TUỔI HẠC CÔ ĐƠN
H |
ồi xưa, khi số tuổi thọ của người Việt chưa được cao như bây giờ, người nào sống tới tuổi từ 50 trở lên, được coi là thọ và mừng lắm. Cho nên cụ nào tới tuổi 50-60 là được con cháu làm lễ mừng. Còn cụ nào thọ tới 70 coi như đã là hiếm lắm: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nhà thơ Lý Bạch đời Đường đã nói như vậy. Cụ nào đã thọ mà lại con đàng cháu đống thì lấy làm mãn nguyện và hãnh diện lắm. Nhiều cụ nói rằng ngày giỗ ngày tế, con cháu tụ họp về đầy nhà, các cụ chỉ cần ngồi nhìn con cháu cũng đủ vui và … no rồi, chẳng cần ăn nữa! Thậm chí, có cụ còn tỏ ra rất sung sướng khi qui tiên mà đám tang có đủ khăn đỏ khăn vàng – càng đông khăn đỏ khăn vàng các cụ càng happy. Tưởng tượng khi đó nằm trong quan tài, các cụ hai tay xoa bụng mà mỉm cười mãn nguyện!
Thế nhưng ông Trời nhiều khi rất oái oăm. Không bao giờ ông ban phát hạnh phúc cho con người một cách trọn vẹn. Cho nên mới thấy những người giàu sang phú quí nhất mực nhưng lại vắn số. Hai tay buông xuôi quá sớm, của cải và vợ đẹp con ngoan bỏ lại hết, chẳng mang theo được gì cả. Trái lại có những người rất thọ, nhưng hoặc là nghèo, hoặc hiếm hoi không con cháu để nương tựa lúc tuổi già. Nếu chẳng may một người vì lý do nào đó như hiếm muộn hoặc con cháu rủi ro chết sớm, thì cảm thấy cô đơn và đau buồn lắm lúc tuổi già.
Người Tây phương vốn sống theo cá nhân chủ nghĩa nên không đặt nặng vấn đề có con hay không có con và khi về già sống chung với con cháu hay phải sống một mình. Một phần cũng bởi nước họ có một chế độ an sinh xã hộoi tốt đẹp, nhà nước lo lắng chăm sóc cho người già một cách đầy đủ. Trái lại ở những nước chậm tiến như Việt Nam, người dân phải tự lo liệu cho bản thân mình. Do đó, cuộc sống đại gia đình là một cách để người ta dựa dẫm lẫn nhau. Bởi vậy tục ngữ ta mới có câu: “ Trẻ cậy cha già cậy con”
Tuy nhiên, không phải người Tây phương nào cũng xem thường việc tạo lập một gia đình với con cháu đông đủ và khi về già không thèm nhờ sự săn sóc của con cháu. Có những người cảm thấy rất bất hạnh khi phải sống trong cảnh cô đơn lúc xế bóng. Chẳng hạn như trường hợp rất thương tâm của một ông già người Mỹ mà báo chí tiết lộ mới đây. Ông cụ 92 tuổi, sống độc thân từ hồi còn trẻ, cho nên bây giờ vào lúc gần đất xa trời cảm thấy cô đơn quá.
Nhưng điều làm cho người ta ngạc nhiên và mủi lòng là: vì bị bỏ tù một thời gian ngắn mà bỗng ông cụ thấy rằng cuộc sống trong tù ấm cún hơn và … hạnh phúc hơn bên ngoài. Cho nên ông cứ nằng nặc xin với quan tòa cho ông được ngồi tù cho tới khi nào ông sang bên kia thế giới. Nhưng quan tòa không thể chấp nhận lời yêu cầu có vẻ nghịch lý này, nên quyết định trả tự do cho cụ. Khi rời nhà tù để sống cuộc đời gọi là tự do mà ai ai cũng mong muốn, ông cụ lại thấy…buồn quá. Cho nên cụ đã đi tìm cái chết. Ông cụ đã nhẩy từ một cây cầu cao gần 15 mét để tự vận.
Nguyên, cụ Coval Russell năm nay 92 tuổi, là một người lương thiện và hiền lành, từ trẻ đến giờ chưa bao giờ phạm pháp. Nhưng rủi ro cách đây hơn một năm, qua một cuộc sô sát với người chủ nhà nơi cụ mướn một căn phòng, cụ đã không dằn nổi cơn nóng mà đâm bị thương người này, do đó bị giam gần một năm rưởi. Nguyên nhân chỉ vì người chủ khó tính cho rằng ông cụ không giữ vệ sinh căn phòng, đòi đuổi cậu đi. Nhưng khi vào tù, cụ Russell bỗng thấy rằng không khí nhà tù… dzui quá. Từ các cai tù cho tới các đồng cảnh đều cư xử rất tử tế với cụ, coi cụ như cha ông họ. Mối tương quan giữa hai bên rất tốt đẹp trong sự kính trọng lẫn nhau. Thế là bỗng nhiên đến cuối đời, với tư thế một kẻ tội phạm, cụ Russell mới khám phá ra rằng không nơi nào đẹp, không nơi nào hạnh phúc, không nơi nào con người ăn ở với nhau lịch sự như… trong tù. Cho nên, khi quan tòa quyết định phóng thích cụ vì tuổi cụ quá cao, không thích hợp với nhà giam, thì cụ nhất mực xin được ở lại trong nhà tù cho tới chết. Cụ còn tuyên bố rằng ở trong tù người ta đối xử với cụ đúng như một “con người”. Chắc là cụ ám chỉ được mọi người quí mến và kính trọng.
Cụ Russell là người tứ cố vô thân cho nên cứ thèm ngồi tù để có bạn, nhất là vì được đám tù trẻ kính trọng, coi như cha ông họ, nên cụ sung sướng được ngồi tù. Vì cụ bảo ra sống bên ngoài không có ai là họ hàng bà con, cụ thấy lẻ loi cô đơn quá.
Thế nhưng có nhiều cụ già khác có con cháu hẳn hoi, mà vẫn cảm thấy cô đơn, lẻ loi. Nhất là các cụ người Việt mình hiện đang định cư tại những nước phương Tây. Ngày xưa còn ở trong nước, sống giữa những người cùng ngôn ngữ, cùng phong tục, các cụ không thấy mình lạc lõng, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hàng xóm láng giềng ở sát vách, chạy qua chạy lại có nhau. Con cháu đi vắng mà cần điếu thuốc miếng trầu, các cụ có thể nhờ cô Tư hay dì Bẩy hang xóm mua giùm. Ở đây nhà ở cách xa nhau, hàng xóm không cùng ngôn ngữ. Con cháu trong nhà thì người nào cũng bận công việc riêng, người đi làm, kẻ đi học. Ai cũng lật đật ra đì từ sang sớm, đến tối mịt mới về. Muốn mở TV xem cho đỡ buồn thì lại nghe toàn tiếng ngoại quốc xí xa xí xộ chẳng hiễu gì cả. Một số cụ may mắn định cư ở những vùng có đông người Việt như Orange County cõn đỡ khổ. Nếu chẳng may phải ở những vùng lạnh lẽo và ít người đồng hương, thật quả là bất hạnh. Thành ra chẳng cần phải bị nhốt bị giam, các cụ vẫn thấy như mình đang ngồi tù. Nơi ở càng dinh cơ đồ sộ, nỗi cô đơn càng lớn.
Cho nên, có thể nói rằng các cụ chẳng khác gì những cổ thụ bị bứng lên đem trồng một vùng đất lạ. Hễ cây càng già, rễ càng ăn sâu thì khi bị bứng gốc càng cảm thấy đau đớn
VĨNH PHÚC
(Phiếm 2006)