GIỚI THIỆU RA MẮT SÁCH CỦA THIỀN SƯ THÍCH THÔNG TRIỆT - Trần Minh Tâm
Chủ Bút Tuần San ĐẸP
Giới thiệu 2 quyển sách mới của Thiền sư Thích Thông Triệt
--------------------
1. LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VỀ: TIẾN TRÌNH TU CHỨNG
VÀ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT
Là người Phật tử ai cũng biết sơ lược về lịch sử và cuộc đời tu tập của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập ra đạo Phật. Thí dụ như: Trước khi thành vị Phật lịch sử thì Ngài là Thái Tử Siddhattha, họ Gotama theo hệ Pãli, còn hệ Sanskrit thì viết là Siddhãrtha Gautama. Cha của Ngài là vua Tịnh Phạn, Mẹ là hoàng hậu Ma-Da mất sớm, vợ là công chúa Da-Du-Đà-La, con là La-Hầu-La. Đến khi thành đạo, Ngài được gọi là Phật Cồ Đàm (Gotama Buddha). Đệ tử của Ngài gọi Ngài là "đức Thế Tôn" hay "đức Phật". Người khác đạo gọi Ngài là Tôn Giả Cù Đàm hay Sa Môn Cù Đàm. Khi đi du hoá khắp nơi, thì Ngài được gọi là Thích Ca Mâu Ni (Skt: Sãkyamuni, P:Sakkamuni) có nghĩa là "Vị Thánh Yên Lặng bộ tộc Thích Ca". Còn Ngài thì tự xưng là "Như Lai" (Tathãgata) là "Người đã đến như vậy" hay "Người đã đạt được Chân lý tối hậu bằng Tâm Như" tức "Tâm Tathã".
Trong lịch sử nhân loại, đức Thích Ca Mâu Ni là vị Chánh Đẳng Giác. Đạo của Ngài gọi là đạo "Giác Ngộ". Đây là một trong những tôn giáo với hệ thống triết học và khoa học tâm linh lớn trên thế giới. Khoa học tâm linh này đã tô đậm nền văn hoá nghệ thuật, kiến trúc, là nền tảng văn học và tư tưởng cho các dân tộc Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Ai Lao, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng và Việt Nam cùng các dân tộc Tây phương khác qua 3 tạng Kinh, Luật, Luận bằng hai loại văn Pãli và Sanskrit. Văn bản Pãli thuộc Phật Giáo Nguyên Thuỷ, hệ Nam Tông. Văn bản Sanskrit, thuộc Phật Giáo Phát Triển, hệ Bắc Tông.
Nhắc lại đạo Phật là đạo "Giác Ngộ", đạo "trí tuệ", cho nên người khám phá ra đạo này phải là người đã giác ngộ, chứng được trạng thái định cao nhất của thắng trí, đó là Chân Như trí, là người có Toàn Trí thông suốt nguồn cội thực tướng hiện tượng thế gian, thấu rõ đầu mối gây ra phiền não, khổ đau, tái sinh triền miên của con người. Người Toàn Trí không những biết được đầu mối gây đau khổ mà còn tìm ra được những phương thức chấm dứt mọi thứ đau khổ đó. Tại sao vậy? Đó chẳng qua là Ngài đã tu tập tự chứng trên thân và tâm của mình về sự chấm dứt lậu hoặc, chấm dứt tái sinh đồng thời khám phá ra Con Đường (đạo / path) tức phương hướng đi đến giải thoát tối hậu gọi là tự giác.
Bằng năng lực siêu phàm của Phật Nhãn, Ngài biết tất cả tánh khí, căn cơ cao thấp và khuynh hướng cùng tư tưởng chúng sinh, nên khi thiết lập phương thức giáo hoá, Ngài khiến cho tất cả người khi nghe giảng đều lãnh hội rõ ràng về những điều Ngài dạy. Phương thức này gọi là "đối cơ" thuyết pháp, nghĩa là tùy theo khả năng của cá nhân mà hướng dẫn tu tập. Cả hai đức tính tự giác và giác tha của Ngài hoàn toàn tròn đủ, cho nên Ngài được gọi là Phật.
Để trở thành một bậc Đại Giác như vậy? Đường hướng tu tập của Ngài được sử liệu ghi lại không phải một sớm một chiều mà đạt được. Ngài đã phải trải qua 6 năm tu tập sai lầm suýt chết... Lúc đầu theo học Thiền Yoga, không thành công. Ngài theo năm anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh, cũng thất bại. Sau đó Ngài tự tìm pháp tu riêng của mình. Đó là thiền Định theo pháp Thở.
Muốn tìm hiểu thấu đáo hơn về Con Đường Tu Chứng và Thành Đạo của Đức Phật, chúng ta cần giở lại kinh điển. Kinh điển là những lời Phật dạy đã được trùng tu lại nhiều lần. Những lần đầu khi trùng tu các bậc Trưởng Lão chỉ tụng đọc. Những lần sau mới ghi chép thành văn, gồm Kinh, Luật, Luận. Gọi chung là Tam Tạng có 2 hệ:
- Hệ Pãli do Nam Tông hay Nguyên Thuỷ biên soạn. Kinh Tạng Nikãya gồm 5 bộ; Luật Tạng Pãli gồm 5 bộ; Luận Tạng Pãli có 5 bộ.
- Hệ Sanskrit do Bắc Tông hay Phát Triển biên soạn. Kinh Tạng A-Hàm (Ãgama) 5 bộ; Luật Tạng Sanskrit 5 bộ; Luận Tạng Sanskrit 7 bộ.
Và cũng từ hai bộ Tam Tạng trên, các bậc Học Giả, các vị Cao Tăng thời xưa hay thời nay đã dịch hay viết lại tiểu sử Đức Phật qua nhiều thứ tiếng trên thế giới. Nay có thêm sách của một vị Thiền sư rút gọn những điểm chính yếu về tiến trình tu chứng của Đức Phật để giúp người thực hành nhận ra phương hướng dụng công đưa đến cân bằng thân-tâm và triệt tiêu phiền não, giúp người đọc có thêm điều kiện để suy ngẫm và rút kinh nghiệm tu tập khổ hạnh của Ngài.
Hai quyển sách mới này không phải chỉ là luận giảng lý thuyết suông mà là kết qủa của nhiều năm miên mật dụng công của một vị thiền sư đã dẹp được "quán tính nói thầm trong não" (tầm tứ yên lặng), thêm vào đó người đã mượn khoa học não bộ để dẫn giải chứng minh những lời giảng dạy trong kinh Nikãya hợp tình hợp lý, hầu giúp cho những người trẻ có đầu óc khoa học ở thế kỷ 21 này nhận rõ ra rằng Thiền Phật Giáo không có gì bí hiểm hay huyền bí. Đây là một điểm đặc biệt theo kiểu "Bình cũ rượu mới", là một sáng kiến mới mẻ, giúp cho người đọc không mất nhiều thì giờ tìm kiếm tài liệu để so sánh chứng minh.
Đó là một trong nhiều lý do, mà người viết kính giới thiệu đến các Phật tử, thiền sinh hay những độc giả muốn tìm hiểu về Phật Giáo hai quyển sách sắp phát hành của Thiền Sư Thích Thông Triệt. Theo sự suy nghĩ của người viết thì hai quyển sách này không nhằm mục đích kể lại chuyện người xưa, mà mục đích là nhận định và luận giảng về đường lối tu tập của người xưa để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mọi người về: Quá trình tu hành của Đức Phật đã trải qua những gian truân như thế nào? Phương thức dụng công đầu tiên của Ngài ra sao? Vì sao Ngài phải bỏ phương thức tu Thiền của hệ thống Yoga và bỏ luôn phương pháp tu Khổ hạnh để tìm ra phương thức mới giúp Ngài đạt được Giác ngộ tối hậu? Tiến trình các phương thức đó như thế nào, diễn tiến ra sao? Vì sao Ngài xem ý thức, suy nghĩ và trí năng là chướng ngại của tu Thiền? Mấu chốt nào đưa Ngài đến Giác ngộ tối hậu? Nền tảng sự thành đạo của Đức Phật đặt vào đâu? Giá trị sự thành đạo của Đức Phật như thế nào... v.v.. Quý độc giả sẽ tìm thấy câu giải đáp trong quyển sách thứ nhất với tựa đề "Luận Giảng Vấn Đáp Về: TIẾN TRÌNH TU CHỨNG VÀ THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT".
Trong "Lời Tựa" ở những trang đầu quyển sách, Thiền sư Thông Triệt đã ghi lại như sau:
"Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật" vốn là quyển sách đã được chúng tôi phát hành vào năm 1999 và tái bản vào năm 2007 trong bộ sách gồm 4 tập. Bộ sách này được chúng tôi xếp với đề tài là: "Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Thiền Phật Giáo". Nay chúng tôi tách rời quyển sách "Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật" ra thành một quyển sách riêng biệt, mang tựa đề "Luận Giảng Vấn Đáp Về Tiến Trình Tu Chứng Và Thành Đạo Của Đức Phật".
Từ năm 2007 đến năm 2010, sau những kỳ chụp hình não bộ tại trường Đại học Tubingen, Đức quốc, và dự Hội Nghị Não Bộ OHBM (Organization for Human Brain Mapping) lần thứ 16 tại Barcelona, Tây Ban Nha, lần thứ 17 tại Quebec, Canada, những câu hỏi mà chúng tôi thắc mắc từ năm 1982 được giải đáp, đó là: Tâm nhu nhuyến, thuần tịnh, không cấu nhiểm, dễ sai khiến, ngoài lời, chính là chức năng của vùng Precuneus. Tâm này tương xứng với thuật ngữ Tâm Như.
Từ sau đó, những câu nói mà Phật đã mô tả: Tathãgata tức Như Lai, Cái Vô Sanh, Thượng Trí, Niết Bàn, hay Tự Tánh Thanh Tịnh cũng chính là chức năng của vùng Precuneus. Vùng Precuneus nằm ở thuỳ đỉnh thuộc Vỏ Não. Nó được các nhà não học xếp là cái lõi của não bộ.
Để làm sáng tỏ bộ sách "Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật", hôm nay, chúng tôi biên sọan, giảng giải và bổ túc "Tiến Trình Thành Đạo Của Đức Phật". Nhờ sự đóng góp công sức và trợ duyên đặc biệt của tất cả Thiền sinh tại Pháp, Đức, Canada, Thuỵ Sỹ và các tiểu bang trên đất Mỹ nên quyển sách mới này lấy tên lại là: "Luận Giảng Vấn Đáp Về Tiến Trình Tu Chứng Và Thành Đạo Của Đức Phật" đã đủ duyên Ra Mắt bạn đọc.
Như vậy, mục tiêu biên soạn cuốn sách này, chúng tôi nhắm 4 điểm:
1. Luận giảng về những mấu chốt đưa đến tiến trình tu chứng của Đức Phật qua 4 tầng Định.
2. Luận giảng về những điểm then chốt đưa đến sự thành đạo của Đức Phật.
3. Đối chiếu với những kinh điển mà Đức Phật đã giảng dạy đệ tử để đạt được 4 tiến trình định và giải thoát tối hậu như Phật đã thành tựu.
4. Mở ra phương hướng tu tập cho thiền sinh bằng ngôn ngữ hiện nay.
Mong rằng tập sách nhỏ này sẽ là đề tài hữu ích cho những vị muốn đi sâu vào Thiền Phật Giáo qua hệ kinh Nguyên Thủy."
2.
LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VẾ THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI
"Trong đạo Phật, Thiền là pháp tu khó thực hành bậc nhất. Muốn thành tựu từng mục tiêu trong Thiền không phải là dễ. Thí dụ như trên mặt tâm: Ta không lo âu, không nổi sân, không bực bội, không đố kỵ, quên lỗi người, thấy lỗi mình, không khen mình, không chê người. Trên mặt thân: Ta điều chỉnh bệnh tâm thể như cao máu, mất ngủ kinh niên... Trên mặt tuệ trí: Ta khai triển được trí tuệ tâm linh và làm mờ đi quán tính suy luận của trí năng. Muốn hoàn thành những mục tiêu đó, Thiền đòi hỏi người thực hành phải hội đủ những điều kiện cần thiết.
Trước hết, ta cần sáng suốt để nhận ra Thiền là dụng cụ có khả năng chuyển đổi nhận thức, chuyển hoá nội tâm, làm cho phiền não ngày một nhẹ đi. Rồi bằng những kỹ thuật thực hành, nó có khả năng tạo ra sự hài hoà trong ta và cân bằng được thân-tâm; giúp ta chuyển hoá tâm bất an thành tâm an, tâm mê thành tâm tỉnh, tâm xao lãng thành tâm thuần nhất... Kỹ thuật thực hành cũng giúp ta khai triển năng lực tâm linh từ bên trong cơ chế tánh giác.
Muốn có những kinh nghiệm trên ta cần thực hành theo những qui định của Thiền. Đây là điều khó thứ nhất mà ta cần vượt qua để hoàn thành mục tiêu.
Một điểm khác là cư sĩ, ta nên nhận ra Thiền là nhu cầu thiết thực cho sinh hoạt tâm linh để hỗ trợ cuộc sống thế tục. Thế nào là hỗ trợ cuộc sống thế tục? Ai cũng biết rằng trong cuộc sống hằng ngày ta phải đối đầu nhiều vấn đề phức tạp khó xử, khó giải quyết, ta cần sáng suốt, tỉnh táo, linh hoạt, ứng phó kịp thời trước các tình huống mà không ra ngoài khuôn khổ đạo đức và nhân cách. Ngoài ra, ta cũng cần an lạc, hài hoà, có cuộc sống hạnh phúc chân thật và lâu dài, chứ không phải an lạc tạm bợ, giả tạo nhất thời. Những điều kiện này vốn nằm trong các phương thức thực hành của Thiền Quán, Thiền Chỉ, Thiền Định và Thiền Huệ.
Thông qua Thiền Quán, ta sẽ nhận ra chân tánh hiện tượng mà từ lâu ta đã bị những thứ tri kiến truyền thống thế gian che khuất. Qua đó, tâm ta sẽ dần dần chuyển hoá, có nhận thức mới về hiện tượng thế gian và trở nên an tịnh trầm lặng.
Ta biết sống, biết suy nghĩ và biết làm việc theo tinh thần từ bi, phục vụ nhân sinh dưới ánh sáng trí tuệ giác ngộ. Nhờ vậy, mà ta không bị sa ngã bởi rượu chè, hút xách xì ke, ma tuý, dâm ô trụy lạc. Ta chỉnh đốn lại tác phong đạo đức. Nhân cách của ta không còn bị bệ rạc. Đến khi tâm thật yên lặng, ta sẽ có kinh nghiệm "cái biết không lời rõ ràng và đồng bộ". Cái biết này chính là cơ sở của tâm định vững chắc. Nó cũng là cơ sở của điều kiện phát huy trí tuệ tâm linh và là nền tảng của nguyên lý hài hoà giữa thân và tâm của ta. Thân khoẻ mạnh, tâm an lạc, tuệ trí bừng sáng đều dựa trên nó. Tâm cá nhân được hài hoà cùng môi trường chung quanh cũng dựa trên nó. Phiền não dần dần bị loại ra khỏi tâm cũng dựa trên nó. Phật gọi trạng thái này là "sati sampajanna" tức "biết rõ ràng và đầy đủ" hay là "chánh niệm tỉnh giác".
Với tu sĩ, tuy không đặt trọng tâm nhắm đến thành Phật, thành A-La-Hán hay thành Bồ Tát như những quan điểm cổ thời, song ta nhận ra Thiền là nhu cầu tâm linh; chính nó có khả năng giúp ta kinh nghiệm chuyển đổi nhận thức, thoát khổ, giác ngộ, và giải thoát ngay trong đời này.
Muốn có kinh nghiệm tâm linh, ta phải thực hành theo những qui định trong Thiền. Vì thông qua những kỹ thuật thực hành, ta có khả năng làm cho quán tính suy luận của trí năng ngưng hoạt động để nhường chỗ lại cho tánh giác có mặt trong sinh hoạt hàng ngày. Ta cũng có khả năng khai triển tiềm năng giác ngộ, tức Phật Tánh bằng những phương thức thực hành cao hơn của Thiền. Và nếu thực hành cao hơn nữa, ta sẽ có kinh nghiệm nhân chứng. Tóm lại, Thiền khó tu chỉ vì nó đòi hỏi nhiều điều kiện cần thiết mà người thực hành cần phải có.
Trên nguyên tắc, dù thực hành Thiền theo hệ thống nào (Thiền Tông, Thiền Nguyên Thủy hay Thiền Phát Triển) người thực hành cũng phải trải qua từng giai đoạn dụng công. Thực hành từ dễ đến khó. Nói cách khác là thực hành từ pháp thấp đến pháp cao, hoặc còn gọi theo truyền thống là từ "tục đế" đến "chân đế".
Ngày xưa, Đức Phật cũng đã phải trải qua từng giai đoạn dụng công. Từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền, hay từ từng định thấp đến định cao mới đạt được Chánh đẳng giác. Khi thiết lập phương hướng giáo hoá, Ngài cũng chỉ dẫn cách thực hành từ thấp tới cao. Phương thức này gọi là "tiệm giáo". Do đó đi theo Con đường của Phật, chúng ta cũng đi từng bước, hay áp dụng từng giai đoạn. Sự đi từng giai đoạn hay từng bước này gọi là "tiệm tu".
Đoạn văn trên là lời Khai Thị của Thiền Sư trong các lớp Thiền Căn Bản của dòng Thiền Tánh Không được tổ chức tại nhiều nơi được ghi lại với tựa đề: "Nói Chuyện Với Tân Thiền Sinh" đăng trong quyển "Tìm Hiểu Và Ứng Dụng Thiền Phật Giáo" của Thiền Sư Thông Triệt phát hành năm 2005 .
Trở lại phần giới thiệu tác phẩm mới. Năm 2014, Thiền Sư Thông Triệt sắp Ra Mắt bạn đọc hai quyển sách. Quyển thứ nhất đã giới thiệu ở trên, còn quyển thứ hai có tựa đề là: "Luận Giảng Vấn Đáp Về Thiền Và Kiến Thức Thời Đại". Nội dung quyển sách này đặc biệt nhấn mạnh về quan niệm mới trong sự thực hành Thiền. Giới thiệu thêm một số kiến thức căn bản về Bộ Não của con người. Trong đó có hệ thống thần kinh và các Tuyến Nội Tiết cùng các chất sinh hoá học có lợi hay có hại cho cơ thể con người. Vai trò của vùng Precuneus trong tiến trình Ngộ đạo. Hồi đáp sinh học trong Thiền và Cơ sở khoa học của sự thực hành Thiền để điều trị các bệnh tâm thể và tâm lý.
Nội dung vừa nêu lên của quyển sách "Thiền Và Kiến Thức Thời Đại" cho thấy quan niệm mới về Thiền không phải chỉ nhắm vào việc thành Phật, thành Bồ Tát ở đời sau của người tu tập, mà Thiền có kết quả liền trong hiện tại để thân được khoẻ mạnh, tâm an vui, trí tuệ tâm linh phát huy... Khi thực hành Thiền đúng sẽ kích động vào Đối Giao Cảm Thần Kinh tiết ra những chất sinh hoá học giúp cho cơ thể phấn chấn hoạt bát vui vẻ... v.v.. Thiền sai sẽ tác động vào Giao Cảm Thần Kinh tiết ra những chất sinh hoá học không thuận lợi cho sức khoẻ của người hành thiền mà thuật ngữ trong Thiền thường hay đề cập tới là "tẩu hoả nhập ma".
Những vấn đề này đã được giải thích rõ ràng trong quyển sách "Luận Giảng Vấn ĐápVề Thiền Và Kiến Thức Thời Đại" của một vị Thiền sư: Giảng được, Thực Hành được và Chứng Minh được qua thời gian chuyên tu thiền Định nhiều năm trước kia khi còn ở Việt Nam và sau này chụp hình não bộ nhiều lần kể từ năm 2007 đến 2010, và mới đây vào tháng 6 năm 2013. Đặc biệt không chỉ Thiền sư chụp hình Não bộ khi thực hành 4 tiến trình Định: Định Có Tầm Không Tứ, Định Không Tầm Không Tứ, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Chân Như Định hay còn gọi là Định Bất Động của riêng mình không thôi, mà đệ tử của người là các thiền sinh cũng được đưa vào máy fMRI chụp Não bộ để có thể đưa đến kết luận Thiền chẳng qua là áp dụng những kỹ thuật thích hợp để huấn luyện các tế bào não vốn hay suy nghĩ triền miên được yên lặng. Khi các cơ chế ý căn, ý thức, trí năng yên lặng thì tánh giác có mặt. Nội dung quyển sách này cũng xác định vị trí của các cơ chế ý căn, ý thức, trí năng, tánh giác gồm các tánh thấy, nghe, xúc chạm và nhận thức nằm ở đâu trong bộ não của con người. Thật là một khám phá vô cùng lý thú mà người đọc không thể bỏ qua.
THIỀN SƯ THÍCH THÔNG TRIỆT
Thiền sư Thích Thông Triệt thế danh là Lê Kế Tông sinh năm 1929 tại quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa, Đồng Nai. Xuất gia với Đại Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ tại Thiền viện Chơn Không, Vũng Tàu, Việt Nam.
Được biết, từ thập niên 50, sau hơn 20 năm lăn lộn trong đời, đến đầu năm 1972, người nhận thấy Thiền Phật Giáo thích hợp với mình, nên quyết định tử bỏ tất cả nhân duyên và tri kiến thế gian để đi "vào đó" tìm ra những giải đáp cho chính mình trên mặt "tâm linh". Qua sự giới thiệu của Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, người được Thầy Viện Chủ Thích Thanh Từ chấp thuận cho xuất gia. Nhưng không may mắn như những bạn cùng khoá. Hơn một năm sau đó, miền Nam Việt Nam đổi chủ, người bị đưa đi "nhập thất bất đấc dĩ" trong suốt 14 năm tại các trại Cải tạo. Đầu năm 1978, bị đưa ra miền Bắc "nhập thất" tại trại Hà Nam (Hà Nam Ninh). Đến khoảng giữa năm 1979 lại được đưa đến trại Thanh Liệt (Hà Tây). Trong thời gian nhập thất này, Thiền sư vẫn miên mật chuyên tu thiền Định.
Khoảng tháng Hai Dương lịch, năm 1982, vào khoàng 3 giờ sáng ngày Mùng 4 Tết, Thiền sư kinh nghiệm được trạng thái "ngộ đạo" trong Thiền qua sự xúc chạm từ nơi cánh tay...
Năm 1989 Thiền sư được đoàn tụ với Thầy và huynh đệ tại Thiền Viện Thường Chiếu. Lúc đó Thiền sư có trình lên Thiền Sư Hoà Thượng Thanh Từ rằng, sau này sẽ viết sách Thiền có đối chiếu với Khoa học, được Hoà Thượng đồng ý.
Năm 1991, Hoà Thượng Thích Thanh Từ cho phép thiền sư dẫn giải quyển "Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20" do Hoà Thượng biên soạn, bằng hình thức đối chiếu với Khoa học.
Thiền sư Thông Triệt đã thành công trong công trình nghiên cứu Khoa học về Tác Động của thiền trên Não Bộ từ năm 2007-2013, dưới sự bảo trợ của trường Đại học Tubingen (Đức Quốc) và được trình bày tại Hội Nghị Khoa Học Não Bộ Thế Giới tổ chức tại Barcelona năm 2010 và tại Canada năm 2011.
Sách đã xuất bản:
- Đồ Thị Dẫn Giải (3 quyển, 1996)
- Vào Cửa Không (1997)
- Tiến Trình Tu Chứng Của Đức Phật (1999, tái bản 2007)
- Tác Dụng Thiền Đối Với Đời Sống Con Người (2 quyển, 2000, 2005)
- Thiền Luận Vấn Đáp (2007)
- Thiền Dưới Ánh Sáng Khoa Học (2010)
Quyển "Luận Giảng Vấn Đáp Về Tiến Trình Tu Chứng Và Sự Thành Đạo Của Đức Phật" và quyển"Luận Giảng Vấn Đáp Về Thiền Và Kiến Thức Thời Đại" sẽ được Hội Thiền Tánh Không địa phương tổ chức Ra Mắt độc giả và thiền sinh tại Houston (TX), San Jose, Sacramento Orange County (CA), Washington D.C. vào tháng 8/2014. Sau đó sẽ Ra Mắt Sách ở Đức, Thụy Sĩ... v..v...
Là cư dân và là thiền sinh của Thiền Tánh Không tại thành phố Houston Texas, người viết trân trọng giới thiệu đến quý độc giả hai tác phẩm giá trị trên của một vị Thiền sư, một vị Thầy khả kính, luôn nghĩ đến tiền đồ Phật giáo đã không quảng ngại thời giờ công sức, đã nhiều lần hy sinh sức khoẻ chụp hình bộ não để có tài liệu chứng minh rõ ràng những gì người soạn thảo in thành sách để lại cho hậu thế.
Người viết tha thiết kính mời quý Phật tử, quý thiền sinh cùng quý đồng hương không phân biệt tôn giáo vui lòng dành chút thì giờ tham dự Buổi Tiệc Chay Ra Mắt Sách có văn nghệ góp vui này trước bày tỏ lòng kính mến ân sư nếu là đệ tử, sau có cơ hội gặp mặt bạn bè thân hữu trong không khí nhẹ nhàng vui tươi cởi mở, buông xả những lo toan công ăn việc làm trong vài tiếng đồng hồ. Sự hiện diện đông đủ của quý vị chắc chắn là một khích lệ lớn lao đối với những thiền sinh đã bỏ công sức lo lắng cho chương trình Ra Mắt Sách suốt mấy tháng vừa qua.
TRẦN MINH TÂM
(Chủ Bút ĐẸP MAGAZINE)
GHI CHÚ:
Chương Trình Ra Mắt Sách tại Houston sẽ được Hội Thiền Tánh Không Houston Texas tổ chức vào Chủ Nhật 17-8-2014 vào lúc 5 giờ chiều tại nhà hàng Kim Sơn địa chỉ 10603 Bellaire Blvd, Houston, TX 77072. Đặc biệt có sự hiện diện của các Diễn giả: Ni Sư Thích Nữ Triệt Như đến từ Thiền Viện Tánh Không California; Tiến Sĩ Michael Erb và Bác sĩ Phạm Văn Phú đến từ Tubingen University, Germany.
Liên lạc Ban Tổ Chức:
Thiền sinh Chân Định: 713-498-8722,
Thiền sinh: Huệ Dung: 713-259-1068 hoặc
hay Email về: thientanhkhong@gmail.com