VỀ NHỮNG XÁC CHẾT BIẾT ĐI
Blog Nguyễn Đắc Kiên
Tôi không thấy mức án VKS đưa ra là nhẹ, dù ông
Quý đã vừa khóc vừa nói, mong tòa giữ nguyên mức án VKS đã đề nghị áp dụng cho
anh trai – ông Vươn, 5-6 năm tù. Nhưng tôi cũng sẽ không nhìn vào mắt các vị quan tòa để tìm kiếm tia hy vọng mong manh cho
gia đình ông Đoàn Văn Vươn, được xử trắng án.
Những người chịu trách nhiệm phán xử trong vụ án
Nọc Nạn năm xưa là những con người tự do. Ngoài mệnh lệnh chính trị của chính
quyền thực dân, họ còn phải chịu sự phán xét của tòa án, một tòa án cấp cao
hơn, cấp tối cao trong mỗi con người, đó là tòa án lương tâm. Đây chính là khác
biệt căn bản của họ với những người đang chịu trách nhiệm phán xử vụ án Tiên
Lãng, những nô lệ khoác bộ áo quan tòa.
Khi người ta không được tự do trong hành xử của
mình thì họ cũng thấy mình không phải chịu trách nhiệm với những phán quyết mà
họ đưa ra. Tất nhiên khi đó họ cũng không phải đối mặt với tòa án lương tâm của
chính họ. Giả sử nếu có lúc nào đó họ phải đối mặt thì họ cũng tìm ngay ra một
kẻ để đổ lỗi, đó là cấp trên, là lãnh đạo, là hệ thống… Rồi họ tự kết luận, họ
vô tội. Họ cũng chỉ là nạn nhân.
Điều tồi tệ hơn, trong xã hội Việt Nam ngày nay,
những ông quan tòa của chúng ta không phải là những kẻ hiếm hoi, lạc loài, trái
lại, họ dễ dàng tìm thấy những kẻ đồng lõa với mình ở khắp mọi nơi. Đó là ông
bác sỹ, anh công an, chú nhà báo, ông bạn kỹ sư, cô hàng nước gần nhà, anh xe
ôm đầu ngõ… họ tìm thấy một tình trạng nô lệ, một sự sự vô trách nhiệm, vô
trách nhiệm như một lẽ tất yếu, nô lệ như một lẽ tất yếu, được phổ biến khắp
nơi, len lỏi đến từng ngõ ngách của cuộc sống.
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, nghệ sỹ Kim Chi
nhận định rằng: “Nếu người ta thả bổng cho Đoàn Văn Vươn, cho gia đình anh ta,
thì điều đó sẽ thu phục được lòng dân. Còn nếu mà lấy quyền, lấy luật rừng để
mà trừng trị một người lương thiện như thế, thì nhất định là tức nước thì phải
vỡ bờ thôi”.
Tôi có thể phần nào đồng ý với nghệ sỹ Kim Chi ở vế
thứ nhất, còn ở vế thứ hai thì chắc chắn không. Dù kết quả vụ án Đoàn Văn Vươn
thế nào thì cũng không dễ gì có chuyện “tức nước vỡ bờ” trong hoàn cảnh hiện
nay. Đa số người dân chỉ “tức nước vỡ bờ” khi những quyền lợi thiết thân của họ
bị xâm phạm, như đầm tôm với gia đình ông Vươn, còn ngược lại, sự cảm thông với
hoàn cảnh bất hạnh, hay bất bình vì oan trái cùng lắm chỉ gây nên xót xa – căm
hận ở trong lòng mà thôi. Một số ít sẽ tỏ thái độ, còn đa phần sẽ làm ngơ. Và
cũng như các vị quan tòa trong vụ án Đoàn Văn Vươn, những người làm ngơ sẽ có
đủ lý lẽ để biện hộ cho mình.
Đó chính là điều tồi tệ nhất mà một hệ thống toàn
trị có thể tạo ra. Những lầm lỗi, thậm chí là tội ác về kinh tế dễ gây bất bình,
phẫn nộ cho công luận, nhưng suy cho cùng nó lại là những tội lỗi để lại ít hậu
quả và dễ khắc phục. Còn những tội ác làm phá hủy tận căn để lương tri con
người thì khó nhận biết hơn, gây phẫn nộ ít hơn, lại khó cứu vãn và để lại hậu
quả ghê gớm hơn gấp nhiều lần. Tình trạng nô lệ, sự vô trách nhiệm được gieo
rắc phổ biến nơi con người trong các chế độ toàn trị là một trong những tội ác
như thế. Nó như một thứ thuốc độc ma mãnh, từng lúc từng lúc len lỏi vào tận xương
cốt mỗi con người phá hủy tận gốc dễ, căn để, bòn rút toàn bộ sức mạnh sáng
tạo, động lực phát triển của xã hội.
Không có chuyện “tức nước vỡ bờ”, nhưng nếu vụ án
Đoàn Văn Vươn kết thúc bằng một bản án khắc nghiệt, một sự hủy hoại trong mỗi
con người, niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội chắc chắn sẽ gia tăng. Khi
niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội bị xói mòn, con người sẽ bị đẩy sâu
hơn vào các lợi ích thiết thân. Họ sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, gia đình
mình, lợi ích riêng tư của mình và không ngần ngại nếu có thể, xâm phạm vào lợi
ích người khác, lợi ích xã hội. Đồng thời cũng chính những con người này, họ
cũng sẽ sẵn sàng kháng cự lại bằng “luật rừng” nếu có thể với mọi sự xâm hại
đến lợi ích bản thân và gia đình họ.
Những người có trách nhiệm với đất nước cần nghĩ
đến những hệ quả sâu xa này. Étienne Vacherot, triết gia, chính trị gia Pháp
thế kỷ 19 đã viết: “Chế độ chuyên quyền là trường học tồi tệ nhất cho nền dân
chủ”. Tôi đồng ý với nhận định này. Người ta hay lấy những cuộc biểu tình,
những bất ổn chính trị ở Thái Lan để chỉ trích chế độ dân chủ. Nhưng tôi thì
lại thấy rằng đó là những sự “tập dượt dân chủ” không tránh khỏi và tin rằng
không lâu nữa, người Thái sẽ có một chế độ dân chủ đủ trưởng thành để đưa đất
nước họ vào một quỹ đạo phát triển bền vững. Sau khi viết những lời trên trong
cuốn La Démocratie, năm 1859, tức là 70 năm sau cách mạng Pháp 1789, Étienne
Vacherot đã bị bắt vào tù, với mức án 1 năm (sau được giảm xuống còn 3 tháng).
Rõ ràng người Pháp đã chẳng được cho không nền dân chủ tự do của họ có bây giờ.
Thật nực cười khi muốn đất nước có dân chủ tự do mà
lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo gọi là “mất ổn định”. Với cá nhân mỗi con
người, tôi không thấy những người lúc nào cũng chỉ chăm chăm một cuộc sống bình
yên có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời của họ.
Xin hãy nghe lại lời Patrick Henry, lãnh tụ Cách
mạng Mỹ, phát biểu ngày 23/3/1775: “Liệu có phải cuộc sống quá đáng yêu và hòa
bình quá ngọt ngào tới mức phải mua bằng xiềng xích và nô lệ không? Ơn chúa tối
cao, hãy đừng bao giờ như vậy. Tôi không biết những người khác sẽ chọn con
đường nào. Nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hay là chết”
Nguyễn Đắc Kiên