Phan Trâm Anh-lyhuong.net
Úc bỗng dưng bị Tàu cộng dán cho cái nhãn “kỳ thị” sau khi lên tiếng đòi điều tra nguồn gốc phát xuất của con cúm Vũ Hán.
Ai ai cũng thừa hiểu rằng đây là một trong những ngón đòn trả đũa của Tàu cộng tiếp theo sau việc đe dọa tăng thuế nhập cảng lúa mạch và ngưng nhập cảng thịt bò của Úc. Tuy nhiên khi gọi Úc là “kỳ thị”, Tàu cộng, một lần nữa, đã cho cả thế giới thấy cái bản chất trân tráo, điêu ngoa của chính mình, không xứng đáng với cái danh xưng cường quốc thứ nhì, như vậy thì làm sao có thể giành lấy vị thế của Mỹ để lãnh đạo thế giới.
Nói về vấn đề kỳ thị thì phải phân biệt giữa hai khía cạnh – cá nhân kỳ thị và chính sách kỳ thị.
Cá nhân kỳ thị thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Kỳ thị ngấm ngầm hay bộc lộ ra ngoài, nhẹ thì chê bai, dè bỉu, nặng thì miệt thị, thù ghét có khi đưa đến những hành động đe dọa, gây hấn, tấn công. Có thể nói “kỳ thị” là bản tính của con người. Con người của chúng ta có ít hay nhiều tính kỳ thị tùy vào hoàn cảnh cuộc sống. Khi chúng ta được sống trong một cộng đồng đa chủng tộc, có sự giao tiếp hàng ngày với những người khác màu da trong một môi trường hài hòa thì cái tính kỳ thị trong mỗi cá nhân biến dần nhường chỗ cho sự thân thiện, cho lòng vị tha, nhân ái. Và để tránh bị kỳ thị thì chính chúng ta cũng phải tỏ ra là một thành viên tốt trong cộng đồng, phải biết “nhập gia tùy tục” – phải biết tuân thủ luật pháp, sống hòa đồng, biết cư xử theo lối sống văn minh, tôn trọng mọi người không biệt màu da, tôn giáo, nguồn gốc,…
Riêng tại Úc kỳ thị là điều không thể chấp nhận, là vi phạm luật pháp. Mọi hành động, lời lẽ kỳ thị đều bị lên án. Úc không có chính sách kỳ thị mà ngược lại còn có những chính sách đa văn hóa, những chương trình phát triển văn hóa sắc tộc (tài trợ cho chương trình giảng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ, cho công trình xây dựng các cơ sở cộng đồng, cho việc tổ chức các buổi lễ, hội mang tính cách văn hóa,…), và còn có những ngày hội hàng năm nhằm tạo sự hài hòa trong một xã hội đa dạng, đa văn hóa như “Harmony Day/Week”.
Ở cấp Liên Bang, có Hội Đồng Đa Văn Hóa Úc Châu (Australian Multicultural Council), riêng ở tiểu bang Victoria thì có Uỷ Ban Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria (Victorian Multicultural Commission). Đây là những cơ quan có nhiệm vụ đón nhận những ý kiến, lắng nghe những vấn đề cần quan tâm về ngôn ngữ, tôn giáo, kỳ thị,… của các cộng đồng sắc tộc, rồi đưa ra và thi hành các chính sách nhằm phát huy sức mạnh của xã hội đa văn hóa bằng cách tạo cơ hội và khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng sắc tộc vào mọi lãnh vực trong cuộc sống, tạo nên sự gắn bó hài hòa trong xã hội.
Trên một bản tin của đài ABC [1], cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Uỷ Ban Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria) xác nhận rằng – Nạn kỳ thị đã có từ trước Covid-19 và sẽ còn tiếp tục xảy ra sau Covid-19. Nạn kỳ thị là một sự thách thức, một vấn đề khó khăn cần phải đối phó. Tuy nhiên tiểu bang Victoria luôn luôn mở rộng vòng tay đón chào mọi người.
Cô Phượng Vỹ, Chủ Tịch Uỷ Ban Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria (Hình lấy từ bản tin của ABC)
Trong một xã hội đa văn hóa, nạn kỳ thị là một vấn đề không bao giờ có thể giải quyết tận gốc. Nhưng điều đáng ca ngợi là Chính Phủ Úc luôn luôn có những chính sách nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa nạn kỳ thị qua các chính sách đa văn hóa trong đó có cả việc đưa vấn đề đối phó nạn kỳ thị vào chương trình giảng dạy ngay tại học đường.
Đưa vấn đề đối phó nạn kỳ thị vào chương trình giảng dạy ngay tại học đường
Kỳ thị hiểu theo nghĩa hẹp là có những thành kiến, hành động, lời lẽ phân biệt đối xử với những người khác màu da hay có tính đề cao chủng tộc, tự cho chủng tộc của mình là ưu việt như trường hợp của Hitler đối với dân tộc Do Thái. Nếu nghĩa của sự kỳ thị được nới rộng ra thì bao trùm cả sự “kỳ thị cùng màu da”. Một thí dụ điển hình – đối với những người dân quê chất phát hay những người có ý tưởng, có cách sống không như ý mình thì đôi khi bị khinh khi, chê bai, bị gọi là “đồ nhà quê” – đó chính là những những thành kiến, hành động, lời lẽ phân biệt đối xử với người cùng màu da, là một hình thức kỳ thị. Ngoài ra, tùy theo mức độ kỳ thị mà chữ “kỳ thị” sẽ được thay thế bằng những từ ngữ thích hợp. Với việc gọi người khác là “đồ nhà quê” thì chữ “khinh người” được thay vào cho hợp nghĩa, còn khi tình trạng kỳ thị đã là chính sách cực đoan của một chế độ nhắm vào việc tiêu diệt một tập thể, một chủng tộc thì bị gọi là “tội ác diệt chủng”, “tội ác đối với nhân loại”.
Khi so sánh với Lenin và Hitler thì Tàu cộng chiếm giải nhất, mãi mãi là “cường quốc số 1 đứng đầu thế giới” về “tội ác diệt chủng”, “tội ác đối với nhân loại” với những chính sách kỳ thị đầy bạo lực, với những trang sử đẫm máu [2]. Đã có trên dưới 80 triệu người Trung Hoa bị giết bởi Tàu cộng qua các chiến dịch Chống Thiên Chúa Giáo, Cải Cách Ruộng Đất, Kiểm Kê Tài Sản, Bước Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hóa, qua cuộc thảm sát kinh hoàng tại công trường Thiên An Môn, qua sự đàn áp thảm khốc những học viên Pháp Luân Công, cộng thêm trên 1.2 triệu người dân Tây Tạng bị giết [3] chưa kể dân tộc Duy Ngô Nhĩ và những người đã có can đảm phản kháng hay lên tiếng nói ra sự thực vì lương tâm con người.
Đảng CSTC với những trang sử đầy bạo lực
Còn về phía Úc thì dưới đây là một vài con số thống kê dùng để xác định rằng Úc có kỳ thị người Hoa hay không:
– Theo bản thống kê 2016, dân số gốc Trung Hoa là 1.2 triệu, chiếm 5.6% dân số Úc Châu. Nếu để dân số gốc Anh qua một bên vì coi như đó là dân tộc chủ nhà thì trong phần dân số còn lại người Úc gốc Hoa đứng đầu bản các cộng đồng sắc tộc [4]
– Trong niên khóa 2019-2020, Úc có trên 260 000 du học sinh, sinh viên Trung Hoa ghi danh, trong số đó có khoảng 160 000 sinh viên, cũng đứng đầu bản các nhóm sinh viên ngoại quốc [5]
Dân số người Úc gốc Hoa đứng đầu bản các cộng đồng sắc tộc
Số sinh viên người Hoa đứng đầu bản các nhóm sinh viên ngoại quốc
Vậy mà Tàu cộng đã dán cho Úc cái nhãn “kỳ thị” còn Úc thì mạnh mẽ bác bỏ điều này. Kẻ nói có người bảo không, như thế giữa Úc và Tàu cộng phải có một bên nói láo, nói điêu.
Có một điều chắc chắn là những con số (thống kê nêu trên) không biết nói láo.
Phan Trâm Anh
20/07/2020
Tham khảo:
[1] The Government has dismissed China’s warning to its citizens about racism in Australia. Let’s take a look at the evidence
[2] A history of violence
https://en.faluninfo.eu/
[3] Exiled Tibetans say 1.2 million killed during Chinese rule
[4] ABS reveals insights into Australia’s Chinese population
[5] Number of Chinese student enrollments in Australia 2010-2019, by education sector