Thứ hai 23 tháng 3
Tuần lễ đầu tiên của mùa Xuân chỉ mang về sinh khí cho thực vật, động vật cao cấp nhất là con người vẫn chìm trong cơn bệnh COVID-19 bắt nguồn từ một chợ bán hải sản ở thành phố Wuhan của China.
Vệ binh quốc gia Hoa kỳ được gởi tới 3 tiểu bang bị thiệt hại nặng nề nhất cả về nhân mạng lẫn kinh tế: California, New York, Washington.
Những binh sĩ Mỹ trong độ tuổi 20 đem sức trẻ và kỷ luật quân đội của mình lao vào góp tay chống dịch. Họ chuẩn bị thức ăn đem đến tận nhà cho những người lớn tuổi, không thể tự lo cho mình. Họ đóng gói thức ăn phát cho các em học sinh thuộc các gia đình nghèo -vào buổi trưa- (như các em vẫn được ăn trưa miễn phí vào những ngày trường học mở cửa bình thường). Những người lính nấu nướng chắc chắn không bằng các đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng người được nhận hẳn là sẽ thấy ngon hơn vì trong thức ăn cả tấm lòng.
Họ là nguồn nhân lực chính giúp việc lắp đặt giường bệnh trong các bệnh viện dã chiến ở các trung tâm Convention Centers , ngay ở Công Viên Central Park nổi tiếng ở Thành phố New York.
Hôm nay, trước tình hình lây lan cấp số nhân của bệnh cúm Vũ Hán (nhưng buồn thay, vẫn chưa đến peak time, nghĩa là sẽ còn tăng nữa) thêm 12 tiểu bang của Mỹ ra lệnh "shelter in place": Indiana, Hawaii, Arizona, Georgia, Maryland, Massachusetts, Michigan, New Mexico, Oregon, Virgina, West Virginia và Washington.
***
Thứ ba 24 tháng 3
Dù đã chuẩn bị mọi thứ cho Olympics 2020 theo chương trình sẽ khai mạc vào ngày 24 tháng 7, trước tình hình nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 , lần đầu tiên Thế vận hội quốc tế này hoãn lại, dời ngày khai mạc vào ngày 23 tháng 7 năm 2021.
Đến hôm nay thì không có vùng nào trên bản đồ thế giới không có hiện diện vô hình và sự tàn phá kinh khủng của CoronaVirus mà một số người Việt Nam đã gọi một cách khá khôi hài là "Cô Na" và "Cô Vi".
Ở khắp mọi nơi trên thế giới, chính quyền ban hành lệnh "lock-down"(buộc phải ở nhà): từ Nam Phi (21 ngày lock-down), đến Pháp (2 tháng lockdown ở tình trạng khẩn cấp).
Ấn Độ, quốc gia có dân số đứng hàng thứ hai trên thế giới, với gần 1.5 tỉ người, ra lệnh lockdown nghiêm nhặt nhất "total ban in venturing out"(hoàn toàn cấm ra khỏi nhà). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xuất hiện trên TV nghiêm khắc ra chỉ thị "Để cứu lấy Ấn Độ, và mỗi một người dân Ấn, không được ra khỏi nhà trong 21 ngày". Có nghĩa là 1/5 dân số thế giới sẽ hoàn toàn bị cấm túc tại nhà". Ông còn cho là nếu không làm như vậy, sự phát triển của Ấn Độ sẽ bị đẩy lùi 21 năm! Hiệu lệnh cũng là lời khẩn cầu của ông: "Xin hãy ở yên trong nhà 21 ngày để đất nước khỏi bị đẩy lùi 21 năm"
Thêm 7 tiểu bang ở Mỹ ban hành lệnh "cấm túc tại gia": Delaware, DC, Kansas, Maine, Oklahoma, Vermont, Wisconsin.
Thế mới biết con vi khuẩn bé xíu, vô hình với mắt thường, có sức hủy diệt vượt xa bom đạn.
***
Thứ tư 25 tháng 3
Một gánh nặng thử thách, sống chết đặt trên vai của tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giàu nghèo, địa vị. Lớn hay nhỏ, mọi người đều phải chịu đựng khó khăn. Vậy mà có những kẻ "thừa nước đục thả câu", lên trang Amazon online rao bán các nhu cầu thiết yếu trong mùa đại dịch: hand sanitizer, khẩu trang y tế, thuốc khử trùng... với giá cắt cổ. Rất may, Amazon đã đối phó nhanh chóng bằng cách khóa accounts của 3,900 người ở khắp nơi trên thế giới đang mưu tâm đầu cơ tích trữ làm giàu giữa những ngày đen tối của đại dịch.
Hôm nay, Idaho và Minnesota đã ban hành lệnh "shelter in place" trong vòng 21 ngày.
Máy trợ thở (ventilator) mà quy trình sản xuất khá phức tạp vốn có giá thành rất cao. Nên các bệnh viện ở Mỹ chỉ có một số đủ dùng. Trong tình hinh đại dịch, phổi của bệnh nhân bị tàn phá nhanh chóng, đường hô hấp hư hại, máy trợ thở trở thành một nhu cầu khẩn thiết. New York phải dùng một máy trợ thở cho hai người cùng lúc. Các y tá , bác sĩ vốn đã nhọc nhằn, lại càng vất vả hơn.
Trong những ngày đại dịch, hãng xe Ford ở Michigan triệu tập một bộ phận nhân viên trở lại làm việc không phải để sản xuất hybrid batteries thường lệ, mà để làm máy trợ thở. Các kỹ sư thiết kế của Ford tháo một cái máy trợ thở ra làm 300 phần nhỏ, chụp scan 3-D từng phần. Và với sự trợ giúp của công ty GE Healthcare, chuyên sản xuất ventilators, các kỹ sư giỏi của Ford cấp tốc học, và huấn luyện công nhân quy trình sản xuất máy trợ thở .
GM(General Motors) cũng góp phần chống đại dịch Wuhan virus. Từ xe hơi, cả hai đại công ty này cùng mày mò học hỏi và sản xuất máy trợ thở với các thiết bị tối tân của họ. Hàng loạt máy trợ thở do Ford và GM sản xuất sẽ được đưa ra thị trường vào tháng 5 năm 2020 , lúc đó peak time của đại dịch COVID-19 đã qua ở Mỹ. Dù sao "late is still better than never".
***
Thứ năm 26 tháng 3
Hôm nay rất buồn là con số người chết vì bệnh cúm China Virus ở Mỹ đã vượt qua con số 1,000.
Montana, New Hampshire, và Colorado bắt đầu có lệnh "ở yên trong nhà".
Ở tận Nam bán cầu, nước Tân Tây Lan (New Zealand) cũng ban hành "lệnh cấp túc" một tháng.
Từ Đông sang Tây, các phi trường bận rộn nhất nước Mỹ: Hartsfield–Jackson Atlanta International Airport(ATL), Los Angeles Internaltional Airport(LAX), Chicago O’Hare(ORD), Dallas/Fort Worth International Airport(DFW), Denver Airport(DEN), John F Kennedy Internatinonal Airport(JFK),San Francisco International Airport(SFO)... trở thành những bãi đậu phi cơ. Cả ngàn con chim sắt nằm xếp cánh buồn thiu cùng với người Mỹ, cùng với nhân loại.
Trong thời điểm này, bất cứ một ai vì nhu cầu công việc, hay vì tình trạng khẩn cấp của gia đình phải dùng đường hàng không, họ có cảm giác như đang bay trên private jet vì phi hành đoàn còn đông hơn tổng số hành khách. Phi trường, phi đạo, và lòng người đều phủ đầy mây xám.
***
Thứ sáu 27 tháng 3
Nhật ký hôm nay xin dành cho một chút màu hồng trong bức tranh xám đen của thời kỳ đại dịch Coronavirus.
* Trước khi Florida ban hành lệnh "shelter in place, ngay trước khi các nhà hàng tại Florida phải đóng cửa vì dịch Covid-19, tại nhà hàng Skillet bán thức ăn sáng, và trưa đã có một niềm vui trong ngày mở cửa cuối cùng.
Một thực khách quen thuộc vẫn đến ăn điểm tâm ở Skillet ở North Naples mỗi ngày, có một chỗ ngồi quen thuộc ở cuối hàng hiên bên ngoài. Người khách thầm lặng vừa ăn sáng vừa làm việc trên laptop của mình, hôm nay vào tận quầy, hỏi thăm người quản lý về tổng số nhân viên làm việc ở tiệm.. Sau khi biết nhà hàng có 20 nhân viên. Ông lặng lẽ rời Skillet và trở lại với 10 ngàn dollars tiền mặt, yêu cầu chia đều cho tất cả nhân viên, từ manager, nhân viên phục vụ, nhân viên làm ở bếp. Mỗi người có thêm $500.00 từ một khách hàng có tấm lòng muốn góp phần nhỏ giúp các nhân viên vì ông biết "dịch bệnh đang gây khó khăn tài chính cho tất cả mọi người".
* Bác sĩ chuyên khoa tim Sarosh Ashraf Janju trên đường về nhà bệnh viện làm, lái xe quá tốc độ bị chận lại bởi một nhân viên cảnh sát. Khi thấy bà bác sĩ mắt thâm quầng, vẫn còn nguyên blouse có cả bảng tên "Dr. Ashraf Janju" trên ngực áo , chiếc khẩu trang y tế loại thường hai màu xanh, trắng vẫn còn nằm trên cổ. Thay vì cho bà một speedy ticket, ông cảnh sát xa lộ ở Minnesota đã tặng bà bác sĩ một chiếc mask N95 vẫn còn nguyên trong túi nylon với lời nói chân tình:
"Tôi mới được phát N95 mask sáng nay, chưa kịp dùng. Biết là bà làm việc ở bệnh viện, chắc chắn là bà cần nó hơn tôi. Xin tặng lại bà như một lời cảm ơn.
Hãy nhớ là lái xe đúng tốc độ, phải sống khỏe mạnh để còn giúp người khác."
*Một tiệm chuyên thay nhớt xe ở thành phố lớn thứ 10 của nước Mỹ, San Jose, mặc dù đang chật vật khó khăn với lệnh "Shelter in place" của California kéo dài đến đầu tháng 5, vẫn thông báo sẽ thay nhớt xe miễn phí cho các chuyên viên y tế, cảnh sát,và nhân viên vệ sinh để chia sẻ những vất vả và hiểm nguy của họ trên tuyến đầu chiến đấu với COVID-19.
* Các em học sinh cũng được cha mẹ hướng dẫn làm những khẩu hiệu "Essential Workers, we love you- Thank you" cắm ở thảm cỏ xanh trước nhà. Màu sắc trên các khẩu hiệu mộc mạc này và trái tim màu đỏ trên mỗi khẩu hiệu mang về một chút sinh khí cho đường phố vắng lặng buồn tênh, và nâng đỡ tinh thần những người đang ở tuyến đầu chổng COVID-19.
***
Thứ bảy 28 tháng 3
Là những tiểu bang nhỏ, mật độ dân số thấp, không bị ảnh hưởng nặng nế như New York, hay California, nhưng hôm nay khi con virus bé xíu có nguồn gốc từ Vũ Hán của nước Tàu phát tán khắp thế giới với cấp số nhân, hôm nay ngay cả Alaska và Rhode Island cũng phải ban hành lệnh "ở yên trong nhà","stay home, save lives".
Trong khi số bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở Ý lên hơn 10 ngàn thì con sồ tử vong ở Mỹ đã vượt lên trên hai ngàn. Số người nhiễm cúm Tàu tăng đến chóng mặt, trong số đó có một em bé chưa đầy năm.
Chính quyền Liên bang quyết định kéo dài "social distance 6 feet" đến ngày 30 tháng 4 để giảm thiểu nguy cơ lây lan chóng mặt của Coronavirus.
Sau nhiều bàn cải của ngành lập pháp, luật cứu nguy kinh tế The CARES Act vì Coronavirus ,một luật đắt giá, tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ được hành pháp ban hành. Chính phủ liên bang sẽ mở ngân quỹ dự trữ chi ra hơn 2 ngàn tỷ cứu trợ cho mỗi một người dân Mỹ đang mất thu nhập thường lệ vì cúm Tàu, vì lệnh "shelter in place" làm cho kinh tế Mỹ ngưng trệ hoàn toàn trong một thời gian dài (không biết đến bao giờ) vì virus Vũ Hán.
( CARES Act = Coronavirus Aid, Relief and Economic Security Act )
***
Chủ Nhật ngày 29 tháng 3
Trong tình hình "cấm túc tại gia", hầu hết mọi người ở nhà, không lái xe đi xa, tai nạn xe cộ gần như không có, vì đường nhỏ, đường lớn đều "đường thênh thang gió lộng một mình ta", công ty AllState sẽ hoàn lại 600 triệu tiền bảo hiểm cho những người mua bảo hiểm xe hơi của họ. Hy vọng AAA, Công ty bán bảo hiểm lớn và lâu đời nhất ở Mỹ cũng sẽ theo bước chân của AllState.
Điều buồn nhất là theo nhiều ý kiến chuyên môn, phải mất một khoảng thời gian dài, rất dài trước khi cuộc sống trở về bình thường.
Coronavirus không chỉ đến rồi đi, mà còn ở lại và tung hoành ngang dọc. Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo.
Như chàng hoàng tử bé trong "Le Petit Prince" của Antoine De Saint- Exupery, ước gì chúng tôi có một cái cọc và một sợi dây đủ lớn để giữ lại nền kinh tế của Mỹ và của cả thế giới khỏi rơi tự do trong cơn đại dịch COVID-19, và giữ lại được những bệnh nhân đang đứng chênh vênh ở hai bờ sinh tử.
Ước gì, ước gì.....
Nguyễn Trần Diệu Hương
Đầu tháng 4/2020