Bị chôn mà không chết
Mấy năm trước, một nhóm nhạc sĩ Hà Nội dự định làm một cuộc cách mệnh lật đổ một thể loại âm nhạc đại chúng của Sài Gòn: BOLERO. Khởi đầu bằng những phát biểu có tính mỉa mai và không xem đó là âm nhạc, hầu hết những nhạc sĩ ấy đều là người tôi có quen biết, từng cụng ly uống rượu và thậm chí tôi từng tham gia xuyên việt với tư cách Mc. Tôi biết rõ “đại ca lãnh đạo“ là ai. Thế nên, trong bài viết này sẽ trên tinh thần đối thoại thẳng thắn nhưng không khiêu kích, bôi bác cá nhân ai, nó sẽ hiếu hòa nhưng không nhượng bộ điều gì không thể nhượng bộ.
Chôn không chết.
Sau 1975, toàn bộ nền âm nhạc miền nam nói chung Sài Gòn nói riêng được liệt kê vào loại phản động cấm phổ biến, trong đó bolero cách gọi chung một thể loại nhạc đại chúng uỷ mị không có giá trị, nấm mồ được đào và bolero cũng được chôn xuống chờ xanh cỏ…
Nhưng người miền nam trong thời chiến, trước 1975 không có thông tin để biết rằng tại Hà Nội miền bắc thập niên 1970 có một vụ án bi thương: vụ án “Toán xồm – Lộc vàng“ (xin tra google), hai chàng trai trẻ tuổi mê nhạc tiền chiến, nước ngoài, ”nhạc vàng“ của Sài Gòn dù đi hát chui cũng bị dong ra vành móng ngựa tội tuyên truyền phổ biến nhạc đồi truỵ – phản động. Toán xồm 15 năm tù. Lộc vàng 10 năm tù. Nhờ án tù cao nên hai người tù không phải đi lính, bộ đội, không phải đi qua chiến tranh. Năm 1982, mãn án tù trở về khi tới ga Hàng Cỏ, từ những chiếc cassette chiến lợi phẩm mang từ miền nam về ầm ĩ toàn những thứ “nhạc vàng uỷ mị“ thứ âm nhạc lấy đi mỗi người trên dưới 10 năm trong lao tù. Toán xồm vài năm sau đó chết trước cửa ngôi nhà cũ bị chiếm dụng của mình đúng ngày 30 tháng tư, Lộc vàng còn sống đến hôm nay, mở một quán cà phê ven Hồ Tây đêm đêm vẫn hát…nhạc vàng.
Thứ âm nhạc đã bị chôn mà không chết, mãi mồ không xanh cỏ.
…
Thêm 40 năm nữa , một ngày kia bỗng thấy trên truyền hình quốc gia VTV tràn ngập loại âm nhạc “uỷ mị bolero“. Những cuộc thi đủ màu sắc tưng bừng diễn ra, những gương mặt ca sĩ trước đây chỉ thấy ở những chương trình hải ngoại nay nghiễm nhiên xuất hiện trên hàng ghế quyền lực lệch trời với thí sinh: BAN GIÁM KHẢO! Thứ âm nhạc “uỷ mị – bình dân –sến súa !“ ấy chiếm lĩnh sóng truyền hình hơn mọi game chơi nào khác.
Một cách tự nhiên cuộc “phục thù ngọt ngào“ không đổ máu, không có tiếng súng đạn – chỉ thí sinh – ban giám khảo và bolero: sứ mệnh hoàn tất.những ca khúc đỏ một thời bỗng lui vào viện bảo tàng, chỉ đưa ra trong vài ngày “giỗ chạp“.
Đấy! chết mà chưa chôn, chưa kể âm nhạc “hường hường“ của các anh.…
Trịnh Công Sơn
Hôm nay, dù yêu hay ghét Trịnh thì một sự thật không thể phủ nhận đây là nhạc sĩ có khối lượng người hâm mộ trong và ngoài nước khổng lồ. Người được công chúng quan tâm hàng đầu trong nền âm nhạc đương đại việt nam.
Con người có vẻ ngoài gầy gò, gương mặt phảng phất vẻ trầm mặc của một “thiền sư“, có một cuộc đời tưởng như êm ả với quá nhiều thành công lại không phải vậy, trong niềm tin ngây thơ của một người thiên tả, ông phạm một vết hằn khó phai trong lời kêu gọi trên đài phát thanh trưa ngày 30 tháng 4 – 1975. Nhưng buồn thay cũng chính ông sau đó chịu nhiều đối xử, phân biệt hệt như những văn nghệ sĩ khác của Sài Gòn thời đó cho đến khi được một “nhà bảo trợ lớn“ Võ Văn Kiệt đỡ đầu. Trịnh Công Sơn qua một trang sử khác bắt đầu dễ thở hơn dù nhiều ca khúc danh tiếng của ông trước 1975 vẫn bị cấm phổ biến. Loạt “ ca khúc da vàng” là một ví dụ, thập niên 80 – 90 mỗi khi viết một ca khúc mới Trịnh Công Sơn vẫn phải đến hát trước cho một vài anh chị em báo Tuổi Trẻ nghe, trong ấy có tôi để tìm sự khen ngợi, ủng hộ cho ca khúc mới của mình. Báo Tuổi Trẻ luôn đăng những ca khúc ấy của ông “Chiều trên quê hương tôi – Bốn mùa thay lá …” trừ “Em còn nhớ hay em đã quên“ vẫn bị kiểm duyệt buộc gỡ xuống trong đêm chuẩn bị in báo từ một nhận định kiểu tuyên giáo “em ra đi nơi này phải đổi mới, phải khác chớ sao vẫn thế? cách mạng đã về rồi Sài Gòn phải khác…”
Cuối đời, khi mọi khó khăn đã qua, nhìn lại mình trong nỗi cô đơn Trịnh Công Sơn viết ca khúc u uẩn như dành riêng cho mình “Tiến thoái lưỡng nan – tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận…ngày xưa lận đận không biết về đâu…về đâu cuối phố về đâu góc trời…xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi …”
Trịnh Công Sơn mất, một đám tang vô tiền khoáng hậu với số lượng người Sài Gòn đưa tiễn! hơn 10 năm sau, ông được đặt tên đường.
Trịnh Công Sơn, kẻ bị nghi kỵ, phân biệt đối xử bỗng một hôm có không chỉ một mà đến hai con đường mang tên mình.một ở Hà Nội, một ở Huế. Cái mà bao nhiêu nhạc sĩ cách mạng cả đời thèm muốn, đến chết vẫn thèm thì Trịnh thong dong từ cõi vĩnh hằng hoàn tất cuộc “phục thù ngọt ngào“: Trịnh Công Sơn có tên đường như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi……Cũng thập niên 90, Trần Long Ẩn một nhạc sĩ xuất thân phong trào sinh viên đô thị kênh kiệu tuyên bố “Nhóm những người bạn [Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng , Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Văn Hiên, Từ Huy] đã đẩy lùi “âm nhạc hải ngoại“.
Tuyên giáo nghe sướng nhưng người nghe nhạc thì cười mỉm . “thật không?“….
Khoảng sân nhỏ nhà tôi một buổi tối cúp điện, những năm ấy, điện cúp một tuần 2 ngày 3 đêm. Tôi tiếp anh trong khoảng sân nửa sáng nửa tối của ngọn đèn dầu hắt ra, anh đến chào tạm biệt về lại Bắc Ninh. Giọng anh buồn rầu “tôi phải về chốn cũ thôi, ở đây họ không chấp nhận nhạc của tôi …” tôi nói “anh cứ về đi tôi tin rằng chỉ 5 năm sau khi anh quay lại Sài Gòn, sẽ là câu chuyện khác, họ sẽ phải nghe ca khúc của anh
Anh là người có kiến thức rộng nhiều lãnh vực, có tài năng tôi tin như thế.
Tôi không rõ khi anh quay lại Sài Gòn có đúng 5 năm không, nhưng ca khúc của anh đang rất nổi tiếng “cho em một ngày, hoạ mi hót trong mưa, nghe mưa..vv ” tên anh đã được nhắc tới.…
Giờ thì anh đã có tên tuổi dù âm nhạc của anh ít dần trong công chúng. Anh bắt đầu có những nhận định khác. Khi anh và nhóm của mình coi thường một thể loại âm nhạc được các anh xem là “sến“ của công chúng Sài Gòn nghĩa là cùng lúc các anh giới thiệu một lỗ hổng lớn, một cái nhìn cục bộ hẹp hòi mà âm nhạc, nghệ thuật không nên có. Các anh có người sang tận Hoa Kỳ học hành trở về với nhiều tự hào vẫn quên một điều căn bản, nền giáo dục nghệ thuật nước Mỹ cho mọi người ngay từ lớp học phổ thông hiểu biết về mọi thể loại, hình thái âm nhạc: rock, funk, jazz, country vv… và ai chọn lựa hình thái âm nhạc nhạc nào là quyền yêu thích riêng của họ, không có chuyện Mozart, Beethoven …sang hơn anh mù Ray Charles hay John Denver của country music là sến.
Các anh phạm vào điều cao ngạo, trịch thượng trong nghệ thuật.Những cuộc “phục thù ngọt ngào“ đang và đã diễn ra. Khán giả chọn lựa nó, thứ âm nhạc chôn mà không chết.
Muốn nó chết, dễ thôi! Các anh hãy làm nhạc hay hơn nó, có tài năng hơn nó để vĩnh cửu như nó …
Dèm pha, mai mỉa, xúc phạm nó vô nghĩa! Nó càng bất tử!
Chỉ vậy thôi!
Đỗ Trung Quân
Gửi ý kiến của bạn