cháu!

 Hồi còn nhỏ chị Sáu Lên học chung trường tiểu học xã Phước Thiền với tôi. Những lần nghỉ phép đến đây nhậu chú Bảy thường "cắp đôi" tôi với chị ấy. Bây giờ gần bốn mươi rồi mà vẫn còn độc thân. Nghe chú Bảy nói như vậy, chị mắc cỡ đỏ mặt. Đứng dậy, đưa tay chỉ về phía chú Bảy phe phẩy giống như mấy cô đồng bóng, hồn người cõi trên đang về nhập xác phàm:

 - Chú Bảy mắc dịch! Nói bậy bạ không hà! Rồi uốn éo thân hình ngoe nguảy bỏ trở ra hàng cá.

 Hai tuần lễ sau, hay tin mẹ Tư Thâu bệnh. Tôi đem mười lít gạo mới, tìm đến nhà thăm. Mẹ con Tư Thâu sống trong một căn chòi nhỏ cheo leo ở cuối ấp Trung Chẹt mút con đường vô Liên Kim Sơn, lợp bằng mấy tấm lá chằm đơn sơ, vách làm bằng những tấm bao cát nylon khâu lại. Mưa tạt gió lùa. Mẹ Tư Thâu nằm thiêm thiếp trên tấm sạp bằng tre đập giập ọp ẹp cơ hồ muốn rệu sập, nếu ai vô tình ngồi lên hơi mạnh một chút là sẽ đổ xuống ngay. Tư Thâu đang rướn mình lên đút từ từ từng muỗng cháo vào miệng mẹ. Bên ngoài trời mưa lất phất, những giọt mưa bay dính đọng trên từng sợi nylon bao cát rồi lặng lẽ rơi xuống như những giọt lệ khổ đau của hai mẹ con Tư Thâu đang chảy chan hòa vào trong nước cháo. Chắc bà cũng đoán trước là sắp sửa có cảnh "tử biệt sanh ly" nên đôi mắt già nua kia ứa ra từng giọt thảm sầu xót thương cho đứa con thân yêu đã mang thân tàn phế giờ lại phải chịu cảnh côi cút giữa chợ đời! Tôi nghe mắt mình chợt cay và không còn đủ can đảm để nhìn cảnh mẹ con Tư Thâu lâu hơn nữa. Ra về mà lòng tôi như dao cắt!

 Còn hai ngày nữa là ngày đưa Ông Táo về trời. Vợ chồng tôi ra chợ mua ít bánh mứt về cúng đưa Ông Táo sẵn dịp ghé quán chú Bảy "Okê" hỏi thăm về bệnh tình của mẹ Tư Thâu. Không ngờ Tư Thâu cũng vừa vào quán. Nhìn Tư Thâu có vẻ thểu nảo, mắt lệ chưa khô và vẫn những hành trang ngày nào mang theo bên mình. Tư Thâu ngồi bệt xuống ghế. Tôi dự định hỏi han về sức khỏe mẹ chú ấy. Như đoán được ý tôi, Tư Thâu khóc òa lên nói trong ngấn lệ:

 - Mẹ em đã qua đời cách nay hai tuần lễ! Em đến đây để từ biệt mấy anh. Chứ còn ở đây, hàng ngày nhìn thấy cảnh cũ. Nhớ mẹ, em không chịu nổi!

 Tôi nghe như có hàng vạn mũi kim đang đâm lún vào tim mình. Đau buốt. Trời ơi! Tư Thâu chỉ còn duy nhất một mẹ già, một tình thương cuối cùng để bám víu an ủi mà Thượng Để cũng nhẫn tâm cướp mất đi! Vợ chồng chú Bảy và những anh em quen biết với Tư Thâu cũng xúm lại chia buồn. Tôi gom hết tiền đi chợ trao cho Tư Thâu. Mấy anh em cũng moi hết tiền trong túi ra đưa cho chú ấy. Tư Thâu lau nước mắt, lắc đầu không nhận:

 - Các anh em đều có vợ con và ai cũng nghèo khổ hết, hãy để tiền lại lo phụ giúp gia đình. Còn em chỉ có một mình rày đây mai đó đàn ca kiếm sống qua ngày được rồi. Em xin cảm ơn tấm lòng tốt của anh em!

 Mắt chú Bảy đỏ hoe còn Thím Bảy một tay quẹt nước mắt, một tay cầm mớ tiền nhét vào túi hành lí của Tư Thâu. Thím nghẹn ngào:

 - Từ sớm giờ, thím bán được bao nhiêu gom hết cho thằng Tư mày, đem theo phòng thân.

 Trong túi hành trang của Tư Thâu vỏn vẹn chỉ có một bức ảnh bán thân của người mẹ già anh hằng yêu kính và dường như bà đang khóc cho số phận côi cút của con mình. Tư Thâu kéo chiếc mũ lưỡi trai thấp xuống, giấu lệ. Cúi đầu từ biệt.

 Tư Thâu khập khễnh len mình giữa dòng người xuôi ngược hối hả mua bán tấp nập của phiên chợ chiều cuối năm, cũng như rồi đây phải lê tấm thân tàn lăn lóc mưu tìm chén cơm manh áo giữa chợ đời đầy nghiệt ngã đau thương! Cây đàn bị gió thổi lắc lư, dây đàn chạm vào thanh ngang cây nạng gỗ kẹp trong nách Tư Thâu, vang lên những âm thanh bổng trầm như than như oán cho số phận hẩm hiu của một kiếp người, làm tôi bùi ngùi nhớ lại giọng ca ngọt ngào mùi mẫn qua sáu câu vọng cổ "Tần Huỳnh Khóc Bạn" mà Tư Thâu đã hát cho tôi nghe trong chiều mưa gió năm nào như còn văng vẳng đâu đây!...

 

 Kansas City, Xuân Nhâm Thìn 2012

 TRẦM MẶC HOA HUYỀN 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6715)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5886)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6949)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7357)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6378)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6079)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6647)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5432)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5295)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5606)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5529)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5579)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6043)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6825)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6843)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6190)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6119)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6280)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6465)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6919)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6582)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6965)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7036)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6826)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6437)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47155)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 67001)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24966)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 6003)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5985)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6300)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7031)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5536)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5778)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6392)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5661)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5476)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5940)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6424)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5485)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 6021)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6206)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6221)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8195)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7117)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6365)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8765)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7804)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7442)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7377)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu