Ló đầu vào phòng, con gái nói :
- Tối nay con đi coi phim nha má, gần nhà mình nè! - Mấy giờ con về, chỗ đậu xe có gần cổng vào không? Nhớ đem theo áo ấm, con đi với ... Còn vài câu định nhắc hỏi nữa, nhưng cái đầu con gái đã thụt ra
mất tiêu!
Tối đó hơn mười giờ rưởi rồi con vẫn chưa về, đêm dần khuya má không ngủ được, lòng má phập phồng. Má nằm đọc sách ngóng con, má đọc hàng này nhảy xọ qua hàng kia, má đọc không được, má ra ngoài ngồi xem tivi chờ cửa con, cái điều khiển trong tay má bấm đổi hết kênh này sang kênh khác... má lo âu đủ thứ, có gì bất trắc cho con gái má không trên đường lái xe về? Con đang loay hoay tìm vì lạc mất chìa khóa? Hay chỗ con đậu xe xa quá với cửa rạp, có ai đi cùng với con đến chỗ lấy xe không? Có ai chọc ghẹo sàm sở gì con không? Hay là xe con bị xẹp bánh? Hay đơn giản chỉ là phim hôm nay chiếu trễ nên con về muộn?
Rồi con gái cũng về, vui vẽ không có gì cả, lòng má nhẹ đi nỗi âu lo nhưng rồi sao không biết má lại bùng lên cơn giận, má đã la rầy con: - Hồi đó ông bà ngoại không cho phép má đi vậy đâu ... hồi đó con gái mà đi chơi khuya khoắc như vậy là không nên ... hồi đó ..." Con không vui và nói:
- Má cứ nhắc ông bà ngoại hoài, má cứ hồi đó hồi đó hoài, hồi đó khác bây giờ khác! Má lại rầy con: - Hồi đó (lại hồi đó, má cũng chẳng biết làm sao!) khi ông bà ngoại giận la, má phải lắng nghe... Má thấy con buồn bả:
- Má có lo thì cũng có được gì đâu, lại làm mệt má. Con đã lớn rồi đâu còn nhỏ nửa mà má lo âu chi nhiều như thế. Con có công việc, con có bạn bè, con cần được tự do cho thời gian riêng của con, má đâu có thể nào theo mà lo cho con mãi được..!"
Má trở vào phòng lặng lẽ ứa nước mắt. Má hiểu và má cũng thấy những lo âu của má có gì đó ... lẫn
thẫn và vô nghĩa. Nhưng má không thể ... không lo lắng cho con, má không thể nào làm khác hơn, bởi đơn giản má là má của con! Lo lắng và chăm sóc con cái là trách nhiệm của bậc cha mẹ, người ta vẫn hay nói vậy. Trách nhiệm thôi ư? Không, với má đó là bản năng, là hơi thở là một
phần không thể thiếu trong cuộc sống của má. Để má nhớ coi từ lúc nào má đã bắt đầu lo lắng cho các con của má... đó chính là lúc các con bắt đầu tượng hình trong má, và má biết nỗi lo ấy sẽ kéo dài cho đến lúc má nhắm mắt buông xuôi!
Nỗi lo như một bản năng tự nhiên má nhận ra được lúc con mới lọt lòng,
mà chỉ với nó, dù chỉ là một cái cựa mình trở giấc trong đêm của con cũng làm má thức giấc. Khi con nóng sốt vì sưng nướu mọc cái răng đầu tiên, má lo lắng mấy đêm không ngủ. Lúc con chập chững, má vẫn luôn ở phía sau hai tay giơ theo những bước tập đi đầu tiên cùng con, chỉ được
vài bước lẫm chẫm rồi con té ịch, miệng mếu xệch mắt ngước lên ngó má rồi òa khóc tủi thân, má xuýt xoa như chính mình té ngã, ôm con vào lòng
dỗ dành thương con chưa thể kêu lên: - "con té rồi, đau quá má ơi!"...
Ngày đầu tiên con xúng xính mặc đồng phục đến trường, chuông rung con vào hẳn lớp rồi, vậy mà má không đành về, má vẫn đứng ngoài cổng nghe tiếng ê a vọng ra rồi tưởng tượng có tiếng đánh vần của con trong đó, má
thấy lòng vui muốn chảy nước mắt, giống như má đã khóc khi nghe tiếng con bập bẹ gọi ba gọi má lần đầu. Chừng ấy năm... chắc con đã quên tối đến nằm rúc trong lòng má, đòi má kể chuyện: - "con vỏi con voi, cái vòi
đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi đi
sau rốt..." Mấy lời đơn giản vậy thôi mà con thích thú ngủ thiếp ngon lành. Chừng ấy năm... chắc con cũng đã quên tiếng nhịp roi chan chát của
má, ngó con nem nép nước mắt chảy dài im lặng đợi roi má quất xuống vì biết mình sai. Má thương con không nở trút roi xuống da mềm con dại, làm
bộ hằm hè nhịp thêm vài roi: -"Lần này má cho con thiếu, lần sau còn hư
nữa má đánh đòn gấp đôi!"... Má làm sao có thể làm đau con được. Má làm
sao có thể ghét bỏ con mình ...
Bây giờ con đã lớn khôn, có nhiều mối quan hệ ở bên ngoài, má lại càng
đối diện với trăm nỗi lo âu mà má tự biết rằng, má không thể làm gì hơn. Má chỉ là một bà má còn chưa chạy kịp theo những bước xa rộng của giới trẻ bây giờ, lẫm cẫm với nếp nghĩ xưa cũ giống như một sợi vải thừa, màu sắc không còn hợp thời bám lắt lẽo bên một tà váy mới, rồi ôm nỗi lo đâu đâu bất lực dõi bước theo chân các con mình. Nhiều khi má cũng biết sự lo lắng của má làm con bực mình, nó giống như gánh nặng làm
con khó chịu, vì lúc nào má cũng muốn mãi tỏa bóng mình bao phủ che chắn cho con, làm cho má quên rằng con má đã lớn và muốn vươn ra khỏi vòng tay của má (thiệt là hợp lý với con và vô lý với má) ... Nhưng là một bản năng, liệu má có thể làm khác không? Má hạnh phúc sống cuộc đời làm má, với niềm vui lớn lao là được lo lắng cho các con của má. Má thiệt đáng trách phải không con?
Má hiểu rằng con không vui, con có lý, hết sức có lý khi buồn phiền má vì nghĩ rằng, sao má cứ muốn dính chặt vào con! Nhưng, như má đã nói với anh Hai, bây giờ má cũng nói với con, má dõi theo từng bước của tụi con,
không phải
vì rãnh rỗi, không phải vì tò mò, và hơn hết không phải để bắt lấy những thiếu sót của tụi con để mà vui thích. Mà nó chính là một phần trong cuộc đời của má, nó tựa như hơi thở của chính mình, còn thở là còn dõi theo… Dù rằng sự dõi theo này đôi khi được đáp trả lại bằng những lời nói, cử chỉ làm má buồn lòng không
ít! Khi tụi con được mọi người ngợi khen, hãy nhớ vì sao mà tụi con được đón nhận những điều như thế. Nói như vậy không phải má muốn nâng cao mình trước tụi con, vì kể cả khi tụi con không thể nhớ đến những điều này, thì má cũng sẽ sống và nuôi dạy
tụi con
đúng y như thế…Mục đích của các con mình là gì, má không thể biết hết, nhưng
cuộc đời
của má từ khi
có tụi
con, thì đó chính là mục đích duy nhất của đời mình.
Má nghĩ, không có một người mẹ nào mà chẳng có những nỗi đau khổ âm thầm, những lo âu trĩu nặng. Hình ảnh của người mẹ khẻ đung đưa nôi, của người mẹ bế
con trên tay một mình trong đêm dài ru ầu ơ cho con yên giấc, người mẹ ôm choàng đứa con đã bỏ mẹ mà đi. Người mẹ là nhân chứng chân thật. Không phải huyền thoại. Đó là vẽ đẹp, là sự thật.
Rồi sẽ đến một lúc, tụi con sẽ không còn thấy khó chịu hay
bực bội vì sự dõi theo của má nữa…Con sẽ thấy (giống như má đã thấy) cuộc sống có những điều không thể giải thích bằng lý lẽ. Cuộc sống có những nơi chốn thiêng liêng mà nơi đó, những lý lẽ thường tình trở nên vô nghĩa. Tình mẹ, con hiểu không, là nơi chốn ấy!
Cuộc
đời như một dòng chảy xuôi, không hề ngưng … má nghĩ, lúc đó chắc tụi con chỉ thương nhớ đến ba má bằng cách nói với các con của tụi con rằng: - “…hồi đó ông bà
ngoại của con dạy ba má như thế này nè…”
Anh nằm xuống ở một nghĩa trang buồn, xa xôi. Chỉ có loài chim thôi !!
Hôm nay, ngày 2/11. Ngày lễ các linh hồn. Tôi cầu xin linh hồn anh được hưởng nhan Chúa Trời ! Đời Đời !
Nhân ngày sinh nhật, chúc Hạnh thật nhiều sức khỏe và hoạt động hăng say. Cám ơn Dậu và các cháu lúc nào cũng ủng hộ và tạo điều kiện cho Hạnh đến với các sinh hoạt của Biên Hòa.
tôi nghĩ, không tránh khỏi những thiếu sót, hoặc sai lệch. Nhưng đã đọc, mà không viết, cứ để ứ hự ở trong lòng thì quả thật, có lỗi với Nguyễn Tất Nhiên thi sĩ.
“Ngày của Cha” sắp đến nơi rồi. Các bác trai hãy cùng tôi “nối vòng tay nhỏ” và làm ngày này là một ngày thiêng liêng không thua kém gì ngày “Mother’s Day.”
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin. Nhưng thư này không được như thế! Xin đổi ngược hai chữ Người và Cảnh trong câu thơ của Cụ Nguyễn Du để bày tỏ: “Cảnh buồn Người có vui đâu bao giờ…”. Mong Các Bạn Mình thứ lỗi.
Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên cao từng vòm pháo hoa chụp xuống
Chiếc ghế trang trọng dành cho Thầy vẫn luôn nằm trong lòng mỗi người học sinh Ngô Quyền xa xứ. Chúng con xin hứa sẽ làm tốt để xứng đáng với sự dạy dỗ và thương yêu của Thầy.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.