WESTMINSTER, California (NV) – “Tổng cộng có 824 anh em sinh viên sĩ quan (SVSQ) nhập Khóa 5/72. Khóa khai giảng vào Tháng Tám, 1972. Mãn khóa ngày 30 Tháng Sáu, 1973. Khóa này đã được cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đặt tên là khóa ‘Kiên Quyết.’”
Cựu SVSQ Khóa 5/72 Nguyễn Hữu Hạnh, trưởng ban tổ chức, nói trong buổi “Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức họp mặt thường niên 2019” do Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức Nam California tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.
Sinh viên khóa “Kiên Quyết” này chính là sinh viên các trường đại học Luật Khoa, Khoa Học, Vạn Hạnh, Minh Đức, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Hòa Hảo,… đã xếp áo thư sinh để vào Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức theo lệnh tổng động viên của chính phủ VNCH Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Hơn 45 năm qua, không biết bao nhiêu nhân tài của đất nước phải rời xa mái trường đại học để đáp lời sông núi. Không biết bao nhiêu mái đầu xanh tân sĩ quan được về nhiều đơn vị của Quân Lực VNCH trên khắp bốn vùng chiến thuật. Đến cuối Tháng Tư, 1975, dù rằng quê hương không còn bom đạn, nhưng trong thâm tâm của các anh vẫn còn nỗi đau là chưa làm tròn nhiệm vụ của người trai trong thời chinh chiến.
“Xin tạ lỗi với đồng bào miền Nam và quê hương tổ quốc, cựu SVSQ Khóa 5/72 còn một nửa đoạn đường chiến binh chưa hoàn tất,” Nguyễn Hữu Hạnh ngậm ngùi chia sẻ.
Ông Lê Minh Bền đến từ San Jose tâm tình: “Nhớ đến kỷ niệm trong thời gian tập huấn thì điều tôi không bao giờ quên được đó là bị các huynh trưởng ‘đì quá mạng.’ Có khi bị oan ức, nhưng không nói được nên lời mà phải chấp nhận thôi, vì đó kỷ cương rèn luyện trong thời gian tập huấn của quân trường là phải chấp nhận mọi gian khổ để xứng đáng là người quân nhân của Quân Lực VNCH.”
Giờ đây, hằng năm trên đất khách, họ quy tụ về để ôn lại những thời gian tập huấn tại Quân Trường Mẹ Thủ Đức, và những lúc xông pha nơi chiến trường. Có những lúc người ta có thể quên đi những quá khứ, nhưng các cựu SVSQ Khóa 5/72 không thể quên đi tình đồng đội, tình chiến hữu trên khắp nẻo đường chinh chiến.
Anh Nguyễn Quang Định, hiện là cư dân Garden Grove, cho biết: “Khóa 5/72 Kiên Quyết có người đã chết khi đang còn thụ huấn, chết khi đi chiến dịch, và chết khi chưa được mang lon chuẩn úy. Khi chúng tôi chưa ra trường, vì tình hình chiến sự sôi động nên phải đi chiến dịch cùng với các đơn vị tác chiến ngoài tiền tuyến, cho đến ngày ra trường thì chúng tôi trở về Quân Trường Thủ Đức để làm lễ tuyên thệ và được gắn lon chuẩn úy. Sau khi về đơn vị thì chỉ còn 738 sĩ quan được tăng cấp thiếu úy. Suốt thời gian chinh chiến đã hy sinh rất nhiều trên những chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam.”
Anh Nguyễn Đình Bích, cư dân El Monte, kể: “Sau khi ra trường, tôi được về ngành quân báo, đơn vị cuối cũng là trưởng Phòng 2 của tiểu khu Hậu Nghĩa. Mặc dù đơn vị của tôi không tác chiến, nhưng rất quan trọng vì phải lấy lời khai của tù binh cộng sản. Lúc cộng sản chiếm miền Nam, tôi bị đi tù hết sáu năm. Có thể nói, các cựu SVSQ Khóa 5/72 đến ngày chấm dứt chiến tranh thì đã hy sinh gần phân nửa. Đây là sự hy sinh không ít đối với những người thanh niên trong thời chiến, mà họ chính là những sinh viên của các trường đại học tại miền Nam. Trong thời chiến, tôi rất đau lòng khi nghe tin có vài người bạn cùng khóa của mình đã tử trận tại chiến trường, và đau lòng hơn, khi chứng kiến người bạn đồng môn của mình đã chết trong ngục tù cộng sản.”
Tàn cuộc chiến, rất nhiều bạn đồng môn Khóa 5/72 vẫn chưa lập gia đình, vì thời cuộc khó khăn, vì thân phận cựu tù binh cộng sản. Đến khi được ra hải ngoại thì họ mới tìm được người phối ngẫu của mình theo duyên tiền định, khi tuổi đã ngoài bốn mươi.
Bà Phan Lan, vợ của cựu SVSQ Khóa 5/72 Lê Đào Duyến, tâm tình: “Trước kia, chồng tôi là một giáo chức, rồi sau nầy anh tuân theo lệnh động viên được trở thành một sĩ quan của Quân Lực VNCH. Chúng tôi quen biết nhau vì ngày xưa tôi cũng là một cô giáo. Theo chồng tôi kể, các cựu SVSQ Khóa 5/72 đã có những kỷ niệm không quên được từ lúc còn trong quân trường và trong đơn vị chiến đấu. Ra hải ngoại, tình chiến hữu của các anh vẫn còn gắn bó nên chúng tôi rất ngưỡng mộ, và hạnh phúc được làm vợ của một chiến sĩ trong Quân Lực VNCH.”
Bà Bích Trần, vợ của cựu SVSQ Khóa 5/72 Trần Văn Nhy, kể: “Ba của tôi là một quân nhân của Quân Lực VNCH. Tôi được sinh ra và lớn lên trong khu gia binh nên ngày xưa tôi rất thích các anh lính. Khi sang Mỹ, tôi gặp chồng tôi trong tại Pennsylvania, nhưng khi mới gặp nhau, tôi chưa biết anh Nhy là cựu quân nhân, vì duyên nợ đã khiến chúng tôi thành vợ chồng. Sau nầy, tôi mới biết chồng của tôi là cựu SVSQ khóa 5/72, thì tôi lại càng yêu quý chồng tôi hơn. Cứ mỗi lần họp mặt như thế nầy, thấy màu áo lính thì tôi như được sống lại thời tôi còn tại khu gia binh lúc còn bé.”
Trong số các niên trưởng đến dự, ông Nguyễn Trọng Thu, SVSQ Khóa 12/ Thủ Đức, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Nam California, bày tỏ: “Kỷ niệm ngày ra trường hơn 45 năm của Khóa 5/72 cũng là ngày vui của các anh em đồng môn của cựu SVSQ Thủ Đức. Mặc dù Quân Trường Mẹ Thủ Đức của chúng tôi không còn nữa, nhưng tinh thần ‘Cư An-Tư Nguy’ của cựu SVSQ Thủ Đức và tình huynh đệ đồng môn của chúng tôi vẫn còn mãi mãi. Vì vậy, trong ngày vui họp mặt của khóa đàn em, chúng tôi phải đến dự, vì đây cũng là ngày hạnh phúc họp mặt của những người lính già xa quê hương.”
Buổi họp mặt thường niên còn sôi động hơn bởi một chương trình văn nghệ “Lính” trong tinh thần huynh đệ chi binh và tình quân dân tiếp tục gắn bó nơi xứ người với nhiều bài đơn ca, song ca, đồng ca, nhạc cảnh, do ban văn nghệ của Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Khóa 5/72 Trừ Bị Thủ Đức và các chiến hữu bạn đóng góp.(Lâm Hoài Thạch