Ăn Cơm Chưa?
Bà sơ rút nhiệt kế ra khỏi nách tôi, chăm chú đọc nhiệt độ, mặt lộ vẻ ngạc nhiên như không tin ở điều mà bà đọc thấy.
Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.
Bà dòm mặt tôi, đoạn đọc lại một lần nữa.
Tôi đang hồi hộp vì đoán rằng có chuyện không hay thì bà đã nhảy ra khỏi phòng, làm cho tôi hốt hoảng đến cực điểm.
Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.
Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.
Bà sơ theo sau nói:
– Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!
– Phải đấy.
Đoạn bác sĩ hỏi tôi:
– Ông nghe thế nào? – Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ. – Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm, vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.
Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó.
Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:
– Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!
Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.
Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm.
Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.
Trưa hôm đó, Bác Sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi.
Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó.
Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.
Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi.
Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.
Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.
Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm.
Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.
Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi…
Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé “mua”. Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc.
Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.
Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.
Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác.
Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.
Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.
Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được.
Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.
Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước “An Nam”, con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả.
Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.
Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.
Má Á Lìl đầy đặn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.
Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.
Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũu. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra.
Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.
Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa.
Tôi hỏi:
– Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?
– Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.
– Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?
– Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng An Nam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.
Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
– Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.
Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:
– Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.
Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:
– Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người An Nam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.
Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà Sơ, từ Sài Gòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl.
Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa.
Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.
Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:
– Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?
– Vì thương mới không cho ăn.
Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy.
Lìl cười gằn hỏi:
– Thương gì lại bỏ đói?
– Vì ăn thì chết ngay.
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.
Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.
Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.
Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:
– Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy.
Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.
Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:
– Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn.
Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!
Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”
Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.
Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được.
Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện”.
Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.
Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.
Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:
– Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.
– Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.
Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:
– Chảy máu ruột!
– Sao lại chảy máu ruột?
– Vì ăn!
– Trời ơi!
Bà lão ho, rồi lại nói:
– Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.
– Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?
– Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.
Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:
– Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ…
– Sao vậy?
– Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?
Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:
– Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?
– Có. Nó có kêu thầy…
– Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?
Nó kêu khóc rằng: “Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu.
Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”
Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi.
Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.
Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơm chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn thương mối tình đầu của tôi.
Tôi mắc chứng thương hàn, sốt mê man mấy tuần nay, vừa tỉnh lại chứng kiến sự bối rối của con người áo đen bé loắt choắt ấy, làm tôi ngỡ, tôi chết đến nơi.
Nhưng gương mặt tươi của bác sĩ Chaput hiện ra nơi khung cửa, giúp tôi an lòng lại ngay. Giờ ấy còn sớm quá, bác sĩ, chắc mới đến nhà thương, chưa kịp mặc áo choàng, còn vận thường phục.
Bà sơ theo sau nói:
– Hắn không còn nhiệt độ nữa, chắc hắn phải lạnh lắm, vì sự thay đổi đột ngột nầy, tôi cho hắn uống Potion de Todd, bác sĩ nhé!
– Phải đấy.
Đoạn bác sĩ hỏi tôi:
– Ông nghe thế nào? – Như vừa tái sanh, thưa bác sĩ. – Tốt! Mới nghe, tôi hoảng lắm, vì nhiệt độ xuống thình lình, có thể là triệu chứng của sự chảy máu ruột… nếu ông lén ăn gì.
Tôi cười, một cái cười héo hon của con người sốt liên miên hăm tám ngày, mà không ăn uống gì cả trong thời gian đó.
Bác sĩ dặn thêm, trước khi rời buồng tôi:
– Vài hôm nữa là thèm ăn, nhưng phải nhịn, ăn là lủng ruột ngay. Ngoan lên nhé!
Quên nói rõ, là tôi mắc bịnh nầy trước chiến tranh, vào thuở mà loài người chưa tìm ra thuốc trị thương hàn. Nhà thương cứ để vậy, tiêm thuốc nâng đỡ cho trái tim khỏi lụy, rồi ai kháng chết được, thì sống, ai yếu lắm, là đi.
Như vừa được tái sanh! Tôi nói không quá lố lắm đâu. Vi trùng thương hàn phá rối sinh lý con người một cách kỳ lạ lắm.
Tôi nghe yêu đời ghê hồn và dòm ra sân nhà thương tỉnh Bình Dương (bấy giờ là Thủ Dầu Một), tôi thấy khóm bông gừa, thứ bông hèn ấy, sao mà hôm nay lại đẹp lạ lùng.
Trưa hôm đó, Bác Sĩ Chaput khoe với tôi rằng, ở trại bố thí III, một con đồng bịnh với tôi cũng vừa khỏi.
Ông ta sung sướng về chuyện ấy lắm,vì con bịnh các trại bố thí chết nhiều quá, khiến dân chúng hiểu lầm, nhà thương bỏ bê người nghèo khó.
Sự thật, thì sở dĩ, số tử ở đó lên cao theo tỷ lệ, vì các con bịnh nghèo, thường để thật nguy kịch mới vào nhà thương và khi vào điều trị, không có người nhà theo để săn sóc, nhà thương chỉ vừa đủ người lo thuốc men thôi. Còn những sự săn sóc (rất cần) phải được người nhà lo lấy mới mong lành bịnh.
Tôi yêu đời, và cố nhiên, yêu kẻ đồng bịnh vừa khỏi cùng một lượt với tôi.
Ba hôm sau, được nuôi dưỡng bằng nước xúp và bột Ý, tôi đã chống gậy đi được, và mục tiêu phiếm du đầu tiên của tôi là trại III.
Kẻ đồng bịnh với tôi là một cô gái Trung Hoa, hai mươi tuổi, con gái đang thì, cái ngực tất phải to, thế mà tôi trông cô ta xẹp lép như con khô hố. Cái mền cô ta đắp, như dán sát vào chiếu nhà thương.
Người bạn đồng bịnh với tôi, đi không được như tôi. Trong cơn nóng sốt không ăn, người nhà tôi có mua Sérum Glucosé cho bác sĩ bơm vào tôi, nhờ thế mà tôi không suy lắm.
Con bịnh nghèo nầy, thì khỏi hưởng món xa xí phẩm ấy, mà nhà thương không sắm được, vì kém tài chánh.
Tuy nhiên, nhìn sơ cô gái, tôi cũng thấy là cô ta đẹp lắm. Hoa tàn kia mà còn mang dấu vết thời tươi thắm thay, huống chi đây chỉ là một đóa hoa thiếu nước lọ trong chốc lát thôi…
Cứ theo người cùng trại với Á Lìl, thì cô ta là một đứa bé “mua”. Chú Xừng Hinh, chủ tiệm chạp phô ngoài chợ, năm xưa về thăm quê quán bên Tàu, gặp mùa lụt lội, đói kém, đã mua đứa bé ấy ba mươi đồng bạc.
Bạc Trung Hoa với bạc Đông Dương thuở ấy tương đương giá với nhau, thì các bạn biết, con bé ấy rẻ là dường nào.
Chú Xứng Hinh cũng khá, xem Á Lìl như con chú, chớ nhiều thằng khác, nó nuôi những con bé “nước lụt” ấy cho đến thời trổ mã, bắt làm lụng cho bù với số tiền mua, rồi lại hưởng luôn chúng là khác.
Như chủ nó, Á Lìl là người Triều Châu. Phụ nữ Triều Châu để rìa tóc phủ lên trán, xem rất ngây thơ và có duyên. Họ lại đẹp người hơn tất cả các thứ người Trung Hoa khác.
Á Lìl lại là gái dung nhan có hạng trong thứ người đẹp nầy, nên tình thương kẻ đồng bịnh của tôi, bỗng nhiên, tăng lên gấp bội, vì tôi mới có hăm ba tuổi.
Nếu như ở ngoài, chắc không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện yêu một ả nô tỳ, cho dẫu là nó đang đẹp lộng lẫy. Nhưng ở đây, nó là con bịnh, đồng hạng với tất cả con bịnh khác.
Một ngày, tôi chống gậy xuống trại III đến hai lần, lần nào tới nơi, tôi cũng đứng lại nơi cửa trại, để thở dốc một hơi, rồi mới vào được.
Á Lìl đoán biết tình cảm của tôi đối với nó, nên lần nào, mắt nó cũng sáng lên, khi nghe tiếng gậy của tôi nện cồm cộp trên gạch.
Từ năm lên chín, mãi đến bây giờ, nghĩa là từ năm bị bán và đưa sang nước “An Nam”, con nô tỳ nầy chưa được ai nói ngọt với nó lời nào cả.
Bây giờ, bỗng nhiên có một dân mặc bi-da-ma riêng, lân la thăm hỏi nó, thì làm sao nó không rưng rưng lệ sung sướng được.
Mặc dầu chỉ được uống nước cháo với đường hạ, con ở Á Lìl cứ càng ngày càng hồng hào ra. Con gái, dường như, có dự trữ trong người những sức mạnh gì như cứ chực vùng lên, không cần ăn gì cho bổ lắm, họ cũng cứ béo tốt ra.
Má Á Lìl đầy đặn dần lên, trông ngon như hai trái đào ở bảy phủ Triều Châu mà Á Lìl thường ca tụng với tôi.
Trông Á Lìl, tôi nghĩ ngay đến những phi tần bên Tàu ngày xưa, cũng tuyển lựa trong đám dân “nước lụt” như vầy. Thì ra, con gái Trung Hoa, ngàn đời, vẫn đẹp và vẫn để mà tiếp tế cho các cung tần. Á Lìl sẽ làm bé chú chệt già đại phú nào đây, một ngày kia.
Hôm ấy, Á Lìl ngồi dậy được, nhưng còn phải ăn cháo hoa với hàm-yũu. Cháo với vị mặn giúp Á Lìl tươi tỉnh hẳn ra.
Nó tiếp tôi bằng một bài hát gì đó, tôi không hiểu, nhưng rất thích nghe. Cái giọng mũi của người Triều Châu, khi hát lên, nghe líu lo rất dễ yêu, nhứt là dễ thương, nghe như là họ khóc cảnh sống lầm than của họ.
Á Lìl cắt nghĩa cho tôi biết rằng, bài hát ấy nói đến cái mặt trăng nho nhỏ và tròn tròn. Nó mới giải thích tới đó, thì người nhà chú Xừng Hinh mang cho nó một gàu-mên cơm. Mắt con Lìl sáng hơn là khi tôi mới vào thăm nó nữa.
Tôi hỏi:
– Nhà đem cơm từ bao lâu rồi?
– Ngóa thèm quá, chỉ mới nhắn đem vô lần đầu thôi.
– Lìl không nên ăn cơm vội. Bác sĩ không có dặn gì sao?
– Bác sĩ nói tiếng Tây, ngóa đâu có hiểu. Bà Sơ biết chút ít tiếng An Nam, dặn đừng cho ăn đồ cứng, ăn thì lủng ruột chết liền.
Á Lìl nói xong cười ngặt nghẹo, một hơi, rồi tiếp:
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
– Lìl không hiểu, chớ ruột Lìl đã bị vi trùng làm cho mỏng lắm rồi đó.
Á Lìl lại cười một giây nữa, mà rằng:
– Bị thuốc của thằng Tây làm cho mỏng thì có. Thầy biết sao không? Hổm nay ông Tây chích cho ngóa chết mà ngóa không chết, nên ổng bỏ đói cho ngóa chết đó.
Á Lìl nói rồi vừa kéo gàu-mên cơm lại, vừa nói:
– Ăn cơn với ngừng (gừng) nấu dấm thì tốt lắm, như người An Nam ăn với muối tiêu vậy mà, chết sao được.
Tôi bối rối quá. Hôm ấy có Má Mẹ, người cai quản các bà Sơ, từ Sài Gòn lên Bình Dương thanh tra, nên bà Louise bận tiếp đón bà Mẹ Bề Trên ấy, không còn ai cho tôi cầu cứu để thuyết lý Á Lìl.
Các thầy khán hộ thì đã dặn con bịnh cữ kiêng xong là nghe tròn bổn phận, không theo dõi họ để ngăn cản gì nữa.
Còn tôi, tôi ngại một điều, mà cũng chẳng khỏi.
Khi tôi giựt lấy gàu-mêm cơm, thì Á Lìl giận dỗi trách:
– Cố lứ nói thương ngóa, sao không cho ngóa ăn cơm?
– Vì thương mới không cho ăn.
Thật thế. Nếu Á Lìl chỉ là một cô gái xấu xí, tôi cũng không nỡ để cho nó tự tử một cách gián tiếp như vậy. Huống chi trong mấy ngày vui mừng tái sanh ấy, tôi lại điên dại mà yêu đứa nô tỳ nầy.
Lìl cười gằn hỏi:
– Thương gì lại bỏ đói?
– Vì ăn thì chết ngay.
– Đời thuở nào, ăn cơm lại chết. Chỉ có không ăn cơm mới chết thôi.
Á Lìl lập lại câu hồi nãy, rồi khóc mùi mẫn.
Thật là em nhỏ, mất miếng ăn một cái là khóc bù lu, bù loa. Nhưng không sao, tôi sẽ dỗ em nhỏ, thì em nhỏ nín chớ gì.
Tôi định bụng như thế, nhưng tôi lầm.
Lần đầu tiên, tôi rờ đến Á Lìl. Tôi vuốt tóc trán nó và nói rằng:
– Lìl nín đi, rán nhịn, rồi vài bữa khỏi hẳn, tôi sẽ đưa Lìl đi ăn tửu lâu Triều Châu Đại La Thiên ở Chợ Lớn, có nhiều món ngon bằng một vạn thứ cơm gừng dấm nầy.
Ở Đại La Thiên có chè thịt heo nè, có cù lao nè.
Nhưng Á Lìl cứ khóc, khóc như mẹ chết không bằng, lâu lắm nó mới nói được trong tấm tức, tấm tưởi:
– Ngóa nhớ tía má của ngóa quá. Tía má ngóa vì không có cơm ăn nên chết. Tía ngóa chết đi được một tháng, thì má ngóa bán ngóa cho Xừng Hinh lấy tiền mua gạo cho mấy em của ngóa ăn.
Nhưng cả nhà ăn giỏi lắm được mười ngày, chắc rồi cũng chết hết. Cơm sao lại giết người? Không cơm mới nguy chớ!
Nghe Á Lìl nhắc tới nguồn gốc nó, tôi đau xót vô cùng. Cơm là giấc ác mộng của người Trung Hoa từ mấy ngàn thế hệ nay, cho đến đỗi họ gặp nhau, chào nhau bằng câu: “Ăn cơm chưa?”
Nhưng làm thế nào cho con bé dại dột nầy hiểu rằng, không cơm thì chết đã đành, mà có cơm, lắm khi cũng chết.
Vả, Á Lìl không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó, thì làm sao mà thuyết phục nó được.
Có lẽ nó đang nhìn cơm, mà nói thầm: “Ừ, ngày xưa, cha mẹ tao không có mầy nên chết, bây giờ gặp mầy đây, tao có dung tha đâu! Tao ăn cho sống dai, mặc kệ lũ nó bày điều, đặt chuyện”.
Biết nói làm sao cũng không xong, tôi xách gàu-mên mà đi; sau lưng tôi, Á Lìl chửi rủa om sòm bằng tiếng Tàu. Nếu nó mà rượt theo được, chắc nó một mất, một còn với tôi, để cướp cơm lại.
Chiều hôm ấy, tôi trốn luôn, đến sáng ngày hôm sau mới dám chống gậy qua trại III.
Á Lìl vắng mặt trên giường. Thấy tôi ngơ ngác tìm quanh, một bà lão vừa ho sù sụ, vừa nói:
– Nó chết đêm rồi thầy à, hồi năm giờ sáng, người ta đã khiêng nó xuống nhà xác.
– Trời ơi! Sao lại chết? Tôi giậm chân mà hỏi câu ngớ ngẩn ấy.
Người khán hộ ở đâu sau lưng tôi đáp hộ bà lão:
– Chảy máu ruột!
– Sao lại chảy máu ruột?
– Vì ăn!
– Trời ơi!
Bà lão ho, rồi lại nói:
– Thầy giựt cơm của nó mà trốn đi, thì chiều lại, người nhà nó đem cơm vô nữa. Nó ăn xong, tối lại kêu đau bụng, vằn vật tới khuya mới chết.
– Sao bà không mời bác sĩ dùm nó?
– Có, tôi có cho bà Sơ hay, bả có kêu thầy đây.
Bà chỉ vào thầy khán hộ, thầy ta lắc đầu thở ra và giải thích:
– Tôi có tiêm thuốc cho nó, nhưng không gọi bác sĩ…
– Sao vậy?
– Vô ích. Chỉ có sang máu mới có một chút xíu hy vọng cứu nó. Nhưng ai sẽ cho máu nó? Còn thuê người để lấy máu thì tiền đâu?
Là con trai, tôi không khóc được. Nhưng lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi dưới gió to. Đứng tần ngần giây lâu, tôi hỏi bà lão:
– Nó có nói gì hay không bà, lúc nó hấp hối?
– Có. Nó có kêu thầy…
– Kêu tôi? Có nhắn gì hay không ?
Nó kêu khóc rằng: “Thầy hai ơi, té ra, quả thật không cơm cũng chết, mà ăn cơm cũng chết. Ngóa nghèo dốt, biết đâu.
Trước kia tía má của ngóa nghèo nên không ăn cơm, ngày nay ngóa nghèo nên không biết, hai lần đều chết. Thầy hai ơi, ở lại mạnh giỏi nhá!”
Tôi không còn là con trai nữa, nhưng tôi không khóc tiếc thương một cô gái đẹp. Tôi chỉ khóc vì một gia đình sống không tên, không tuổi bị thảm kịch cơm làm tuyệt nòi, chỉ còn một mống thôi.
Mống ấy trôi dạt đi xa ngàn dặm, qua cái xứ có cơm nhiều nầy, mà lại cũng không thoát khỏi thảm kịch cơm.
Ngày nay, mỗi khi nghe một người Trung Hoa chào ai: “Ăn cơm chưa?”, tôi bâng khuâng nhớ lại mối tình yêu đầu và nao nao buồn thương mối tình đầu của tôi.
Bình Nguyên Lộc
Gửi ý kiến của bạn