THƯ GỬI CÁC BẠN MÌNH
Các bạn mình thân mến,
Thời điểm hiện tại vẫn còn là mùa xuân của năm 2015. Chưa hết tháng tư, rải rác đâu đó vẫn còn những cánh đào nở muộn. Những cơn mưa dăm ba hôm lại kéo về khiến những bãi cỏ xanh trước nhà vươn cao nhanh. Các loài hoa khác cũng bắt đầu bung mầm hé nụ như những búp hồng knock out vườn sau hay những chiếc lá quỳnh hoa cũng he hé màu vàng màu tím…Mùa xuân của đất trời như thế. Mầm mới vươn lên…dù là loài cỏ cây nhỏ nhoi trong vạn vật. Tháng tư mùa xuân năm nào cũng vậy, chẳng có gì thay đổi.
Nhưng thưa các bạn mình,
Đã bốn mươi năm nay, tháng tư mùa xuân của đất trời lại chẳng phải là mùa xuân của lòng người, của hơn ba triệu con người đang sống ở một nơi nào đó rất xa quê hương – quê hương Việt Nam và ngay cả hàng triệu triệu người hiện vẫn còn mang nặng nỗi buồn đau đáu mỗi độ tháng tư mùa xuân về ngay trên quê nhà mình đang vật vờ trong nỗi ngóng trông một ngày có tháng tư mùa xuân thật sự. Ngược lại cũng có cả triệu người vẫn còn tự bịt mắt che tai mình để thổi kèn đánh trống nhảy múa như những con rối cạn nhảy mừng chiến thắng, một chiến thắng được “tặng không” chẳng vẻ vang gì và cũng chẳng đánh lừa được ai. Lịch sử càng ngày càng hé lộ ra những sự thật, sự thật mà những kẻ gọi là “bên chiến thắng” cứ giả vờ làm như không biết gì trong khi chính họ là những đạo diễn và kẻ diễn tuồng trên một sân khấu lộ thiên “vĩ đại” khiến ai ai cũng biết mặt biết tên, biết cả tông tích họ hàng của chúng. Từ bấy đến nay đã tốn cả triệu trang giấy, tốn bao nhiêu mực để nói đến cái tháng tư mùa xuân này. Chuyện ai đúng ai sai, ai tà ai chánh chắc không cần phải bàn thêm ở đây, trên chiếc màn ảnh nhỏ trước mặt các bạn. Mỗi bạn mình chắc chắn đều có những ý nghĩ riêng của vấn đề chung mà mình hy vọng là không xa với cái nhìn và lối suy nghĩ của kẻ viết thư này. Được như vậy thì thật đúng là “đồng cảnh đồng tâm”.
Đã hơn hai tháng nay người ta tranh cãi rất nhiều và rất hăng về vài “ngôn từ” tự nó chẳng có ý nghĩa gì. Mà nghĩa của nó là do con người áp đặt lên rồi giải thích thế này thế nọ mà thôi. Thật quá phiền phức! Ví như người ta nói đến chữ “đen”. Nghĩa đen của chữ đen là “đen” – một tĩnh từ như “chiếc áo đen” (nói về tính chất) hay là một danh từ như “màu đen của than” (nói về màu sắc của vật). Còn nghĩa bóng của “đen” là chỉ những gì gợi cho ta những điều không tốt, không đẹp, không sáng sủa, không tương lai như “cuộc đời đen tối”, “số đen”, “vận đen”… và chúng ta đang nghe đến hai chữ “Tháng Tư Đen”, không những mới nghe mà nghe đã lâu rồi – từ sau cái ngày chúng ta mất hết tài sản, đi vô tù, đi kinh tế mới và tìm đường thoát cái bóng tối đen nghịt ập xuống trên toàn Miền Nam Việt Nam. Vậy cái “tháng tư” ấy không gọi là “tháng tư đen” thì phải gọi bằng gì? Chẳng lẽ gọi ngược lại là “tháng tư trắng”(đúng với: tháng tư trắng tay), “tháng tư vui” hay “tháng tư hạnh phúc”? … Lạm bàn vớ vẩn với các bạn một chút cho vui vậy thôi chứ các bạn mình thừa biết trắng đen đen trắng là thế nào rồi. Xin ngưng chuyện trắng đen nơi đây.
Ngồi bấm đốt ngón tay thì biết các bạn mình nay cũng đã bảy bó hoặc bảy bó có lẻ. Tức là tháng tư mùa xuân năm bảy lăm thì các bạn mình mới ngoài ba mươi tuổi thôi, cái tuổi của tương lai đang đi lên, cái tuổi đang tiến hành mộng ước để xây dựng tương lai sáng sủa cho mình bằng con đường công hầu khanh tướng với các bạn theo nghiệp nhà binh, hoặc công danh sự nghiệp với các bạn không vướng víu với bộ áo trận hành quân. Vậy mà “giữa đường đứt gánh”, “sẩy đàn tan nghé”. Một số các bạn mình vượt thoát được trước cái ngày lịch sử đen tối chưa chắc đã hoàn toàn ung dung tự tại nơi xứ người khi mà tin tức từ quê nhà bị nhốt kín bưng cho đến khi nghe được những những tin kinh hoàng lọt ra từ trong nước. Các bạn không thể tin rằng có hàng nghìn trại tù lớn nhỏ khắp nước từ Bắc vô Nam (viết đến đây bỗng nhớ ông nhạc sĩ nửa mù nửa điếc viết: “từ Bắc vô Nam tay liền nắm tay…” thật là chua chát…thì ra nắm tay dắt nhau đi vô tù…nắm tay lao xuống biển đông…Các bạn không thể tin rằng có những khu “kinh tế mới” khắp Miền Nam để dồn dân “Ngụy” đến đó làm bạn với bệnh hoạn và đói khát…Còn các bạn mình kẹt lại thì chắc chắn đã được hưởng cái hương vị xã hội chủ nghĩa mà lão thánh Mác thánh Lê thảy sang cho dân Việt Nam hưởng!
Nói về Đà Lạt của những ngày tháng tư 1975 thì kẻ viết bài này chỉ được nghe kể lại chứ không chứng kiến. Đà Lạt cũng chất ngất những tang thương mất mát qua cuộc di tản (chạy trốn) về đồng bằng.
Riêng kẻ viết bài này từ những ngày của tháng ba đã nhận được nhiều tin tức không tốt và đoán được tình hình chiến sự nên đã mua vé máy bay và nhờ một người bạn Hướng Đạo (anh Hoàng Trung Dũng) lên Đà Lạt để đón hết người nhà xuống Sài Gòn. Cha mẹ không chịu đi, chỉ có bốn người em và một người em dâu theo người bạn xuống Sài Gòn cho mãi đến giữa tháng năm mới trở về Đà Lạt. Vì đang làm việc ở Sài Gòn (phủ Tổng Ủy Công Vụ) và làm thêm việc thiện nguyện cho tổ chức YMCA Service In VietNam có trụ sở đặt tại Genève – Thụy Sĩ nên được văn phòng Quốc Hội cấp giấy phép để di chuyển trong những giờ giới nghiêm. Nhờ vậy mà mình có mặt ở các trại lúc bấy giờ được gọi với cái tên: “trại tị nạn cộng sản” ở khắp các nơi quanh Sài Gòn như Phú Văn và Lái Thiêu ở Bình Dương, Long Điền ở Phước Tuy (Bà Rịa), Vũng Tàu (trong trung tâm huấn luyện Cán Bộ Quốc Gia) và trại xa nhất là Rừng Lá (căn cứ 4) thuộc tỉnh Long Khánh. Mặc dầu chính quyền các địa phương phải lo liệu đủ mọi thứ cho đồng bào tị nạn nhưng người tị nạn mỗi ngày mỗi đông và phức tạp nên khi vùng cao nguyên rơi vào tay việt cộng thì người đến các trại tị nạn quá đông, chính quyền lo không xuể. YMCA đều có mặt ở các trại tị nạn nói trên. Trong số các trại tị nạn đó, trại tị nạn Rừng Lá được thành lập sớm nhất, từ mùa hè 1972 khi các đơn vị chính quy của việt cộng mở các cuộc tấn công ồ ạt từ đầu tháng tư 1972, tổng cộng có 7 đợt tấn công liên tục nhưng cuối cùng chúng bị đầy lui vì quân số thất thoát quá nhiều và thiếu yểm trợ nhưng cái chính là do chủ quan và háo thắng bởi những lời tuyên truyền khích động từ Hà Nội, đồng thời với nổ lực của quân đội VNCH quyết chiếm lại lãnh thổ cho nên đến giữa tháng 5 – 1972 việt cộng bị đánh bật ra khỏi An Lộc (gọi là giải phóng An Lộc). Chính quyền tỉnh Long Khánh đón đồng bào từ An Lộc vào trại tị nạn Rừng Lá từ đầu tháng tư 1972. Cho đến 1973 mình mới có cơ hội đến Rừng Lá, việc đầu tiên là tổ chức các nhóm thanh thiếu niên và hướng dẫn sinh hoạt cho họ như cắm trại, chơi các môn thể thao như bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn và văn nghệ lành mạnh… mở lớp cắt may cho phụ nữ, mở nhà giữ trẻ để các bà mẹ có con nhỏ đi làm (lò than, chằm nón bằng lá buông, trồng khoai mì rau trái, làm củi…). YMCA tài trợ cho các tổ chức sinh hoạt trên. Những cô giáo và những người dạy may đều được trả lương, họ cũng là những người tị nạn từ An Lộc. Có thể nói trại tị nạn Rừng Lá được YMCA yểm trợ đã trở nên một trung tâm tị nạn được tổ chức và sinh hoạt tương đối toàn hảo. Ngoài Rừng Lá, các trại tị nạn khác kể trên đều được thành lập khi cộng quân mở các cuộc tấn công từ đầu năm 1975. Có một chuyện xin kể cho vui: thường thường thì cuối tuần mình đến Rừng Lá để làm việc và ngủ lại tối thứ bảy cho đến chiều chủ nhật mới về lại Sài Gòn. Có một buổi tối, mình và mấy anh thanh niên tị nạn đang nằm ngủ trên những chiếc bàn học kê lại với nhau thì vào giữa khuya có một người lạ, mặc quần xà loỏng áo bà ba đen, đi chân không, đẩy cửa bước vào gọi chúng tôi. Mọi người thức dậy và kinh ngạc. Chưa kịp hỏi han gì thì người thanh niên trạc ngoài hai mươi đã nói” “em là du kích…em xin chiêu hồi…”. Khi đó chúng tôi mới hoàn hồn và thấy anh không có vũ khí gì trong tay. Một thanh niên tị nạn hỏi: anh ở đâu? Người thanh niên chiêu hồi ấp úng, trên mặt lộ vẻ lo sợ: em đi du kích ở Lộc Ninh và được điều động về Rừng Lá để hoạt động trong khu này, đói quá đói quá…”. Thanh niên tị nạn hỏi tiếp: anh có vũ khí không? Người chiêu hồi đáp: Có…mà em để trong rừng. Cá nhân tôi chưa biết giải quyết chuyện này thế nào thì người thanh niên tị nạn nhanh chóng lên tiếng: đây không phải là cơ quan chính quyền nên chúng tôi không nhận anh được, anh ở đây chờ sáng sớm mai chúng tôi sẽ mời chính quyền địa phương tới để nói chuyện với anh. Thế là chúng tôi ngồi quanh anh thanh niên chiêu hồi cho đến sáng, pha cà phê, nấu nước trà và lấy bánh ngọt (loại bánh sửa của Mỹ hình chữ nhật lớn bằng bánh xà phòng Cô Ba của Việt Nam) cho anh ăn, còn mời anh ta hút thuốc lá nữa. Năm giờ sáng hôm sau, anh Thành (thanh niên tị nạn) đạp xe đến trụ sở xã thông báo cho biết là có một vi xi chiêu hồi. Khoảng 7 giờ thì có quận trưởng là trung tá Mẫn và hai sĩ quan lái xe jeep đến và đưa thanh niên chiêu hồi về quận. Mấy hôm sau trung tá Mẫn ghé thăm anh em và cho biết anh vi xi chiêu hồi dẫn vào rừng chỉ cho lấy được một số vũ khí loại nhẹ. Công tác cứu trợ đồng bào tị nạn khác cũng dồn dập từ tháng ba nên mình cũng thường xuyên đến các nơi đó chở theo gạo, nước mắm, muối, thuốc men và tập vở cùng dụng cụ học sinh...
Đến giữa tháng tư 1975 thì tình hình ngày càng sôi động và nhiều tỉnh thành Miền Trung lần lượt lọt vào tay cộng quân. Chuyện di tản, chạy ra nước ngoài bằng cách này hay cách khác cũng được nói đến trừng ngày từng giờ. Với mình, nghe hai tiếng cọng sản hay việt cộng là đã rợn tóc gáy rồi nên quyết định phải ra đi.
Thứ nhất là bằng đường biển, mình đã mua một chiếc ghe chín triệu đồng tại Bến Đá Vũng Tàu và được một số bạn bè tại Vũng Tàu cộng tác và trang bị vũ khí, luơng thực, nước uống, thuốc men…để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Thứ hai là bằng đường hàng không. Ông Ronald Luce là phó giám đốc của YMCA Service In VietNam có ghi danh cho mình và gia đình, dặn khi nào nghe trên đài phát thanh quân đội Mỹ cho phát bài hát “White Christmas” thì đó là lệnh di tản, phải đến một trong những điểm tập trung để được đón đi. Việc ra đi từ Vũng Tàu mình cũng đã lo liệu thêm là mướn một căn nhà đối diện với ty cảnh sát để chứa thực phẩm thuốc men và các phẩm vật cứu trợ khác để giúp đồng bào đang ở trong Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu (Rạch Dừa) và dùng nơi này để tập trung xuống tàu ra khơi. Nhưng vì mãi lo chuyện đi cứu trợ đồng bào ở các trại tị nạn khác nên đến lúc quyết định lên đường vào ngày 28 tháng tư thì khi xe chạy ra đến cầu Cỏ May thì cầu đã bị việt cộng giật sập. Hàng nghìn người và xe cộ dồn cứng bên này cầu để rồi phải quay về Sài Gòn. Còn về đường hàng không thì ông Ronald Luce đã rời Việt Nam hôm 21 tháng tư. Thấy ông giám đốc YMCA người Nhật là Yamashita còn ở lại nên mình vẫn yên chí là có thể đi với ông ta chuyến cuối cùng. Ai ngờ rằng ông ta có ý định ở lại Sài Gòn để thấy cảnh việt cộng chiếm Sài Gòn. Ông ta là đảng viên của đảng Xã Hội Nhật, một đảng có khuynh hướng thân cộng nên ông ta không sợ việt cộng làm khó (theo lời ông nói). Mãi cho đến tháng 8 – 1975 ông và gia đình mới trở về Nhật rồi sau đó được bổ nhiệm làm việc tại Nam Hàn (sau này mới biết). Chuyện buồn cười nhất là mình được dặn khi nào nghe bài hát “White Christmas” thì đến địa điểm tập trung mà mình thì chưa bao giờ được nghe bài “White Christmas” cả. Như vậy là chuyện chạy trốn bằng đường biển lẫn đường hàng không đều hỏng cả. Sáng ngày 30 tháng tư 1975 dồn cả nhà mười người lên chiếc xe La Dalat chạy ra bến tàu, thấy người đông nghẹt dọc bến Bạch Đằng, chẳng thấy tàu bè đâu cả, rồi chạy vòng vòng qua khu Tân Định để tránh pháo kích của việt cộng, đến đường Lý Trần Quán thấy có một thanh niên bị thương nơi đùi do pháo kích, bèn dừng xe lại băng bó cho anh ta trước khi nghe được lệnh buông súng của ông Dương Văn Minh. Vô cùng hốt hoảng và lo sợ. Trên đường về nhà ở đường Lê Văn Duyệt đi lẫn với những xe tăng T54 của việt cộng trong thành phố. Dân chúng hiếu kỳ tràn ra đường xem xe tăng của việt cộng, đài phát thanh Sài Gòn phát những bài ca hiếu sát xen lẫn với những lời kêu gọi của ủy ban quân quản thành phố, lại có cả bọn thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng sát khí mang aka bắn chỉ thiên rùm trời, có bọn khác đang leo lên những chiếc thiết giáp nằm rải rác dọc đường để múc xăng từ các bình chứa, nhiều người đang vác, lôi, đội những chiến lợi phẩm họ đột nhập vào những nhà vắng chủ để lấy đi…Lái xe mất cả hơn hai tiếng đồng hồ mới về tới nhà trong tâm trạng vô cùng hoang mang lo sợ vì thấy những ngày đen tối trước mắt đã hiện ra. Tối hôm đó đem giấy tờ hình ảnh ra đốt rồi chờ cho quá khuya mới dám chở sách mang đi quăng trong các ngõ hẽm xa nhà…Sáng hôm sau mấy đứa con ngỡ ngàng nhìn mình nói: sao tóc của ba bạc…?
Mình kẹt lại Việt Nam, vợ được “lưu dung” dạy học. Từ đó, cứ mỗi sáng sớm là mình dắt xe đạp ra đi với thùng đạn garant đựng đồ nghề và một ống bơm sửa xe đạp cho mãi đến tối đến khuya mới mò về nhà (sau đó làm nhiều nghề linh tinh nữa). Các con còn quá nhỏ, đi học. Rất nhiều những âu lo cho đời sống trước mặt, nhưng điều lo âu hơn cả là làm thế nào để các con không phải bị nhiểm chất “phóng xạ cộng sản” vì đó là loại phóng xạ đã giết chết trên 100 triệu người trên toàn thế giới và cả triệu người tại Việt Nam. Mình nghĩ ra nhiều cách để nói cho các con biết sự thật về cọng sản, những mẩu chuyện mình dựa vào những sự kiện thực tế mà các con thấy mỗi ngày: cơm và thức ăn không đủ không ngon như những ngày trước 30 tháng tư, mình hỏi các con, tại sao? mình cho chúng biết là tại “giải phóng”. Mình hỏi: Trước đây ba có xe cộ để đi làm và chở các con đi chơi, nay thì không, tại sao? Mình cho chúng biết: tại giải phóng. Mình lại hỏi: Tết đến các con không có quần áo giày dép mới, tại sao? Mình giải thích: tại giải phóng… vân vân và vân vân…Có điều là mình dặn dò các con rất kỹ, chớ có nói cho bất cứ ai nghe, nếu nghe được họ sẽ bắt ba má đi ở tù và sẽ mất nhà mất cửa…các con sẽ khổ vô cùng. Rất mừng là các con đều nghe lời mình. Có một hôm chúng đi học về, đang đói bụng, mình dắt chúng đến đứng trước tấm ảnh ông hồ (không viết hoa) treo trên tường và bảo: Các con đang đói, vậy thử xin bác hồ hay bộ đội cho các con cơm để ăn đi. Các con đều cười và nói: bác hồ làm sao cho các con ăn được. Mình hỏi tiếp: vậy ai cho các con ăn? Các con trả lời: ba má. Sau đó vợ mình dọn cơm cho chúng ăn và mình cũng giải thích thêm cho chúng hiểu thế nào là giải phóng, bác hồ là ai, bộ đội là gì, đội đoàn thiếu nhi thiếu niên khăn đỏ là gì…” đều là những thứ láo lếu không giúp cho ai cả, chỉ hại người ta mà thôi. Mình cũng cho các con biết có nhiều trại tù khổ sai dành cho những sĩ quan và công chức của VNCH (tôi đã không thành thật khai với vi xi nên không đi tù). Trong những đợt đổi tiền (cướp), đánh tư sản mình cũng giải thích cho các con biết đó chỉ là hành vi ăn cướp mà gia đình mình cũng là nạn nhân như 30 triệu người Miền Nam khác. Các con nghe lời mình và chúng cũng háo hức trong những lần vượt biên “thất bại” và lúc qua Mỹ, chúng được đi học, đi làm và nhất là hưởng không khí tự do, dân chủ mà ở Việt Nam không bao giờ có. Chúng nhận ra rằng những điều mình đã dạy chúng lúc còn ở Việt Nam là đúng hoàn toàn. Mình rất vui.
Các bạn mình thân mến,
Mỗi năm cứ đến tháng tư “đen” mình lại nhớ những tháng ngày sống trong lòng xã hội chủ nghĩa cùng với những đỉnh cao trí tuệ. Gia đình mình có hai người em đi lính, người em kế tử trận tháng giêng năm 1971, và người em thứ hai bị thương tháng 5 năm 1973. Nếu viết về ngày 30 tháng tư (chúng ta đã quen với cái tên gọi là Ngày Quốc Hận) thì riêng cá nhân mình cũng có thể dùng vài trăm trang giấy để viết dưới cái nhìn của cá nhân mình. Mà các bạn thì chắc chắn đã đọc từ 40 năm nay ít nhất cả vài nghìn trang về chuyện này. Nhân tháng tư năm nay, xin mượn trang web Anh Đào để tâm sự đôi điều, chỉ đôi điều thôi. Nếu có làm mất thì giờ của các bạn mình, cũng xin lượng tình tha thứ. Được như vậy, xin thật lòng đa tạ.
Cuối cùng, thưa các bạn mình, bên trên của thư này là hình chụp bức tượng “Thương Tiếc” đặt tại nghĩa trang Biên Hòa, tác giả là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. Trước 30 tháng tư mình thường đi công tác chạy trên trên xa lộ Biên Hòa nên nhiều lần mình ghé vào ngồi nghỉ dưới chân tượng. Sau tháng tư 1975 các đỉnh cao trí tuệ đập phá bức tượng này và kéo về thảy trước một nhà kho cũ nằm trong quận Dĩ An trên quốc lộ 1. Trong những lần đạp xe đạp lên Biên Hòa “nàm ăn ninh tinh” mình đều thấy bức tuợng đã bị đập bể nằm dưới đất mà lòng đau xót. Một thời gian sau chúng lại kéo đi nơi khác hoặc đã bán ve chai…
Thư này khá dài mong các bạn thông cảm. Và không biết nên chúc gì cho các bạn mình trong tháng tư đen này? Hẹn các bạn mình thư sau