1:57 CH
Thứ Sáu
19
Tháng Tư
2024

QUÊ HƯƠNG CÒN ĐỌNG NỔI BUỒN - BỌT BIỂN.

23 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 22540)

 QUÊ HƯƠNG CÒN ĐỌNG NỔI BUỒN

 Tôi về đến quê thì đã xế chiều. Xe qua cầu Rạch Tre, lòng tôi dâng trào nỗi xúc động trùng phùng. Quê hương thời thơ ấu đây rồi…

 Hàng cây bằng lăng hai bên đường dẫn vào thị trấn Uyên Hưng nay đã lớn, xòe tán rợp đường. Hoa tím bằng lăng một thời kỷ niệm yêu thích trong tôi, đang lan tỏa hương thơm như mừng đón đứa con xa vừa về đến quê nhà. Bằng lăng là loại cây gổ khá tốt, hoa màu tím đặc biệt có rất nhiều ở Tân Uyên. Mọc tự nhiên ở truông Bằng Lăng, Truông Đông, Trũng Chẳn, suối Tổng Nhẫn, suối Tố Hoa, mọc rải rác dọc sông Đồng Nai, sau nầy được trồng ở dốc Bàn Tay và các con đường của thị trấn Uyên Hưng. Quê hương sau nhiều năm xa cách, dường như có nhiều thay đổi mà tôi mơ hồ cảm nhận được.

 Đi lang thang suốt con đường xuyên qua thị trấn lên đến ngả ba Mười Muộn (Hiệp Hưng), mà tôi cứ ngỡ mình đang dạo phố đêm ở Hồng Kông, Thượng Hải hay một thành phố nào của Trung Quốc! Dưới tàn cây bằng lăng, đêm quê tôi toàn một màu đỏ, đỏ rực từ cờ xí, biểu ngữ thi đua lao động sản xuất mừng xuân, cùng hàng ngàn lồng đèn đỏ giăng qua lại suốt con đường trong thị trấn. Lồng đèn đỏ có hình hai đứa bé mặc “áo xá xẩu, đội nón bánh tiêu có đuôi sam Mãn Thanh và mấy hàng chữ Tàu. Tôi phải nhờ mấy Ông Tàu đọc dùm như: Cung hỉ phát tài, Tân xuân vạn phúc, Phúc lộc mãn đường, Ngũ phúc lâm môn…” Tôi không hiểu tại sao Tết của người Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam mà lại treo đèn kết hoa kiểu Tàu? Vậy mà mấy “ngài” cán bộ khen dữ lắm, họ bảo là phải chi ra bạc tỷ để cho đồng bào vui xuân đó? Một người quen đã nói với tôi: “Đáng buồn nhất là thay vì dùng tiền nhập lồng đèn Trung Quốc, sao không mua lồng đèn Hội An, để giúp bà con mình có công ăn việc làm. Đúng là đáng buồn thật, họ nô lệ đến tận xương rồi còn gì!

 Quê hương tôi bây giờ có vẻ chật chội hơn với nhà cửa, phố xá; rộn rịp hơn với quá nhiều xe cộ các loại, nhộn nhịp hơn với người từ các nơi khác đến ở. Tôi bỗng dưng trở thành người xa lạ ngay trên vùng quê hương mình sống mấy mươi năm. Còn đâu cánh đồng xanh trước trường Tiểu học, với biển lúa xanh rờn chạy dài qua rừng Cấm vào đến Hố Trào. Còn đâu những khi xong mùa gặt, cánh đồng khô nẻ đất đã thành “sân bóng đá chân không”, thành nơi thả diều của lủ trẻ chúng tôi? Tất cả đã không còn nữa, nơi đây được đổ đất làm nhà, cắt lộ ngang dọc tùm lum cho cái gọi là “lầu hoá”, là “đô thị mới”. Tôi không còn tìm ra cây Cốc Mõ nơi tôi phải thức “trắng dờ con mắt” hàng tuần lễ, để lấy nước ruộng lúa…cho cái gọi là lao động sản xuất biến sỏi đá thành cơm. Bây giờ dẹp ruộng để lầu hoá kiểu nầy thì chắc là biến: xi măng cốt sắt thành…bia…” Trường tiểu học Uyên Hưng kề bên dinh Quận ngày trước đã dời lên dốc Bà Nghĩa, nơi đây giờ là “Công Viên Văn Hóa” với đầy rác chung quanh với vài cây kiểng, cũng có sân khấu ca nhạc ngoài trời, có câu lạc bộ bi da; cũng có một cây cầu giăng dây rập khuôn của cầu Mỹ Thuận thu nhỏ, nhưng chỉ để ngó mà không để đi. Thật uổng phí, không biết người đề xướng công trình nầy “bỏ túi” được bao nhiêu?.

 Tôi tìm xuống con đường dọc theo bờ sông, đây là con đường đi học thuở bé mà tôi rất yêu thích vì có nhiều bóng cây, có nhiều bến vắng rất đẹp như bến ông Tư Lịch, bến ông Hội đồng Sâm, bến đò Bình Minh…Vào những ngày có môn thủ công, thì tôi thường đi học sớm hơn, đến bến đò lặn móc đất sét “nặn tượng” rồi mang thẳng đến lớp để Thầy chấm điểm. Con đường mòn ngày xưa nay được mở rộng tráng nhựa hẵn hoi, có đèn đường soi sáng, bờ sông được kè đá thẳng tắp. Vẻ thơ mộng ngày nào đã mất vì có nhiều ánh đèn màu chớp tắt, tiếng nhạc ầm ỉ vang ra từ các dàn loa của nhà hàng, quán nhạc và hơn tất cả là tiếng gầm rú của hàng đoàn xe gắn máy, “đua nhau dí bắt tử thần” trên con lộ kinh hoàng ven sông nầy. Ngay cả cây cầu đúc nối liền Uyên Hưng với cù lao Bình Hưng, cũng luôn là nỗi lo âu hàng ngày của các bậc cha mẹ, lỡ leo lên hàng tỉ phú nhờ bán đất để cung phụng cho các “công tử miệt rẩy” ngày nay. Nói đến chuyện bán đất, cũng có lắm kẻ khóc người cười và chính tôi vẫn không ngờ được.

 Trước khi sang Mỹ, tôi cho người hàng xóm miếng đất gò trồng cây bạch đàn khoảng một mẫu rưởi. Anh nầy kẹt quá kêu em vợ bán lấy mấy chỉ vàng. Mấy năm sau, người em vợ bán lại cho người khác được gần hai tỉ đồng ( tương đương 400 lượng vàng). Vài năm sau, người nầy bị nhà nước “qui hoạch” với giá 600 triệu (tương đương với 20 lượng vàng). Ai khóc, ai cười, riêng tôi nghe lòng nhẹ tênh vì mình đã đứng ngoài vòng chiến, hay nói theo nhà Phật thì “tấm lòng mình đã được gió cuốn đi…”

 Tôi có cái thú, buổi sáng đi long nhong ngoài đường, tiện đâu tấp đó, ăn sáng rồi mới đến trường hoặc đến nơi làm việc…Những ngày tháng ở Hoa Kỳ nầy càng làm tôi nhớ, càng làm tôi thèm những buổi ăn sáng như thế. Nhưng có lẽ đây cũng là cái thú của người Việt Nam và nhất là những người Việt ly hương, rất thèm những buổi sáng ngồi tán gẫu với bạn bè ở các quán cà phê. Nhưng các bạn có biết, tôi mất gần hai giờ đồng hồ để đi từ chợ Gò Vấp ra đến Dakao, mới ăn được dĩa bánh cuốn Tây Hồ. Muốn ăn được tô hủ tiếu Hải Nam trong Chợ Lớn, khi đến nơi thì đã tới giờ ăn trưa mất rồi…Lý do là xe cộ bây giờ nhiều quá và cũng là vì người lái xe không tuân theo luật giao thông. Điều đáng nói ở đây là trong sự ùn tắc giao thông, lại là do các công trình lỡ dở không cái nào ra cái nào; nơi nầy đào mương xẻ rảnh, nơi kia mốc ụ che tôn, rào chắn tùm lum trên đường…mọi người chen chút nhau, len lỏi chạy lên vĩa hè mà đi.Trong khi đó, trên vĩa hè thì nhà nào thì mạnh ai nấy bày biện hàng hoá, buôn bán ngay cả trên đường. Các công trình nầy được mọi người gọi là “công trình của thế kỷ”. Tôi chợt nhớ lại thời chiến tranh…có lẽ đã quen đào đường, đấp mô, phá cầu, phá cống cản trở giao thông nên các “đầy tớ nhân dân” cứ thản nhiên với cảnh tượng nầy. Dưới cái nắng như thiêu đốt ở Sài Gòn, khói xe hòa bụi bặm cùng tiếng nẹt ga gầm rú của các loại xe, hợp xướng cùng hàng loạt tiếng còi inh ỏi, cảnh tượng khủng khiếp cứ diễn ra hàng ngày...

 Bà dì tôi nhà ở ngã tư Hàng Xanh, bên nầy đường, mỗi ngày Bà phải sang trông cháu dùm con gái nhà bên kia đường, vậy là mất toi mỗi tháng sáu trăm ngàn đồng tiền xích lô đưa qua lại ngày hai lượt, may mà có ông xích lô trong xóm chịu lãnh bao tháng. Tôi ngồi xích lô vào Nancy thăm ông anh, xe phải len lỏi qua các ụ cản đến đường Phát Diệm thì kẹt luôn, phải quẹo xuống Cầu Kho kẹt ụ, quẹo lại lên Nguyễn Cư Trinh, trổ ra Cộng Hoà, xuống Trần Hưng Đạo cũng kẹt, quẹo lại Trần Bình Trọng đến chân cầu Chữ Y kẹt ụ, thế là quay về…khỏi thăm vì kẹt…kẹt…

 Buổi chiều trời mát mẻ, tôi bạo gan lấy xe Honda đi với ý nghĩ mình cứ bám sát lề chạy rề rề cũng tới. Đến ngả tư đèn đỏ, tôi dừng lại. Bỗng từ đàng sau có tiếng rít thắng cùng tiếng chử thề “Đ.M…đồ cù lần, đèn đỏ mà dừng”. Tôi sững sờ nhìn theo thằng bé mặt non choẹt đang chở một con bé tóc vàng ngồi vắt vẻo phía sau, mắt lơ láo ngoái lại nheo mắt nhìn tôi như quái vật, trong khi thằng bạn trai nó đang luồn lách như làm xiếc với dòng xe trước mặt. Tôi cũng không đủ thời gian để giận thằng bé vì mãi thót ruột lo âu cho tính mạng của nó…đến bây giờ mới thấy buồn, buồn vì ai biểu “ông già chấp hành đúng luật giao thông thì là đồ cù lần”. Nghe chuyện nầy, ông anh tôi phì cười. Vậy đó chú, tôi thỉnh thoảng cũng bị tụi nó chửi hoài. Năm ngoái, tui bị tụi nó lôi xềnh xệch cả trăm mét, bị què giò phải nằm nhà mấy tháng, may mà còn mạng. Giờ cần lắm tôi mới ra ngoài, ớn qúa.

 Con đường từ Bà Rịa ra Vũng Tàu được sửa sang, mở rộng, phân đường hẵn hoi rất đẹp. Những hàng cây dọc theo đường cũng được tỉa cắt rất đẹp.Những người xử dụng xe cũng chạy lung tung gây nên nhiều tai nạn thảm khốc.Tôi bỗng chú ý hàng cây to hai bên đường có hoa vàng to hơn bàn tay đang phất phơ trước gió, cả một đoạn đường dài mấy cây số toàn là hoa mai vàng giống nhau. Bác tài xế cười bảo: “Mấy ổng quởn quá nên gắn hoa mai cao su trên cây dái ngựa hoang phí vô ích, trông không giống ai, nhưng chắc bỏ túi bộn…”

 Về thăm lại chiến trường xưa, về tìm lại các chiến hữu của tôi năm nào, những người đã từng sát cánh cùng tôi chiến đấu bao năm. Mùa hè đỏ lửa 72, đợt ngưng chiến da beo tháng 1/73, đã hai lần tôi ngụy ngả trên chiến trường; những tình thần anh dũng hào hùng, những đôi vai dũng mảnh đầy thương yêu, đã thay nhau cỏng tôi vượt qua luôn cả bãi mìn Minh Đạm. Ơi! trung sĩ nhất Lời, trung sĩ nhất Phùng, thượng sĩ Từ, hạ sĩ Tam, hạ sĩ Lạc…các anh đã lần lượt ra đi. Thiếu úy Dậu với con đàn cháu đống nay đã là cố ngoại. Hạ sĩ Vốn nay đã lụm cụm không còn nhanh nhẹn, như thuở là mủi tiền sát của đơn vị! Tôi ghé lại Long Hương tìm gặp binh nhất Toàn, đã giải ngũ từ năm 72 vì bị thương chỉ còn một mắt, nay đã là ông nội của hai cháu và là ông ngoại của ba cháu. Quá ngạc nhiên, quá mừng rở. Toàn chỉ biết ôm chặt tôi, đập thật mạnh vào vai tôi rồi cười hăng hắc, rồi nhất định giữ tôi lại với một chầu nhậu tưng bừng. Toàn đã gọi dâu, rể, con, cháu về đầy nhà để giới thiệu:“ Một người anh, ông thầy, người hùng…vì dù bị thương nặng nhưng vẫn lo tiếp cứu, đem hết thương binh ra khỏi mặt trận rồi mới gục ngả…”.

 Ghé về Phước Hải, may gặp được trung sĩ Sáu, người hạ sĩ quan tình báo của đơn vị, cũng đang bước vào tuổi 70. Đã gần 3 giờ sáng, đôi bạn già say ngất ngưởng đang kè nhau đi trên con đường ngập tràn ánh đèn mầu và trống nhạc…Cả hai đang lần đi về phía đồi cát, cố tìm lại vết tích của đồn Bờ Mía, nơi cả hai một thời chiến đấu bám trụ trên “con lộ máu” nầy, nó như lưởi dao cắt đứt đường tiếp vận của các mật khu Mây Tàu, Lộc An về Minh Đạm. Đứng trên đồn cũ giờ chỉ còn trơ lại một đồi cát. Người cựu lính già rất vui vì những vườn cây ăn trái đã san lấp các hố bom, bãi mìn, chiến hào năm xưa. Đêm thanh bình quả thật bình yên, gió biển từ hướng đồn Long Phù mang hương biển và tiếng ầm ì của sóng làm ứa nước mắt người cựu binh…nhớ về Trường Sa và các chiến hữu, kẻ còn người mất, đời quả là phù du… 

 Tôi về ngả ba Lò Vôi để đốt cho chú sáu Đỏ một nén nhang. Ngày trước, chú là nhân viên Cảnh Sát bên khối đặc biệt phụ trách địch tình, mà tôi chỉ biết chú vài lần khi dự họp nghe báo cáo tình hình. Sau năm 75, những người ở lại phải ra trình diện tập trung cải tạo, tôi nghe tin chú Đỏ đã ôm vũ khí trốn vào mật khu Minh Đạm, cùng với vài người bạn tiếp tục chiến đấu. Gần hai năm len lỏi hoạt động tại các vùng như Lộc An, Mây Tàu, Hắc Dịch, An Ngãi, Bình Giả, Cẫm Mỹ đều có dấu chân của họ. Nhóm ly khai nầy đã bị truy lùng gắt gao và lần lượt bị bắn chết. Đến năm 77 thì chú sáu Đỏ đã hy sinh, và toàn bộ nhóm ly khai tan rả. Vài năm sau, một người trong nhóm chiến đấu đã liên lạc được gia đình chú, họ lén lút đem chú về an táng âm thầm tại đây. Có người biết chú có hành động liều, họ nói chú nào là “ bẻ nạn chống trời” nào là “đem trứng chọi đá”…Mặc ai nói thế nào, riêng tôi vẫn xem chú là một người hùng, chú đã hy sinh cho chính nghĩa dân tộc.

 Tôi còn người bạn học từ thời học tiểu học, trung sĩ Trần văn Nhặt vẫn vui sống ngạo nghễ với đôi chân cụt quá gối mà ngày 30/4/75, vừa tỉnh lại, anh phải tự bò ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ai đó tốt bụng đã tìm cho anh chiếc xe lăn và anh đã tự lần mò về quê. Về đến nhà, anh được biết trước đó mấy ngày, nhà anh bị trúng đạn cháy rụi, chị anh chết để lại đứa con 10 tuổi, gia đình anh phải tạm tá túc ở nhà người bà con. Mười mấy năm qua, với cây cuốc ngắn, anh đào mương liên tiếp trồng hoa, trồng rau. Anh còn học hàn thùng, gò đồ nhôm và bất cứ nghề gì để tìm kế sinh nhai. Nhìn những cục chai trên đôi bàn tay, làn da cháy nắng, mái tóc bạc sương, mấy ai có thể hình dung ra một chiến sĩ ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Anh vẫn ha hả cười vang khi gặp lại tôi, vẫn khề khà bên bạn bè cùng ly rượu để hát vang những khúc quân hành, những bài nhạc tình của lính bất chấp đôi chân bây giờ là hai cái ghế gổ thấp mà anh tự đóng…Có người nói anh hát nhạc vàng không sợ sao?. Anh cười nói: “Sợ chó gì, cùi thì không sợ lở, còn tao cụt rồi thì sợ gì nữa?”. Chỉ thằng cháu nội lên 5, anh nói: “Tao chỉ sợ thằng nầy thôi, bửa đó đang ngồi nhậu, nó đá trái banh bay vô bàn, tao rút ghế lên đở, nó khoái quá cứ rủ ông nội đá banh với con. Tao nói ông nội giò cẳng đâu mà đá, ông chỉ còn đủ sức bò lên giường đá với bà nội mầy thôi. Ai dè thằng nhóc, nó nói lại với bà nội nó, làm bả quê, bả cự tao quá xá…”

 Thời gian không bao giờ dừng lại, không ai có thể níu kéo lại những gì thuộc về quá khứ, dù bi thương hùng tráng, tủi nhục khổ đau. Chấp nhận cái hiện hữu hôm nay, mọi người phải đối mặt với cái vui buồn của nhau. Gặp lại tôi, cô gái giờ cũng đã gần 60, rạng rở mừng vui. Trên khuôn mặt xinh xắn ghi dấu một thời xuân sắc đã qua, vẫn không che dấu được nỗi buồn chìm sâu trong mắt. Nỗi buồn năm tháng theo thời gian vẫn không bị hao mòn mà ngày càng hằng sâu thăm thẳm trong tận đáy lòng. Mắt cô bỗng như xa xăm xám ngắt, cô nói với tôi: “Anh Hai, giá như ngày ấy…anh Danh cho em một đứa con thì hay biết mấy… cuộc đời em giờ cũng đở cô quạnh hơn”.Tim tôi như chùn đi mấy nhịp, nước mắt tôi cơ hồ như muốn trào tuôn. Tôi không thể chịu nổi hai tiếng: “giá như”! mà cô mong muốn. Tôi nhớ lại, người con gái ngất xỉu bên huyệt mộ em tôi ngày nào đã dứt khoát từ chối bao lời dạm ngỏ của những chàng trai sau nầy, để được sống trọn vẹn với tình yêu đầu đời năm xưa. Cái giá mà cô phải trả gần hết cuộc đời mình qua mối tình đầu với em tôi, mặc dù cả hai vẫn chưa có lần đính ước.

 Những vạt nắng cuối ngày còn vương lại đang buồn hiu hắt trên cành bưởi nơi góc vườn, vài sợi nắng nghịch ngượm len lén chạy ngang mặt cô…soi rọi những nét chân chim nơi cuối mắt. Tôi đã nhận ra một sự chịu đựng đớn đau, một nỗi cô đơn tuyệt vọng, một sức chống chọi với mọi thử thách quanh đời để cô được sống trọn vẹn với cuộc tình. Tôi bước vội ra hiên nhà để tránh cô nhìn thấy những giọt nước mắt tôi đang lăn dài trên má…Tôi đã khóc thật ngon lành và hình như rất lâu. Tôi khóc cho số phận ngắn ngủi của em trai tôi chỉ mới hai năm quân ngũ với số tuổi vừa ngoài đôi mươi. Tôi khóc cho phần số hẫm hiu của cô gái đơn độc mang khối tình sầu suốt mấy mươi năm. Nước mắt tôi cũng đã ẩn chứa trong lòng mình mang đầy hờn tủi trong nỗi đau vong quốc và những phiến băng phiền muộn của kiếp đời ly hương đang tan chảy trong tôi.

 Mãi lâu sau quay lại, cô gái đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ. Cô đưa tôi xem một khung ảnh nhỏ, khung không có ảnh mà chỉ có lồng bên trong là một trang giấy tập với mấy dòng chữ…tay tôi bỗng run lên, mắt lại mờ lệ vì nhận ra nét chữ quen thuộc của em tôi đang lung linh nhạc nhòa sau lớp kiếng: “ Cho dù chỉ đôi lần ghé qua đời em… anh đã chắc chắn…một điều duy nhất. Em, chính em mới là điểm dừng tốt nhất cho anh, con ngựa hoang! Nhưng… anh không muốn để em lại giữa dòng đời mênh mông một mình. Một mình em xuôi ngược, gian truân nặng gánh đầy…một mình em đếm bước… khổ nhục trỉu oằn vai…ôm khối tình sầu vô vọng…theo thoáng hương bay, bay về hư không…” Cô cho biết những dòng chữ nầy, em tôi đã viết nơi bàn học tại nhà cô lần cuối cùng mà em tôi từ đơn vị ghé về thăm cô. Mấy tháng sau em tôi tử trận. Cô giữ trang giấy nầy bên mình như một bảo vật duy nhất mà em tôi đã để lại cho cô, và cô nguyện đến chết vẫn mang theo.

 Tôi không biết chiến tranh đã làm dang dở bao nhiêu cuộc tình và còn đọng lại đến giờ bao nhiêu khối tình thủy chung son sắt như cô bạn của em tôi. Đã 36 năm trôi qua, những gì của quá khứ sao vẫn còn đọng lại, bao nỗi phiền muộn đớn đau trong hiện tại cho kẻ ra đi cũng như người ở lại. May mắn thay! tôi vẫn còn đó một chân tình…Xin cảm ơn đời vẫn còn giữ được cho tôi những người bạn chiến đấu oai hùng. Xin cảm ơn em, người con gái Việt Nam với mối tình thủy chung đỏ thắm…Vô cùng cảm ơn em, người tình của em trai tôi, bởi trong những ngày giá buốt lạnh lẽo của mùa đông nơi xứ người, tôi còn thấy được tia nắng hồng ấm áp ở phía trước, để tôi thấy cuộc đời còn đáng sống…

 Chính em và các bạn tôi đã giúp tôi đủ nghị lực vượt qua những ngày cuối của đời mình nơi đất khách…

BỌT BIỂN.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Hai 2021(Xem: 6699)
rong cơn bão tuyết khốn khó cho việc đi lại, thực phẩm khan hiếm, nhưng có “những tấm lòng vàng”
19 Tháng Hai 2021(Xem: 5868)
Sức khoẻ quý thật, nhưng quý nhất, trên cả sức khoẻ, là cái nhìn thấu suốt cuộc đời, sinh lão bệnh tử, để chấp nhận dễ dàng một khi sức khoẻ mất đi.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 6925)
Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẽ nằm nhai lại cỏ.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 7333)
để thấy mình vẫn còn loanh quanh đâu đó một nơi rất gần, tôi nghe thấy mình đang chạm trần vào mùi hương của tết.
12 Tháng Hai 2021(Xem: 6345)
Thời gian không là gì cả! Nếu không thể chạm được tay vào quá khứ, thì ta cũng còn đây ký ức để quay về
30 Tháng Giêng 2021(Xem: 6062)
“Công dưỡng dục suốt một đời lận đận Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm”
29 Tháng Giêng 2021(Xem: 6621)
Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5424)
nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn
17 Tháng Giêng 2021(Xem: 5284)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5583)
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 5523)
Dường như nước Mỹ có thói quen đi đêm. Cái gì cũng bí mật, cũng thông đồng có hiệu lệnh ngầm.
29 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5565)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
02 Tháng Mười 2020(Xem: 6020)
Sống Linh Thác thiêng, Xin Anh Phù Hộ cho toàn thể ACE / CH / ĐC THƯƠNG YÊU ĐOÀN KẾT CÙNG NHAU NẮM TAY QUYẾT TÂM ĐI ĐẾN ĐÍCH
30 Tháng Tám 2020(Xem: 6814)
sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.
28 Tháng Tám 2020(Xem: 6827)
Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần. Mà vẫn thấy chưa đủ.
23 Tháng Tám 2020(Xem: 6169)
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
16 Tháng Tám 2020(Xem: 6098)
hôm nay Thầy Phan Thanh Hoài không rưng rưng ngấn lệ, nhưng mặt đỏ bừng sau những ly rượu chúc mừng
06 Tháng Tám 2020(Xem: 6264)
như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.
14 Tháng Sáu 2020(Xem: 6450)
Rất mong chúng ta thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.
13 Tháng Sáu 2020(Xem: 6905)
Sài Gòn có một con phố cong queo một cách rất ngộ nghĩnh, được đặt tên là phố Cống Quỳnh. Thật là khéo, vì cách lập luận và hành động của ông Cống Quỳnh
29 Tháng Năm 2020(Xem: 6569)
Một chân thành cảm ơn đến tất cả các cố gắng vượt bực để thực hiện những bộ phim trong thời chiến, đặc biệt những phim nói về chiến tranh
12 Tháng Năm 2020(Xem: 6951)
cũng như không còn nhìn thấy anh đậu xe bên lề freeway 101 trong cái nắng chói chan để đón đợi và mời chúng tôi đến phở Lý
07 Tháng Năm 2020(Xem: 7020)
Vào trại chừng hai tuần, thì tôi gặp được người quen cùng quê ở Biên Hòa, chị Huệ và gia đình Cô Tư Kiên, thuộc toán áo xanh đến trước
05 Tháng Năm 2020(Xem: 6809)
Tôi luôn luôn kính nhớ ơn Trên đã ban cho chúng tôi phước lành, may mắn ra đi được trong ngày 30/4
29 Tháng Tư 2020(Xem: 6430)
Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?
25 Tháng Tư 2020(Xem: 47141)
một nén hương lòng thành kính tưởng nhớ đến anh Thủy, đến đồng đội của anh, và tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã "vị quốc vong thân"
13 Tháng Tư 2020(Xem: 66978)
mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ
13 Tháng Tư 2020(Xem: 24941)
Không biết phải dùng chữ gì thay cho ba dấu chấm đỏ đây?
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5981)
Cầu mong các thế hệ kế tiếp sẽ không bao giờ phải chịu những tổn thương tinh thần lẫn vật chất như chúng ta hôm nay
11 Tháng Tư 2020(Xem: 5978)
Bình an sẽ trở lại. Cầu nguyện cho Ngài thật sức khỏe và bình an.
10 Tháng Tư 2020(Xem: 6292)
Duyên chỉ cười nhưng chưa hứa nhận lời, không thể và có thể biết đâu còn cơ duyên.
09 Tháng Tư 2020(Xem: 7011)
Ôi! thời thơ dại, còn đâu nữa! Tuổi hoa niên, đèn sách miệt mài.
07 Tháng Tư 2020(Xem: 5520)
Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo
05 Tháng Tư 2020(Xem: 5765)
cũng như niềm an ùi của những ngày còn lại của cuộc sống nầy, là được gần gủi bên mấy con chó thân thương trong khoảnh khắc bình an
03 Tháng Tư 2020(Xem: 6378)
thế hệ con cháu tôi ngày nay không thể nào tìm lại được các giá trị ấy ngay trên chính quê hương của tôi
02 Tháng Tư 2020(Xem: 5649)
Tất cả mọi thứ đều bị hoãn lại từ các sự kiện quốc tế như Olympics, giải Vô địch bóng tròn Châu Âu, các hội nghị Khoa học, các buổi trình diễn
31 Tháng Ba 2020(Xem: 5462)
Đà Nẳng lúc đó người như nêm cối. Xe cộ in õi. Nóng nực vô cùng. Ai cũng vội vã chen lấn tìm đường đi
28 Tháng Ba 2020(Xem: 5924)
Cái thứ hai xin lỗi nước Mỹ vì đã vu khống dịch họa này là do quân đội Mỹ đưa Virus vào Trung Quốc.
25 Tháng Ba 2020(Xem: 6407)
Đêm cuối trong căn nhà cũ, tôi biết rằng mình không chỉ gánh trên vai một gánh quê hương.
24 Tháng Ba 2020(Xem: 5472)
Thương quá! Mồ mẹ cỏ đã xanh nhường kia mà các con vẫn khóc ngất. Thương quá
23 Tháng Ba 2020(Xem: 6008)
Đời như sóng nổi- Xóa bỏ vết người…” “Ai mang bụi đỏ đi rồi!
21 Tháng Ba 2020(Xem: 6201)
Anh hùng tử khí hùng bất tử, họ là những tấm gương một lòng vì nước vì dân, họ là những vị Tướng bất tử.
17 Tháng Hai 2020(Xem: 6210)
Tôi đang đợi tết cùng với quê nhà và cớ làm sao nghiêng về phía nào, tôi cũng nghe tiếng lòng mình rung động!
01 Tháng Hai 2020(Xem: 8162)
Quê hương mang nặng nghĩa tình,Quê hương tôi đó đẹp xinh tuyệt vời.
13 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 7096)
Tin hay không, tôi nghĩ đã có một Đấng Thiêng Liêng nào đó đưa đường dẫn lối cho ghe nhỏ của chúng tôi tới được bến bờ.
12 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 6344)
Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm, một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử Việt.
08 Tháng Mười Hai 2019(Xem: 8746)
Về thăm anh thôi. Hồ sơ em bảo lãnh anh sang với em bị bên kia người ta bác rồi
04 Tháng Mười 2019(Xem: 7792)
Vậy là 38 năm đã trôi qua, rồi câu chuyện bốn trăm năm chiếc cầu trên sông Drina, và còn biết bao chuyện của một thời chưa nói hết. Buồn!
22 Tháng Chín 2019(Xem: 7423)
Chúng tôi được họ cưu mang, dìu về căn nhà lá, đốt than rừng sưởi ấm tình người vào đêm thứ 41 trên tuyến đường vượt biển.
30 Tháng Tám 2019(Xem: 7351)
Tôi thường nghĩ cái gì của mình ắt sẽ tự đến, tự nhiên như cây cần có nước, như hết Hè lại sang Thu