Xóm Gò
Trải qua bao thời cuộc đổi thay, địa danh Xóm Gò không còn nữa trên bản đồ, nhưng nó vẫn còn trong tâm khảm của tôi rành rọt từ con đường làng ngoằn ngoèo, bụi tre khóm trúc, xóm nhà thưa thớt dọc hai bên đường rầy xe lửa dưới chân núi Bữu Long, Biên Hòa.
Thầy giáo Đằng là người khai trí đầu tiên của tôi lúc tôi 8 tuổi, vì chiến tranh và không người hướng dẫn tôi đi học quá trể, nhưng tôi cũng thông minh, ngay ngày đầu tiên thầy viết cho tôi bài học vở lòng mấy hàng chữ cái, xong thầy bảo một đứa lớp lớn kèm tôi, nội buổi sáng tôi đã thuộc bài và sau đó thầy viết tiếp cho buổi chiều. Lớp học là cái nối liền với căn nhà ba gian rộng rãi với những vật trang trí cổ đẹp, trước nhà là môt sân rộng để học trò vui đùa trong giờ ra chơi. Học trò các lớp học chung, đứa lớp lớn phụ thày kèm mấy đứa nhỏ hay mới vào học như tôi chẳng hạn, thầy ngồi trên bộ ván ngựa với cái bàn bên cạnh và tấm bảng sau lưng, thầy chỉ loay quay trên bộ ván ngựa thôi, đó là hình ảnh đặc biệt của trường học ngày xưa ở thôn quê Việt Nam.
Lúc đầu đi học ở trường thầy giáo Đằng, tôi ở chung với chị Hai tôi ở căn nhà mới cất, khi chỗ ở cũ là khu nhà máy mủ cao su của Pháp bỏ hoang bị quân đội Nhật chiếm đóng sau ngày 03 tháng 09 năm 1945 và bị phá bỏ để nới rộng vòng đai an ninh phi trường Biên Hòa. Sau khi ba tôi có việc làm trong nhà thương của Pháp ở phi trường, trong phi trường có trường Sơ cấp từ lớp 5 tới lớp 3 (tức lớp 1 tới lớp 3 bây giờ) do các thầy Thũy, thầy Bổ và thầy Lâu dạy. Trò nào muốn học thêm phải thi đậu lớp nhì ở trường tỉnh Nguyển Du và phải giỏi mới được thầy Lâu làm danh sách gởi ra trường tỉnh để thi, tôi và chị em của nữ văn thi sĩ trong nhóm Tam C/Ngô Quyền, Kiều Oanh Trịnh không biết học lớp ba mấy năm chứ tôi phải 2 năm, còn những trang lứa với tôi ở trong trại gia binh không thi đậu hoặc không được thầy Lâu tuyển chọn đi thi bèn gia nhập vào trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu như Sanh Huỳnh, Thiện (Hủ Kẹo), Nhóm v..v..trong số đó chỉ có Roanh ra trường là sĩ quan TQLC tướng rất ngầu. Ba tôi xin cho tôi vào học lớp 5 của thầy Thũy, được hơn tháng tôi lại bỏ học ở trường Sơ cấp trở ra học ở thầy giáo Đằng, cứ thế đôi ba lần chừng lên lớp tư của thầy Bổ tôi không có ra vô gì hết, có lẽ tôi nhớ và thương thầy Đằng nên bỏ đi không đành, vì thầy rất tâm huyết trong việc dạy dỗ mặc dù thầy bị bệnh nan y. Có những buổi sáng đi học ngược chiều với ba thầy ở ngoài chợ Biên Hòa đi bằng xe đạp vào phi trường, mình cũng cảm thấy ngượng, mặc dù vậy nhưng các thầy thương nên vẫn nhận mình vào học lại lớp 5 của thầy Thũy. Từ trong phi trường đi học ở thầy giáo Đằng tôi phải đi qua đồng ruộng ,rừng chồi, chùa và một cái đình bỏ hoang với cây da khổng lồ chằn chịt rể dây từ trên xuống làm thằng nhỏ cũng teo khi đi một mình và khi đi ngang qua những ngôi mộ bên vệ đường tôi phải chạy thụt mạng cho mau qua khỏi, đôi khi quá hấp tấp vấp phải những gốc cây bị tươm máu mấy đầu ngón chân vì đi chân không làm gì có giày dép như học sinh ngày nay. Một buỗi xế chiều, trên đường về một thằng Tây thình lình xuất hiện với cây súng tiểu liên trên tay ở đường rầy, tôi xí xô xí xào tiếng Tây bồi với nó, vậy mà nó cũng hiểu, sau đó nó bảo tôi đặt ngón tay trỏ vào cò súng kéo mạnh ngược lại, ba tiếng nổ chát chúa liên tiếp làm tôi hoảng hồn còn thằng Tây thì cười rũ rượi. Gần trường thầy giáo Đằng có lò đường thủ công gần đó, tức là mía được xay ép bằng hai ống trục kim loại bằng gổ bọc nhôm do trâu hay bò kéo vòng tròn bằng một thanh gổ dài nối liền cổ con vật và hai ống trục, nước mía được lọc qua mành lưới, xong được múc vào chảo lớn để nấu thành đường, nên tới mùa mía đường tụi học trò rất thích vì trên đường đi học về tạt vào lấy một khúc mía làm cho sạch xong nhúng vào chảo đường sắp đổ ra khuôn, đường nhão bọc dính quanh cây mía vừa lăn cây mía vừa đi vừa ăn rất khoái, hay xin những miếng đường vụn rơi rải nằm ngoài khuôn đổ, đường vụn ăn rất ngon thơm.
Mùa hè tôi hay về ở với chị Hai tôi vì chị sống có một mình, một hôm trời mưa lớn, chúng tôi đang chơi ngoài đồng ruộng, sẵn mưa lớn nên tắm luôn, đang tắm ở đám ruộng đã cày bừa xong và nước rất nhiều, một thằng nhỏ đang tắm trước mặt tôi vài thước, lúc nó đứng dậy tôi thấy một con đỉa trâu to bằng ngón tay út bám vào mông đít nó, tôi liền chạy tới vừa la “đỉa-đỉa” vừa lấy tay gạt con đỉa xuống, nhưng nó hút chặc vào da thịt nên rất khó gạt nó rớt xuống, chừng gạt xong con đỉa thằng nhỏ vừa khóc vừa chạy vào nhà mét má nó là tôi bắt đỉa bỏ lên mông đít nó. Một hôm tụi tui đùa giỡn ở hai cái mã lớn chung quanh xây bằng những khối đá ong to lớn, một thằng trang lứa bị té xây xác mình mẩy rồi tôi cũng bị trầy trụa ở mang tai, chúng tôi thôi không đùa giỡn nữa, chắc có lẽ người nằm phía dưới muốn được yên tĩnh.
Xóm Gò còn đâu nữa, nó chỉ còn lại trong tâm khảm của những ai còn sống cho tới bây giờ sau bao đổi thay của thời cuộc. Giờ có nhìn lại mảnh đất năm xưa chắc cũng không ai nhận ra Xóm Gò vì những đợt di cư vô tiền khoáng hậu sau 75 cho tới nay. Thật buồn thay.
Thôi Huỳnh