5:33 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

BIÊN-HÒA: Quê hương yêu dấu.-- Lê văn Đông.

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 15489)

.

cau_ganh_ve_dem-content 

 

Định cư nơi xứ người, hội Đồng hương thường tổ chức những buổi họp mặt Tất niên mỗi dịp Xuân về, tạo dịp qui tụ con dân tỉnh nhà hàn huyên, thăm hỏi lẫn nhau. Riêng tôi bỗng dâng lên niềm cảm xúc dạt dào, nhớ về quê hương yêu dấu: Biên Hòa của chúng ta. Lần theo những bước đi của tiền nhân, trong sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, tôi đã biết Biên Hòa với vinh dự là thành thị đầu tiên, đã được các đấng tiền nhân Triều Nguyễn thành lập ở miền Nam nước Việt.

Bằng cái nhìn thực tế, về quan niệm phát triển đáp ứng với đòi hỏi của sự lớn mạnh về lãnh thổ. Chúa Nguyễn Phúc Tần (còn gọi là Chúa Hiền) đã cho di dân vào khẩn hoang lập ấp trên vùng đất, xưa gọi là Thủy Chân Lạp (thuộc Cao Miên). Đến khi các quan quân nhà Minh, vì chống lại nhà Thanh nên chạy sang quy phục Chúa Nguyễn (là các tướng Trần Thượng Xuyên, Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch…), được Chúa cho vào khai khẩn vùng đất này. Trong vòng vài chục năm (từ 1658 đến 1698), vùng này đã trở nên trù phú.

Sử chép: Đây là thành phố đầu tiên được hình thành ở Nam Việt. Kể từ khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh Chúa Nguyễn, vào phần đất nối dài với Đàng Trong đặt nền móng hành chánh. Trước đó khoảng 30 năm (1668), vùng này nổi tiếng đông dân, thương thuyền các địa phương thuộc Đàng Trong và ngoại quốc tới trao đổi hàng hóa thường xuyên. Vào năm 1679, quan quân nhà Minh lưu vong được Chúa Nguyễn cho định cư, định canh lập nghiệp tại đây. Họ mở ra một thương cảng tại Cù Lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa). Cù Lao Phố là tên gọi tắt của chữ Hán “Nông Nại Phố - Giản Phố - Đông Phố”. Còn hai tên nữa là Cù Châu và Bãi Rồng. Tướng Trần Thượng Xuyên đã đặt tên cho thương cảng là Nông nại Đại Phố (còn gọi là Bàng Lân). Đây là thương cảng sầm uất bậc nhất phương Nam. Các thương thuyền các nước Tàu, Nhật, Mã Lai, Ấn Độ tấp nập ra vào buôn bán. Từ thương mại phát triển, sinh ra nhiều ngành nghề thu hút đông dân cư, đến từ các địa phương miền Nam Trung Việt. Các nghề thủ công nghiệp thịnh đạt, nhà cửa, chợ búa được lập ra, nông nghiệp phát triển.

Sách Đại Thanh Nhất Thống Chí mô tả: “Nhà mái ngói tường vôi, lầu cao, quán xá rộng rãi, san sát bên bờ sông dài đến 5 dặm. Có 3 loại đường xá rộng rãi, bằng phẳng lót đá trắng, đá xanh, đá ong…”

Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, ông đặt Tổng hành dinh tại Cù Lao Phố này, tiến hành xây dựng bộ máy hành chánh. Cù Lao Phố dần đi vào kỷ cương, nề nếp, dân sinh ổn định, ngày thêm đông đúc. Nông nghiệp tăng năng xuất, sản phẩm ngày càng phong phú. Các nghề truyền thống phát triển mạnh như: dệt chiếu, nấu đường, đúc đồng, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, gốm, mộc, tạo nên một thị trường hấp dẫn. Tại Tân Giám Bình Tự còn lưu dấu, nhiều nghề cổ truyền và hiện vật lưu lại, chứng tỏ một thời phồn thịnh cách nay hơn 300 năm ở Cù Lao Phố.

Cho đến những năm 1776 – 1779, các trận giao tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Gia Long đã tàn phá Cù Lao Phố. Nhà cửa đổ nát, đường xá bị đào xới, các nghề thủ công nghiệp tan tác. Thương thuyền ngoại quốc không dám đến, thương cảng sầm uất thành chiến địa tang thương!!! Đa số người Hoa giàu có chạy nạn về Bến Nghé, tập họp sinh sống gây dựng thành Chợ Lớn ngày nay.

Đến thời Nguyễn Gia Long thống nhất sơn hà (từ 1808), đã có 5 Trấn được thành lập ở miền Nam:

Gia Định Trấn hay Gia Định Thành.

Dinh Phiên Trấn hay Trấn Phiên An (Sài Gòn)

Dinh Trấn Biên hay Trấn Biên Hòa (gồm Biên Hòa và Bà Rịa).

Dinh Vĩnh Trấn hay Trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long).

Dinh Trấn Định hay Trấn Định Tường (Mỹ Tho).

Và từ 1834, thành lập Dinh Trấn Tây hay Trấn Tây Thành (gồm An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên).

Như thế, Biên Hòa của chúng ta đã có một bề dày lịch sử rất đáng khâm phục. Công lao đó là do mồ hôi và cả máu của Tiền nhân đổ xuống; trong quá trình xây dựng và phát triển nước Việt về phía Nam.

Biên Hòa trong thập niên 50-60, dưới con mắt của đứa trẻ vừa vàobậc Tiểu học không có gì to lớn lắm. Nhà tôi cạnh con sông Đồng Nai hiền hòa, dịu mát chảy lờ lững chuyên chở phù sa bồi đắp hai bờ. Thỉnh thoảng con sông cũng trở mình gào thét, dâng nước lũ từ thượng nguồn kéo về, gây nên cảnh lụt lội năm Thìn mà trong ký ức chúng ta vẫn còn nhớ. Thời thơ ấu của tôi đi từ những lớp vỡ lòng của các bà Soeur dòng Mến Thánh Giá, với các dãy nhà âm u nằm dưới những hàng cây rậm mát, cạnh ngôi giáo đường uy nghi lặng lẽ. Sang trường Nguyễn Du, ngôi trường tiểu học đầu tiên của Biên Hòa, gồm hai dãy nhà lầu cũ kỹ xây từ thời Pháp thuộc, với hai cây phượng già nở hoa đỏ rực mỗi khi Hè đến; về sau có thêm hai dãy lớp học với một sân cỏ ở giữa, dành làm nơi sân chơi và chào cờ mỗi sáng. Ký ức về thành phố lúc này chỉ là con đường Hàm Nghi, chạy dọc theo sông đến hai chiếc cầu gồm cầu Gành và cầu Rạch Cát. Đường quốc lộ 1 đưa các chuyến xe xuôi ra miền Trung, Cao Nguyên; nhà thủy tạ trước dinh Tỉnh Trưởng với những bãi cỏ xanh và bóng cây rậm mát thu hút rất nhiều cư dân trong những buổi chiều hè oi bức. Bên kia sông là những thôn xóm ẩn khuất sau những dãy cây xanh mờ, in hình núi Châu Thới, một núi đá chợt nổi lên giữa đồng bằng bình nguyên toàn ruộng rẫy.

Sau những năm học bình lặng bậc tiểu học, bước sang ngưỡng cửa Trung học với ngôi trường Ngô Quyền, được thành lập đầu tiên ở miền Đông Nam Việt. Những kiến thức đầu đời được thu thập ở đây. Thầy, Cô, bạn bè cũng sinh động khởi sắc trẻ trung trong sáng. Bằng vào chiếc xe đạp, tôi đã khám phá một Biên Hòa không nhỏ hẹp như mình tưởng. Dọc bờ sông qua khỏi dinh Tỉnh trưởng, đến khu chợ sầm uất ngày ngày nhóm họp bán buôn, từ sáng sớm tinh mơ cho đến chập tối. Cầu Đồng Nai nối nhịp dẫn về vùng Hóa An, Tân Bản với nhiều lò gạch, ngói, gốm, quanh co dẫn lên vùng Bửu Long, Tân Triều, Công Thanh, Tân Uyên… với những vườn bưởi ổi, bưởi Thanh nức tiếng khắp vùng. Ngôi Bửu Phong cổ tự trầm mặc nhìn xuống dòng sông Đồng Nai trôi lờ lững sáng bạc dưới ánh nắng ban mai qua những ruộng đồng xanh mát. Xuôi qua cầu Gành, Rạch Cát đến Cù Lao Phố; cái nôi hình thành nên xứ Trấn Biên năm nào. Chợ Đồn, Tân Vạn cửa ngõ ra vào thành phố, cùng với Nghĩa Trang Quân Đội uy nghi trầm mặc, nơi chôn cất những chiến sĩ anh hùng vị quốc vong thân.

Xa về hướng Bắc, con đường quốc lộ 1 dẫn ta xuôi ra miền Trung Cao Nguyên, qua hai xã phường tập trung đông đảo dân Việt di cư từ miền Bắc năm 1954, phát triển nhanh chóng thành địa danh Hố Nai, Tân Mai. Vòng về hướng Tây, khu công nghiệp Biên Hòa với những nhà máy đồ sộ hiện đại, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho cả nước.

Bằng vào sự phát triển qua bao năm tháng, Biên Hòa chúng ta xứng danh là thủ đô của các tỉnh miền Đông Nam Việt, nơi đô thị hóa đầu tiên trên đường mở nước của ông cha ta, là đầu tàu, căn cứ địa cho những đợt di dân ồ ạt về sau, hình thành một miền Nam nước Việt trù phú, hiền hòa trẻ trung…

Trong niềm hân hoan đón mừng mùa xuân mới, xin được thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các bậc Tiền nhân đã xây dựng và phát triển một Việt Nam nói chung và miền Nam thân yêu nói riêng, trong đó Biên Hòavẫn mãi mãi là một dấu ấn đậm nét trên con đường tiến hóa của dân tộc.

 San jose Đầu xuân Canh Dần 2010

 Lê văn Đông.

 

Phụ Lục:

1- Di Tích:

Biên Hòa ngày nay còn những di tích sau:

- Đền thờ Ngài Nguyễn Hữu Cảnh

- Đền thờ Ngài Nguyễn Tri Phương

- Đình Tân Lân thờ Đức Ông Trần Thượng Xuyên

- Mộ Ngài Trịnh Hoài Đức

- Đình Phú Mỹ

- Đình An Hòa

- Chùa cổ Đại Giác

- Chùa cổ Hòa Long (Xưa nhất miền Nam, xây cất năm 1664, do Tổ sư Thàn Nhạc từ miền Trung vào khai sáng).

 2- Du lịch:

- Núi Bửu Long, chùa cổ Bửu Phong (xây năm 1616) với thạch động Long Sơn.

- Thác Trị An

- Núi Châu Thới

- Các làng truyền thống chạm khắc đá

- Làng bưởi Tân Triều

- Làng vườn quận Long Thành (chôm chôm, sầu riêng…)

- Du lịch trên sông Đồng Nai

- Hồ nhân tạo có dáng vịnh Hạ Long thu nhỏ.


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2022(Xem: 5400)
Một vài chi tiết lịch sử, bổ túc cho con dốc tòa nên thơ nầy và cũng để tặng cho các tác giả: NghiemHai, Nguyễn Trần Diệu Hương và Người xứ bưởi.
14 Tháng Ba 2022(Xem: 6937)
đầy thú rừng và cây cối rậm rạp, mà các vị tiền nhân đã hy sinh, đổ lao nhọc vất vả kiến thiết dần thành khu Hố Nai trù phú hiện nay
01 Tháng Ba 2022(Xem: 4983)
Quê hương Biên Hòa, ngay tại trung tâm thành phố, có một di tích lịch sử; vừa thân thương
27 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3846)
Gốm Biên Hòa gắn với tên tuổi trường Mỹ nghệ Biên Hòa ngày càng được phổ biến trong mọi tầng lớp dân chúng.
12 Tháng Chín 2021(Xem: 4741)
để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt khi sống xa quê.