Thương lắm hai chữ "cải lương"
Mọi người xưa rày cứ nghe nói về cải lương là nghĩ nó có 2 nghĩa, thứ nhứt về một bộ môn nghệ thuật truyền thống của người Nam Kỳ, thứ hai là "chủ nghĩa cải lương" trong tư duy. Một số người bị gán là theo chủ nghĩa cải lương do giả giả, xìu xìu ển ển, đâm cái ẹt còn ráng ca ba câu... giống như một tuồng cải lương!
Nhưng nguyên thủy thì nghĩa của "cải lương" lại khác.
改良cải lương chữ hán Việt đàng hoàng nha ,改 cải là sửa đổi,thay đổi,良 lương là tốt lành
改良 cải lương hàm nghĩa là sửa đổi cho tốt đẹp.
GS Trần Văn Khê trong bài “Cải lương, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam Bộ Việt Nam” ngày 14-6-2007 cũng ghi rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn.”
Nó còn có nghĩa là cải tiến, canh tân, biến đổi cho tân thời để theo kịp sự tiến bô của văn minh nhân loại.
Hai chữ "cải lương" đã xuất hiện trong tầng lớp trí thức Tây học, điền chủ, chánh trị và dân hoạt động văn hóa trong lòng đô thị Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20.
Ông hội đồng Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862-1943) biệt hiệu Dị Sử Thị, người làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị (Bến Tre) là người muốn cải lương bộ môn hát bội Nam Kỳ những năm 1916.
Ông Lương Khắc Ninh học trường Le Myre De Vilers, Mỹ Tho, từng làm việc tại sở Thương chánh Bến Tre, thông ngôn tại tòa án Bến Tre, thành viên Hội đồng quản hạt Bến Tre.
Năm 1900, ông lên Sài Gòn viết báo, làm chủ bút tờ báo" Nông Cổ Mín Đàm ", rồi tham gia vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ.
Năm 1905, ông hội đồng Ninh lập gánh hát bội Châu Luân Ban ở Sài Gòn. Năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp tại cuộc đấu xảo Marseille.
Ông hội đồng Ninh thấy hát bội đã lỗi thời trước sự tiến hóa của Nam Kỳ, tuồng tích cổ xưa, đào kép hát bội hát diễn ngày sút kém, ông chủ trương phải thay đổi, canh tân, tiến hóa, chấn chỉnh lại lối hát cùng diễn xuất.
Ngày 14/4/1917, Nông Cổ Mín Đàm đăng "Cải lương hí nghệ" của Lương Khắc Ninh:
“Chớ chi một ít thầy hiệp lại, nhơn công chừng ít giờ tập hát theo tân thời, trước là chơi, hạ là có tiền xài, ba nữa là cải lương cái điệu hát. Chuyện tới đây không khó, đó học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng nó hát theo Lang Sa. Rất đổi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao?”
Tức là cải cách tuồng tích Nam kỳ theo hướng Tây hóa, gọn gàng dễ hiểu.
Rồi ngày 11/9/1917, lần đầu tiên một vở kịch tên "Vì nghĩa quên nhà" được diễn, kịch mô phỏng kịch nhạc Tây.
Trước đó năm 1916, Hội khuyến học Long Xuyên của đốc phủ sứ Lê Quang Liêm lập ra “Cải Lương Kịch Xã” gồm toàn những nhà trí thức Tây học, quan quyền, thông ngôn, ký lục (có Hồ Biểu Chánh) trình diễn những vở kịch nói bằng tiếng Pháp và tiếng Việt cho công chúng xem.
Tháng 7/1917, kịch nghệ cải lương mới trình diễn ở chợ Long Xuyên do sáng kiến của ông Hồ Biểu Chánh.
Ngày 6/9/1917, nhà văn hóa Nguyễn Chánh Sắt viết giới thiệu “Cải Lương Kịch Xã” trong “Nông Cổ Mín Đàm”:
“Bổn quán xin nhắc lại cho liệt vị rõ rằng bạn hát Cải Lương nầy toàn là mấy thầy trong hội Khuyến Văn tỉnh Long Xuyên làm tuồng, đều là người có học thức, chớ chẳng phải như hát bội Annam mà chúng ta xem thường tự thuở đến nay đâu.” (Nông Cổ Mín Đàm ngày 6-9-1917)
Chúng ta phải nhắc tới các ban đờn ca tài tử Nam Kỳ.
“Ban Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia" tỉnh Mỹ Tho đờn ca nổi tiếng đến độ năm 1906 nhơn dịp hội chợ quốc tế Marseille người Pháp đã mời sang Pháp trình diễn.
Ban Tư Triều gồm Tư Triều đờn kìm, Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Vô đờn cò, cô Ba Đắc, cô Năm Thoàn ca, Hai Nhiễu cũng ca... Cô Hai Nhiễu cũng đờn tranh.
Hai Nhiễu là con gái Tư Triều, cô có tật cà lăm nhưng cô có thể vừa đờn tranh vừa ca, đặc biệt ca thì không hề cà lăm.
Giọng ca của cô Hai Nhiễu vang danh với bài Giang Nam “Đêm xuân” của Phan Đăng Đàng mở đầu với câu: “Đêm đêm xuân là đêm đêm xuân…”
Sau khi đi Pháp về, Tư Triều nhận lời mời của khách sạn Minh Tân là ông Trần Chánh Chiếu nằm cạnh ga xe lửa Mỹ Tho ôm ban nhạc về khách sạn biểu diễn.
Mỗi tối thứ bảy, ban này hát tại Minh Tân khách sạn ở gần nhà ga xe lửa Mỹ Tho. Người đến nghe loại nhạc tài tử này càng ngày càng đông. Ban ngồi trên một bộ ván vừa đờn vừa ca.
Ông Tư Triều nghĩ ra một cách hát, thay vì ngồi thụ động thì côi Ba Đắc đứng dậy ca, cô quơ tay quơ chưn, nhăn mặt diễn tả tâm trạng.
Thấy ban này quá lạ mà hay, khách sạn Minh Tân đông người coi quá nên ông Phạm Đăng Hộ (thầy Năm Hộ) người Gò Công, là chủ rạp chớp bóng Casino (Mỹ Tho) mời ban Nguyễn Tống Triều về rạp chớp bóng của ông hát trong những giờ trước khi mở màng chiếu phim.
Bắt đầu từ đó mới có phụ diễn cổ nhạc trên sân khấu chớp bóng. Ca nhạc cải lương bước lên sân khấu đầu tiên là sân khấu chớp bóng.
Hồi ký của Vương Hồng Sển như sau:
“Trước năm 1915, chưa có tỉnh nào dám đưa đờn ca lên diễn trên sân khấu công khai. Tỉnh khởi đầu việc này có lẽ là tỉnh Mỹ Tho, vì danh tiếng không thua Sài Gòn. Và dàn đờn tài tử ra đờn cho công chúng đi xem hát bóng thưởng thức chờ quay phim, y như giáo đầu tuồng bên hát bội, là dàn đờn của ông Tư Triều ở Mỹ Tho.”
Người đưa đờn ca tài tử lên sân khấu là "Ban Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia" tỉnh Mỹ Tho.
Thầy phó cai tổng Vĩnh Long Tống Hữu Định (Phó Mười Hai) khi ghé Mỹ Tho qua đêm chờ tàu về đã đi nghe hát và rất mê cô Ba Đắc ca bài Tứ đại oán nói trên.
Về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định nảy ra ý tưởng cho tài tử ca ở nhà mình và đứng trên bộ ván ca ra điệu bộ.
Thay vì một tài tử ca đóng vai ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong lớp Tứ đại oán Bùi Kiệm - Nguyệt Nga như ban nhạc tài tử của ông Tư Triều làm ở Mỹ Tho, ông Tống Hữu Định phân vai cho mỗi người ca và diễn xuất một nhân vật.
Điệu ca ra bộ phát sinh khoảng năm 1915-1916 là vậy.
Năm 1916, ông Lê Văn Thận (Thầy André Thận) chủ hãng tàu Sa Đéc đã thành lập gánh xiếc và ca nhạc Tân Nam Việt (Cirque Jeune Annam) trưng biển quảng cáo ca ra bộ như sau:
“Gánh hát Thầy Thận. Ca ra bộ. Các diễn viên của gánh gồm có Bảy Thông, Tám Cang, Tư Hương, Hai Cúc, Năm Thoàng, Hai Biêu, Ba Vui ca toàn những bài lớn như sáu bài Bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản và ba bài Nam: Đảo ngũ cung, Nam xuân, Nam ai.”
Ngày 15/3/1918, thầy André Thận sang gánh hát cho ông Châu Văn Tú (Thầy Năm Tú) ở Mỹ Tho:
Mỗi tối trước khi mở màng, Thầy Năm Tú bày ra lối chưng “Tableau vivant” (Màn chưng đào kép) để cho công chúng thấy được những mặt làm tuồng trong đêm hát.
Từ “Đờn Ca Tài Tử” qua “Đờn Ca Ra Bộ” thì “Hát Cải Lương” chánh thức thành hình từ ông Châu Văn Tú.
Gánh hát Thầy Năm Tú diễn tuồng Kim Vân Kiều của thầy tuồng Trương Duy Toản đầu tiên tại rạp Cinéma Théâtre - tức rạp Thầy Năm Tú gần chợ Mỹ Tho.
Ông Năm Tú là người có công nhứt trong việc gây dựng lối hát Cải Lương buổi ban đầu.
Ông cất một cái rạp hát rộng lớn và đẹp đẽ gần chợ Mỹ Tho để cho ban ca kịch của ông trình diễn.
“Ban hát cải lương Châu Văn Tú”
Đến năm 1920, cái tên "cải lương" xuất hiện trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh với câu đối:
"Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh"
Dân Nam Kỳ sau này kêu tắt, kêu là mấy gánh hát cải lương, hàm nghĩa bộ môn mới có ca, có diễn, có nói của người Nam Kỳ.
Vùng sông nước Miền Tây kêu là ghe hát cải lương, vùng Miền Đông kêu là gánh hát cải lương.
Còn hát bội thì vẫn là hát bội.
Cái chữ cải lương ban đầu nó như vậy.
Có ai tin rằng đạo Tin Lành hồi đó dân Nam Kỳ kêu là “Thiên Chúa Cải Lương” không?
Nhiều cuốn tự điển vẫn còn định nghĩa đạo Tin Lành là "Đạo Thiên Chúa cải lương, không phụ thuộc vào tòa thánh La Mã”.
Ngẫm lại thấy ngộ ghê hôn.
Cải lương ban đầu không phải của người bình dân, nó từ mấy ông phủ, ông huyện, dân Tây học mà ra. Sau đó lan ra dân gian từ từ với những gánh hát, ghe hát, bầu đoàn thê tử.
Người ca cải lương và người nghe, thưởng thức những lời ca đó kêu là "tri âm, tri kỷ" như Bá Nha và Tử Kỳ.
Trong bài tân cổ giao duyên "Trên đường lưu diễn" ông Viễn Châu viết rằng:
"Đèn sân khấu đêm đêm buông thỏa ánh mơ huyền. Với bốn phương khán giả tôi đã ghi nhận tấm cảm tình của kẻ lạ người quen,
Những tiếng hoan hô những hồi cổ võ như khuyến khích tôi vững bước trên quãng đường đầy hoa nở có sẵn những bàn tay vun quén nụ hoa đời... Tôi chỉ là một kẻ thơ sinh còn bỡ ngỡ trên muôn dặm đường dài. Cửa tâm hồn đang mở rộng để tiếp nhận những cảm tình của tri kỷ gần xa.
Tôi gởi tình tôi theo sáu câu trầm bổng trao đến bạn tri âm trong gió lộng bốn phương trời... Dù lạ dù quen cũng cảm thông trong tiếng khóc câu cười."
Trong bài "Giấc mộng là sầu riêng" ông tả:
"Đó rồi đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu hai má con mình vẫn sát cánh cùng nhau để tạ chút lòng tri kỷ tri âm,
Má với con cố đem tấm lực để đáp đền ơn khán giả,
Đêm lại từng đêm dưới ánh đèn sân khấu trả nợ dâu xanh cho mãn kiếp con tằm..."
Cái nghề hát thiệt sự cay đắng lắm, có mấy tri âm đặng tìm tri kỷ. Tất cả thăng hoa vài tiếng trong khán phòng, cả người ca và người coi vun bồi cho hai chữ "cải lương", hết tuồng kéo màn ai về nhà nấy, tắt đèn, sân khấu trở về khuya lạnh ngắt như tờ, dù lòng đào kép còn dư âm, dù lòng người coi còn lưu luyến thì tuồng cũng đã vãn, mọi người trở lại đời thường.
Xin kết bài bằng mấy câu thơ của ông Viễn Châu:
Khi bức màn buông, danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cỡi áo lau son phấn
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường.
Theo Nguyễn Gia Việt