ĐI THĂM THẦY ỐM
Tường thuật: Nguyễn Trần Diệu Hương - Hình ảnh: Phan Kim Phẩm
Thầy bệnh đã hai tháng, chúng tôi mới đến thăm Thầy. Nước Mỹ rộng mênh mông, California đã lớn hơn cả nước Việt Nam nên chúng tôi không biết gì hết, mặc dù ở ngay bên cạnh Thành phố Thầy vẫn sống từ gần 20 năm nay. Đến lúc đón Thầy Bình từ North Carolina qua California, gặp Thầy đến thăm Thầy Bình ở buổi ăn trưa, chúng tôi sững sờ vì Thầy gầy đi theo cấp số cộng mỗi ngày. Đến lúc đó, chúng tôi mới biết Thầy ốm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
Ω
Không như hồi xưa còn nhỏ ở Biên Hòa, thành phố nhỏ xíu, cả tỉnh chỉ có vài con đường lớn nên không những "đi dăm ba bước đã về chốn cũ" mà "chuyện trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã hay". Nên lúc đó Cô dạy Vạn Vật bị bệnh, chúng tôi kéo nhau đi thăm Cô, rầm rộ như một đoàn quân đi diễn hành. Học trò con gái mới vào Trung học, áo dài trắng tinh khôi, như tâm hồn chúng tôi lúc đó. Cả lớp gom góp “tài sản” lại, có đứa đổ cả sách vở, dốc ngược đáy cặp, đủ tiền mua được sáu cái trứng gà so võ nâu- be bé xinh xinh như học trò lớp sáu - và một chục cam sành, vỏ xanh mười hai trái. Vậy mà chúng tôi đã rồng rắn kéo nhau ra chợ, bu quanh sạp hàng cam, xin thử đủ thứ từ cam vỏ xanh, cam vỏ đò, đến cam sành. May thay gặp lúc giờ nghỉ trưa, vắng khách, chợ không đông, bà bán hàng đứng tuổi, phúc hậu, lại vui vẻ, hết cắt lát cam này đến lát khác cho chúng tôi thử. Chúng tôi rối rít cám ơn, bà bán cam cười hiền từ, kiểu cười bao dung của các bà mẹ Việt Nam:
- Tụi bây cũng như con cháu tao thôi. Khỏi cảm ơn mai mốt cần mua cam thì nhớ quay lại đây.
Chúng tôi vâng dạ rối rít rồi bưng cam và trứng đến thăm cô giáo dạy Vạn vật. Cô vui lắm và không biết nhờ có một bầy học trò con nít đến ríu rít như chim, cắt cam ra bưng lên mời Cô, hay nhờ tác dụng cùa mấy viên trụ sinh mới mua từ Pharmacy đầu đường, hai hôm sau Cô bình phục đi dạy lại. Chúng tôi lại thấy Cô khỏe mạnh hồng hào đứng trên bục giảng với mái tóc dài dịu dàng và tà áo dài màu tím nhạt quen thuộc .
Ω
Hè năm 2013, các cô học trò bè bỏng lớp sáu năm xưa đã thành quý mệnh phụ phu nhân, hay các bà nửa chừng xuân vất và ngược xuôi cả ở quê nhà lẫn quê người. Buồn thay, cũng có những cô bạn ngày nào cuộc đời mãi mãi dừng lại ở tuổi mười sáu, hai mươi…
Ở quê người, tôi đi thăm Thầy ốm với các đàn anh đàn chị Ngô Quyền, hầu hết là bạn của Thầy Cô tôi, các chs NQ đã đứng trên bục giảng ngôi trường Trung học yêu dấu ngày xưa của chúng tôi.
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
Thầy Hiệp, như mọi lúc, luôn có mặt bên cạnh bầy học trò ngày xưa - dù đã nên ông, nên bà vẫn luôn giữ phận học trò - trong mọi sinh hoạt nhất là khi đi thăm đồng nghiệp ngày nào, đã đùa với bạn:
- Bao nhiêu người muốn xuống trọng lượng mà không xuống được lấy một lb , ở Mỹ dễ lên cân hơn xuống, Khi nào lành trọng lượng lại tăng. lo gì !
Theo gương Thầy Hiệp, chúng tôi cố mang lại tiếng cười cho Thầy:
- Trọng lượng của Thầy bây giờ là mơ ước của các cô models đó thưa Thầy.
Thầy ngồi ở giữa, cạnh Thầy Hiệp, như tâm điểm trong vòng tròn ân cần, lễ độ và chân tình của học trò xưa, da vẫn xanh, nhưng mắt ngời lên ánh lửa hạnh phúc. Hạnh phúc mong manh mà có thật từ tình nghĩa Ngô Quyền. Thầy kể cho Thầy Hiệp, mấy ông bạn nhà báo và bầy học trò nghe về đoạn đời nhà giáo của Thầy, với những vui buồn của người đứng trên bục giảng.
Một góc bàn, ly cà phê Peets, special order, đậm đen như cà phê Việt Nam theo gout cũa Thầy đứng một mình nguội ngắt, buồn thiu, như vẻ mặt học trò khi đến thăm Thầy Cô bị ốm. Ở một góc khác, chậu hoàng lan chị Hảo lễ mễ mang đến cũng kém tươi vì sức khỏe Thầy suy yếu.
Trên tường câu đối được một người bạn ở xa viết theo lối thư pháp gởi đến như một lời vấn an sức khỏe cho Thầy.
“Ngày mai chẳng biết ra sao nữa?
Mà có ra sao cũng chẳng sao!”
Nguyễn Trần Diệu Hương