1:17 CH
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN DU- TRẦN VĂN TRUNG

02 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 22449)

Kính Thưa Quý Đồng Hương Biên Hòa và Thân Hữu.

Kính chuyển đến quý đồng hương và Thân Hữu bài viết " Trường Tiểu Học Nguyễn Du Biên Hòa" của tác giả Trần văn Trung đã được đăng trên Bản Tin Biên Hòa Houston năm 2006. Đây là bài viết giá trị đáng được lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ mai sau. Chân thành cảm ơn sự hiệu đính và cho phép của tác giả; để đồng hương và thân hữu khắp nơi đóng góp sự thiếu sót và gìn giữ tài sản hiếm quý nầy.

Trân Trọng.

Hội ái hữu Biên Hòa California

new_ndu_1-content

Trường Tiểu-học NGUYỄN-DU BIÊN-HÒA.

 Đa số người sống ly huơng, vĩnh viễn rời làng quê, đât tổ, hay có dịp trở về cố quận nước Việt Nam, thường tưởng nhớ, hay mơ ước thăm lại mái nhà xưa, hoặc ngôi trường cũ. Bản nhạc “ Trường làng tôi” được tất cả nước ngoài trên thế giới có người đồng hương ở trình bày hoặc đồng ca, tả lại hai gian mái đơn sơ, hầu người xa xứ nên nhớ đến quê nhà. Cùng chung ý định, bài lược khảo nầy thuật tả lại ngôi trường Nguyễn Du tại Biên Hòa, từ ngày thành lập, lúc được đổi tên, đến ngày biến cố 1975, với danh tánh Ban Giảng Huấn trong thời gian ban đầu. Lẽ tất nhiên sẽ có nhiều điều sai lầm, sơ xuất, nhứt là tên họ, hoặc thiếu sót. Kính mong quý vị thứ lỗi, sửa sai và bổ túc nếu phạm phải. Vì sống nơi xứ người thiếu tài liệu chính xác, mong được còn lưu giữ lại trường, những dữ kiện thuật sau đây được cung cấp bởi những thân nhân, gia đình, hoặc hậu duệ của quý vị điều khiển trường Tiểu học lúc ban sơ, hoặc bởi các vị lão thành hiện sinh sống tại Pháp, Mỹ.

 I.SỰ THÀNH LẬP VÀ CÁC CẤP ĐIỀU KHIỂN:

1. CƠ SỞ: Trường Tiểu học Biên Hòa mang tên lúc đầu là “Ecole Primaire de BIÊN HÒA” được thành lập trước 1915, dưới thời Pháp thuộc tại tỉnh Biên Hòa, tức hơn 10 năm trước khi thành lập Trường Trung Học Trương Vĩnh Ký tại Sài Gòn (1925).

Trường toạ lạc tại đầu đường Hàm Nghi, khởì đầu từ Công Trường Sông Phố( ngang dinh Tỉnh Trưởng), đường nầy chạy dài xuống cầu Rạch Cát. Bên hông trái trường giáp ranh với con đường ngắn, nối liền từ mặt tiền Nhà Thờ Biên Hòa, đến bờ sông Đồng Nai, nơi đặt cơ sở Bưu Điện Biên Hòa. Đường nầy thẳng góc với đường Hàm Nghi, ngăn cách Trường Tiểu Học với Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa. Từ cửa chánh trường đi thẳng vào ngôi trường sở, phải qua sân rộng lớn. Bên trái sân là dãy lớp học trệt,và bên phải là nơi tập thể dục, hoặc nơi học sinh tụ tập giờ ra chơi. Trường được cơi một tầng lầu, phòng trệt bên trái từ ngoài bước vào dùng làm văn phòng, và Phòng Ông Hiệu Trưởng, Ông Thanh Tra. Các gian phòng trệt và trên lầu còn lại dùng làm lớp học. Khoảng hành lang giữa trống rổng từ nền gạch tới trần mái trường, ăn thông từ mặt trước đến mặt sau trường. Nơi đây, hồì niên học 1947-1948 đã dùng đặt lớp Tiếp Liên (Certifiés) để chuẩn bị thi tuyển lựa vào Trung Học Công lập Petrus Ký năm sau, do Giáo sư lão thành Hồ văn Tam dạy. Sau trường là cư xá của ông Thanh Tra Tiểu Học Trần Bá Chức ở. Đây là vị trí cơ sở của ba thập niên đầu, sau khi thành lập.

2. CÁC CẤP ĐIỀU KHIỂN

 2.1 CẤP CHỈ HUY. Các cấp điều khiển của Trường Tiểu Học Biên Hòa, từ sau lúc thành lập, gồm những vị sau đây:

 - Ông Trần Bá Chức, được bổ nhiệm chức vụ Đốc Học đầu tiên của Trường Tiểu Học. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Vàng, phụ trách lớp Pháp ngữ. Về sau nầy, trước năm 1975, ông Trần Bá Chức đãm nhiệm chức vụ quan trọng tại Nha Trung Tiểu Học Sài Gòn.

 - Ông Huỳnh văn Giỏi, tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định( Ecole Normale de Gia Định) ngày 21-10-1910, được bổ dụng trong ngành giáo dục ngày 11-5-1911, và nhậm chức tại Sài gòn ngày 2-6-1911. Ngày 25-11-1915, Ông được bổ nhiệm về phục vụ Trường Tiểu Học Biên Hòa do Nghị định ngày 11-7-1913. Suy diễn về thời điểm nầy, Trường Tiểu Học Biên Hòa được xây cất từ giữa năm 1913. Vì đã tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định, ông được cử phụ trách lớp Sư Phạm Tỉnh. Những người học lớp Sư Phạm đầu tiên với ông, hiện thời còn sanh tiền là bà Nguyễn Thị Đề, quê ở Phước Thiền, hiện sống tại La Plaine St Denis, phụ cận Paris (85 tuổi ), và bà Trần Thị Hường, tỉnh lỵ Biên Hòa ( 90 tuổi).

 -Ông Lê Hữu Vĩnh, nói tiếng Pháp thật giỏi, đi dạy luôn mặc áo dài đen. Ông đúng là một người Việt Nam gương mẫu giữ lễ nghi xưa. Thời bấy giờ, ông DOURNOT,người Pháp, là Thanh Tra Gia Định, kiêm luôn chức Thanh Tra Liên Tỉnh( Inspecteur interprovincial) Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một.

 - Ông Hồ văn Tam, tốt nghiệp Trường Sư Phạm tại Sài Gòn năm 1926. Ông về dạy lớp Nhứt ( Cours Supérieur) tại trường Phước Thiền trong hai năm, rồi được đổi về phục vụ tại Trường Tỉnh lỵ Biên Hòa từ năm 1928.

 - Ông Phan văn Nga, Hiệu Trưởng sau nầy đãm trách chức Thanh Tra, tỉnh Bà Rịa. (năm 1942)

 - Ông Nguyễn Thành Dợt, về sau giữ chức Thanh Tra.

Trên đây là những cấp chỉ huy Trường Tiểu Học Biên Hòa, mang tên hiệu từ sau ngày thànhh lập đến năm 1954 là”Ecole Primaire Complémentaire” ( gần 40 năm), mới được đổi tên thành “Trường Nguyễn Du”.

oldngdu_1-content

 2.2- TIỂU SỬ VÀI CẤP CHỈ HUY

Được dịp may, do người trong gia đình cung cấp tài liệu, và căn cứ theo tập san báo chí tỉnh nhà, lược sử của vài cấp chỉ huy Trường Tiểu Học Biên Hòa được biết như sau:

a.Ông Huỳnh văn Giỏi:

Sanh ngày 05-10-1887 tại Bình Long ( Bửu Hòa ) Biên Hòa. Ông kết hôn với bà Đặng Thị Bá ngày 21-10-1910, sanh được 7 con ( 4 trai 3 gái): Ông Huỳnh Đắc Lợi, bà Huỳnh Thị Khương ( vợ ông Phạm Thanh Huệ Bến Gổ), bà Huỳnh Thị Thạnh ( vợ ông Võ Thành Quế), ông Huỳnh Công Phẩm, ông Huỳnh Công Hạnh, bà Huỳnh Thiên Kiêm ( vợ ông Lê văn Lộ), và ông Huỳnh Công Chức( cựu Đại Tá Không Quân Phi Trường Biên Hòa phu quân của bà Bùi Thị Ngọc Lan Giáo Sư Trường Ngô Quyền Biên Hòa).Nhà ông ở đường Hàm Nghi, xóm Tiệm Rượu Biên Hòa.

Điểm đặc biệt là bà Tư Thạnh, chủ quán “Tuyết Hồng” khi xưa địa điểm gần Tiệm Rượu cạnh bờ sông Đồng Nai, nổi tiếng một thời với hai món ăn ngon nhứt, đồn đải từ Biên Hòa đến Sài Gòn và các tỉnh lân cận: đầu cá hấp,canh chua thanh cần” và ’Xôi chiên phồng, Gà hấp rau râm’. Những thức ăn đẩy khẩu vị nầy đã được cô Ngọc Tâm, dâu của bà kể lại trong Bản Tin Hội Ái Hữu Biên Hòa tại Houston Texas đăng, nhân lễ Vu lan Ất Dậu 2005.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sư Phạm Gia Định, được thuyên chuyển từ Sài gòn về Trường Tiểu Học Biên Hòa cuối năm 1915, và trong lúc ông Trần Bá Chức giữ chức Đốc Học đẩu tiên, ông Huỳnh văn Giỏi phụ trách dạy giáo khoa Sư Phạm Tỉnh, đào tạo các giáo viên. Hai năm sau nhân dịp ông Trần Bá Chức được cử giữ chức Thanh Tra, ông Giáo Giỏi nghỉ dạy và thay thế ông Chức làm Đốc Học. Ông Lê Hữu Vĩnh thay ông Giáo Giỏi để dạy Sư Phạm.

 Từ 1913 đến 1917, là Giáo viên tập sự Bộ Giáo Dục Pháp tại Nam Việt. Ông được thực thụ chánh ngạch từ 1917 đến 1938. Ông được chính phủ Pháp đương thời tại Việt Nam ân thưởng”Huy chương Đồng Giáo Dục bội tinh” năm 1932, “ Huy chương danh dự bạc hạng 2” năm 1936 và “Huân chương với nhành dương liễu Hàn lâm viện” Pháp trao tặng (Palme de L’Académic). Ông được thăng ngạch” Giáo viên Thượng hạng hàng 2” năm 1938, và tạ thế tháng 11 năm 1939 hưởng thọ 52 tuổi. Thân phụ của ông Đốc Học Huỳnh văn Giỏi là em cô cậu của thân mẫu ông Trần văn Thông, gốc người tỉnh Biên Hòa, nguyên là cựu Tổng Đốc Nam Định Bắc Việt trong 17 năm, tức thân sinh Bác sĩ Trần văn Đỗ.

b. Ông Hồ văn Tam:

Sanh năm 1905 tại Biên Hòa, Ông Hồ văn Tam là con ông Hồ văn Ngói và anh của ông Hồ văn Thế. Ông có 5 người con, 4 là giáo viên, và 1 là kỹ sư Canh Nông tốt nghiệp ở Paris. Năm 1926 ông tốt nghiệp Trường Sư Phạm Sài Gòn, được thuyên chuyển về Biên Hòa năm 1928 dạy lớp Nhứt ( Cours Supérieur) tại Trường Tiểu Học, sau khi dạy 2 năm tại Trường Phước Thiền. Suốt 20 năm ( 1928-1947), ông đảm nhận lớp nhứt(Cours Supérieur) chương trình Pháp Cấp Tiểu Học. Niên học 1947-1948, ông phụ trách lớp Tiếp Liên( Cours Des Certifiés) tức học sinh đã thi đậu bằng Sơ học xưa ( Certificat d’Etudes Primaire Complementaires), học thêm 1 năm sau lớp Nhứt cho vững chắc, có khả năng thi đậu ngay vào Trung học ở Sài gòn, vì Biên Hòa chưa có trường công hay tư, dạy cấp Trung học. Từ năm 1948-1954, Thầy Hồ văn Tam đảm nhiệm chức vụ Hiệu Trưởng, vừa là Thanh Tra. Sau đó là Phó Trường Ty Giáo Dục của Tỉnh Biên Hòa, cho đến lúc về hưu năm 1962. Ông đã đóng góp rất nhiều nhứt cho sự nghiệp giáo dục của Tỉnh Biên Hòa. Năm 1950, ông đã vận động để xây dựng 3 trường học tại Biên Hòa: Trường Đồ Chiểu (tại Hãng Dâu), Trường Trịnh Hòai Đức ( gần Biên Hùng), và Trường Nguyễn Khắc Hiếu ( gần Tân Lân). Những trường này lúc đẩu gọi là “École des Quartiers” nay mang danh hiệu khác hoặc dạy cấp khác so với thuở xưa.

 Năm 1954, ông đã xin đổi tên Trường Tiểu Học Tỉnh lỵ, trước mang tên Pháp, thành Trường NGUYỄN DU. Ông đã kiên nhẫn vận động để thành lập Trường Trung học Ngô Quyền, được ra đời năm 1956. Đây là Trường Trung học đầu tiên của Tỉnh Biên Hòa, kể cả miền Đông Nam Việt.

 Học Trò của Thầy Hồ văn Tam đểu thành công, đa số vinh hiển, tiếng tăm lẫy lừng.Thầy đã có lần tuyên bố rằng, thầy rất hài lòng được biết nhiều trò cũ học giòi nên danh phận với đời, nhưng suốt đời dạy học, có 2 người xuất sắc, phi thường nhất đó là Ông Trần Lê Quang ( Kỹ sư Cầu Cống tại Paris) và Trần văn Ấm ( Kỹ sư Canh Nông), đều quê ở Biên Hòa, nhưng niên kỷ và niên học khác nhau. Để tưởng thưởng công trình, sự nghiệp ờ lãnh vực giáo dục, Bộ Giáo Dục Pháp đã đề nghị ân thưởng Ông Hồ văn Tam 2 bội tinh “Medaille d’hounneur et de la discipline de l’ Indochine” ( Huy chương Danh Dự và Kỹ luật), “Medaille de l’instruction Publique de l’indochine” ( Huy chương Giáo Dục) và đặc biệt là “Huân Chương với Nhành Dương Liễu” ( Palme de l ’Académie) của Hàn Lâm Viện Pháp trao tặng, như ông Đốc Học Huỳnh văn Giỏi.

c) Ông Lê Hữu Vĩnh.

 Quê người Biên Hòa, Ông Lê Hữu Vĩnh, mà hẩu hết người vùng Đồng Nai xưa đều biết và quen gọi là Ông Đốc Vĩnh, là một nhà mô phạm giáo dục, rất chú trọng thuần phong mỹ tục nước nhà, tiêu biểu cho người Việt Nam theo lễ nghi xưa, dù ông sống dướt thời tân học. Gia đình ông cư ngụ tại đường Hàm Nghi, xóm Tiệm Rượu, Biên Hòa, sanh được 9 người con, mà thứ nử ông, cô Lê Thị Hạnh, sau nầy là giáo viên Trường Nguyễn Du, tức là hiền phụ anh Huỳnh Kim Long. Thuở ban đầu tại Trường Tỉnh Lỵ, Ông phụ trách dạy Pháp văn, và chữ Nho. Như nhà tiên hiền Bác Học Trương Vĩnh Ký, suốt cuộc đời ông, dù làm việc văn phòng hay trong giờ học, ông luôn luôn mặc chiếc áo dài đen.

 Khi Ông Đốc Học Giỏi thế Ông Trần Bá Chức cử làm Thanh Tra, Ông Đốc Vĩnh thay thế ông Đốc Giỏi để dạy Sư Phạm. Về sau, ông Lê Hữu Vĩnh được cử giữ chức Đốc Học. Ông Trần văn Giáo, dạy chữ Nho tại trường, thế Ông Đốc Vĩnh còn để lại bài thơ mà các học sinh đã học với ông, bị bắt học thuộc lòng thuở nhỏ, mà hiện nay có vài người sinh sống tại Mỹ, tuổi gần “ thất thập” mà vẫn nhớ nằm lòng, nhưng không hiểu ý nghĩa, hay đã quên vì trả lại cho thầy:

 Nhứt nhựt thanh thần nhứt trụ hương

 Tạ thiên, tạ địa ,tạ tam quan

 Sở cầu xứ xứ đều hòa thuận

 Duy nguyện nhơn nhơn thọ mạng trường

 Quốc hữu hiền thần phò xã tắc

 Gia vô nghịch tử, não gia nương

 Tứ Phương ninh tịnh can qua tức

 Ngã túng bần cùng, giả bất phương

 Bài thơ này, theo triết học Khổng Mạnh xưa, nhắc nhở mọi người nên tu tập để tâm thẩn thanh thản ( thanh thần), nhớ ơnTrời Đất, cầu nguyện quốc thái dân an, nước nhà yên ổn.

Một đặc điểm khác mà tất cả nam nữ học sinh Biên Hòa không quên được là khi Ông Đốc Vĩnh thanh tra ngoài lớp, thấy học trò thiếu kỹ luật là vào lớp học tức thì, bắt tất cả học sinh nam nữ( lớp hỗn hợp) đứng dậy tại chỗ ngồi. Hình phạt áp dụng cho tập thể là ông đi từng đầu mỗi bàn “ véo” bắp vế non các học trò trai, ngược lại nếu là nữ sinh thì được miễn thọ hình ấy. Nếu nạn nhơn bị véo chịu đau không nổi, kêu la “oai oái”, vô tình nghe tiếng cười của trò khác không nín ngăn được, cậu này bị gọi riêng ra trước mặt mọi người để lãnh phạt véo nặng hơn.

 2.3 CÁC CẤP ĐIỀU KHIỂN KHÁC.

 Ngoài các vị tiền bối trên, cũng cần nhắc lại các cấp điều khiển khác kế nghiệp, hoặc vài Thầy lão thành có công đầu sau khi thành lập Trường. Đó là:

 .Ông Phan văn Nga, Thanh Tra

 .Ông Nguyễn Thành Dợt, dạy lúc đầu, sau làm Thanh Tra.

 . Ông Nguyễn văn Trình, trước dạy học, sau làm Hiệu Trưởng ( 1961)

 . Ông Phan văn An và Ông Nguyễn văn Năm.

 Văn phòng gồm có những ông :

 - Ông Lê văn Công, sau dạy học ( thân phụ BS Lê văn Quí. Pháp)

 - Ông Lê văn Sua

 -ÔÔ Thầy Miêng và Nguyễn văn Thuyết (con BS Nguyễn văn Hòai) Huấn luyện viên thể thao thể dục.

II.CÁC VỊ GIÁO VIÊN TRƯỜNG NGUYỄN DU

 Danh sách các vị giáo viên đã phục vụ trong thời gian 60 năm( 1915-1975) trong ngành giáo dục cấp Tiểu Học, tại Tỉnh lỵ rất nhiều. Vì không có tài liệu chính xác, các vị giảng dạy trong thời điểm, niên học nào, lớp mấy và thời gian bao lâu, nên chỉ căn cứ vào sự hồi nhớ của các cựu giáo viên đã dạy học, hay đã dạy tại Biên Hòa. Do đó, chỉ ghi chép lại tên họ những thầy cô giáo với sự dè dặt thường lệ.

Theo bà Nguyễn Thị Đề, đã học lớp đầu tiên tại Trường Tiểu Học Biên Hòa, thì bà được biết hồi năm 1939, ngoài Trường Nam dạy cho học trò trai, đã có Trường Nữ dạy học trò gái chỉ đến lớp 3 thôi. Hiệu Trưởng là Bà Chu Thị Hằng, các giáo viên cộng tác phụ trách là:

 - Bà Nguyễn Thị Lượm (vợ ông Phú Thành Nên)

 - Bà Dương Thị Liên (vợ ông Trần văn Lô)

 - Bà Ung Thị Rời ( vợ ông Phạm văn Tiếng). Về sau Bà Rời là Hiệu Trưởng Trường Thêu, thế Bà Năng về hưu.

 Trong các thập niên đầu ( 1920-1940), Trường Nam Tiểu Học Biên Hòa dạy các lớp (theo chương trình Pháp cũ):

 - Cours Moyen 1 année ( Lớp Nhì năm thứ nhứt)

 - Cours Moyen 2 année ( Lớp Nhì năm thứ hai)

 -Cours Supérieur ( Lớp Nhứt)

 - Cours des Certifiés ( Lớp Tiếp Liên, đã đậu bằng Tiểu Học chuẩn bị thi vào Đệ Thất Trung Học Sài Gòn).

Các giáo viên lão thành đầy khả năng kinh nghiệm, dạy thời kỳ đầu này gồm các ông và bà:

 -Ông Lê văn Cần, Nguyễn văn Trình, Lê văn Chinh, Nguyễn Thành Dợt, Lê văn Thời, Nguyễn Thành Phách (cha BS Phước, Vũng Tàu), Nguyễn văn Kiên, Nguyễn văn Luông, Phạm văn Tiếng, ( cha anh Phạm Kim Ngôn- Không Quân, hiện ở Mỹ), Lê văn Lập, Nguyễn Thành Bỗ, Trương văn Hải, Trương văn Long ( sau làm Quận Trưởng), Đinh văn Sái, Nguyễn văn Cẩn, Nguyễn văn Ngũ, Nguyễn văn Ngói, Nguyễn Tấn Hưng, Huỳnh văn Tư ( sau làm Hiệu Trưởng Nguyễn Khắc Hiếu), Trần văn Lô, Đỗ cao Khoẻ, Nguyễn văn Thú, Bùi Quang Huệ, Trần văn Giáo……

 -Cô Bùi Thị Hữu, và bà Mỹ ( hiền nội ông Đỗ Hữu Quờn).

 Đặc điểm khó quên là Thầy Đinh văn Sái, dạy lớp Nhì năm thứ hai, luôn dùng đũa bếp phạt đánh trên lòng bàn tay của học trò phạm kỷ luật tại lớp, hay lười biếng.

 Từ đầu thập niên 1940-1950 đến 1954 (đổi tên là Nguyễn Du), tại Trường Tiểu Học Biên Hòa, đa số quý vị Giáo viên vừa kể nơi trước đều vắng mặt, với nhiều lý do khác nhau (về hưu,thuyên chuyển..)

 Niên học 1941-1942,Thầy Khoẻ dạy lớp Moyen năm thứ nhứt. Các Thầy Sái, Thầy Cần, Thầy Ngói, Cô Hữu thay phiên nhau dạy lớp Moyen năm thứ nhì, Thầy Hải , Thầy Long dạy lớp Nhứt ( Supérieur).

 Sau 1945, với biến cố Nhựt đảo chánh Pháp, và sau khi Pháp trở lại, Thầy Ngũ dạy lớp Nhứt, Thầy Tam dạy lớp Tiếp Liên ( 1947). Năm 1948, Thầy Tam được giữ chức vụ Hiệu Trưỏng. Từ năm 1952, với trận bão lụt năm Thìn, Thầy Trình, Cô Hữu dạy lớp Nhứt, và Thầy Thời ( người ăn chay trường) dạy lớp Tiếp Liên, có lối dạy riêng biệt: học sinh muốn giỏi về ngoại ngữ, nên chép vào sổ nhỏ danh từ mới, từ nhà tới Trường và lúc về phải học thuộc lòng 20 tiếng ( chữ) và ý nghĩa, lúc giờ chơi học 5 tiếng.

 Từ 1950, vì số học sinh tăng quá cao, ba Trường phụ nữa được thành lập( Ecole du quartier), gọi là:

 -Trường Nguyễn Khắc Hiếu ( xóm gần miễu Tân Lân) dạy tới lớp 3, do Ông Huỳnh văn Tư làm Hiệu Trưởng( cha anh Huỳnh Chánh Trung, Kỹ sư Dầu hỏa Pháp).

 -Trường Trịnh Hoài Đức ( gần quốc lộ 1), do ông Nguyễn Thành Phách làm Hiệu Trưởng

 -Trường Đồ Chiểu ( gần Kho xăng), Hiệu Trưởng là Ông Nguyễn văn Kiên, cô Nguyễn Thị Đề là giáo viên.

 Năm 1954, Trường Tiểu Học mang tên Pháp được đổi thành “Trường Nguyễn Du”, Hiệu Trưởng là Ông Hồ văn Tam. Từ niên học này, Trường Trung học Tư Thục Phan Chu Trinh, được thành lập gần Quốc lộ 1 đường đấp mới ngang Hãng Dầu, do quý vị Công Chức, nhà hão tâm quyên tiền giúp. Sau được dời lại Trường Trịnh Hoài Đức do Ông Phan Đình Mai làm Hiệu Trưởng. Thành phần Ban giảng huấn gồm cả các ông từ Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, dạy tới lớp Đệ Nhị Ban Tú Tài.

 Từ 1956, Trường Trung Học Công Lập đầu tiên NGÔ QUYỀN được thành lập. Cùng lúc, các trưòng bán công TRẦN THƯỢNG XUYÊN, Trường Kỹ Thuật TRẦN HƯNG ĐẠO, và Trường bán công tư thục KHIẾT TÂM (đia điểm gần nhà thờ Biên Hòa). Ngành giáo dục từ cấp Tiểu Học đến Trung Học tại Tỉnh lỵ Biên Hòa được phát triển mạnh từ năm 1950 đến 1975 với chương trình Việt ngữ.

 Trường Tiểu Học NGUYỄN DU BIÊN HÒA, mang tên Việt, dạy chương trình Việt từ 1954 đến nay, được các vị giáo viên mới tiếp tục công trình sự nghiệp của các bậc sư huynh thuở trước, dưới sự hướng dẫn của các ông Hiệu Trưởng HỒ VĂN TAM và NGUYỄN VĂN TRÌNH. Ngoài các giáo viên chuyên môn: ông Lê văn Mẫn ( dạy vẽ), bà Lê Thị Chước ( dạy thêu), ông Nguyễn văn Ty ( dạy đờn), các thẩy , cô giáo sau đây được thuật kể: các bà Nguyễn Thị Giếng, Hồ Kim Loan, Hồ Ngọc Thanh, Trần Ngọc Anh, Lê Thị Hạnh (sau đổi về dạy Trường Tôn Thọ Tường Sài Gòn), Nguyễn Thị Minh Công, Mã Thanh Thũy, Lê Kim Hoa, Huỳnh Thị Nết, Nguyễn Thị Quế, Đặng Tuyết Hoa, Trần Tuyết Châu ( em ông Chúc), Tăng Thị Tiết ( sau đổi về dạy Trường Nguyễn Thái Học Sài Gòn, cùng lúc với bà Nguyễn Thị Để), các ông Trần văn Lộc, Nguyễn Phước Hưng ( sau làm Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Tân Định Saì Gòn).

 Vài giáo viên miền Nam được Ban Giám Đốc Trường chọn dạy lớp Nhứt, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn ra, để dạy hầu hết học trò miền nam viết đúng chánh tả chữ Việt theo giọng Nam, để dự thi tuyển vào Đệ Thất. Những thầy miền Bắc thường đọc các tiếng mở đầu bằng “tr.,”r” thành “ch””s”, thí dụ: trớ trêu, trung trực, gà trống, đọc thành “ chớ chêu” “ chung chực”, “gà sống”. Âu cũng là một thói quen vì thời cuộc, nên tập theo,nghe viết đúng chữ.

 Để kết luận, tôi xin cảm tạ quý vị thân quyến hai gia đình ông Đốc Học Giỏi và ông Đốc Học Vĩnh, cùng vài vị giáo viên, cựu học sinh lão thành cung cấp tài liệu để viết bài này nơi hải ngoại, xin độc giả tha thứ nếu sai lầm. Riêng những người tạo dựng nhà nước, lập nghiệp hành nghề, có căn bản đạo đức, kiến thức giáo dục, dù ở trong chế độ cảnh huống nào, cũng cần nên giữ vững lương tâm chức nghiệp, binh vực giống nòi , bảo vệ quê hương. Đào tạo thế hệ tương lai, dù với phương tiện ngoại nhơn, văn chương hay ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật, để theo kịp đà tiến triển văn minh thế giới, đó là công trạng lớn nhứt của những ân nhơn đã đóng góp sự nghiệp giáo dục của Tỉnh Biên Hòa Đồng Nai. Do những nhà mô phạm khả kính đã hy sinh cả cuộc đời mình, để dạy trẻ nên người, từ tinh thần lẫn kiến thức…..

 Để kết thúc xin có cảm tưởng sau:

 

 NHỚ ƠN THẦY

Công đức sinh thành do mẹ cha Tuy học tiếng ngưòi giữ đạo nhà

Học rộng nên người, nghĩa Thầy ta, Dù sống tha hương, nhớ quốc gia

Dạy dổ văn chương và nhơn nghĩa Nhớ Thầy Cô quý, Sông , Đường cũ

Hiển đạt thành danh, hưởng vinh hoa. Mái trường Tiểu Học Tỉnh Biên Hòa.

 Hè Bính Tuất HousTon Texas

 22-07-2006

 TRẦN VĂN TRUNG ( PARIS)

 

 

Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Ba 20225:51 SA
Khách
Bài viết của ông rất hay muốn thu thập thêm nhiều hình ảnh và dữ liệu để làm một an bum ảnh về ngôi trường Này xin ông có thể cung cấp cho được không ah
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 5403)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 6943)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 4985)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3846)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
12 Tháng Chín 2021(Xem: 4742)
để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.