ĐỪNG VU CÁO CHỮ QUỐC NGỮ
Chế độ Việt Nam Cộng Hoà có cách đặt tên đường rất hay. Song song với đường Alexandre de Rhodes là đường Hàn Thuyên. Một người có công phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ, một người có công với chữ Nôm. Cả hai nhân vật đều có phần giúp người Việt thoát khỏi việc dùng Hán tự.
Cả hai con đường chạy trước dinh Tổng thống, cho thấy nhà cầm quyền đương thời đặt họ trước mặt uy quyền là để nhắc nhớ về quyền uy nào cũng cần chữ nghĩa. Vật đổi sao dời sau 1975, nhiều con đường bị đổi tên nhưng hai con đường ấy vẫn nguyên vẹn. Cho thấy, chính quyền hiện tại cũng nghĩ đến công ơn của họ với sự phát triển của văn hoá Việt Nam.
Thế mà, hôm nay ở Đà Nẵng khi muốn đặt tên đường bằng tên hai vị cha Thừa sai là Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina lại vấp phải sự phản đối từ những tiếng nói... không phải ở Đà Nẵng. Lấy một lý do hết sức cổ hủ đó là những vị này dù đã phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ cũng chỉ nhắm mục đích làm công cụ cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Hãy đọc xem một đúc kết của tác giả Yuval Noah Harari trong tác phẩm best seller “Sapien Lược sử loài người” nói gì về chế độ đế quốc với thuộc địa. Học giả này đúc kết:
“Hầu hết mọi đế quốc đã được hình thành bằng máu, và duy trì quyền lực của họ bằng chiến tranh. Thế nhưng hầu hết những nền văn hoá ngày nay đều dựa trên những di sản của đế quốc. Nếu đế quốc theo định nghĩa là xấu, điều đó nói gì về chúng ta?
Có những trường phái tư tưởng và phong trào chính trị tìm cách xoá bỏ văn hoá con người của chủ nghĩa đế quốc, để lại đằng sau những gì họ tuyên bố là một nền văn minh đích thực, tinh khiết, không bị ô uế bởi tội lỗi. Những tư tưởng này, nếu đánh giá khoan dung nhất thì quá ngây thơ, còn nếu đánh giá nghiêm khắc nhất thì đóng vai trò làm đẹp giả tạo cho chủ nghĩa dân tộc thô thiển, đầy định kiến”.
Hãy lần ngược lại dòng lịch sử của thế kỷ 16, khi những người Âu châu đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, khi ấy là một xứ sở man di với hệ tư tưởng Khổng - Nho. Họ đến với xứ sở này trước 200 năm khi phát đại bác đầu tiên của liên quân Pháp - Bồ Đào Nha bắn vào thành Điện Hải (Đà Nẵng). Họ đến với niềm tin sáng danh đức Chúa trên một vùng đất còn đầy những hủ tục man rợ. Chữ Quốc ngữ ra đời vào lúc ấy với mong muốn truyền dạy lời của Chúa cho những người đang muốn giết chính họ. Đổ cho họ làm chữ Quốc ngữ là để làm phương tiện xâm lược thật quá hủ lậu và bội bạc.
Tại sao là xứ Đàng Trong? Nơi hai vị cha Thừa sai chọn làm nơi dừng chân. Giải thích theo một góc nhìn dân cư bản địa đó là bởi những kẻ đi mở cõi ở Đàng Trong thời bấy giờ dường như sẵn sàng chấp nhận những điều mới mẻ hơn là những tay Nho sĩ khư khư lời dạy Khổng - Mạnh ở những vùng đất cố cựu. Thực tế ngày nay, và cụ thể trong vụ việc này, có vẻ minh chứng cho điều ấy khi chẳng thấy một tiếng nói nào ở Đà Nẵng phản đối việc đặt tên hai vị giáo sĩ này cho các con đường. Các tiếng nói phản đối lại đến từ Huế hay Hà Nội nơi nhiều kẻ “trí thức rởm” và thầy tu tự cho mình cái quyền dấy lên thứ tinh thần dân tộc hẹp hòi, thô thiển.
Họ, những vị phản đối, sẽ tiếp tục gửi kiến nghị đòi gỡ tên của các bác sĩ Pasteur và Yersin ở các con đường chứ? Bởi, theo tinh thần của họ thì những vị này còn đóng góp đắc lực cho công cuộc thực dân hoá trên toàn cõi Đông Dương hơn là các giáo sĩ kia.
Dường như chúng ta chưa thật sự thoát khỏi những kẻ bám theo thứ tinh thần hẹp hòi của Khổng Tử khi cố dạy thứ trật tự phản động “Quân - Sư - Phụ”.
Chúng ta có đang trở về thời kỳ tả đạo, truy bức Thiên chúa giáo và bế quan toả cảng khi mà với chiếc điện thoại trên tay người ta có thể khóc cười với cuộc cách mạng kiêu bạc ở Hongkong? Nếu không, tại sao lại còn những kẻ lại mạo danh tinh thần dân tộc để cố bài bác những giá trị đã trở nên hiển nhiên?
Và, thật đáng châm biếm, những kẻ vô ơn kia lại đang dùng chính chữ Quốc ngữ để vấy bẩn công lao của những người sáng tạo ra con chữ ấy. Hay phải tiếp tục cúi lạy xì xụp những hoành phi Hán tự mà hầu hết chẳng ai đọc được, và đắc ý khi ngâm nga vài câu Đường thi họ mới cho đó là chữ nghĩa?
Trung Bảo