Giới thiệu Hải Đội 7 Khu Trục Hạm chỉ huy bởi Đại Tá Lê Bá Hùng.
T2, 10/19/2015 - 15:51
Trong lúc tình hình Biển Đông đang nóng lên với việc Hoa Kỳ chuẩn bị cho tuần tra khu vực 12 hải lý các hòn đảo nhân tạo mà Trung Cộng xây dựng trái phép, người Việt hải ngoại sự dồn sự chú ý vào Hải Đội 7 Khu Trục Hạm (COMDESRON 7) do Đại Tá Lê Bá Hùng chỉ huy.
Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Hải quân Đại tá Lê Bá Hùng, Hải đội phó Hải Đội 7 Khu Trục Hạm được bổ nhiệm chức vụ Hải đội trưởng Hải đội 7. Trong vai trò Hải đội trưởng, Đại tá Hùng chỉ huy và hướng dẫn Hải Đội 7 Khu Trục Hạm sử dụng chiến thuật Khinh tốc hạm LCS tác chiến cận duyên, thường xuyên hoạt động trên biển, thực hiện nhiệm vụ quan sát tình hình an ninh hàng hải, để yểm trợ cho việc tái cân bằng lực lượng của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Hải đội 7 đồn trú tại căn cứ Hải quân Singapore, được biệt phái Khinh tốc hạm USS Fort Worth LCS-3 từ Hải đội 1. Hải đội 7 sẽ được luân phiên tăng cường 4 chiếc Khinh tốc hạm LCS.
Hải Đội 7 là một trong chín Hải đội Khu trục hạm và Khinh tốc hạm của Bộ tư lệnh Hạm đội trên mặt biển, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ (Commander Naval Surface Force, U.S. Pacific Fleet). Đây là lực lượng tác chiến trên mặt biển lưu động rất mạnh, gồm có các đơn vị như: Hải đội 1 Khu trục hạm, Hải đội 5 Khu trục hạm, Hải đội 7 Khu trục hạm, Hải đội 9 Khu trục hạm, Hải đội 15 Khu trục hạm, Hải đội 21 Khu trục hạm, Hải đội 23 Khu trục hạm, Hải đội 31 Khu trục hạm và Hải đội 1 Khinh tốc hạm (COMLCSRON 1).
Chín Hải đội trên được trang bị Khu Trục hạm hỏa tiễn (DDG), và Khinh tốc hạm LCS tác chiến cận duyên.
Khinh tốc hạm LCS (Littoral Combat Ship) do hãng Lockheed Martin và General Dynamics thiết kế, theo yêu cầu của Hải quân Hoa Kỳ cần loại chiến hạm hoạt động và tác chiến trong vùng biển cạn, vận tốc nhanh, để thực hiện nhiệm vụ đánh trả những mối đe dọa tiềm ẩn của đối phương như mìn và thủy lôi, tàu ngầm ít tiếng động và khinh tốc đĩnh.
Chiến hạm LCS-3
Có 2 loại chiến hạm LCS, đó là Freedom Class và The Independence Class.
LCS Freedom Class do hãng Marinette Marine đóng trọng tải 3954 tấn, dài 118.8 mét, rộng 17.6 mét; Vận tốc 40 hải lý một giờ, tầm hoạt động 3500 km, thủy thủ đoàn 40; Vũ khí trang bị: 1 trọng pháo điện tử BAE Systerm 57 ly, tầm tác xạ 17km, tốc độ bắn 270 trái đạn một phút; 1 Hỏa tiễn chống phi cơ Raytheon RAM RIM-116 21-cell tầm 9.6km; 1 Hỏa tiễn chống mục tiêu trên biển và trên bộ Lookheed Martin Longbow Aphatche Hellfires (AGM-114L) tầm 8.3km; 2 trực thăng chống tàu ngầm MH-60R/S hoặc 1 trực thăng chống tàu ngầm MH-60R/S và 3 trực thăng không người lái Fire Scout VTURV. Khinh tốc hạm Freedom LCS-1 đầu tiên được hoàn tất vào tháng 11 năm 2008.
LCS Independence Class do hãng Austal USA chế tạo, trọng tải 2841 tấn, dài 127.6 mét, rộng 31.4 mét. Vận tốc 40 hải lý một giờ, tầm hoạt động 3500 km. Vũ khí trang bị: 1 trọng pháo điện tử BAE Systerm 57 ly, tầm tác xạ 17km, tốc độ bắn 270 trái đạn một phút; 1 Hỏa tiễn chống phi cơ Raytheon RAM RIM-116 21-cell tầm 9.6km; 1 Hỏa tiễn chống mục tiêu trên biển và trên bộ Lookheed Martin Longbow Aphatche Hellfires (AGM-114L) tầm 8.3km; 1 trực thăng chống tàu ngầm MH-60R/S và 2 trực thăng không người lái Fire Scout VTURV. Khinh tốc hạm USS Independence LCS-2 đầu tiên được hoàn tất vào tháng 1 năm 2010.
Khinh tốc hạm LCS sẽ trở thành Hộ tống hạm hỏa tiễn (FFG- guided missile frigates) nếu được thiết trí hỏa tiễn chống chiến hạm.
Hải đội 7 Khu Trục Hạm là một đơn vị trong các lực lượng cơ hữu của Đệ Thất Hạm Đội. Nhiệm vụ của Hải đội 7 là hỗ trợ chính sách quốc gia Hoa Kỳ về các mục tiêu an ninh hàng hải. Kể từ tháng 12 năm 2012, Hải đội 7 thực hiện một sự thay đổi lịch sử, di chuyển từ căn cứ Hải quân San Diego sang đồn trú tại căn cứ Hải quân Singapore, vùng Đông Nam Á Châu, để thực hiện việc yểm trợ tái cân bằng lực lượng cho Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.