Đọc thêm, để hiểu thêm, nghĩ lại.
Sau trích đoạn tiểu thuyết “Mạch nước trong” (Nxb Thanh Niên,1986) liên quan chữ quốc ngữ, tôi gửi đến những người quan tâm lịch sử văn tự nước nhà một trích đoạn khác liên quan chữ Nôm, từ tiểu thuyết “Trong vô tận” (Nxb Trẻ, 2019). Hơn một nghìn chữ, có hai nhân vật “tôi”.
Tôi thứ nhất: “ông Huế” tiến sĩ dân tộc học, hôn mê sâu.
Tôi thứ hai: thanh niên Việt ở Mỹ về nước khi nhận tin báo anh có người cha chưa bao giờ gặp, đang hôn mê. Những ngày ngắn ngủi bên người cha hấp hối trong vương phủ hoang cũ, người con “hầu chuyện” với người cha qua những gì ông đã ghi chép trong laptop…
CHỮ NÔM TRONG TIỂU THUYẾT “TRONG VÔ TẬN”
“Mỗi người Huế xa quê là một con diều giấy. Càng lộng gió bay xa càng nhìn rõ Huế hơn. Diều chỉ bay cao khi sợi dây nối mặt đất chưa đứt. Lại có người Huế cả đời sống ở Huế mà vẫn xa quê, vẫn là con diều khát gió.
Cuối năm âm, tôi thường một mình xếp lại tủ sách chữ Nôm, chọn một cuốn đọc nhẩn nha ba ngày tết. Non nửa thế kỷ tủ sách này không thêm thành viên nào, như thể tự nó đã khép lại một thời, không chỉ là thời của loại văn tự này mà còn là thời đại và cả thời của chính con người chúng tôi.
Trong lúc phủi bụi thời gian cho sách, màu ngả vàng của giấy thường mang lại cho tôi nỗi buồn man mác. Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng đem đến niềm vui, như khi bất chợt phơi lộ kỷ niệm đã khuất sâu ký ức.
Tôi thường tự trách mỗi lần làm công việc này. Là lúc nhìn thấy những khoảng trống do mình gây ra. Nhiều sách cất giữ ngót trăm năm tôi đã đánh mất hoặc cho mượn dễ dãi. Giờ chúng lưu tán ở đâu, thuộc về ai, tồn tại hay tan rã? Không nhớ nữa, không biết nữa. Tự trách vì có thời tôi mệt mỏi đến thờ ơ sinh mệnh những cuốn sách vốn câm nín từ lâu và tưởng chừng chúng đã đứng ngoài dòng chảy cuộc sống. Không được bảo quản tốt, một số sách tự mục nát qua những mùa đông ẩm trời hành cơn lụt mỗi năm. Trong đó có sách viết tay độc bản, mất là mất hẳn trong thế giới vật chất cũng như trong đời sống tinh thần.
Đôi khi tôi tìm cách tha thứ cho mình bằng hai lẽ. Chất liệu giấy bồi của sách Nôm có tuổi thọ giới hạn và số người đọc chữ Nôm ngày càng vắng vẻ. Ở Huế này, nơi sách Nôm còn khá nhiều, tuy tản mát trong các tủ sách tư nhân và đình chùa, vẫn khó tìm ra người biết chữ Nôm.
Là người cuối cùng trong gia đình có tiếp xúc chữ Nôm, tôi giật mình xót xa hơn là ngạc nhiên khi nhận thông tin từ một điều tra khoa học: Trên thế giới, tính cả Việt Nam, chỉ khoảng một trăm người đọc thông viết thạo chữ Nôm.
Có những bài nghiên cứu chữ Nôm đọc đã lâu tôi vẫn nhớ nhờ cảm xúc, bởi quá trình hình thành, phát triển và lụi tàn của nó gắn liền với lịch sử dân tộc. Trong quá khứ, với bối cảnh văn tự chính thức là chữ Hán, sự sáng tạo chữ Nôm ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu thuộc về văn bản mà chữ Hán không đủ với thực tế Việt. Từ văn bản nhà nước như sổ đinh, sổ điền đến văn bản tôn giáo, tâm linh như sớ cầu siêu, cầu an đều cần khai đúng tên người, tên địa phương – những cái tên thuần Việt như làng Bưởi, anh Mít, chị Gái chẳng hạn.
Nhưng biểu thị vĩ đại nhất của chữ Nôm là tinh thần Việt, là hạo khí độc lập dân tộc. Từ sau năm 939, khi người Việt thoát ách đô hộ giặc Tàu, chữ Nôm được tôn vinh. Đến thế kỷ 13 đã có dòng văn học chữ Nôm. Và Tây Sơn là triều đại thể hiện đỉnh cao ý thức độc lập văn tự. Trong hai mươi bốn năm cầm quyền, toàn bộ văn kiện dưới triều đại này được soạn thảo và ban hành bằng chữ Nôm.
Nỗi lo tiêu vong văn tự riêng có của dân tộc là có thực. Thứ chữ được cha ông sử dụng gần một nghìn năm, nếu chỉ tính từ năm 939 đến năm 1920, năm chính quyền thực dân Pháp buộc triều đình Huế dùng chữ Việt La tinh hóa trong hệ thống trường học và các khoa thi, thay thế chữ Hán và chữ Nôm, vốn là phương tiện ghi chép, truyền tải một khối lượng khổng lồ tư liệu lịch sử, văn học và tri thức của ông cha trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói, việc loại chữ Nôm khỏi đời sống là một đứt gãy trong lộ trình truyền đạt liên tục văn hóa Việt. Và tổn thất do việc này gây ra dường như không thấy rõ, bởi những tiện lợi của chữ quốc ngữ che khuất. Nhưng về lâu dài và từ góc nhìn bảo tồn di sản ngôn ngữ thì tổn thất đó là nghiêm trọng.
Một thứ văn tự phát triển trên đôi cánh hạo khí độc lập, tồn tại nghìn năm bỗng chốc biến mất, chẳng phải là thảm họa văn hóa của một dân tộc? Con cháu muôn đời sau không đọc được chữ, không đọc được sách của tiền nhân viết ra trong nghìn năm chẳng phải là điều khủng khiếp? Thực tế cho thấy chúng ta chỉ có thể dịch một phần rất nhỏ từ gia tài chữ Nôm. Trong khi đó, Triều Tiên và Nhật Bản cũng vận dụng chữ Hán để sáng tạo chữ riêng của mình, nhưng họ đã không phải chịu tổn thất đứt gãy đường truyền văn tự như chúng ta.
Những năm gần đây tôi đã theo dõi hành trình đầy khó khăn và kịch tính của nhóm chuyên gia chữ Nôm và tin học Việt kiều, người Mỹ và người Pháp phối hợp Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong nước để đưa chữ Nôm vào bảng mã ngôn ngữ Unicode của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO-IEC. Với hơn 11.500 chữ đã “nhập kho” và được số hóa, cùng với hỗ trợ của công nghệ thông tin, chữ Nôm đã có một tương lai mới, di sản của cha ông nghìn năm có thể nằm gọn trong laptop, đồng hành cùng những ai quan tâm nghiên cứu Việt học. Con số một trăm người thông thạo chữ Nôm hiện nay rồi sẽ thay đổi theo chiều hướng lạc quan. Tôi cũng sẽ ôn lại chữ Nôm, muốn góp một dấu cộng trong đó, để ít ra cũng đọc được sách cha (nghĩa lớn) trong những ngày xuân về.”
*
Hôm qua theo cô Hạnh vào từ đường của phủ tôi đã chú ý một tủ kính khảm xa cừ có bát hương trên nóc đặt đối diện với mười hai bàn thờ. Cô cho biết tủ này trưng bày toàn sách chữ Nôm, là trước tác của mấy đời gia tiên, nên cũng được thắp hương như một bàn thờ. Nhìn chữ trên các bìa sách, tôi thấy mình chẳng khác kẻ ngoại tộc, thậm chí như người nước ngoài. Cảm giác mất mát dâng cứng ngực.
Giờ ngồi cạnh ba, tay nắm tay ba, đọc bài viết của ba trên laptop của ba, cảm giác ấy trở lại với tôi. Nhưng lần này dịu ngọt như vừa được chia sẻ. Tôi thấy mình giống cô Hạnh khi nghiêng người nói thủ thỉ vào tai ba, người vẫn thiêm thiếp trong cơn mê sâu dài. Tôi nghe lời mình từ bên trong: Con sẽ là một dấu cộng cạnh dấu cộng của ba…
VĨNH QUYỀN