Bs Nguyễn Văn Hoài, Dưỡng Trí Viện Biên Hòa
Anh Đinh Thanh Nguyện mới viết những giòng thân ái này gởi cho trang PV:
Gần đây ở Việt Nam mình liên tục xảy ra nhiều chuyện đau lòng liên quan đến y đức trong toàn ngành y tế, từ người quản lý đầu ngành, bác sĩ, y tá đến cả những nhân viên thường thường làm việc trong bênh viện. Người nhận lãnh hậu quả, đôi khi bằng cả sinh mạng mình, chính là người bệnh, thậm chí những trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ. Không biết khi tốt nghiệp ra
trường, các bác sĩ XHCN ngày nay có được đọc lại lời thề Hippocrate thiêng liêng, hoặc họ cố tình quên đi khi lao vào guồng máy khuyến khích
làm giàu bằng mọi thủ đoạn.
Mời Phay Van đọc lại bài viết cũ của nhà văn Nguiễn Ngu Í viết về bác sĩ Nguyễn Văn Hoài của Dưỡng trí viện Biên Hòa, bổ sung bài của Phay Van cũng đã lâu mới đọc lại.
.
.
Bác Sĩ NGUYỄN VĂN HOÀI, Người thầy thuốc hiến trọn đời mình cho một hạng người bạc phước
Tác giả: NGUIỄN NGU Í
.
Tôi đến đó vào một buổi sáng đẹp trời nhằm lúc cuối năm.
Nắng vừa đủ để giữ lại chút lạnh ban mai, còn vương trong bầu không khí bình yên của khu nghĩa địa.
Và dưới tàng cây cổ thụ, phần mộ của người bác sĩ giám đốc Việt đầu tiên
của Dưỡng trí viện như tươi cười với lớp sơn tươi, vôi mới. Lòng tôi cũng thấy vui vui khi ngắm ảnh bán thân của người quá cố gắn ở trước mộ phần: nét mặt, đường môi tỏa một niềm thanh thản lâng lâng. Với người an
nghỉ nơi đây, quả là sống ở, thác về. Sống, ở với lớp người xấu số để chăm sóc, vỗ về cả một phần tư thế kỉ, thác, về bầu bạn với mãi mãi với những bịnh nhân tứ cố vô thân hoặc quê hương cách xa diệu vợi mà đành gởi thân ở tại chốn này. Lời của bác sĩ giám đốc hiện tại bỗng trở lại trí tôi:
“Quí báo nói đến Dưỡng trí viện mà không nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, là một điều chưa dầy đủ. Nếu ông không cương quyết và kiên nhẫn dùng cả lí và tình để thuyết phục người đại diện của của ủy ban nhân dân tỉnh bộ Biên Hòa thì Dưỡng trí viện này đã chịu chung một số phận với Dưỡng trí viện Vôi ở Bắc: chỉ là những đống gạch ngói ngổn ngang…”
Đêm cuối tháng 10 năm 1945 ấy, thật là đêm mà số phận của Dưỡng trí viện như chỉ mành treo chuông.
Người đại diện của ủy ban nhân dân tỉnh bộ Biên Hòa đưa ra lịnh vườn không nhà trống. Nhà, trại ở đây, quân đội Pháp viễn chinh đến đồn trú tiện lợi vô cùng, cần phải triệt phá và dời Dưỡng trí viện vô… rừng.
Người y trưởng cho biết rằng bịnh nhân người Pháp đã đưa đi xa, và đã cho ra bớt những bịnh nhân có thể sống ở ngoài. Mấy trăm bịnh nhân hiện còn nếu bỏ cái thế giới này vốn tạo ra cho họ thì thế nào cũng trở nên nguy hiểm và phá rầy xã hội thêm. Nhà cầm quyền Pháp không dại gì mà làm một việc thất nhân tâm như thế. Còn ta mà hành động như vậy là lợi cho địch trong việc tuyên truyền của chúng. Từ ngày Nhật đảo chánh, ban Quản trị đã vất vả nhiều để chạy ăn từng bữa cho mấy trăm người bịnh, một mai phải “dựng” viện dưỡng trí ở giữa rừng, thì đó là một cách giết mòn họ bằng cái đói. Chưa kể việc coi giữ họ trong hoàn cảnh ấy, gần như là không thể được. Và số người mất hẳn trí khôn hay nửa mê nửa tỉnh ấy mà đi lang thang trong rừng, bụi thì bất lợi cho cuộc chiến tranh du kích: họ sẽ vô tình tiết lộ bao nhiêu bí mật…
Người đại diện tỉnh bộ nghe xuôi tai, và khi ủy ban phải rút lui trước quân đội Pháp, Dưỡng trí viện Biên Hòa chỉ mất đi một số thuốc men, mà không mất một viên gạch, một miếng ngói nào.
Thì ngày nay, nói đến Dưỡng trí viện này mà chẳng nhắc đến người y sĩ điều trị, trong suốt mười lăm năm (1930-1945), người y trưởng giám đốc mười năm kế đó (1945-1955), quả là một điều thiếu sót, đúng như lời nhận xét của người giám đốc giờ đây.
Cho nên sau khi chúng tôi mời các bạn chuyện trò cùng giám đốc suốt một buổi sáng, sau khi đưa các bạn vào “thế giới người điên” cả một buổi chiều, chúng tôi thấy có bổn phận cùng các bạn tìm hiểu con người mà chính phủ đã lấy tên để đặt cho cái Dưỡng trí viện duy nhất của toàn nước Việt chúng ta.
Người trai Vĩnh Long (1) ấy thật là một người kì cục. Lắm người thân (trong vòng bà con cũng như trong vòng bè bạn, thuộc viên) đã nửa đùa nửa thật gán cho cái tĩnh từ …”gàn”.
Không “gàn” sao, sau sáu năm tốt nghiệp được thuyên chuyển về chẩn y viện Sài gòn (2), lại “động lòng chữ nghĩa”, tạm rời nghề thầy thuốc để sang Pháp học tại đại học đường Sorbonne.
Không “gàn” sao mà khi trở về nước, năm 1930 lại xin bổ nhậm tại nhà thương điên Biên Hòa (3), vì “không ai chịu đến nơi ấy, thì mình đến vậy”.
Nhưng một khi tự nguyện vào cái “thế giới người điên” nọ, thì người thầy thuốc tuổi vừa trên “tam thập” ấy lại tỏ ra sáng suốt hơn người thường.
Ông đọc trong sách báo, ông học ở các bậc đàn anh, ông quan sát bịnh nhân trong mấy năm trời, để quyết tâm hiến trọn đời mình làm sao cho cái “địa ngục nhốt người điên” biến thành cõi “thiên đường” cho người đi dưỡng trí.
Đường đi được sửa sang, cây cỏ bông hoa được trồng thêm, tượng mĩ thuật được đặt ở giữa bồn hoa này, ở góc vườn nhỏ nọ, các lối lại qua sạch sẽ đến đỗi một du khách ghi trong quyển sổ Vàng của viện (trang 177, ngày 25-12-1953): “Cầm một mảnh giấy con, tôi không biết bỏ vào đâu!” Và dưới thời chánh phủ quốc gia Trần Văn Hữu, người lèo lái “con thuyền dưỡng trí viện” đã cực lực tranh đấu để khỏi bớt khẩu phần bịnh nhân vì lí do: tiết kiệm ngân quĩ quốc gia.
Cố tạo một “thiên đường” vật chất, mà nhất là cố gây một “thiên đường” tâm tình.
Người bịnh bước vô đây, không còn là một “kẻ phải nhẫn nhục”, một “ca”, một “đơn vị”, mà là một tiểu vũ trụ cần phải tìm hiểu lần hồi. Và trong việc ni, ít ai chịu khó bằng con người của Khoa học, của Tâm lí học và của Thần học (4) này: hỏi thân nhân người bịnh trước, rồi hỏi người bịnh, lúc họ mê, lúc họ tỉnh, khi sáng khi họ vừa thức dậy, khi trưa họ toan nằm nghỉ và cả nửa đêm! Người thích thơ, thì có sổ để gửi gắm ý tình. Người thích vẽ, thì đã có màu, có vải…
Sự tận tụy và tình thương của người điều khiển đối với bịnh nhân đã truyền sang các nhân viên, và từ khi thời cuộc khiến ông phải “chen vai vô vác” cái gánh nặng do ông giám đốc người Pháp để lại, thì tình tương thân tương ái giữa những người có trách nhiệm trong việc sống còn của Dưỡng trí viện lại càng thêm chặt chẽ.
Vì người giám đốc Việt đầu tiên này vừa là một nhà khoa học vừa là một kẻ tu hành. Một kẻ tu hành không chấp nê, và rất tôn trọng tín ngưỡng của người khác.
Tìm hiểu hoàn cảnh mỗi thuộc viên để giúp đỡ, để khuyên lơn, ông như một người anh cả của đại gia đình Dưỡng trí viện, một người anh cả nghiêm minh và rộng lượng.
Người giám thị đầu hai thứ tóc ấy nói với tôi :
“Vì thời cuộc lộn xộn năm 1945 tôi thôi làm và lên Nam Vang tìm sanh kế. Hai năm sau, ông già bà già tôi thấy mình sắp yếu, muốn tôi về làm việc lại để gần nhau. Ông biết được, viết thơ cho tôi, rồi lo mọi giấy tờ để tôi sớm về với gia đình. Nhờ ông tận tình giúp đỡ mà tôi được gần gũi mẹ cha già và được làm lại ở đây.”
Một giám thị khác, làm lâu năm nhất, cho tôi biết, trong mấy năm “đen tối” 1946 – 47 phòng Nhì của Pháp đã phải bực mình với bác sĩ Hoài: ông cực lực binh vực nhân viên nào bị bắt một cách oan uổng. Vài nhân viên bị bắt, bị một nhà cầm quyền trong tỉnh cho tra tấn để buộc họ khai cho ông tiếp tế cho Việt Minh hầu thỏa chút hiềm riêng, nhưng không một ai chịu mở miệng khai gian cho người chủ và ân nhân của họ, một người mà họ biết rõ chỉ sống chết cho Dưỡng trí viện, không màng gì đến lợi, danh, một người mà đời như chữ I.
Chữ I ngay thẳng.
Chẳng vì ai,
Chẳng tùy ai,
Chẳng khuất ai,
Mãi mãi ta theo ánh sáng…(5)
Người y tá có tuổi ấy ngậm ngùi:
“Ông Hoài lúc nào cũng binh vực nhân viên, và nhất là người bịnh. Chính phủ hơn mười năm trước định bớt khẩu phần bịnh nhân, ông mạnh dạn chống lại: “Họ là hạng người xấu số nhất, tâm đã rối, trí đã loạn rồi nay lại làm cho bao tử họ thiếu ăn, để cho cơ thể họ suy mòn, ảnh hưởng không hay đến tâm trí họ thì có khác gì giết phức họ đâu.
“Xin cấp trên tìm cách “tiết kiệm” ở những nơi khác.”
Và nhắc đến ông, người thủ môn già ấy mơ màng :
“Tôi còn nhớ nhiều lần, có những ông già bà cả nghèo khó ở miệt dưới lên thăm con phải ở lại đêm. Ông biết được, bảo người nhà nấu cơm thêm, mời họ ăn, tặng tiền về xe, và ông nhờ y tá cho họ uống thuốc ngừa cảm vì tuổi lớn, đường xa…!”
Nắng đã chan hòa khắp khu nghĩa địa. Vài con chim sẻ ríu rít trên cây gõ lâu đời. Chiếc ảnh lớn bằng sứ của người mà đời sống đã dính liền với đời của Dưỡng trí viện như sáng lên, và cái cười nhẹ thoáng ở đôi môi sao như vừa hết sức gần người lại như vừa vô cùng thoát tục. Tôi nhớ lại đã gặp ảnh này ở nhiều nhà nhân viên trong cư xá Dưỡng trí viện, và cùng một lúc, tôi nhớ lại lời một số bịnh nhân lâu đời : “Bác sĩ Hoài à? Ổng tử tế lắm mà! Quên sao được.”
Và tôi mơ màng tưởng tượng lại cảnh nơi đây, trên bảy năm về trước, ngày 31-5-1953 (6): một cái quan tài, một đám đông người đưa, tất cả nhân viên Dưỡng trí viện thọ tang, và những bịnh nhân quỳ xuống, (7) khóc, khi quan tài chầm chậm đi qua.. Và hẳn lúc sống trên dương gian cũng như khi nằm trong lòng đất, không bao giờ người thấy cô đơn.
NGUIỄN NGU Í.
Chú thích của tác giả:
(1) Ông sanh tại Long Châu, tỉnh Vĩnh Long, ngày 7-6-1898.
(2) Ông được bổ nhậm ngạch y sĩ ngày 16-4-1919, và được bổ nhậm ở Tây Ninh, Trảng Bàng, Tam Bình (Vĩnh Long), rồi Long Xuyên.
(3) Nhận việc ngày 16-1-1930.
(4) Ông nghiên cứu tất cả các tôn giáo, nhất là Phật giáo và quan tâm đến những gì dính líu đến siêu hình.
(5) Trích trong bài thơ “Phong hóa chữ I” của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hoài.
(6) Ông mất sáng ngày 28-5-1955, lúc 5 giờ, vì đứt gân máu ở tim. Ông để lại các tác phẩm : Lược khảo về các vấn đề Hòa bình, 1950 (Pháp và Việt văn). Điên? Dưỡng trí viện? , 1952 (quyển sách đầu tiên của người Việt nói về bịnh điên và Dưỡng trí viện), Adolf Hitler, 1952 (xét như một bịnh nhân tâm trí, bằng Pháp văn), Về sự tổ chức Dưỡng trí viện miền Nam nước Việt, 1954 (luận về bác sĩ Y khoa, bằng Pháp văn) và nhiều bản thảo trong đó có tập : “…Từ bịnh tâm trí đến sự giết người“.
(7) Một người Pháp đưa đám nói lại với phóng viên báo Journal d’ Extrême-Orient (số 1989, ngày thứ năm 2-6-1955: “Chưa bao giờ tôi thấy người đưa đám mà trầm ngâm và đau xót thật tình như vậy!” Và một nhà mô phạm ở Đô thành, bạn và cưu bịnh nhân, đã cạo trọc đầu từ ấy đến nay để khóc người tri kỉ.
Nguồn : Tạp chí Bách Khoa số 149. Năm thứ 7 – Ngày 15-3-63.
——–